Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:31

Bài 28. Thủ tục tại sân bay, liên hoan chia tay


I. Các tình huống hội thoại sound.gif

1. Chuẩn bị đón tiếp

Viện trưởng
(với Viện phó):

Ngày mai ông giám đốc Viện phát triển châu Á sang làm việc với Viện ta sẽ đến Hà Nội. Anh đi đón nhé!


Viện phó:


Vâng ạ! Xin anh cho ý kiến cụ thể thêm.


Viện trưởng:


Vẫn như đón các đoàn trước. Anh và cô Hoa, thư ký của tôi đi đón. Bảo cô Hoa mua một bó hoa thật đẹp. Đón họ về nhà khách của Bộ. Tôi đã báo cáo với Bộ trưởng rồi.


Viện phó:


Để tôi liên hệ với nhà khách, yêu cầu họ chuẩn bị phòng.


Viện trưởng:


Chưa rõ đoàn có mấy người, có lẽ cứ đặt trước năm phòng, thà thừa còn hơn thiếu.


Viện phó:


Vâng ạ!

 2. Trong nhà ga sân bay Nội Bài


Nhân viên Hải quan
(sau khi xem tờ khai
Hải quan của ông William):

Thưa ông, máy vi tính ông mang theo khi trở về Hawaii ông để lại Việt Nam hay mang về?


Ông William:


Tôi chưa biết. Nhưng ông hỏi thế là thế nào ạ?


Nhân viên Hải quan:


Tôi cần xác nhận vào tờ khai là ông sẽ mang về để khỏi phải đóng thuế.


Ông William:


Nhưng nếu tôi muốn tặng cho một Viện nghiên cứu của Việt
Nam, nơi mà tôi làm việc.


Nhân viên Hải quan:


Thưa ông, trong trường hợp đó sẽ được miễn thuế.


Ông William:


Cám ơn ông. Tôi hiểu.

3. Trong buổi liên hoan chia tay

Viện trưởng: - Kính thưa giáo sư William và các vị cùng đi,

                      - Kính thưa các giáo sư, tiến sĩ, các nhà khoa học và tất cả các    vị  có mặt tại đây.

Hôm nay, Viện Đông Phương chúng tôi tổ chức buổi liên hoan thân mật để chia tay giáo sư William. Ngày mai, giáo sư và các vị trong đoàn sẽ lên đường về nước, kết thúc thời gian hai tuần làm việc tại Việt Nam. Thời gian tuy ngắn nhưng giáo sư và các cộng sự của mình đã hoàn thành một khối lượng công việc thật lớn: tham gia hội thảo, trao đổi với các nhà khoa học Việt Nam về hướng phối hợp nghiên cứu giữa hai Viện, đi tham quan một số địa chỉ văn hoá... Kết quả chuyến đi này của giáo sư chắc chắn sẽ đặt cơ sở cho sự hợp tác nghiên cứu trong tương lai giữa các nhà khoa học ở hai Viện chúng ta. Tôi đề nghị chúng ta nâng cốc chúc mừng những kết quả tốt đẹp đó. Chúc giáo sư và các vị cùng đi dồi dào sức khoẻ, đạt được nhiều thắng lợi hơn nữa trong công việc nghiên cứu của mình.

4. Thủ tục xuất cảnh

Nhân viên hướng dẫn:

Xin ông khai vào phiếu xuất cảnh và tờ khai hải quan. Sau đó mời ông đến phòng kiểm tra hành lý, cửa số 3, để làm thủ tục rồi qua phòng số 4 để cân hành lý.


Ông William:


Tôi có mang theo mấy bức tranh phố Hà Nội của hoạ sĩ Phái, có cần khai không?


Nhân viên hướng dẫn:


Ông cần khai rõ, nếu mua thì cần xuất trình cả hoá đơn mua hàng nữa và cho nhân viên hải quan kiểm tra.


Ông William:


Cám ơn.

II. Ghi chú ngữ pháp

1. Cách dùng từ "để" với nghĩa cầu khiến

Từ để đặt ở đầu câu thường biểu thị ý nghĩa cầu khiến.

Ví dụ: - Để tôi liên hệ với nhà khách.

- Để anh ấy phát biểu.

- Để lát nữa tôi trả lời.

Chú ý: Cần phân biệt với trường hợp để trong trạng ngữ chỉ mục đích.

Ví dụ: Để tham khảo, tôi phải đọc nhiều tài liệu.

2. Kết cấu "Thà A còn hơn B" dùng để nhấn mạnh vào sự lựa chọn trong một hoàn cảnh cụ thể

Ví dụ: - Thà thừa còn hơn thiếu.

- Thà đi xe máy còn hơn đi ô tô.

- Thà đắt mà tốt còn hơn rẻ mà xấu.

Chú ý: a) Có thể lược bỏ B nếu không muốn cụ thể hoá sự lựa chọn đối lập.

b) Khi muốn phủ định B có thể dùng: thà A (chứ) không B.

