Công cụ làm việc cá nhân
Trang chủ | Liên hệ | Fonts | Sitemap | Tìm kiếm
Thứ ba, 24/12/2024 0:18

Bài 39. Việt Nam với chính sách mở cửa và đổi mới


 I. Các tình huống hội thoại sound.gif

sound.gif

1. Luật đầu tư của Việt Nam.

JACK:

Hình như luật đầu tư của Việt Nam khá hấp dẫn đối với các nhà kinh doanh nước ngoài?

MARTIN:


Phải nói rằng luật đầu tư thì khá hấp dẫn nhưng theo mình biết, các nhà đầu tư nước ngoài cũng còn gặp những trở ngại không nhỏ.


JACK:


Ví dụ?

MARTIN:


Ví dụ thì có nhiều. Từ việc xin cấp giấy phép đến việc ký kết hợp đồng, xây dựng cơ sở... Nhưng dẫu sao thì Việt
Nam cũng đã thực hiện một chính sách mở cửa nhất quán, đó là điều quan trọng nhất. Vả lại, Việt Nam là một đất nước có rất nhiều tiềm năng nên sức hấp dẫn của nó rất lớn.

2. Hỏi chuyện một kỹ sư lâu năm.


ÔNG BẢO
(Việt kiều):

Thưa chị, mấy năm gần đây chị thấy cuộc sống thế nào?


CHỊ THANH:


Nhờ đổi mới và mở cửa, cuộc sống đã khá hơn nhiều. Trên đường phố những chiếc xe đạp, xích lô cũ kỹ đã vắng dần và thay vào đó là những chiếc xe máy mới, những xe ô tô sang trọng và xích lô lọng vàng. Khách sạn, nhà hàng mọc lên khắp nơi. Đường sá được mở rộng. Cả thành phố giống như một công trường xây dựng. Vui quá.

ÔNG BẢO:


Nhìn ra xã hội thì thắng lợi của công cuộc đổi mới là rõ quá rồi. Nhưng muốn hỏi chị cuộc sống trong gia đình có gì thay đổi?


CHỊ THANH:


Thay đổi nhiều chứ anh! Cuộc sống vật chất và tinh thần đều được nâng cao. Nhà nào bây giờ mà chẳng có T.V, radio, nhiều nhà còn có cả video. Thu nhập tuy chưa nhiều nhưng đồng lương và những khoản thu khác cũng tạm đủ sống. Hạnh phúc nhất là không còn cảnh phải sắp hàng chen lấn nhau để mua những nhu yếu phẩm cần thiết, từ mớ rau cho đến cân gạo. Bây giờ cái gì cũng sẵn, thậm chí người bán còn mang đến phục vụ tận nhà.


ÔNG BẢO:


Thế còn mặt trái của cuộc sống?


CHỊ THANH:


Cũng có nhiều vấn đề như tệ nạn xã hội gia tăng, nhiều nam nữ thanh niên chưa có việc làm. Nhưng ở đâu mà chẳng có những vấn đề như thế phải không anh? Tôi biết Chính phủ Việt
Nam đang có những biện pháp kiên quyết để làm cho xã hội trong sạch, lành mạnh và phát triển ổn định.

II. Ghi chú ngữ pháp

1. "Dẫu sao... cũng..." (hoặc "dù sao... cũng...") liên kết hai câu hoặc hai vế câu có quan hệ điều kiện - kết quả (tương đương với cặp từ "dù... (thì)... cũng" (bài 27) nhưng có sắc thái nhấn mạnh hơn vì vế câu A được thể hiện một cách phiếm định (dẫu sao, dẫu thế nào, dẫu sao đi nữa, dẫu thế nào chăng nữa).

Ví dụ:

Dẫu sao thì Việt Nam cũng đã thực hiện một chính sách mở cửa nhất quán.

 


Dẫu thế nào thì tôi cũng cứ đi.

 


Dẫu sao đi nữa thì anh ấy cũng còn tốt hơn nhiều người.

2. Cách biểu thị mức độ tương đối của tính từ. Tính từ có thể biểu thị mức độ cao với "rất, lắm, quá" ngoài ra cũng có thể biểu thị mức độ tương đối với các phó từ "khá" hoặc "hơi".

Ví dụ:

Luật đầu tư của Việt Nam khá hấp dẫn.

 

Tôi hơi mệt.

 

Trời hơi lạnh.

Chú ý: Về ý nghĩa "hơi T," "khá T" tương đương với "không T lắm."

3. Cả: Trợ từ dùng để nhấn mạnh thành phần chủ ngữ hoặc bổ ngữ. Nếu nhấn mạnh chủ ngữ thì ở vị ngữ cần có "cũng".

Ví dụ:

Nhiều nhà còn có cả video (nhấn mạnh bổ ngữ).

 


Cả tôi cũng không hiểu (nhấn mạnh chủ ngữ)

 


Trước mắt chúng ta có cả một tiền đồ tươi sáng.

 


Tôi không đi, cả Helen cũng không đi.

III. Bài đọc sound.gif

sound.gif

1. Việt Nam - "Người đẹp ngủ trong rừng"

Đối với những nhà kinh doanh nước ngoài, Việt Nam là "người đẹp ngủ trong rừng". Chỉ ít giây nữa thôi nàng sẽ thức dậy. Nàng đang hấp dẫn mọi người, những nhà kinh doanh lớn nhỏ của châu Âu và của cả châu Á. Có nhiều lý do để họ đến Việt Nam và sẽ có nhiều việc để làm ở đây. Nàng vẫn là cộng sản nhưng dẫu sao nàng cũng vẫn thật hấp dẫn. Miền Bắc, với phong thái trí thức, còn dè dặt nhưng miền Nam thì hình như đã nhập cuộc. Ở thành phố Hồ Chí Minh, Khách sạn Nổi luôn hết chỗ, Khách sạn Meridien và Sopitol sắp thành khách sạn 5 sao. Ngay cả Khách sạn Metropole ở Hà Nội cũng không trống vắng. Chỉ ba tháng sau khi khai trương chủ nhân của nó đã muốn mở rộng ra gấp đôi. Hãng hàng không Pháp Air - France mới mở đường bay Paris - Hà Nội và hợp tác để hiện đại hoá hàng không Việt Nam. Nhiều nhóm người Nhật là những nhà du lịch, nhà kinh doanh, nhà khảo sát,... có mặt khắp nơi ở Việt Nam. Nhiều nhà kinh doanh và công ty Mỹ cũng đã đến... Khi đường sá được sửa sang, mạng lưới thông tin thông suốt, khi Việt Nam được hòa nhập vào kinh tế thế giới thì sẽ là cả một cuộc đổ xô vào Việt Nam. Họ nhất định sẽ ở lại đây và đất nước này sẽ phát triển một cách kỳ diệu.

2. Cơm bình dân

Một buổi trưa, tôi và một người bạn vào một quán cơm bình dân ở phố Tuệ Tĩnh.

Người ta nói nhiều đến cơm bình dân Hà Nội như một sự kiện, một hiện tượng của thời đổi mới. Bây giờ hầu như khu vực nào của Hà Nội cũng có quán cơm bình dân. Có quán nhỏ, chỉ đủ phục vụ một lúc chừng chục người nhưng cũng có quán khá lớn có thể phục vụ một lúc cả mấy chục người.

Cơm bình dân hình như đang ngày càng không "bình dân" lắm. Chỉ có một số hàng ở gần các trường đại học là còn bình dân còn nhiều quán cơm khác bán đủ các món ăn, các loại đồ uống. Vào một nhà hàng như thế, chỉ một việc chọn món ăn, nếu không quen cũng mất cả chục phút. Gần đây món cơm này còn hấp dẫn cả khách nước ngoài. Mỗi bữa cơm bình dân của khách nước ngoài hết khoảng 20 - 30 ngàn đồng. Nhưng dẫu sao đối với họ cũng rẻ chán so với ăn trong khách sạn.
 

 


Attachment files:
Tạo bởi admin
Cập nhật 14-07-2008
Tạp chí Quê Hương trên Internet
Kênh thông tin của Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài
Tổng biên tập Hoàng Bình
Toà soạn: Số 7B Ngõ Phan Chu Trinh, Hoàn Kiếm, Hà Nội, Việt Nam
Tel: (84-4) 9.33.39.23, 9.33.39.24
Fax: (84-4) 8.25.92.11 - E-mail: info@quehuong.org.vn - quehuong@hn.vnn.vn
Giấy phép 399/GP-BVHTT ngày 26/12/2000 của Bộ Văn hoá - Thông Tin