Khiêng cáng cưới vợ con quan
Hứa Tam Tỉnh, người làng Vọng Nguyệt - tục gọi là làng Ngọt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, làm quan đến Thượng thư, tước đến Đông giáo hầu, có sang sứ nhà Minh vào khoảng đời nhà Mạc (1527 - 1529).
Ông học rất giỏi, tuy không đỗ đạt đến trạng nguyên, nhưng nhân dân vẫn thường gọi ông là Trạng Ngọt (trạng nguyên làng Vọng Nguyệt). Khi còn bé nhà nghèo lắm. Một hôm ra đường gặp võng quan trấn thủ Kinh Bắc trẩy qua, sau võng quan lại là võng tiểu thư. Thoáng thấy tiểu thư nhan sắc diễm lệ, Trạng Ngọt mê lắm mới nằn nì phu cáng cho mình khiêng thay để được ngắm nghía cho thỏa thích.
Về nhà Trạng Ngọt đòi mẹ phải đến hỏi tiểu thư ấy làm vợ. Bà mẹ sợ không dám đi, sau vì thương con nên cũng đành liều.
Tới dinh quan, bà bẩm hết sự tình và nói rõ nỗi gàn dở của con. Quan nghe xong, cười bảo: "Đã vậy, bà về gọi nó đến đây, ta xem học hành ra sao, nếu quả có tài, ra sẽ gả tiểu thư cho!"
Bà mẹ về bảo con đến hầu quan ngay. Quan thấy Hứa không có gì là xuất sắc, người thì đen mà lùn, duy chỉ có đôi mắt là khác thường. Tuy nhiên hỏi đến sách vở thì Trạng đối đáp rất trôi chảy, vì thế quan cho lưu lại ở trong dinh ăn học, hẹn hễ thi đỗ thì nhất định sẽ gả tiểu thư cho.
Năm sau, gặp khoa thi hương, Hứa đỗ thủ khoa. Quan liền y hẹn cho làm lễ thành thân.
Nhưng tới khi làm lễ hợp cẩn, thì tiểu thư vì đã biết Hứa là anh chàng khiêng cáng trước, lại thêm người đen đủi xấu xí nên chưa ưng lắm, sai con hầu cầm thiếp ra bảo rằng: "Cô tôi có một vế câu đối, nếu quan tân khoa đối được thì hãy xin làm lễ động phòng."
Câu ấy như sau:
"Ốc lậu nguyệt xuyên, hình như kê noãn, tam tam tứ tứ."
Nghĩa là:
Nhà thủng bóng trăng dọi xuống, lốm đốm từng khoanh như trứng gà.
Hứa Tam Tỉnh nghĩ mãi không sao đối được, vừa bực mình vừa thẹn công dùi mài bấy lâu, liền bỏ ra bờ sông định tự tử cho khỏi nhục. Khi đến bờ sông, tình cờ trông thấy bóng trăng rãi trên mặt nước muôn ngàn lớp sóng bạc dập dềnh, bỗng nảy tứ thơ, quay ngay về phòng đối rằng:
“Giang trường phong lộng, thế tự long lân, điệp điệp trùng trùng.”
Nghĩa là:
Sông dài gió lộng, trùng trùng điệp điệp như vẩy rồng.
Tiểu thư xem xong chịu là hay, cho mời Hứa vào làm lễ hợp cẩn.
Hôm sau tiểu thư lại đem câu đối ấy trình cha; quan trấn thủ bảo cứ khẩu khí này thì anh ta còn có thể đỗ trạng nguyên. Về sau Hứa đỗ trạng nguyên thật, chỉ vì xấu xí một tí mà phải đánh xuống hàng thứ hai (bảng nhãn) và chịu đứng sau Trạng Me, một người kém tài hơn Hứa. (ST)
Related news:
- Chuyện Trần Nhật Duật (08-01-2009)
- Chuyện xưa (25-12-2008)
- Tôi kể ngày xưa chuyện Mỵ Châu (17-12-2008)
- Giai thoại thánh Tản Viên (17-12-2008)
- An Tư vì nước quên thân (10-12-2008)
- Sự tích thánh Tản Viên (09-10-2008)
- Vì sao người Việt cổ có tục xăm mình? (03-10-2008)
- Nước Văn Lang đã ra đời như thế nào? (22-09-2008)
- Thái Tử Lý Long Xưởng bị phế (15-09-2008)
- Cái chết của Nguyễn Quốc Dĩ (05-09-2008)
Last modified 06-01-2009