Rơm vàng
Về làng.
Nhìn từ xa, làng thấp thoáng trong tre trúc, trong màu xanh của ruộng đồng, cây cối. Những mái ngói nâu thân thuộc ẩn hiện. Lại gần hơn nữa là những mảnh vườn với bờ rào xinh xinh. Những mái nhà ngoằn ngoèo bay lên luồng khói mỏng. Cạnh mảnh sân mỗi nhà bao giờ cũng có một cây rơm vàng óng. Làng vào mùa gặt. Chân ta sục trong màu vàng, cảm nhận cái mềm mại, thơm ngát. Rơm. Nặng nặng quấn quýt chân người. Rơm, quấn lấy bánh xe, không ít khi làm cho người đi đường cằn nhằn bực bội. Rơm là thân cây lúa sau khi đã được tuốt lấy hạt, một thứ phế thải, rất nhỏ nhoi và không đáng giá. Nhưng cứ thử tưởng tượng mà xem, bỗng dưng cuộc sống của người dân vùng nông thôn Bắc Bộ thiếu vắng những sợi rơm vàng yếu ớt và mỏng mảnh tưởng như vô giá trị ấy?
Tôi lớn ở một vùng quê Bắc Bộ, gắn liền với ruộng vườn, với bùn đất và rơm rạ. Thuở nhỏ vẫn thường nghe bà nói, cây lúa là thứ cây lành nhất và hữu ích trên đời, hạt thì làm lương thực còn thân thì ứng vào trăm việc. Quả thật rơm rất thân thuộc trong cuộc sống đời thường. Rơm là thứ nhiên liệu chỉ riêng của người nhà quê, nấu vừa nhanh, lại cơm ngon canh dẻo. Những rơm nếp thì để riêng, dùng để vặn chổi, làm lạt buộc. Chẳng gì dẻo và mềm như lạt rơm, bó rau, bó mạ chặt mà không nát. Những ngày rỗi rãi các bà già nhà quê giở rơm nếp ra nhặt để vặn chổi, đám trẻ con nhảy lò cò quanh bà, hát bài "một sợi rơm vàng". Khi tôi nhặt rơm giúp bà, lỡ làm đứt nhiều sợi thì bà tỏ ra tiếc rẻ. Có được một sợi rơm nếp khô ráo và nguyên vẹn là cả một quá trình vất vả. Và với người già thì rơm rất quý giá, có lẽ phần nhiều do ký ức của họ gắn bó mật thiết với chúng. Thuở xưa từng tồn tại thứ đệm cực kỳ ấm có tên là "ổ rơm" của những người nghèo. "Ăn cơm tấm, ấm ổ rơm" là câu nói mang hàm nghĩa về sự no ấm. Trong chiến tranh, những sợi rơm bé nhỏ có thể làm mũ rơm, áo tránh đạn thật tốt. Còn ngày nay, không ít nhà tạo mốt đưa rơm vào trong trang phục, điểm xuyết một cách khéo léo và tạo hiệu quả thẩm mỹ thật bất ngờ.
Tôi yêu màu của rơm rạ. Nó là thứ màu hiền lành, êm ái và no ấm. Thuở nhỏ, tôi có thứ vui nhào lộn trong rơm mỗi khi mùa về. Mùa đông Bắc Bộ rét căm căm, lũ trẻ mang theo những nùn rơm đỏ rực ra bãi thả trâu để giữ chút ấm áp của lửa bên mình. Bạn đã bao giờ được ăn một món cá quả, một khúc sắn hay một bắp ngô nướng trong rơm nếp ngay ngoài bãi chăn thả,
tại một bờ sông, vào một ngày đông đầy gió? Chà, với tôi đó là món ăn tuyệt nhất! Nó giữ nguyên mùi vị bản thể của cá, sắn, khoai, ngô... và lại ngấm mùi ngai ngái của khói, đưa vào món ăn hương vị đồng bãi rất tuyệt vời.
Trong làng tôi, từ nhà nghèo nhất tới những nhà khá giả nhất, nhà nào cũng có một cây rơm ở sân nhà. Cây rơm như một biểu tượng của làng, gắn bó với từng gia đình quanh năm suốt tháng.
Sau mỗi vụ thu hoạch, rơm được phơi kỹ lưỡng rồi được đánh thành một đống lớn. Việc đánh đống cũng là một công việc thú vị và khá cầu kỳ. Bắt đầu là chân đống rơm được quây thành một vòng tròn cao hơn mặt đất, ở giữa dựng một chiếc cột chắc chắn. Có một hoặc hai người chuyên đứng trên, lấy chiếc cột chính giữa làm tâm để rải đều rơm xung quanh vòng tròn. Những người ở dưới lấy rơm đưa lên. Ðống càng cao lên thì vòng tròn dần thu nhỏ lại. Người "kỹ thuật viên" phải đi vòng tròn cho rơm được nén đều xuống. Cuối cùng sẽ được một cây rơm khổng lồ hình trứng, cao ngất. Người ta lấy áo mưa hoặc nón cũ che lên chiếc cọc ở giữa, để tránh mưa chảy vào giữa cây rơm.