Ví dụ: Thà đi bộ chứ không đi ô tô.

Một số trường hợp có thể không dùng thà:

Ví dụ: Thừa còn hơn thiếu

3. Kết hợp "thật + tính từ"

Dùng để nhấn mạnh vào tính chất, màu sắc, khối lượng... do tính từ biểu thị.

Ví dụ: - Hoàn thành một khối lượng công việc thật lớn.

- Đó là những kỷ niệm thật sâu sắc.

- Bài học thật bổ ích.

Chú ý: Khi muốn biểu thị ý nghĩa đánh giá có thể đảo kết hợp tính từ + thật.

- Mùa hè năm nay nóng thật.

- Bài học bổ ích thật.

- Cô ấy đẹp thật.

4. Câu có bổ ngữ là kết cấu C-V

Dùng để thuyết minh đánh giá, nhận xét về một sự vật, đối tượng. Vị ngữ thường là nhóm động từ cảm nghĩ nói năng: xác nhận, biết, nghĩ, nói, thấy, hiểu, nhớ, cho, ngờ. Bổ ngữ C-V thường nối động từ vị ngữ bằng từ nối rằng, là.

Ví dụ: - Tôi xác nhận ông sẽ mang về.

- Anh ấy nghĩ rằng tôi sẽ không đến.

- Ai cũng cho rằng kết quả rất tốt đẹp.

III. Bài đọc sound.gif

1. Tình huống không ngờ

Một ngày tháng năm, trời nắng, nóng, chúng tôi lên Nội Bài để đón giáo sư Paul. Máy bay Thái hôm nay đến chậm. Đã quá giờ quy định mà máy bay vẫn chưa đến. Bỗng tiếng cô nhân viên hướng dẫn nhà ga vang lên trong loa phóng thanh, thông báo máy bay Thái Lan đang hạ cánh xuống đường băng. Chúng tôi đã nghe tiếng động cơ máy bay rít lên. Vì không kịp xin giấy phép vào đón khách ở phòng làm thủ tục nên chúng tôi đành chờ ở ngoài. Vả lại khách là giáo sư Paul, người đã rất quen thuộc các thủ tục ở sân bay Nội Bài và cũng đã rất quen chúng tôi nên chúng tôi rất yên tâm. Khách đã bắt đầu ra, 10 phút, 20 phút rồi 30 phút trôi qua, vẫn chưa thấy giáo sư đâu, chẳng lẽ kế hoạch của ông lại thay đổi? Phúc, lái xe của cơ quan chúng tôi, vốn là người tháo vát bảo với tôi: "Để tôi vào trong xem thế nào nhé!". Nói rồi, anh biến mất. Hình như những người khách cuối cùng đã ra khỏi phòng làm thủ tục. Nhân viên nhà ga đã đóng bớt một cửa ra vào, chỉ để lại một cửa. Vừa lúc ấy tôi thở phào khi thấy Phúc tay xách một túi vải to đang cùng giáo sư Paul đi ra. Còn giáo sư Paul thì mồ hôi nhễ nhại. Ông khẽ mỉm cười bắt tay tôi và không nói một câu nào. Mãi đến khi lên xe về Hà Nội tôi mới biết sở dĩ giáo sư ra chậm là vì cái túi vải mà Phúc xách hộ. Đó là chiếc máy vi tính cùng máy in ông mang theo để làm việc ở Việt Nam. Nhân viên hải quan yêu cầu ông phải đóng thuế hàng hoá trong khi ông thì nghĩ rằng đó chỉ là một công cụ làm việc. May mà Phúc vào được phòng làm thủ tục và sự việc đã được giải quyết nhanh gọn. Tất nhiên là giáo sư không phải đóng thuế, nhưng ông có vẻ không vui. Ông nói rằng hình như mỗi lần đến Việt Nam, khi làm thủ tục ở sân bay thế nào ông cũng gặp một tình huống nào đó mà ông không ngờ.

2. Thà chết đi còn hơn!

Có một anh nhà nghèo nhưng rất lười, suốt ngày chỉ chơi bời lêu lổng không chịu lao động. Thấy người ta ra đồng cày cấy, suốt ngày làm việc nặng nhọc, anh ta nghĩ: "Làm việc vất vả thế, thà nhịn đói còn hơn". Thấy người ta lên rừng kiếm củi, đốt than để sưởi ấm mùa đông, họ phải đi từ sáng tinh mơ đến tối mịt mới về, anh ta nghĩ: "Làm việc suốt ngày thế, thà chịu lạnh còn hơn". Mùa đông đến, mọi người có cơm ăn, có củi sưởi. Anh ta thì chẳng có gì, cuộc sống thật khốn khổ. Thấy thế mọi người bảo: "Con người sống mà không chịu làm việc, không chịu lao động để đến nỗi cơm không có mà ăn, áo không có mà mặc, phải chịu đói chịu rét thì thà chết đi còn hơn!".

 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin