Tài nguyên nước bị đe dọa bởi biến đổi khí hậu

Tác động của biến đổi khí hậu đặc biệt ảnh hưởng đến các quốc gia đang phát triển, có đường bờ biển dài và thấp như Việt Nam. Trong đó, những lĩnh vực, đối tượng được xem là rất nhạy cảm với biến đổi khí hậu là tài nguyên nước, các hệ sinh thái thủy sinh, nông nghiệp và an ninh lương thực.


Trật lụt lịch sử tại Hà Nội vừa qua là một minh chứng

cho việc biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến

lượng nước mưa.

Thông tin này được đưa ra ngày 23/12, trong cuộc hội đàm về tác động của biến đổi khí hậu lên tài nguyên nước tại Việt Nam do Cục Quản lý tài nguyên Nước (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức.
 

Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu cho biết, sự thay đổi của nhiệt đội sẽ dẫn đến việc phân phối nước mưa trong năm cũng bị thay đổi đáng kể. Theo đó, mưa có thể tập trung vào một số tháng mùa mưa với lượng lớn hơn, mùa mưa cũng có thể kết thúc sớm hơn 1 tháng. Vào mùa khô hoặc giai đoạn Thu-Đông có khả năng mưa sẽ rất ít và thậm chí không có mưa. Cùng với đó, tần suất và cường độ của các trận bão, lũ, hạn hán cũng tăng đáng kể.

“Theo các kịch bản biến đổi khí hậu thì sau 2030, ảnh hưởng của lượng mưa đến dòng chảy trung bình năm của Việt Nam sẽ có biểu biện rõ rệt. Cụ thể, nếu lượng mưa giảm 10% thì dòng chảy có thể giảm 10 – 30%. Sự thay đổi này được dự đoán sẽ diễn ra tại khu vực Tây Bắc và Nam Trung Bộ”, ông Hiếu nói.
 

Về mực nước biển, ông Hiếu cho hay, theo thông báo của Ban liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu, biên độ dao động của mực nước biển dâng là khá lớn. Tuy nhiên, mức độ dâng dự kiến ở vùng biển Việt Nam thấp hơn chút ít so với mực nước trung bình toàn cầu.
 

Những tác động do nước biển dâng là xói lở bờ biển và ngập lụt do mực nước triều và nuớc dâng do bão cao hơn. Biến đổi khí hậu cũng sẽ làm biến đổi mực nước dưới đất, làm tăng hiện tượng xâm ngập mặn của nước dưới đất tại các vùng ven biển khi nước biển dâng lên.

Chiều 23/12, trao đổi với Vietnam+, PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, Chủ nhiệm bộ môn Quản lý môi trường (khoa Môi trường, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết biến đổi khí hậu không phải bây giờ mới có mà là quá trình tích tụ đã nhiều năm qua và bây giờ có ảnh hưởng mạnh hơn. Theo đó, trong thời gian tới nơi nào hạn hán sẽ hạn hán hơn, nơi nào ngập sẽ ngập hơn chứ không phải nơi hạn sẽ biến thành ngập lụt và ngược lại. “Thậm chí, mực nước biển cũng có chỗ dâng, chỗ hạ chứ không phải dâng đều trên khắp thế giới”, ông Hòe nói.(Theo TTXVN)