Cây rơm là nơi thú vị của tuổi thơ. Khi mà đánh đống rơm, tôi thích được leo lên giúp bố bỏ đống rơm. Và khi công việc hoàn thành tôi được nằm dang chân tay trên đỉnh cây rơm, khoan khoái ngắm mây trời và thấy mình như đang sắp bay lên cùng những vì sao mọc sớm... Những đêm trăng, cây rơm trở nên sinh động khác thường, màu rơm vàng mát rượi như ánh trăng. Cây rơm là nơi bí mật để đám trẻ cất giấu và dấm những trái trứng gà xanh, trái na chưa nở mắt, là nơi bọn trẻ tụ tập để sẻ chia những bí mật mang tầm cỡ con nít. Ðó cũng là nơi để tôi chúi mặt vào đó khóc thầm sau những trận đòn của bố. Một lần về làng, tôi chứng kiến cảnh một cậu bé cong mông, mím môi ra sức rút những nắm rơm chặt ngoài sức bình thường của chú. Bỗng mỉm cười nhớ lại ngày xưa thường xuyên phải rút rơm cho mẹ. Tôi phụng phịu kêu rằng tại sao lại phải làm đống rơm chặt đến thế, rút đến sưng phồng tay và đôi khi không chịu nghe lời mẹ rút sát chân đống, mà kiếm chỗ dễ rút ở tận trên cao và kết quả là có một năm cây rơm nhà tôi bị hỏng... Tôi rất thích ngắm cảnh chú bò vàng thẩn tha bên cây rơm, thong thả rút từng nắm rơm và nhai trong im lặng. Cạnh đó gà mẹ bới chân đống rơm, rối rít kiếm những hạt thóc vàng còn sót lại cho bầy con đông đúc. Còn mỗi sáng mai thức dậy, chú gà trống bao giờ cũng chọn đỉnh cây rơm làm chỗ đứng, oai vệ cất lên tiếng gáy đánh thức bình minh. Dường như leo lên cao, nó cũng cảm nhận được cái quyền năng của riêng mình. Trên nóc cây rơm thỉnh thoảng ta bắt gặp một ổ trứng ấp dở của thằn lằn hay là những chiếc trứng hồng xinh của một cô gà mái tự do nào đó.
Với thanh niên làng, cây rơm là nơi hò hẹn. Khi chàng trai bối rối nói lời tình tự, cô gái nép sát vào cây rơm, tay bối rối vò nhàu những cọng rơm nhỏ bé. Cây rơm là lá chắn để cho những nụ hôn của họ thêm phần say đắm và những sợi rơm mềm mại bao bọc chở che họ...
Khi xa quê đôi lúc tôi nhớ da diết cây rơm của nhà. Nó như một cái gì đó thân thuộc, gắn bó với tôi suốt thời thơ ấu. Sau vụ gặt, gia đình nào có cây rơm khổng lồ, hàng xóm qua lại sẽ cất lời trầm trồ: nhà bác năm nay có cây rơm to đáo để! Chủ nhà vui ra mặt. Bởi đây cũng là dấu hiệu được mùa - dấu hiệu của sự sung túc no ấm. Bây giờ có rất nhiều loại nhiên liệu thay thế nhưng cây rơm vẫn tồn tại, gắn bó với làng quê Bắc Bộ. Những thân cây lúa khô xác thành tro bụi rồi lại trở về với đất nâu lành để lại góp phần tạo ra những mùa vàng no ấm. Một vòng đời khép kín đầy những nhọc nhằn lặng lẽ.
Lòng thoáng rung lên khi nhớ tới hình dáng mẹ lưng đã còng vì năm tháng, đang lụi cụi phơi rơm để dành. Mỗi sợi rơm như nhắc nhở sự tảo tần của người dân quê. Ðưa một cọng rơm tươi lên miệng nhấm thử. Vị ngai ngái ngọt ngọt và cả vị mằn mặn tan nơi đầu lưỡi. Bản thân cọng rơm cũng đã tích luỹ trong nó bao nhiêu ngọt bùi, cay đắng. Hay đó chính là những giọt mồ hôi mặn mòi của ông cha từ ngàn xưa cho đến ngày nay?
Bùi Anh Phong
Cập nhật 24-02-2006