Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:25

Bài 14. Thuê nhà


I. Hội thoại: sound.gif

ÔNG THOMAS:

Chào ông bà, tôi nghe nói ông bà còn phòng cho thuê trên tầng hai. Tôi có một người đồng nghiệp mới sang Việt Nam, ông ấy muốn được ở gần tôi để chúng tôi tiện làm việc. Ông bà có thể giúp chúng tôi được không ạ ?

CHỦ NHÀ:


Ồ, chúng tôi luôn sẵn sàng phục vụ ông. Thế bạn ông không đến xem phòng à?

ÔNG THOMAS:


Không, hôm nay ông ấy được mời dự tiệc. Ông ấy sang đã hai hôm nay, nhưng ông ấy thuê một phòng không được ưng ý lắm trong khách sạn: đã chật lại đắt. Ông ấy muốn có nơi ở riêng ngay dù ông ấy ở đây có hai tháng thôi.


CHỦ NHÀ:


Thế thì tôi đưa ông đi xem phòng ngay nhé.

***

CHỦ NHÀ:

Đây, ông xem, phòng này rộng hơn phòng ông, tổng diện tích đến 30m2.


ÔNG THOMAS:


Vâng, nhưng phòng tôi mát hơn thì phải.

CHỦ NHÀ:


Ông thật là tinh. Phòng của ông ở hướng Nam, còn phòng này hướng Đông nên không mát bằng. Nhưng đã có điều hòa nhiệt độ. Tiện nghi và khu phụ giống hệt phòng ông.

ÔNG THOMAS:


Vâng, thế là ổn rồi, tôi nghĩ rằng ông ấy sẽ ưng ý. Nếu không có gì thay đổi thì ngày mai hoặc cùng lắm là ngày kia ông ấy sẽ dọn đến.

***

ANH KIM:


Chào bác, tôi xin phép tự giới thiệu với bác: tôi là Kim. Tôi đọc quảng cáo trên báo và được biết bác muốn cho thuê nhà. Tôi đến xem ngay. Nếu được, tôi thuê làm văn phòng.

CHỦ NHÀ:


Vâng, tôi cho thuê cả ngôi nhà này, ba tầng, mỗi tầng 60m2 với hai phòng và một khu phụ. Tổng điện tích rộng đến 180m2. Nhà này để làm văn phòng thì rất phù hợp. Anh nhìn phòng khách này mà xem, đã cao lại thoáng, làm nơi giao dịch thì thật tuyệt. (Hai người đi xem nhà)

CHỦ NHÀ:


Đấy, mỗi tầng đều có phòng ngoài rộng 30m2, phòng trong nhỏ nhưng cũng phải đến 15m2.


ANH KIM:


Ở đây có điện thoại rồi phải không bác?

CHỦ NHÀ:


Vâng, tôi đã mắc rồi. Điện nước thì thoải mái, nước có suốt ngày.

ANH KIM:


Vỉa hè phố này hình như không được rộng lắm thì phải, và cao quá. Bác cho xây giúp thêm đường dắt xe, để xe ô tô lên được nhé. À, giá cả thế nào bác ?

CHỦ NHÀ:


Đúng 1.200 USD, chắc anh cũng xem giá một số nơi rồi, tôi tin giá tôi đặt ra là hợp lý. Tôi muốn ký hợp đồng từng năm, trả tiền trước sáu tháng một.

ANH KIM:


Giá như thế là hơi cao. Thôi được, tôi sẽ liên lạc lại với bác sau nhé. Bây giờ tôi phải đi. Bác có thể cho tôi số điện thoại của bác được không ?

 

Bảng từ

đồng nghiệp
tiện
sẵn sàng
dự tiệc
ưng ý
nơi ở riêng
tổng diện tích
tinh
hướng nam
hướng đông
tiện nghi

khu phụ
ổn
dọn đến
văn phòng
thoáng
giao dịch
mắc
vỉa hè
đặt ra
liên lạc


II. Chú thích ngữ pháp

1. Được, bị

a. Được + động từ

Kết cấu này được dùng trong trường hợp chủ thể tiếp nhận điều tốt đẹp và anh ta muốn điều đó.
 

Ví dụ:

- Ông ấy được mời dự tiệc.

 

- Tôi được biết bác có nhà cho thuê.

b. Bị + động từ

Kết cấu này được dùng trong trường hợp chủ thể tiếp nhận một điều không tốt, và anh ta không muốn điều đó.

Ví dụ:

- Ông ấy bị lừa.

 

- Anh ấy bị đau bụng.

2. Động từ + phải + bổ ngữ

Kết cấu này có ý nghĩa giống như bị + động từ: chủ thể tiếp nhận một điều không tốt, và anh ta không muốn điều đó.

Ví dụ:

- Cô ấy ăn phải thức ăn thiu.

 

- Anh ấy mua phải tủ lạnh cũ.

3. Đến, phải đến

a. Đến + từ chỉ số lượng, khối lượng, kích thước

Kết cấu này dùng để nhấn mạnh về kích thước & số lượng của sự vật mà người nói cho là lớn.

Ví dụ:

- Bức tường này dài đến 6m.

 

- Anh trai tôi nặng đến 80 kg.

b. Phải đến + từ chỉ số lượng, khối lượng, kích thước

Kết cấu này có ý nghĩa giống kết cấu (a), nhưng có thêm ý phỏng đoán (người nói không chắc chắn về số đo).

Ví dụ:

- Hôm nay nhiệt độ phải đến 38oC?

 

- Phải đến hai tháng rồi, tôi mới gặp chị ấy.

4. Thật / thật là + tính từ

Kết cấu này có ý nghĩa giống như “rất”.

Ví dụ:

- Nhà này làm văn phòng thì thật phù hợp.

 

- Tôi thật xấu hổ vì đã nói dối anh ấy.

5. Đã + thời gian

Kết cấu này được dùng để nhấn mạnh một khoảng thời gian nào đó là quá lâu, quá dài.  Khoảng thời gian này thường kéo dài từ quá khứ đến hiện tại.

Ví dụ:             

   2 năm

                                     năm 1998                               hiện tại năm 2000

Tôi sống ở Hà Nội đã 2 năm.

6. Có + từ chỉ số lượng + (thôi)

Kết cấu này dùng để nhấn mạnh một số lượng nào đó là rất ít; tương tự như “chỉ ... thôi”.

Ví dụ:

- Các bạn tôi mới sang Việt Nam 2 ngày.

 

- Đêm qua anh ấy ngủ 2 tiếng thôi.

7. Đã ... lại

Kết cấu này có ý nghĩa tương tự như “không những... mà còn”.


Mẫu:


Chủ ngữ


+ đã


+  động từ1

     tính từ1


+   lại


+    động từ2

       tính từ2

 

Ví dụ:

- Con trai bà ấy đã dốt lại lười.

 

- Anh ấy đã nghiện rượu lại nghiện thuốc lá.

III. Bài luyện

1. Điền “được, bị, phải” vào những câu sau đây cho thích hợp:

a. Anh ấy ................... tai nạn nhưng .................. đưa vào bệnh viện ngay nên đã .................... cứu sống.

b. ..................... đi du lịch nên cô ấy vui sướng lắm.

c. Hôm qua em nó ..................... đi chơi, còn nó .................... ở nhà.

d. Cô tôi vấp ..................... hòn đá, chảy bao nhiêu máu.

e. Anh ấy ..................... người yêu giận vì sai hẹn.

f. Nếu ăn .................. thức ăn ôi thiu thì rất dễ .................. đau bụng.

g. Cô ấy vừa ............... phê bình, thảo nào trông cô ấy buồn thế.

2. Sắp xếp những từ sau đây thành câu đúng:

a. thày giáo / bị / tôi / phê bình / bài tập / vì / làm / không.

b. lừa / bị / em gái tôi / hay / cả tin / nó / vì / rất

c. tôi / sắp tới / tham quan / được đi / sẽ.

d. bạn tôi / một con rắn / cắn / bị / phải / nên / đi / bệnh viện.

e. ông giám đốc / ngày mai / được / tiệc / dự / tổng công ty / ở / ông ấy / bị ốm / nhưng.

3. Thêm “đến” hoặc “phải đến” vào các câu sau:

a. Nhà này cao 5m.

b. Cái hồ đó rộng 100 m2.

c. Ngọn núi Chomolungma cao hơn 3.000 m.

d. Bờ biển Việt Nam dài trên 3.000 km.

e. Chỗ sâu nhất ở hồ Tây sâu vài chục mét.

f. Chiếc vali đó nặng hơn 60 kg, em không mang được đâu.

4. Thêm “thật” hoặc “thật là” vào các câu sau:

a. Bạn tôi vừa đạt hoa hậu trong cuộc thi vừa qua vì cô ấy đẹp và thông minh.

b. Bài giảng của giáo sư Phan hấp dẫn, cả phòng im lặng.

c. Cuộc đi thăm Bảo tàng Dân tộc học của lớp tôi vui, ai cũng nhớ mãi.

d. Cuộc thảo luận sôi nổi và bổ ích.

e. Vết thương quá đau nên trông anh ấy mệt mỏi.

f. Tôi tiếc vì bị ốm nên không tham dự được chuyến đi vui vẻ đó.

5. Thêm “đã” vào các câu sau:

a. Anh ấy học tiếng Việt ba tháng mà chỉ nói được rất ít.

b. Tôi ở đây hai tiếng rồi mà chẳng thấy ai đến cả.

c. Chị tôi sống ở Hàn Quốc ba năm, một năm học tiếng còn hai năm nghiên cứu.

d. Sáu tháng nay anh ấy chưa về quê thăm gia đình.

e. Ba ngày ở Nha Trang, ba ngày ở Đà Lạt, năm ngày ở Sài Gòn, thế là anh ấy xa Hà Nội 11 ngày rồi.

6. Thêm “có” vào các câu sau:

a. Mỗi ngày, anh ấy hút 2 điếu thuốc lá mà vợ anh ấy vẫn giận.

b. Tôi chỉ mua được 2 quyển sách thôi.

c. Hàng ngày, giáo sư Hưng chỉ ngủ 4 tiếng, ông ấy làm việc nhiều hơn người khác.

d. Mỗi tuần chị ấy chỉ học 8 tiếng, mà bây giờ đã nói rất tốt rồi.

e. Thày giáo cho 1 tiếng để làm bài mà bao nhiêu bài tập vừa dài vừa khó, làm sao mà làm hết được.

f. Ngoài thời gian làm việc, anh ấy dành cho vợ con mỗi ngày 30 phút thôi.

7. Thêm “đã..... lại” vào vị trí thích hợp:

a. Nó thông minh, nhanh nhẹn nên mọi người rất quí.

b. Anh ấy yêu vợ lắm vì cô ấy xinh đẹp và đáng yêu.

c. Các con tôi ngoan và học giỏi.

d. Ngày nào cũng tập thể dục nên anh ấy khỏe và trẻ lâu.

e. Uống bia rồi uống rượu nên anh ấy say bí tỉ.

f. Các thày cô giáo không thích nó vì nó học dốt nhưng kiêu căng và vô lễ.

g. Anh Kim giỏi tiếng Việt, giỏi cả tiếng Anh nên làm được rất nhiều việc cho công ty.

8. Gạch chân những từ “có” với ý nghĩa “chỉ” trong những câu dưới đây:

a. Tôi có 10 quyển sách thôi.

b. Có 5 cái bánh trên đĩa, anh ấy ăn có 2 cái.

c. Tôi có 6 tuần cho kỳ nghỉ hè.

d. Anh ấy có thấy cô ấy ở ga tàu hỏa sáng hôm nay.

e. Có một người trong số họ biết tôi.

f. Anh ấy mới ở Đà Lạt có 3 ngày mà đã buồn lắm rồi vì không có bạn.


IV. Bài đọc

Đổi chỗ ở

Ở một làng kia có một anh thanh niên, anh ta luôn thích một cuộc sống thật yên tĩnh. Nhưng anh ta lại phải sống giữa một anh thợ rèn và một anh thợ bạc. Cả hai cùng làm việc ầm ĩ suốt ngày đêm làm cho anh ta không được nghỉ ngơi yên tĩnh. Họ sống với nhau đến gần 3 năm.

Anh ta vẫn thường nói với bà con trong làng rằng nếu hai anh thợ đồng ý dời nhà đi thì anh ta sẽ làm một bữa tiệc thật sang để chiêu đãi cả hai người.

Thế rồi, điều mong muốn đó đã thành hiện thực. Một hôm anh thợ rèn và anh thợ bạc cùng sang thăm anh ta và thông báo về việc chuyển nhà của họ. Anh ưa yên tĩnh thích quá, liền làm một bữa tiệc thịnh soạn để mời cả hai anh.

Bữa tiệc sắp kết thúc, cả ba đã có vẻ no nê. Anh ta liền hỏi:

- Hình như hai bác định chuyển nhà ngay thì phải.

Rồi anh quay sang người thợ rèn:

- Thế bác định chuyển nhà đi đâu?

Người thợ rèn đáp:

- Tôi định chuyển sang nhà bác thợ bạc đây.

Quay sang người thợ bạc, anh ta hỏi:

- Thế còn bác?

- Tôi định đổi nhà cho bác thợ rèn.

Đã mất một bữa tiệc, lại bị lừa, anh ta tức quá mà chẳng làm gì được.

Bảng từ

chỗ ở
yên tĩnh
thợ rèn
thợ bạc
ầm ĩ
chiêu đãi

hiện thực
ưa
thịnh soạn
no nê
chuyển nhà
đổi nhà


V. Bài tập

1. Xem lại bài đọc và kiểm tra xem những thông tin sau sai hay đúng? Nếu sai, hãy chữa lại:

a. Anh thanh niên kia thích yên tĩnh nhưng thực tế anh ta không có được cuộc sống như anh ta mong muốn.

b. Anh ta rất yêu quý hai người hàng xóm của mình.

c. Người thợ rèn và người thợ bạc thực sự muốn dời nhà đi.

d. Anh thanh niên kia biết giữ lời hứa.

e. Hai người thợ quyết định chuyển nhà và anh ta đạt được những gì mà anh ta muốn.

f. Hai người thợ đã làm cho anh ta tức giận.

2. Dựa vào bài đọc, chọn từ ngữ sai trong các câu sau rồi sửa lại (Hướng dẫn: Mỗi câu có 4 từ hoặc ngữ được gạch chân và đánh dấu A, B, C, D. Nếu từ ngữ nào sai thì khoanh tròn chữ đó)

a. Anh ta muốn được yên tĩnh và điều đó đã bị thực hiện vì hai người hàng xóm
                               A                                        B
đã đồng ý chuyển nhà đi.                       
          C

b. Hai người hàng xóm muốn ăn cơm nên đã nói với anh ta rằng họ quyết 
                                          A                            B                C

định chuyển nhà đi.
                             D                   

c. Những ba người hình như đã có vẻ no nê trước khi bữa ăn sắp kết thúc.
        A                              B                                       C                                 D

d. Bữa tiệc thật là thịnh soạn anh rất buồn khi những người hàng xóm chuyển
                         A                      B              C                                                          D   
đi
.

e. Anh ta tức giậnnhững người hàng xóm đã được ăn ngon thì được trêu
                     A                B                                   C                            D

được trêu anh ta nữa.

