Học tiếng Việt ở Úc
Sinh viên người Việt tại Úc
Ưu tư
Tại Úc, trong đó có tiểu bang Victoria, cứ vào mỗi ngày thứ Bảy hoặc Chủ nhật, trừ những ngày trùng với các ngày nghỉ giữa học kỳ (term break) hoặc nghỉ cuối năm (holiday), tại những khu có đông người Việt, người ta thấy nhiều học sinh cắp sách đến các trường tiếng Việt.
Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn bề ngoài với cảnh cả trăm em nô đùa ngoài sân chơi hoặc cặm cụi trong lớp học tiếng Việt ở bất kỳ trường tiếng Việt nào ở Úc thì người ta dễ có cảm tưởng là tiếng Việt vẫn tiếp tục khởi sắc và được kế tục, lưu truyền một cách tự nhiên và êm ả.
Và nếu chỉ nhìn theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa" đó thì người ta dễ tin rằng văn hoá Việt và các giá trị Việt vẫn và sẽ tiếp tục sống hùng, sống mạnh nơi thế hệ con em người Việt ở nước ngoài. Nhất là nếu chỉ tham dự những buổi lễ kết thúc năm học hoặc các dịp sinh hoạt lớn nhỏ khi các em nhận quà thưởng, hoặc đọc những bài cảm ơn thầy cô, cha mẹ v.v... bằng tiếng Việt đôi khi được phát âm và bỏ dấu một cách khá... thoải mái!
Cảm nhận ban đầu đó có chính xác không? Hoặc chính xác tới mức nào?
Thực ra, đằng sau vẻ hùng mạnh, khởi sắc đó là nỗi ưu tư, nếu không muốn nói là lo âu của nhiều người, trong đó có các thầy cô dạy tiếng Việt, những người đang cố gắng đến mức tối đa để ươm trồng hạt giống Việt vào tâm hồn của con em người Việt ở nước ngoài.
Khi phát biểu "đa số các em không muốn học tiếng Việt", thầy Hiệu trưởng Lê Văn Thanh đã nói lên một thực trạng mà có lẽ nhiều người ở nước ngoài đều đã biết. Khi nói lên thực tế đáng báo động đó để kêu gọi mọi người chung tay góp sức giải quyết vấn đề, ông Thanh cũng khẳng định gia đình đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc duy trì và phát triển ngôn ngữ và văn hoá Việt.
Tiếng Việt: Ngôn ngữ thứ hai
Tại Úc, các trường hoạt động từ thứ Hai tới thứ Sáu và dạy đủ các bộ môn, từ toán, khoa học, tiếng Anh, tiếng cộng đồng (ví dụ tiếng Việt, Ý, Pháp, Nhật) v.v... theo chương trình quy định của Bộ Giáo dục tiểu bang được gọi là trường chính mạch (mainstream). Trong khi đó, những trường hoạt động khoảng 2,5 hoặc 3 tiếng đồng hồ vào các ngày thứ Bảy hay Chủ nhật và thường chỉ dạy ngôn ngữ và văn hoá cộng đồng thường được gọi là các trường ngôn ngữ (language school).
Ở Úc, tất cả những ngôn ngữ không phải là tiếng Anh đều được gọi chung là tiếng cộng đồng (community language) và các trường đều có dạy môn LOTE (Language Other Than English - Ngôn ngữ không phải là tiếng Anh). Tuỳ từng vùng và nhu cầu của phụ huynh, LOTE có thể là tiếng Ý, tiếng Việt, tiếng Hoa, tiếng Pháp v.v...
Trong khi ở trường chính mạch, học sinh thuộc đủ mọi nguồn gốc thì tại các trường ngôn ngữ, có thể nói toàn thể học sinh đều là con em của cha mẹ nói ngôn ngữ đó và giáo viên cũng là người nói ngôn ngữ đó. Ví dụ như cha mẹ người Việt thì con em sẽ học ở trường tiếng Việt, người Hoa thì học tiếng Hoa v.v..., còn giáo viên thì là người nói ngôn ngữ được giảng dạy ở trường (native speaker).
Tuân thủ chính sách đa văn hoá và đa ngôn ngữ, Chính phủ Úc ở cấp tiểu bang hay liên bang, cũng đều tích cực hỗ trợ và giúp đỡ tối đa cho sự tồn tại và phát triển của những trường này.
Giáo viên và học sinh
Ở Úc, ngoại trừ số ngày nghỉ của giáo viên nhiều gấp 2,5 hoặc 3 lần ngày nghỉ của công nhân viên chức (thầy cô trung bình nghỉ 12 tuần/năm), lương giáo viên các trường chính mạch nói chung và điều kiện làm việc cũng tương tự như những ngành nghề khác, tức cũng được hưởng chế độ bảo hiểm sức khoẻ, y tế, lương hưu v.v...
Thế nhưng, điều kiện làm việc và điều được gọi là "lương" của các trường ngôn ngữ thì hoàn toàn khác. Nói cho đúng thì tất cả các các thầy cô những lớp thứ Bảy hoặc Chủ nhật đều là những tình nguyện viên dạy học chỉ với tấm lòng yêu quý trẻ, lo lắng cho tương lai của ngôn ngữ và văn hoá Việt nơi xứ người, chứ "lương" chỉ đủ đổ xăng đi dạy mà thôi! Thầy cô vất vả một thì hiệu trưởng, người đứng đầu trường, lại vất vả hai, ba. Ấy thế mà bao người vẫn cặm cụi làm từ tuần này sang tuần khác, năm này sang năm khác từ bao nhiêu năm nay mà không hề nề hà, quản công.
Chính tấm lòng với quê hương, đất nước, cũ và mới, đã là một trong những động lực chính nâng đỡ các tình nguyện viên này vượt qua bao nỗi khó khăn.
(Theo Lao động)
Các tin liên quan:
- Nuôi dạy con ở hải ngoại (07-01-2009)
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
- Người Việt ở Lào (03-12-2008)
Cập nhật 19-12-2008