Khoảng đời Lê Hiển Tông (1740-1786) có Nguyễn Hữu Cầu là một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa xuất sắc, thường được mọi người ca ngợi là Hạng Võ nước Nam.
Nguyễn Hữu Cầu tục gọi quận He quê ở xã Lôi Động, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, xuất thân trong một gia đình nông dân nghèo, không rõ năm sinh, chỉ biết mất vào năm Cảnh Hưng II (1751).
Thuở nhỏ Nguyễn Hữu Cầu và Phạm Đình Trọng cũng học với nhau một trường. Trọng thường được thầy khen nhưng riêng Cầu thì vẫn không phục Trọng.
Một hôm thầy đi đám cho Cầu và Trọng cùng theo. Lúc về, nhà đám biếu thầy một cái thủ lợn, Cầu và Trọng tỵ nạnh nhau mãi không ai chịu xách. Thầy thấy vậy, ra một câu đối, bảo hễ ai đối hay thì miễn xách, Thầy đọc:
Huề trư thủ, nghĩa là Xách đầu lợn.
Trọng đối lại:
Phan long lân, nghĩa là Vin vẩy rồng.
Còn Cầu thì đối:
Phá Tần diệt Sở.
Thầy gõ vào đầu Cầu một giáo quạt, chê câu ấy chẳng đâu vào đâu cả, mà lại thừa chữ, rồi thầy bắt Cầu phải xách thủ lợn. Nhưng Cầu vẫn gân cổ cãi:
- Tôi đối sai thật, nhưng ý tôi là tôi muốn bóc vẩy rồng kia, chứ không thèm vin vẩy rồng như thằng Trọng!
Một hôm khác, thầy lại ra một câu đối:
Mười rằm trăng náu Mười Sáu trăng treo
Trọng đối rằng:
Tháng Giêng rét dài, tháng Hai rét lộc.
Còn Cầu thì lại đối bửa là:
Tháng Mười sấm rạp, tháng Chạp sấm động.
Thầy nghe xong bảo:
- Thằng Trọng có khẩu khí làm quan to, còn thằng Cầu thì chỉ làm giặc!
Rồi đó ông thầy sợ không nhận Cầu nữa.
Lúc ra chơi, Trọng bảo Cầu:
- Tao sẽ cầm quân tiêu diệt mày!
Cầu đáp:
- Nếu tao làm giặc thì tao sẽ đánh tan những đứa ra luồn vào cúi!
Quả nhiên về sau, khi Cầu làm lãnh tụ khởi nghĩa nông dân, Trọng và Cầu là hai tay kình địch nhau đến cùng.
Khi Cầu đã theo học ông thầy khác, một hôm nhà có việc phải mổ bò thết khách, nhân đó thầy ra cho học trò câu đối rằng:
Tể hoàng ngưu, nghĩa là: Giết bò vàng.
Cầu nhanh nhẩu đối ngay:
Trảm bạch xà, nghĩa là Chém rắn trắng.
Thầy lắc đầu bảo đối sai luật. Cầu đáp:
- Tôi chỉ cốt đối ý chứ không cần luật. Vả lại “giết bò vàng” đối với “chém rắn trắng” mà không đúng luật à?
Thầy chợt hiểu, khen:
- Thế thì mày có chí lớn đấy, cố lên con ạ!
Sau đó, Cầu bỏ văn theo học nghề võ. Khoảng năm 1731, Cầu tham gia phong trào nông dân khởi nghĩa do Nguyễn Tuyển, Nguyễn Cừ lãnh đạo, được Nguyễn Cừ hết sức yêu mến và gả con gái cho. Chẳng bao lâu Cầu trở thành một viên tướng nổi tiếng về tài võ nghệ và mưu lược.(ST)