Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 19:19

Bài 31. Sân khấu truyền thống


I.Các tình huống hội thoại sound.gif

1. Đi xem gì?

Martin là sinh viên Pháp. Anh mới đến Hà Nội để học tiếng Việt. Anh biết Việt Nam có một số loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống rất hấp dẫn như tuồng, chèo, cải lương.

Anh rất muốn đi xem nhưng lại sợ chưa hiểu hết vì tiếng Việt của anh còn kém.

Anh hỏi ý kiến Harry, người đã học tiếng Việt trước anh sáu tháng.


Martin:


Theo Harry, với trình độ tiếng Việt hiện tại, muốn hiểu được, mình nên đi xem gì?

Harry:


Tốt nhất là cậu nên đi xem chèo. Theo mình chèo Việt
Nam rất hay, và điều quan trọng là không biết tiếng, xem chèo người ta vẫn có thể hiểu được hết.


Martin:


Tốt quá. Vậy thì có thể đi xem chèo ở đâu?

Harry:


Để tối mai mình dẫn cậu đi. Mình đã xem nhiều lần rồi nhưng vẫn muốn xem nữa.Ở Hà Nội có một nhà hát chuyên diễn chèo ở Kim Mã, nhưng có lẽ đến Câu lạc bộ chèo truyền thống ở phố Nguyễn Đình Chiểu tốt hơn vì ở đó diễn hầu hết các vở chèo hoặc trích đoạn chèo cổ của Việt Nam và do các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn.

2. Xem rối nước ở đâu?


Giáo sư Paul:


Đến Hà Nội lần này tôi rất muốn xem biểu diễn rối nước nhưng chưa biết xem ở đâu? Anh có biết không?


Thành:


Thưa giáo sư! Có thể đến Nhà hát Rối nước để xem ạ.


Giáo sư Paul:


Ồ! Tốt quá! Nhà hát ấy ở đâu? Hôm nay anh có thể dẫn tôi đi xem được không?


Thành:


Thưa, được ạ. Nhà hát rối nước ở đường Trường Chinh gần đây thôi ạ. Có lẽ giáo sư đi xem buổi 19 giờ là tốt nhất ạ.


Giáo sư Paul:


Vâng! Vâng! Chúng ta sẽ đi xem buổi đó. Anh nhớ đến nhé.


Thành:


Vâng ạ.

3. Nói về cải lương sound.gif

sound.gif

Jack rất muốn đi xem cải lương vì Jack nghe nói ngoài tuồng, chèo, rối nước, cải lương cũng là một loại hình nghệ thuật sân khấu rất phổ biến ở Việt Nam. Nhưng ở Hà Nội, Jack không thấy quảng cáo loại hình nghệ thuật này và cũng không biết Nhà hát cải lương ở đâu. Vì vậy Jack hỏi Nam:


Jack:


Nam ơi! Tại sao ở Hà Nội, mình không thấy nhà hát nào diễn cải lương cả?


Nam:


Có nhưng không phải là nhà hát Trung ương mà là của thành phố. Đó là Rạp Chuông vàng. Còn Đoàn cải lương Trung ương thì không có nhà hát riêng như chèo. Thỉnh thoảng cũng diễn ở vài Nhà hát như Hồng Hà, Nhà hát Lớn.


Jack:


Tại sao vâỵ?


Nam:


Lý do đơn giản là cải lương phổ biến hơn ở miền
Nam. Ở thành phố Hồ Chí Minh có nhiều nhà hát cải lương. Có thể nói ở Nam bộ nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, không một loại hình nghệ thuật sân khấu nào thu hút khán giả mạnh mẽ bằng cải lương.

II. Ghi chú ngữ pháp

1.Hết: phó từ đặt sau động từ biểu thị sự hoàn thành, kết thúc, một cách trọn vẹn, có nghĩa như "xong, tất cả".

Ví dụ:

- Sợ chưa hiểu hết

- Tôi đã làm hết mọi việc

- Anh đã nói hết chưa?

2. Câu có kết cấu "là + T" làm vị ngữ: dùng trong trường hợp người nói muốn đưa ra một nhận định, đánh giá.

Ví dụ:

- Giáo sư đi xem buổi 19 giờ là tốt nhất ạ.

- Trong các bài học này thì bài 29 là khó nhất.

- Cậu đi xem chèo là tốt nhất.

Chú ý:

a/ Chủ ngữ trong kiểu câu này thường là một kết cấu C – V.

Giáo sư đi xem buổi 19 giờ là tốt nhất

b/ Có thể đảo hai thành phần của câu.

- Tốt nhất là cậu đi xem chèo

- Khó nhất là bài 29

Cặp từ "nói chung... nói riêng" hoặc "nói riêng... nói chung": dùng để liên kết hai từ hai thành phần câu có quan hệ bao hàm.

Ví dụ:

- Ở Nam Bộ nói chung, thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, cải lương phổ biến hơn.

- Các loại hình nghệ thuật sân khấu cổ nói chung, chèo nói riêng rất hấp dẫn.

2. Số từ ước lượng: "vài, dăm, mươi" dùng khi không cần xác định ước lượng.

Ví dụ:

- Họ cũng diễn ở vài nhà hát

- Dăm ngày nữa tôi sẽ đi thành phố Huế.

Chú ý: Số từ ước lượng có thể dùng ở dạng kép:

vài ba (2-3), dăm ba (5-3), mươi lăm (10-15), dăm bảy (5-7), đôi ba (2-3)...

III. Bài đọc sound.gif

sound.gif

Múa rối nước

Cảnh tượng quanh ao làng thật là náo nhiệt. Nơi đây, thường ngày rất yên tĩnh nhưng hôm nay bỗng rộn rã tiếng trống, tiếng chiêng cùng âm thanh của vài ba nhạc cụ dân tộc khác như tiếng sáo, tiếng nhị... Khán giả đứng rất đông ở trên bờ ao. Tiếng trống trở nên rộn rã hơn. Buổi biểu diễn bắt đầu. Một con rối bằng gỗ lớn bằng một em bé dăm tuổi, đôi mắt tinh nghịch, nét mặt tươi cười, mặc chiếc áo không ống tay, không cài khuy để hở cái bụng... chú cất tiếng hát...

Hát xong, chú tiến lại bánh pháo treo trên một cây sào cắm ở giữa ao và châm lửa. Pháo nổ ran mặt nước. Một con rồng lướt trên mặt nước. Hai con lân tranh nhau một quả cầu lụa theo nhịp trống do một con rối đánh. Một con chim hạc xoè hai cánh mổ lên cổ một con rùa đang bơi. Sau những tiết mục ấy, một ông già xuất hiện. Ông câu cá. Một lúc sau, ông câu được một con cá to. Con cá giãy giụa làm nước bắn lên tung toé.

Đó là cảnh tượng một buổi biểu diễn múa rối nước ở nông thôn Việt Nam, một đỉnh cao của nghệ thuật biểu diễn nói chung và nghệ thuật múa rối nói riêng.

           

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin