Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Chủ nhật, 27/04/2025 3:31

Ô Quan Chưởng

May mắn cho phố cổ Hà Nội còn sót lại một Ô Quan Chưởng. Cửa ô là nơi nội thành tiếp cận với ngoại thành.

 


Ô Quan Chưởng

 

Do đó, ca dao xưa mới có câu:


Ở đâu năm cửa chàng ơi

Sông Nhĩ Hà mấy khúc nước chảy xuôi một dòng!


Đó là câu đố về Hà Nội. Năm cửa tức là năm cửa ô. Cho đến đầu thế kỷ Hà Nội vẫn còn năm cửa ô. Đó là Ô Cầu Giấy, Ô Cầu Dền, Ô Chợ Dừa, Ô Đống Mác và Ô Quan Chưởng... Bốn cửa ô kia đã bặt tăm bóng dáng. Chỉ còn một Ô Quan Chưởng. Có ô chắc phải có cửa. Thành quách ngày xưa thường có 3 lớp: lớp thành ngoài cùng đắp bằng đất... Đấy là thành của phố, phường dân chúng, là nơi bảo vệ vành ngoài. Sau đó tầng thành thứ hai là hoàng thành, và lớp cuối cùng là nơi vua và các đại thần đến để làm việc gọi là Tử Cấm Thành. Mỗi vòng thành đều có cửa cả. Về Ô Quan Chưởng, sách của cụ Hoàng Đạo Thuý "Người và cảnh Hà Nội" đã ghi:


"Song song với Hàng Đậu là Hàng Khoai. Dưới chợ là Phố Mới; đầu phố, chỗ gần bờ sông có cửa Ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà), còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, tên Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú khi Francisco Garnier đánh thành thì một ông Chưởng Cơ, cùng một trăm chiến sĩ, đã giữ cửa này đến người cuối cùng!


Quả như vậy thì đây là nơi mà đáng lý phải ghi biển chiến công. Nhưng Hà Nội với trận tử chiến cùng quân Pháp của Nguyễn Tri Phương oanh liệt quá mà chiến công ở đây bị sử sách quên ghi mất chăng...


Cuốn "Đường phố Hà Nội" của các ông Nguyễn Vinh Phúc và Trần Huy Bá thì đưa ra ba giả thuyết cho rằng cửa ô có từ cuối đời Lê... và lại căn cứ vào sách Cương Mục ghi rằng thời Mạc đã có phường Đông Hà, bởi vì trên đỉnh Ô Quan Chưởng còn có 3 chữ "Đông Hà môn"... Nhưng liệu cái "Đông Hà môn" thời nhà Mạc ấy, có đúng là Ô Quan Chưởng hiện nay, i xì như thế không, thì hai ông cũng không giải thích...


Cổng thì có tên là cửa Đông Hà mà dân thì cứ quen gọi là Ô Quan Chưởng..., vậy là cái tên Ô Quan Chưởng là dân phong; và cái ông Quan Chưởng này chắc hẳn được dân yêu thì mới đặt tên cho... Cho nên, tôi cứ nghiêng về thuyết cụ Hoàng Đạo Thuý...


Tôi đã nhiều lần đi lại dưới vòm cổng Ô Quan Chưởng, có lúc ngắm cổng từ Hàng Buồm, Hàng Chiếu là ngắm từ phía tả, xế về Hàng Buồm, thuở còn nhà cửa lúp xúp, là nhìn từ phía hữu, tuy có bị che chắn nhưng cũng thấy được cái vòm cổng xa xa... nhất là khi ráng chiều đổ xuống, vương vàng trên tán cây thì cái dáng Ô Quan Chưởng vừa oai, lại có một chút gì bùi ngùi, vương vấn... Ô Quan Chưởng gắn liền với chợ Bắc Qua, chợ Đồng Xuân; với chợ Gạo... Trước đây ở sát gần Ô Quan Chưởng còn có mấy cửa hàng nâu... Hẳn là từ phía Phú Thọ-Yên Bái-Tuyên Quang, cập bến sông Hồng, rồi đưa lên đây bán...


Cửa ô là nơi chân quê, những người sơn cước lần đầu tiên vào thành phố chạm trán với kinh thành. Qua các Ô Cầu Dền, Ô Đống Mác, Ô Chợ Dừa, Ô Cầu Giấy xưa thì chỉ trống huơ, trống hoác... Nhưng đến với Ô Quan Chưởng thì còn vòm cửa trấn giữ, trên lại còn lưu giữ một lầu vọng địch... gạch cũ rêu phong... cửa ô dày bằng cả thân thành xưa. Cái vòm tò vò rất rộng, chắc trước đây còn có hai cánh cổng dày và lớn, ban đêm đóng lại, sáng lại mở ra... Nhưng cổng đã không còn... Cái vòm tò vò chính là cái khuôn hình tạo nên một trong vẻ đẹp của cửa ô, mỗi khi có một chiếc xích lô, một gánh hàng rong, hay một lữ khách nào, lưng đeo ba lô, dừng lại ngó nghiêng ở đấy.


Tôi đã nhiều lần chứng kiến, một vài Việt kiều khi thăm phố cổ, thăm Hàng Chiếu, Hàng Buồm cứ lững thững đi lại dưới vòm Ô Quan Chưởng, có một lần họ mừng reo lên vì có một hàng bún ốc rong và họ gọi đến, ngồi ngay bên cổng Ô Quan Chưởng, mà xì xụp ăn... Lúc ấy họ mới có cái phút hân hoan, thấy mình quả là Hà Nội gốc...


May sao, Hà Nội còn một cửa Ô Quan Chưởng. Tôi cứ nghĩ thế. Sau này nữa, khi phố cổ đã như một góc bảo tàng sống, thì cửa ô với nguyên hình dáng này mới thật quý làm sao... Vì chợ Đồng Xuân cũ cũng còn đâu nữa... Chợ Gạo, chợ Bắc Qua cũng biến dạng nốt rồi... Chỉ còn dáng một cổng thành xưa..., với nỗi hoài niệm đủ đầy vì quá khứ, là cái đẹp của một thời, không chỉ về kiến trúc mà còn lại một di tích lịch sử đáng trân trọng nữa...


May sao Hà Nội còn nguyên một Ô Quan Chưởng!

 

Ngô Văn Phú

Tạo bởi phuongthuan
Cập nhật 22-12-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin