Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 2:15

Người Việt ở Lào

Trong Hội thi sơ khảo kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh Khu vực V dành cho người Việt Nam ở nước ngoài vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Minh Châu (60 tuổi) một cán bộ Hội người Việt Thủ đô Vientiane, CHDCND Lào trong phần thi của mình đã nói đến tình hình cộng đồng người Việt tại Lào. Ngay sau buổi thi, phóng viên Quê Hương (QH) đã có cuộc phỏng vấn ông.


Ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư
và bà Nguyễn Thị Doan, Phó Chủ tịch nước thăm trường Nguyễn Du, Lào

QH: Xin ông cho biết sự hình thành của cộng đồng người Việt ở Lào?

Ô. Minh Châu: Do địa lý Việt – Lào liền núi liền sông nên cộng đồng người Việt Nam ở Lào là một cộng đồng đông nhất trong các cộng đồng người nước ngoài ở Lào. Cộng đồng người Việt Nam tại Lào hình thành khá sớm, đã trải qua 4 thế hệ. Trong thời kỳ Pháp thuộc, một bộ phận dân các tỉnh miền Trung, miền Bắc đã sang Lào sinh cơ lập nghiệp. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954, một bộ phận người Việt đã ở lại định cư tại Lào. 

Hiện nay cộng đồng người Việt Nam tại Lào có khoảng 20.000 người, đa số sống ở Thủ đô và các thành phố lớn như Vientiane 5000 người, Champasac 5000 người, Savannakhet 3000 người, Khammuon 2000 người... Ngày nay số người Việt Nam tiếp tục được bổ sung.


Ông Minh Châu (bên trái) trong buổi đón ông Trương Tấn Sang
thăm trường Nguyễn Du, Lào

QH: Về đời sống kinh tế của cộng đồng người Việt tại đây ra sao, thưa ông?

Ô. Minh Châu: Được sự quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện của Chính phủ Lào, cộng đồng người Việt Nam ở Lào đã phát huy được bản chất thông minh, cần cù, khéo léo vốn có trong sản xuất kinh doanh. Nhiều kiều bào làm nghề kinh doanh, dịch vụ ở quy mô vừa và nhỏ. Khoảng 20% có thu nhập cao và làm chủ các xí nghiệp, xưởng may, xưởng tôn lợp nhà, nhà máy chế biến sắt, chủ trang trại…; khoảng 40% có mức sống trung bình; số còn lại đủ ăn, số nghèo ít.

So với dân bản địa thì nhờ cần cù và tiết kiệm nên cộng đồng người Việt Nam có cuộc sống khá sung túc trên đất bạn với thu nhập khá hơn so với người Lào. Những khu phố “cơm Việt”, “cà phê Việt”, “nhà hàng - khách sạn Việt”… đã trở nên nổi tiếng ở một số địa phương có đông người Việt sinh sống. Kinh doanh xuất nhập khẩu của người Việt ở đây cũng đạt nhiều kết quả. Nhiều doanh nghiệp kiều bào đã trở thành những đơn vị kinh tế chủ lực, đầu đàn của một số tỉnh, thành phố, có vai trò trong kinh tế xã hội địa phương và có nhiều hoạt động xã hội giúp địa phương xóa đói giảm nghèo, được các cấp chính quyền tin cậy và hoan nghênh.

QH: Xin ông cho biết đời sống tinh thần của cộng đồng người Việt ở đây?

Ô. Minh Châu: Bà con Việt kiều ở thủ đô Vientiane nói chung và ở các tỉnh có đông đảo bà con Việt kiều sinh sống như Parkse, Savannakhet, Luông Pha Băng… sống rất hòa thuận với bà con dân tộc Lào và các bộ tộc khác. Đặc biệt là rất đoàn kết trong cộng đồng và luôn hướng về quê hương, đất nước. Như bà con thường xuyên quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước gặp khó khăn, thiên tai, bão lụt với tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách. Các ngày kỷ niệm lớn của dân tộc, bà con luôn tổ chức hội họp và các hoạt động quảng bá phong tục tập quán cũng như bản sắc văn hóa Việt Nam.


Ông Minh Châu (bên phải) trao 10 triệu VNĐ của Hội người VN tại Vientiane
 ủng hộ đồng bào bị bão lụt trong nước thông qua UBNVNONN

Ở Thủ đô Vientiane có Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật Việt Nam của Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam dành cho cộng đồng người Việt ở Lào. Tại đây thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm… của bà con kiều bào và các đoàn nghệ thuật từ Việt Nam sang, cũng như các buổi giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa hai nước Việt – Lào.

Về vấn đề tín ngưỡng của bà con Việt kiều: Đại đa số bà con Việt kiều ở đây theo đạo Phật, số còn lại theo đạo Thiên Chúa và Tin Lành, nhưng dù theo tôn giáo nào bà con đều sống đoàn kết và đồng lòng hướng về Tổ quốc.

Hiện có khoảng 10 ngôi chùa thuần Việt trên đất nước Lào, tập trung chủ yếu tại các tỉnh Chămpasak, Savannakhet và Parkse.

Vientiane có một ngôi chùa mang tên Phật Tích đang được xây mới trên nền ngôi chùa cũ với vốn quyên góp từ bà con Việt kiều ở Vientiane và một số nước trên thế giới.


Bà con Phật tử Việt kiều chùa Long Vân, Chămpasak, Lào

QH: Người Việt Nam làm ăn sinh sống ở Lào khá đông, số người nhập quốc tịch Lào có nhiều không, thưa ông?

