Nuôi dạy con ở hải ngoại

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa
Dạy cho con nói được tiếng Việt trước khi đến trường
Các phụ huynh ở Mỹ có khuynh hướng sợ con cái của mình không biết nói tiếng mẹ đẻ chứ không hề ngại rằng chúng sẽ bị dở tiếng Anh nên những năm đầu đời đứa trẻ phải tự thích nghi với hai nền văn hóa cùng một lúc: ngoài tiếng Việt do ông bà và cha mẹ truyền đạt, chúng còn tự học thêm một ít tiếng Mỹ từ game hoặc tivi mỗi ngày!
So với một đứa bé sinh ra ở VN, khả năng nói và tiếp thu của trẻ sinh ở Mỹ có phần chậm hơn vì bị phân tâm bởi nhiều ngôn ngữ hình thành cùng một lúc trong đầu óc non nớt của chúng. Nhưng qua được giai đoạn này, trẻ sẽ có thể nói khá trôi chảy hai sinh ngữ khi vào lớp 1. Điều đó cũng nói lên được việc nuôi và dạy con của các phụ huynh ở hải ngoại đã khá vất vả ngay từ những năm đầu tiên trẻ mới chào đời.
Những khác biệt giữa Đông và Tây
Khi con vào cấp I, cha mẹ phải đối diện với những nghịch lý hết sức nan giải, nó đi ngược lại với những gì mà người VN thường hay cho rằng “Thương con là cho roi cho vọt”. Nếu con bạn buổi sáng đến lớp với vết bầm trên tay chân, cô giáo sẽ hỏi cho ra lẽ và nếu bạn đã vì thương mà lỡ tay thì cô giáo sẽ mời bạn vô trường để dạy cho cách dạy con theo kiểu Mỹ!
Nhà trường của Mỹ không dạy con cái của chúng ta theo triết lý sống của Khổng Tử lấy chữ hiếu thờ cha kính mẹ là nền tảng đạo đức của một con người. Chúng không được dạy phải biết yêu kính cha mẹ lúc còn nhỏ và báo đáp công ơn cha mẹ khi đã thành nhân. Đó là sự khác biệt quá lớn giữa Đông và Tây mà khó có người VN nào có thể chấp nhận được.
Ảnh hưởng của nền văn hóa Mỹ ở lứa tuổi thanh thiếu niên
Đến tuổi con trẻ vào trung học, bạn mới thật sự đau đầu vì những điều chúng hấp thụ từ nhà trường và bạn bè Mỹ. Nhìn cảnh các học sinh nam nữ âu yếm nhau ở nơi công cộng khiến bạn vô cùng “dị ứng” và không khỏi ngán ngẩm khi thấy các nữ sinh vô tư vác bụng bầu đi học mỗi ngày! Là bậc cha mẹ, chúng ta không khỏi lo âu khi thấy cảnh đạo-đức-suy-đồi này nhưng bên đây được coi là một trong những quyền tự do mang tính nhân bản của con người!
Trước sự việc trên, các bậc phụ huynh chỉ còn biết lựa lời vừa khuyên răn vừa hù dọa để bọn trẻ phải biết nghĩ đến tương lai sự nghiệp trước khi mọi việc đáng tiếc xảy ra vì những nông nổi nhất thời.
Khi trẻ đến tuổi thành niên
Tuổi 18 ở Mỹ, trẻ con đã hoàn toàn có quyền định đoạt cuộc đời của chúng! Lúc này cha mẹ Mỹ xem như đã hoàn tất nghĩa vụ đối với con cái, chuyện bọn trẻ có muốn ở lại nhà hay dọn ra sống với bạn trai hay bạn gái đối với họ hết sức bình thường. Họ quan niệm nuôi con là được nhìn thấy chúng tự biết vươn lên bằng chính thực lực chứ không phải nhờ cậy vào bất kỳ một ai để tồn tại khi đã thành nhân.
Trái lại, người VN lúc nào cũng nghĩ con mình bé bỏng như ngày nào, dù bây giờ chúng đã là chàng trai hay cô gái ở tuổi đôi chín. Họ vẫn cứ muốn dang tay ôm lấy con vào lòng, che chở bảo bọc cho con bằng tất cả khả năng của họ. Không biết đây là điểm tích cực hay tiêu cực của phụ huynh Việt so với cha mẹ Mỹ, nhưng chính nhờ yếu tố này mà tình gia đình của người Việt thường sâu đậm hơn so với dân bản xứ!
Khi con cái đã có gia đình và cuộc sống riêng
Lúc này các bậc phụ huynh một lần nữa lại giúp đỡ con cái nuôi nấng và dạy dỗ cháu nội, cháu ngoại để tiếp tục gìn giữ một giềng mối gia đình. Đó là một việc làm tưởng như dễ dàng nhưng đôi khi cũng gặp đầy mâu thuẫn và đối kháng từ nhiều phía. Nhưng các bậc làm cha mẹ vẫn cố gắng trong mọi khả năng của mình để chọn lọc, kết hợp và phát huy những tinh hoa giữa hai nền văn hóa đang song hành nhằm duy trì một truyền thống gia đình VN tốt đẹp trên xứ người.
Đây là một việc làm rất cao quý và đáng được trân trọng, giúp cho người Việt có được bản sắc riêng mà không bị đồng hóa bởi một dân tộc nào cả mặc dù người VN hiện đang định cư rải rác trên toàn thế giới ước tính lên đến hơn 3 triệu người.
Theo Thủy Nguyễn/ Tuổi Trẻ
Nuôi dạy con cũng giống như công việc của một nhà nông gieo hạt giống xuống đất, rồi bón phân, tưới nước chăm sóc để mong có ngày được nhìn thấy cây xanh, trái ngọt trĩu oằn... Đó là công việc vất vả của cả một đời người trồng cây. Nuôi dạy con ở hải ngoại cũng khó khăn như một nhà nông gieo hạt giống xuống một vùng đất mình chưa hề trải nghiệm canh tác lần nào nhưng vẫn mong mỏi có ngày được thấy trái ngọt đầy cành... Do đó người nông dân này phải gia công gấp đôi gấp ba so với lúc được trồng trọt trên mảnh đất đã chuyên canh. Nuôi dạy con dẫu ở hải ngoại hay tại quê nhà cũng như một nhà nông dù trồng cây trên bất kỳ vùng đất nào cũng muốn được những quả tốt tươi tuy phải trải nhiều cam go và thử thách... Thiết tưởng đây cũng chính là tâm nguyện của tất cả phụ huynh VN với niềm mong mỏi con cái luôn nhớ rằng chúng vẫn mang dòng máu Lạc Hồng trong người, dù mai này có sống bất kỳ ở đâu và làm bất cứ việc gì đi nữa trên đời. |
Related news:
- Du học sinh Việt Nam tại Paris ăn mừng chiến thắng (30-12-2008)
- Việt kiều đổ về nước làm ăn (29-12-2008)
- Tết mùa lạm phát của người Việt ở Nga (29-12-2008)
- Cuối tuần đi “chợ Đồng Xuân” ở Berlin (26-12-2008)
- Người Việt tại Nhật có thể được nhận tiền từ gói kích cầu (23-12-2008)
- Học tiếng Việt ở Úc (19-12-2008)
- “Người phụ nữ hoàn hảo” của Le Trung (17-12-2008)
- Món Việt ở xứ sở của “chú lính chì” (11-12-2008)
- Ảnh hưởng chính trị của người Mỹ gốc Việt ngày càng gia tăng ở quận Cam (Mỹ) (08-12-2008)
- Người Việt ở Lào (03-12-2008)
Last modified 07-01-2009