Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Chủ nhật, 27/04/2025 4:30

Hương bồ kết


 


Có một thứ quả mà hầu hết các gia đình - nhất là các bà, các mẹ chúng ta -  thường hay dùng là quả bồ kết. Đó là thứ quả không phải để ăn mà rất công dụng cho việc chăm sóc sức khỏe con người.

Ngày xưa, khi tôi còn nhỏ, tôi thường thấy mẹ tôi giúp bà ngoại tôi bán vải ở các phiên chợ huyện Quốc Oai thuộc tỉnh Sơn Tây. Có lần đi chợ về, mẹ tôi mua một chùm bồ kết tươi. Quả còn xanh, dài chi chít quả, chen chúc nhau trong cái túm có dây lạt buộc.

Mẹ tôi đem phơi nắng vài đợt cho đến khi các quả bồ kết vàng héo, rồi xạm dần. Cuối cùng chùm bồ kết được treo lên nóc bếp để lấy sức nóng của lửa củi, lửa rơm cùng khói tỏa lên hun hong chùm bồ kết hết ngày này sang ngày khác. 

Cho đến một ngày, những quả bồ kết đã khô quắt, như mỏng đi và đen lại. Ấy là lúc bồ kết đã dùng được rồi đấy.

Bồ kết là một thứ “mỹ phẩm” để cho các bà, các chị gội đầu.

Nồi nước gội đầu đặc để có hương nhu, hoa ngâu... Khi đun sôi thì bẻ vào mấy quả bồ kết. Đổ ra chậu, nước màu nâu đen. Khi nước còn nóng, bỏ thêm vài mảnh bồ kết và đánh đều thấy sủi tăm. Mùi thơm man mát bốc lên.

Nước có bồ kết gội đầu vừa thơm, vừa trơn mà lại giữ cho tóc không gầy, không rụng. Nhà thơ Tạ Vũ có một bài thi viết về mẹ theo hồi ức, có một tứ rất hay: “Mẹ gội đầu xong, đứng giữa sân lấy bàn tay vẫy mớ tóc dài. Mớ tóc dài quay tròn theo tay mẹ bắn văng ra những giọt nước gội đầu”. Và anh Tạ Vũ tuổi còn bé tí thích quá chạy vòng quanh:

“Con chạy quanh kêu: Mưa! Mưa! Mưa”

Câu thơ vừa hình ảnh, mà có tình mà gợi bao hoài niệm.

Mái tóc dài ngày trước được các bà, các mẹ, các chị chăm chút kỹ lắm. Có người kỹ tính còn vắt chanh lên tóc rồi mới múc nước gội đầu. Mái tóc dài đẫm nước thả mềm, một phần tóc phía dưới cuộn mềm trong chậu nước.

Riêng cái cảnh gội đầu đã được các họa sĩ tài danh (như Nguyễn Phan Chánh) đưa lên màu, lên “toan”, lên lụa. Nhưng phải là mái tóc dài đang mềm mại chảy xuống chậu nước bồ kết cơ, thì mới nên tranh.

Bồ kết không chỉ gội đầu mà còn dùng vào bao việc khác, cách dùng đơn giản, dân dã. 

Hồi còn sống, bà tôi có thói quen là hễ đi phúng viếng đám ma về, bà tôi lại đốt vài quả bồ kết khô, hơ tay, hơ người. Khói bồ kết mang hương thơm ấm. Bà bảo làm như thế là đuổi đi cái lạnh của âm khí và cũng là giải độc. 

Năm ấy mùa đông giá rét, bà tôi ốm. Bà nằm thu lu trong chiếc chăn bông nhuộm nâu trên chiếc phản kê góc nhà. Người nhà đỡ ngồi lên uống bát thuốc bắc, ăn mấy thìa cháo, bà lại lắc đầu đòi nằm xuống.

Tôi thương bà tôi lắm. Bởi tôi là thằng cháu út ít được bà nội cưng chiều.

Nhà hướng đông mà gió lạnh hun hút. Bố tôi lấy giấy báo cũ dán kín các khe cửa mà vẫn rét. Rét tê buốt đầu ngón chân, ngón tay.

Bố tôi đặt cái bếp nhỏ có đựng ít than bén lửa, đỏ hồng. Ông khẽ bẻ những mẩu bồ kết khô ném vào mặt than đỏ. Bồ  kết cháy, khói bốc lên thơm ngào ngạt. Hít hơi vào thấy nhẹ cả người. Cái lạnh, cái rét như bay ra ngoài, cả căn nhà ấm nóng dần lên.

Bà tôi ló đầu từ đống chăn ra, giọng như khỏe lên: “Lại đốt bồ kết phải không? Nhớ đừng đế cho bén lửa. Thơm quá! Âm quá!”

Những tối như thế, khi khói và hương bồ kết tỏa khắp nhà, tôi cứ thấy vui vui. Bồ kết xua đi băng giá, bồ kết đuổi hết tà ma. Bồ kết giúp bà tôi chóng lành bệnh.

Ngày nay, thời hiện đại, người ta gội đầu bằng những hộp, những chai nước mỹ phẩm hảo hạng. Lạnh, rét thì đã có điều hòa nhiệt độ. Tiện lợi biết bao nhiêu nhưng vẫn thấy nhớ nồi nước bồ kết gội đầu với hương bồ kết đốt trong đêm đông dài và buồn.

Nhưng nghe nói, ối chai mỹ phẩm gội đầu được chiết ra từ bồ kết đấy. Và gần đây người ta còn đốt bồ kết để trị bệnh cúm gia cầm.

Cái quả bồ kết đen thui, xấu xí mà giúp được bao nhiêu điều lợi!

Nguyễn Cao Sơn

 

Tạo bởi admin
Cập nhật 14-04-2006
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin