Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ hai, 23/12/2024 23:59

Bài 23. Việc học hành


 I. Các tình huống hội thoại  sound.gif

 

1. Trước giờ Nga đi học

MẸ:

Con đã chuẩn bị sách vở cho vào cặp chưa?


NGA:


Xong hết rồi mẹ ạ!


BÀ:


Cháu ăn sáng đi rồi đi học kẻo muộn đấy!


NGA:


Còn sớm lắm bà ạ, không muộn đâu!


BÀ:


Sẽ muộn đấy. Vì hôm nào mà cháu chẳng quên một thứ gì đó. Bút, giấy làm bài kiểm tra đã có chưa?

NGA:


Thôi chết! Bà có nhắc cháu mới nhớ ra. Hình như cháu chưa bỏ bút vào cặp.


BÀ:


Đã bảo mà!

2. Nga đi học về

NGA:

Cháu chào bà.

BÀ:


Ừ, cháu đã về. Thế nào, hôm nay có được điểm gì không?


NGA:


Cháu được điểm 10 toán, nhưng...

BÀ:


Làm sao lại nhưng... rồi. Không thuộc bài chứ gì. Hôm qua bà đã nhắc cháu học bài rồi cơ mà?

NGA:


Không phải. Bài thì cháu thuộc nhưng vì cháu viết bẩn nên chính tả chỉ được điểm 6 thôi.


BÀ:


Lần sau phải chú ý nhé!

II. Ghi chú ngữ pháp 

1. "Có... mới...": cặp phó từ liên kết hai bộ phận trong vị ngữ của câu đơn hoặc hai vế câu của một câu ghép có quan hệ điều kiện - kết quả.

Ví dụ:

- Bà có nhắc cháu mới nhớ ra.

 

- Có thuộc bài mới trả lời được câu hỏi.

 

- Anh có nói tôi mới biết.

Chú ý: Có thể không dùng nhưng luôn luôn phải dùng mới.

- Giữa hai bộ phận điều kiện - kết quả có thể có từ nối thì theo sơ đồ: Có A thì mới có B.

Ví dụ:

- Bà có nhắc thì cháu mới nhớ ra.

 

- Anh có nói thì tôi mới biết.

2. Câu hỏi kép: là hình thức câu hỏi trong câu hỏi, dùng trong trường hợp người hỏi không biết rõ điều mà mình muốn hỏi có xảy ra hay không, vì thế phải đặt điều muốn hỏi trong câu hỏi chung (thường câu hỏi chung là "có... không?")

Ví dụ:

Điều muốn hỏi: Được điểm gì (mấy điểm, môn gì?)

Điều muốn hỏi ấy có xảy ra hay không: Có được điểm gì không?

Câu hỏi kép sẽ là:

                           - Hôm nay cháu có được điểm gì không?

Ví dụ khác:

- Anh có muốn ăn gì không?

 

- Anh có biết bao giờ anh ấy về không?

 

- Các anh có định đi tham quan ở đâu không?

Chú ý: Câu trả lời hoặc cho câu hỏi cụ thể (gì?, đâu?, sao?, thế nào?, bao giờ?...) hoặc cho câu hỏi chung (có, không, bao giờ?...).

3. Khẳng định bằng kết cấu: từ ghi vấn + từ phủ định.

Ví dụ:

- Hôm nào (mà) cháu chẳng quên.

 

- Bao giờ anh chẳng đúng.

 

- Tôi ngồi đâu chẳng được.

Lối khẳng định này tương đương về ý nghĩa với sự khẳng định bằng kết cấu: nghi vấn + cũng.

- Hôm nào cháu chẳng quên tương đương với Hôm nào cháu cũng quên.

- Bao giờ anh chẳng đúng tương đương với Bao giờ anh cũng đúng.

III. Bài đọc  sound.gif

1. Câu chuyện về một người thầy 

Người ta kể lại rằng có một lần Chu Văn An và mấy người học trò lên Kinh đô. Thầy trò đang đi chơi bỗng gặp một em bé bán kẹo. Em bé khép nép dừng lại bên đường, khoanh tay, cúi đầu cung kính cất lời chào. Chu Văn An vội đứng lại, cũng chắp tay cúi đầu đáp lễ cung kính không kém. Khi em bé đã đi xa, một người học trò hỏi ông: "Thưa thầy, thằng bé bán kẹo kia là một đứa trẻ lang thang, thất học sao thầy lại cung kính với nó như vậy? Con sợ rằng thầy làm như thế sẽ có hại cho danh tiếng của thầy". Chu Văn An cười và bảo với người học trò của mình rằng: "Em bé bán kẹo ấy là một đứa trẻ lang thang, thất học mà còn biết giữ lễ như vậy, chẳng lẽ ta là một người có học lại không biết giữ lễ hay sao?".

2. Thầy vẫn khoẻ chứ?

Có một thầy giáo già đang đi trên đường phố. Bỗng thầy giật mình vì có ai vỗ mạnh vào vai mình từ phía sau. Thầy giáo già quay lại và nhận ra đó là một học trò cũ.

Anh học trò hỏi thầy giáo già:

- Chào thầy! Thầy vẫn khoẻ chứ?

Ông giáo già nhẹ nhàng trả lời:

- Cám ơn! May là tôi cũng ít được gặp những học trò cũ như anh nên vẫn khoẻ. 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin