Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ bẩy, 21/12/2024 5:33

Người Việt ở Groningen

Ở Groningen - một tỉnh nằm trên vùng tây bắc của Hà Lan, có trên 200 Việt kiều đang định cư một cách yên bình, hạnh phúc.


 


Quán Sài Gòn ở Groningen

Định cư ở quê hương của cối xay gió - tỉnh Groningen - một địa phương mà theo  cách gọi của chúng ta hiện nay là vùng "khỉ ho cò gáy", còn Việt kiều ở Hà Lan thì hài hước gọi là "tỉnh Lào Cai" hay "tỉnh Lai Châu" gì đó, bà con Việt kiều ở đây tính đến nay đã sản sinh ra thế hệ thứ ba, tất cả đều mang quốc tịch Hà Lan. Phần lớn thế hệ thứ hai và thứ ba đều không nói được tiếng Việt. 

Dấu ấn Việt Nam

Công việc làm ăn, sinh sống của Việt kiều ở Groningen nhìn chung khá ổn. Ở khu trung tâm của Groningen có hai điểm kinh doanh khá thành công của người Việt. Một là quán chả giò mang tên Sài Gòn của bà L., hai là tiệm tạp hóa của cô Bích Nhung. Ở Groningen chưa có một tiệm phở nào, vì theo như bà con tâm sự, bán món này khá vất vả, số lượng Việt kiều thì quá ít trong khi người bản xứ lại quen dùng các món chiên (như khoai tây chiên chẳng hạn), có lẽ vì vậy mà bà L. chọn món chả giò để kinh doanh. Cuốn chả giò của quán Sài Gòn to và dài gấp đôi so với cuốn chả giò ở Việt Nam (chắc cho nó phù hợp với thể trạng của người châu Âu), giá niêm yết thấp nhất 1,10 euro và cao nhất là 2,40 euro/cuốn (tương đương từ 28.000 đồng - 60.000 đồng), một mức giá khá dễ chịu so với giá sinh hoạt đắt đỏ ở Hà Lan.

 

Quán chả giò Sài Gòn của bà L. lúc nào cũng có thực khách đến mua, công việc làm ăn nhìn chung phát đạt. Cách đó vài dãy phố là tiệm tạp hóa mang tên Bích Nhung. Bố mẹ của Bích Nhung là người miền Trung. Nhung được sinh ra trên đất Hà Lan nhưng nói tiếng Việt khá tốt, nhờ ý thức về cội nguồn từ bố mẹ, không muốn con mình "mất gốc". Sự hiện diện của quán Bích Nhung ngay tại khu trung tâm của Groningen là một câu chuyện hết sức thú vị.

 

Cũng giống như hầu hết các quốc gia khác ở châu Âu, Hà Lan bảo tồn khá tốt sự quy hoạch đô thị có từ mấy trăm năm trước. Do đó, nếu xuất hiện một khối kiến trúc lạ tọa lạc trong quần thể kiến trúc cổ, phải được chính Hội đồng thành phố xem xét và duyệt thì nó mới được tồn tại, chứ không phải muốn xây kiểu gì thì xây như ở Việt Nam. Tiệm Bích Nhung (đoạt giải nhì kiến trúc của Hà Lan năm 2000) được phép xây dựng ở khu trung tâm Groningen là trường hợp "độc nhất vô nhị",  không phải chỉ ở "tỉnh Lai Châu" này mà còn trên toàn lãnh thổ vương quốc Hà Lan.

 

Chuyện tình của Maria và Ngọc

 

Có một số người Việt ở Groningen kết hôn với người bản xứ, nhưng chuyện kết nghĩa phu thê giữa anh Ngọc với Maria nghe lãng mạn nhất. Anh Ngọc quê ở tỉnh Phú Yên, sau khi định cư ở Hà Lan, làm công nhân trong một công ty gốm sứ. Một ngày nọ sau khi tan sở trên đường về, anh nói với người tài xế xe buýt cho xuống trạm gần nhà nhưng ông tài xế, không hiểu vì lý do gì, làm ngơ trước lời đề nghị của Ngọc.

 

Ngay lúc ấy, thấy thương tình, cô Maria - một giáo viên người Hà Lan dạy tiếng Đức trong trường trung học đã giúp anh Ngọc xuống xe đúng nơi mình muốn. Đáp lại, Ngọc mời cô giáo Maria ghé nhà chơi để tỏ lòng biết ơn. Và thế là sau đó hai người yêu nhau rồi cưới nhau, hiện đã có 2 đứa con, 1 trai, 1 gái.

 

Hôm đến nhà thăm, tôi hỏi chị nghĩ gì khi cưới một người Việt Nam làm chồng, Maria cười bẽn lẽn nói đó là số phận, là duyên nợ, là ý của Chúa. Hai đứa con của Maria và Ngọc không nói được tiếng Việt nhưng Maria thì cố gắng tập nói được chút chút, phòng khi về Việt Nam tiếp xúc với bà con bên nhà chồng. Riêng Ngọc thì chú tâm vào công việc ở công ty, hiện anh đang phụ trách khâu pha chế men để ốp lên gạch. Gạch men của công ty anh Ngọc đã được người Mỹ mua để xây dựng toàn bộ phần bên ngoài trụ sở chính của hãng truyền thông CNN hiện nay ở New York. Anh Ngọc và cả chị Maria rất tự hào về chuyện này.

 

Nói là tỉnh "khỉ ho cò gáy" chỉ đúng về mặt địa lý thôi, chứ Groningen khá nổi tiếng vì tỉnh này là "làng đại học" của Hà Lan với 40.000 sinh viên theo học hằng năm vì những trường đại học danh tiếng của xứ sở hoa tulip đều tập trung ở đây. Ở đó, bà con Việt kiều đã và đang sống, làm việc, hòa nhập thực sự vào "quê hương thứ hai" nhưng tình cảm lúc nào cũng hướng về quê nhà bằng trái tim nồng ấm.

 

Đoàn Xuân Hải
(Thanh Niên)

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 04-06-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin