Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga
Công nhân của một xưởng may người Việt tại Nga đón Tết
Và càng gần đến ngày Rằm tháng Chạp thì cảm giác Tết Nguyên đán đã náo nức lắm rồi. Những đoàn ca nhạc do các Công ty, các Trung tâm thương mại tài trợ đã đáp máy bay sang biểu diễn tại rạp Kômxômôn có sức chứa 2700 chỗ, rồi sau đó chạy xong dăm sô ở các ốp để kịp quay về phục vụ bà con nội địa.
Thời đó, ốp nào cũng đua nhau in lịch để phát cho các cư dân trong ốp. Túi quà Tết bao giờ cũng có đôi bánh chưng, quyển tạp chí cây nhà, lá vườn và hộp mứt xanh xanh, đỏ đỏ. Các nhà hàng thì bận rộn lên lịch thu xếp các đơn đặt hàng của các Hội đồng hương, các doanh gia, các gia đình gọi đến đặt chỗ tơi tới. Các đại gia, thửa những cành đào vương giả giá hàng chục triệu đồng, bọc ni lông trông to như những lùm cây, chở thảng từ Nhật Tân, Phú Thượng sang Matxcơva.
Năm nay thì không khí đó đã chùng xuống như võng. Chừng giữa tháng mười, giá vé máy bay vọt lên tới đỉnh bốn chục ngàn hai chiều, tương đương một ngàn sáu trăm đô và hứa hẹn còn lên nữa. Nhưng đến cuối tháng 11 thì chững lại và quay đầu chỉ còn hai mươi bảy ngàn, báo hiệu số người về nước giảm đi trông thấy. Có nhiều lý do, nhưng hai nguyên nhân chính được thấy rõ nhất, đó là cơ quan quản lý người nước ngoài nhập cư FMS đã phanh côta lại, chỉ cấp số lượng khoảng một nửa so với năm ngoái. Điều đó có nghĩa là sẽ chẳng còn bao lâu nữa, ở Nga chỉ có một nửa số người Việt hiện đang còn cư trú là hợp pháp! Người ta sợ về Tết, sau đó sẽ không có visa trở lại, hoặc là những người muốn về, nhưng hết hạn visa.
Còn nguyên nhân thứ hai rỗ mồn một, đó là hơi lạnh của cơn bão khủng hoảng đã tạo nên một sự biến hữu hình tới toàn bộ đời sống xã hội Nga. Người Việt ta bị ảnh hưởng khá nặng nề. Nguồn sống chủ yếu của người Việt là trông vào sự nghiệp kinh doanh chợ búa. Chỉ nội trong vòng một tháng, sức mua giảm tới ba chục phần trăm, đồng đôla trượt giá từ 24 rúp tới gần 29 rúp. Giá thuê nhà ở tăng lên theo chiều thẳng đứng. Nhân đây cũng muốn nói rằng, có tới hơn 95% người Việt tại Nga sống thuê căn hộ, chỉ một số ít là các tướng lĩnh kinh doanh hoặc một số người do may mắn có được nhà ở riêng. Giá căn hộ một buồng nếu lấy năm 2000 làm chuẩn, thì đến nay cao gấp sáu lần. Căn hộ hai buồng thời vàng son ấy chỉ có chưa đầy hai trăm đô một tháng, còn bây giờ dưới ngàn hai trăm đô thì xin đừng có hỏi đến.
Giá thực phẩm thì lên từng tuần, thậm chí từng ngày. Đổi một tờ trăm đô ra chợ, sau một loáng là chỉ còn xu lẻ. Trừ một số hàng nông sản chủ yếu ra, nước Nga thời nay, thượng vàng, hạ cám đều nhập ngoại. Matxcơva có tới 120 siêu thị to cỡ Metrro, còn hạng tầm tầm thì có tới cả ngàn. Hàng hóa tràn ngập, vào siêu thị có thể mua được từ chiếc kim khâu, đôi tất đến xe hơi, có đủ cả hàng ăn Tây Đông, Âu Á, nhưng giá thì luôn ở tận trên trời.
Các ông chủ may mặc mấy tháng trước cưỡi những con xe ngoại bóng lộn, nói to, đi dứng oai vệ vì hàng bán chạy ào ào; nhưng vào cữ gần Tết thấy nói năng khiêm nhường hơn và khuôn mặt đầy vẻ đăm chiêu. Hỏi ra mới biết là giữa thángng 12 rồi mà Matxcơva vẫn không có tuyết, hàng chuẩn bị cho mùa đông vẫn còn chất đống, mặc dù đã ra đủ chiêu khuyến mại. Mọi người vẫn còn chờ tuyết xuống cuối tháng theo dự báo của khí tượng Thủ đô. Hàng núi áo kurtka, áo dạ, mũ len vẫn trơ gan cùng tuyết băng và tuế nguyệt!
Nhưng bất chấp lạm phát, bất chấp hàng hóa ế ẩm, bất chấp sự biến động vô lường của thời tiết Nga, trong lòng những người Việt tha hương một mùa xuân đang đến.
Ở chợ Vòm, nơi hàng ngày có tới hơn ba trăm ngàn khách đến mua bán, tại các khu vực bán hàng Tết, người đông tấp nập khác thường. Khách người Nga và các nước khác qua đây là để ngắm nghía, còn dân phương Đông, những nước ăn Tết theo nguyệt lịch, thì đến dốc tiền chuẩn bị sắm đồ năm mới.
Các thương lái hiện đại của Tàu với con mắt maketing nhanh nhạy đưa sang Nga đủ các thứ tối cần thiết, bán rất chạy như cành đào giả, lịch in trên mành, túi lì xì, các câu đố, các đại tự , các đồ âm phủ bắt mắt phù hợp với tín ngưỡng Việt nam, Triều Tiên và người Trung Hoa nhập cư. Khỏi cần lượn nhiều nơi, chỉ cần dừng lại trước một quầy là về cơ bản đã sắm đủ cho gia đình những vật phẩm của một cái Tết xa quê.
Vào ngày ông Táo chầu giời, nhà nhà đều mua hoặc là một đôi cá chép thật, loại mỗi con chừng nửa ký, biện mâm xôi gà, cúng xong mang ra sông thả; còn những người ở xa, mua cá mang về lích kích thì thửa lấy một đôi lý ngư Tàu trang kim đẹp như tranh để thắp hương và hóa vàng cùng kim ngân đồ cúng.
Điều kỳ lạ nhất ở Nga là từ cô cậu sinh viên, anh thợ lao động, đến các doanh gia, trí thức, công chức, cán bộ, ai ai và nhà nào cũng có bàn thờ. Người có điều kiện thì sắm bàn thờ tận đường La Thành sang, sơn son, thếp vàng rồng phượng; người bình thường thì thuê thợ mộc đóng bàn thờ gỗ, kích thước phụ thuộc vào điều kiện nhà ở; người đơn giản thì đặt lên nóc tủ, hoặc bàn con. Những ngày sóc vọng, nhất là ngày tất niên, giao thừa, nhà nhà khói hương thờ cúng.
Matxcơva có múi giờ cách Hà nội bốn tiếng. Khi ở Việt nam mười hai giờ đêm ngày ba mươi, thì lúc đó Matxcơva là tám giờ tối, điểm giao thừa. Cách thức cúng giao thừa của người Việt ở Nga rập khuôn theo phong tục của quê hương. Mâm cơm giao thừa có bóng, nem, giò chả và tất nhiên là không thể thiếu bánh chưng. Thời xa vắng, bánh chưng được coi là đặc sản, là của hiếm, bởi vì rất ít người mang theo được từ máy bay sang. Nhưng đã gần chục năm nay, người Việt đã chở lá dong, nếp, đỗ, lạt giang từ trong nước sang và tự gói lấy. Bánh chưng ngày thường thì biết được xuất xứ của nó, nhưng bánh ngày Tết thì khó phân biệt được ở trong nước đưa sang hay là tự biên, tự diễn, vì cũng lá dong xanh, nhân đậu đỗ, thịt, hành và đun chin rền như thợ bánh chợ Hôm nấu vậy.
Đêm giao thừa, tại các khu ký túc xá của người Việt pháo nổ rực trời. Pháo Tàu bày bán ở các quầy hàng ngoài chợ Vòm đủ các cấp độ, từ loại hai trăm đô cao cấp đến loại xoàng đô rưỡi. Thanh niên đốt pháo hoa thăng thiên, pháo đùng, pháo tép nổ râm ran đến tận khuya. Nhiều sinh viên rủ nhau lên đồi Chim sẻ, ở đó thanh niên các nước khác tụ tập nhảy múa, reo hò, đốt pháo, mở sămpanh, đón Tết theo kiểu của giới trẻ.
Sáng ngày mống một Tết, hầu như gia đình nào cũng chọn người xông đất, sau đó đến thăm và chúc mừng người thân. Tuy thế có gia đình vẫn dẹp Tết sang một bên, ra chợ mở hàng lấy ngày, rồi mới trở về làm thủ tục với tổ tiên. Còn đại đa số dân tình chọn cách xả hơi, ngủ thật đẫy, bù lại 364 ngày thức khuya, dậy sớm.
Cánh sinh viên thì rủ nhau đi pichnich, tập trung tại các câu lạc bộ, nhà hàng do đơn vị các trường tổ chức. Họ biểu diễn văn nghệ, diễn trò và ăn uống. Số anh em ở gần khu Ngoại giao Akađemitrecxkaia, đôm 5 cũ thì đến tượng Bác đặt hoa, sau đó rủ nhau về Emeral, nhà hàng Nems, ngồi nhâm nhi, đàm đạo.
Dù eo hẹp vô cùng về tài chính, nhưng một số nhóm cán bộ, trí thức ở MGU và Viện Hàn lâm vẫn duy trì truyền thống mời những người Nga nói tiếng Việt cùng ăn Tết. Gần năm chục người Nga nghiên cứu, phiên dịch, giảng dạy Tiếng Việt được mời đến nhà hàng Nems thưởng thức những món ăn dân tộc Việt Nam, kể lại kỷ niệm sâu sắc về những cái Tết mà họ được đón ở Hà Nội.
Mọi người Việt ở Matxcơva đều đón xuân sang, đều có một cái Tết ấm cúng, nhưng nhiều công nhân may mặc, xây dựng thì vẫn quá xa vời với Tết.
Số công nhân may mặc và xây dựng hiện có khoảng chục ngàn, đều do những ông chủ Việt tuyển dụng sang và quản lý. Họ sống quá xa Thủ đô, các phương tiện thông tin hầu như không có. Có những người suốt ba, bốn năm chưa ra khỏi hàng rào của xưởng, của khu xây dựng, không hề biết lấy một chút gì xã hội Nga. Lắm chủ xưởng dành toàn bộ tâm lực cho việc kinh doanh kiếm tiền, quên bẵng đi rằng, công nhân cũng là người lao động, cần có một cuộc sống và những sinh hoạt tinh thần, hàng năm, sáu tháng trời không phát lương cho họ, không hề cải thiện chỗ ăn, chỗ ở cho họ và cấm đoán họ đủ điều. Phần lớn, họ được đón Tết bằng một bữa ăn tươi hơn ngày thường một chút, nghỉ một ngày, sau đó lại chúi đầu vào công việc thường nhật.
Tuy vậy cũng có những chủ xưởng rất quan tâm tới công nhân. Số công nhân của những ông chủ phúc đức này được nhận lương đúng kỳ hạn, có được thời gian nghỉ ngơi, được đi tham quan thành phố, có liên hoan và quà ngày Tết, được xem tivi Việt Nam biết được các tin tức thời sự quê nhà.
Mặc dù chỉ nghỉ một, hai ngày, sau đó người thì đến công sở, người thì tiếp cuộc hành trình chợ búa, nhưng không khí Tết ở Matxcơva còn kéo dài. Cứ mỗi khi có người trong nước sang, lại mang theo quà Tết, và câu chuyện Tết quê hương vẫn râm ran bên ấm nước chè.
Nguyễn Huy Hoàng
(Theo mekongnet.ru)
Các tin liên quan:
- Tôi đến với nước Nga trong tuyệt vọng và trở về Việt Nam trong niềm hạnh phúc (21-11-2008)
- Cô Hiệu trưởng tâm huyết với học sinh Việt Nam (21-11-2008)
- Khó khăn đang dàn trải trước mặt đối với tân Tổng thống (19-11-2008)
- Thêm một “món ăn” tinh thần cho kiều bào xa quê (14-11-2008)
- Người Việt nối vòng tay trên đảo quốc sư tử (14-11-2008)
- Lập nghiệp ở Myanmar (05-11-2008)
- Gieo chữ Việt nơi xứ tuyết (04-11-2008)
- Đến thăm nơi người công nhân Việt được quan tâm (03-11-2008)
- Tuổi già tha hương (26-09-2008)
- Người gốc Việt đối phó bão Ike (25-09-2008)
Cập nhật 29-12-2008