3. Sắp xếp những câu sau thành một đoạn hội thoại hợp lý:

a. Phòng ngoài hình như rộng hơn phòng trong thì phải.

b. Tôi thuê làm văn phòng.

c. Vâng, giống hệt.

d. Trên gác cũng thế này hả bác?

e. Đúng thế, phòng ngoài đến 35 m2, còn phòng trong chỉ 25 m2.

f. Nhà này làm văn phòng thích hợp hơn để ở. Để tôi đưa anh đi xem nhé.

g. Anh thuê để ở hay làm văn phòng?

h. Thôi được, mai tôi quay lại.

i. Giá cả thế nào hả bác?

j. Bác làm ơn cho hỏi nhà này có phải là nhà định cho thuê không ạ?

k. 1.200 USD/tháng, trả trước 6 tháng.

4. Chọn từ thích hợp điền vào chỗ trống:

bị

lại

thật

thôi

phải

dễ đến

bị

thì phải

 

thật là

 


a. Chị tôi .................. may mắn, chồng chị ấy đã tốt bụng ................ thông minh.

b. Hôm qua, cô ấy làm bài thi hết .................... 1 tiếng.

c. Cô ấy cao quá, .................... 1m75.

d. Anh ấy nghỉ học có 2 ngày ....................

e. Chị ấy vừa khóc ...................., mắt đỏ hoe, có lẽ .................... mẹ mắng.

f. Nó bị cảm, có lẽ nó .................... đi bệnh viện.

g. Cô ấy trông .................. đau khổ, chồng cô ấy .................. đi tù.

5. Nghe và điền thanh điệu vào câu chuyện dưới đây: sound.gif

Đang tri

Một nha toan hoc rât đang tri. Môt hôm trên tau hoa, khi nhân viên đương săt đên hoi ve, ông tim toat mô hôi ma chăng thây ve đâu.

Nhân ra nha bac hoc, nhân viên đương săt lich sư noi:

- Thôi, ông không cân xuât trinh ve nưa.

Nha bac hoc vân loay hoay tim ve va noi:

- Nhưng tôi vân phai tim băng được đê con biêt tôi phai xuống ơ ga nao chư!

6. Tìm từ thích hợp điền vào chỗ trống:

Nhà ở (1) ...................... người nước ngoài ở Hà Nội rất phong phú. Nếu như trước đây, (2) ................. cuối thập kỷ 80 và một vài năm đầu thập kỷ 90, người nước ngoài còn khó (3) ................. nhà ở thì vài năm trở lại đây, tình hình đổi khác (4) ................. nhiều. Giờ đây, khách nước ngoài thích các kiểu nhà tư nhân (5) ................. các khách sạn, vì nhà tư nhân vừa rẻ (6) ................. tiện, còn khách sạn đã đắt (7) ................ bất tiện. Những nhà khách vừa phải (8) ................. nhà khách A2 Bách Khoa, nhà khách số 10 Trần Hưng Đạo v.v..., mỗi phòng giá thuê (9) ................. 150 đến 200 USD/ tháng - rất thích hợp (10) ..................... các sinh viên. Ở các nhà tư nhân, giá thuê cũng tương tự như vậy. Ở những nhà này, bạn (11) ................. tự nấu ăn lấy hoặc ăn (12) ................ chủ nhà, bạn sẽ (13) ................. không khí gia đình đầm ấm, vui vẻ. Bên cạnh những loại nhà cho thuê theo phòng, Hà Nội còn (14) ................. hàng nghìn nhà tư nhân vừa phải, xinh xắn, khoảng 2, 3 tầng, đẹp và tiện nghi (15) ............. giá thuê khoảng từ 500 đến 1000 USD (16) ................ diện tích.

Những khu vực tập trung nhiều (17) ................. cho người nước ngoài hiện nay là Bách Khoa, Nam Thành Công, Thái Thịnh, Láng Hạ và một số phố cổ.

7. Hãy viết về tình hình nhà ở hiện nay ở thành phố quê hương anh chị.

 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 25-06-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin