Chuyến đò kỳ ngộ

Lương Hữu Khánh là con trai của bảng nhãn Lương Đắc Bằng, người làng Hội Triều, huyện Hoằng Hoá. Lương Đắc Bằng tuy làm quan to, nhưng gia đình vẫn thanh bạch. Ông lại mất sớm, nên từ thuở bé, Lương Hữu Khánh đã sống trong cảnh nhà bần bách, phải từ giã mẹ già đi kiếm ăn ở phương xa.

Một ngày, trên đường đi tới một chuyến đò kia, chàng trai Hữu Khánh cùng lên thuyền với mấy nhà sư quá giang. Thấy các nhà sư đi đám chay về, mang nhiều oản chuối, Hữu Khánh, mặc dù đói bụng, vẫn cố giữ vẻ thản nhiên. Một sư biết vậy, giở gói ra mời. Hữu Khánh từ chối. Vị sư kia mỉm cười:

- Cậu bé con nhà ai mà khái khí thế? Thôi được, của biếu cậu không nhận thì xin mời cậu thi tài xem sao. Cậu là học trò, chúng tôi là nhà sư. Cậu thử làm một bài thơ vịnh cảnh sư và học trò cùng đi một chuyến đò xem thế nào. Nếu thơ hay, có bao nhiêu lộc Phật ở đây chúng tôi xin kính cậu. Cậu có bằng lòng không?

Nghe nói vậy, Hữu Khánh có vẻ đồng ý. Mọi người cùng ngồi trên đò thấy chuyện hay, cũng mỗi người một câu bàn góp thêm vào. Một nhà sư khác lại nói:

- Này, lại phải xin giao hẹn với cậu một điều nữa. Bài thơ phải xong trước khi thuyền cập bến, chứ tới bờ là chúng tôi phải đi ngay không chờ được đâu.

Mọi người trong thuyền cười rộ lên. Chờ cho tiếng cười dứt. Lương Hữu Khánh mới lễ phép trả lời:

- Cháu không phải vì mong được oản mới làm thơ, mặc dầu cháu xin thú thực là đang đói. Các vị đã dạy thì cháu xin vâng lời thôi. Bài thơ cháu đã nghĩ xong rồi. Xin các vị và các ông các bà nghe qua và miễn chấp cho chỗ nào kém cỏi.

Mọi người ngạc nhiên, thơ đâu mà cậu bé này lại ứng khẩu kịp thời như vậy? Có họa là thần đồng. Nhưng rồi, họ phải trầm trồ thán phục khi nghe hết cả bài:

Một hòm kinh sử níp kim cương
Ngươi tớ cùng sang một chuyến dương
Đám hội đàm chay ngươi đủng đỉnh
Túi đàn cặp sách tớ nghênh ngang
Sao ngươi chẳng giận lời Hàn Dũ?
Đây tớ còn căm chuyện Thuỷ Hoàng
Chút nữa lên bờ rồi tạm biệt
Ngươi thì nên Phật, tớ nên sang

Về sau Lương Hữu Khánh thi đậu dưới triều Mạc, nhưng lại bỏ nhà Mạc về giúp nhà Lê nên nghiệp hưng. Ông có công lao với xóm làng nên được nhân dân biết ơn. Xã Hoằng Khánh bây giờ có thôn Hữu Khánh, chính là tên đặt để kỷ niệm ông. Dòng họ Lương ở đây rất đông đúc. Cả tỉnh Thanh Hoá có ba chi, hai chi ở Hoằng Hoá, một chi ở Tĩnh Gia, đều thuộc họ Lương này.(ST)