Ô. Minh Châu: Cộng đồng người Việt tại Lào gồm người Việt đã nhập quốc tịch Lào, những người sinh ra và sinh sống lâu đời tại Lào nhưng vẫn mang hộ chiếu VN. Và gần đây là những người Việt mới sang Lào để làm ăn như khai hoang trồng caosu do các doanh nghiệp VN xúc tiến trong vòng vài năm lại đây theo tinh thần hợp tác giữa hai chính phủ... Những “người Việt mới” này không nhập quốc tịch Lào nhưng có thời hạn lưu trú lâu dài. Trong những bà con Việt kiều thì khoảng 50% đã mang quốc tịch Lào, số còn lại vẫn mang quốc tịch Việt Nam.

QH: Về vấn đề dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng mình ra sao, thưa ông?

Ô. Minh Châu: Ở tỉnh, thành phố nào cũng có trường học của người Việt dành cho con em, nhưng đó chỉ là trường tiểu học. Lên cấp II các em lại chuyển sang trường Lào học. Vì vậy việc học tiếng Việt của các em cũng bị hạn chế.

Riêng ở Vientiane, Trường Tiểu học Nguyễn Du vừa mới được nâng cấp lên thành trường Trung học khang trang, sạch đẹp, hiện đại vào bậc nhất của Thủ đô Vientiane. Kinh phí xây trường được sự hỗ trợ của Nhà nước Việt Nam thông qua Quỹ Hỗ trợ Cộng đồng 500.000 USD và sự quyên góp của kiều bào Vientiane và kiều bào trên khắp thế giới. Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cũng tặng Trường số trang thiết bị trị giá 100.000 USD. Bắt đầu từ niên khoá 2008 – 2009 các cháu nhỏ ở đây đã có cơ hội học tốt hơn, đặc biệt là có điều kiện tốt để bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết của người Việt Nam.

QH: Ở mỗi tỉnh, thành phố Lào đều có Hội người Việt?

Ô. Minh Châu: Hiện có 9 Hội người Việt ở 9 tỉnh thành Lào. Tại các tỉnh và thành phố như Vientiane, Pakse, Savannakhet… đều có Hội người Việt Nam, hoạt động khá mạnh tại từng địa phương. Giữa các Hội thường xuyên có giao lưu văn nghệ, thể thao… Từng tỉnh hội đã có sự luân phiên tổ chức Đại hội Hội người Việt ở Lào hai năm một lần.


Các đại biểu tham dự Hội nghị giao lưu các Hội người Việt Nam tại  Lào lần thứ 3

Nhiều Hội đã tổ chức tốt việc dạy và học tiếng Việt cho con em, các hoạt động văn hoá, văn nghệ, hoạt động hướng về đất nước luôn được các Hội quan tâm duy trì thường xuyên.

Riêng ở Vientiane, Hội người Việt ở đây chia làm 10 Chi hội được phân theo địa bàn dân cư có nhiều người Việt sinh sống. Ngoài ra ở đây còn có những Câu lạc bộ hoạt động cũng rất sôi nổi như Câu lạc bộ đồng hương Xiêm Khoảng. Đặc thù của Câu lạc bộ này là chỉ giới hạn trong những người đồng hương Xiêm Khoảng cùng giao lưu, hỗ trợ nhau và để tăng cường tình đoàn kết giữa hai dân tộc Việt – Lào.

QH: Được biết ông đã nhiều lần đuợc gặp Bác Hồ, ông có thể kể về những lần gặp đó?

Ô. Minh Châu: Thuở còn thơ, ngay sau khi trở về Tổ quốc Việt Nam, tôi đã được dành cho một môi trường giáo dục rất cơ bản. Những năm tháng đó, ngoài việc được học văn hoá theo chương trình giáo dục phổ thông, tôi còn may mắn được sinh hoạt trong Câu lạc bộ thiếu niên khu Ba Đình – ngày nay là quận Ba Đình, ở 180 Quán Thánh, Hà Nội. Ở đó, chúng tôi được tập hát, tập múa… Do vậy, chúng tôi hay được phục vụ góp vui trong các dịp lễ lớn hoặc trong các cuộc tiếp khách của Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng, và tất nhiên, tôi đã nhiều lần được thấy Bác, nhưng ấn tượng nhất là hai lần được gặp Bác.

Một lần vào khoảng năm 1963, khi đó nhân dịp Vua Lào Xỉ-xa-vang Vạt-tha-na sang thăm Việt Nam. Tôi thấy Bác nói chuyện rất thân mật với Vua Lào mà không phải dùng đến phiên dịch. Lần nữa, khoảng năm 1962, trong buổi tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô German Titov, tôi thấy Bác nói chuyện với Anh hùng Titov cũng không cần qua phiên dịch. Khi đó, tôi nhận thấy Bác rất giỏi nhiều ngoại ngữ.

Về sau được đọc tập thơ “Nhật ký trong tù” của Bác, tôi càng khâm phục tài làm thơ bằng chữ Hán của Bác.

Noi gương Bác, trong cuộc sống tôi luôn trau dồi kiến thức, cố gắng tự học tiếng nước ngoài và nhờ đó đến nay tôi cũng nói được thành thạo 4 thứ tiếng để phục vụ cho cuộc sống hàng ngày.

QH: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Thuận Minh

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 03-12-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin