Việt Nam - điểm đến đầy triển vọng
Hành trình tái hội nhập của tôi

của Intel tại TPHCM
Năm 1988, khi tới sân bay Tân Sơn Nhất sau 27 năm xa quê hương, tôi hơi thất vọng vì thủ tục nhập cảnh quá rườm rà mất thì giờ. Vì tôi làm đại diện cho Isuzu tại Âu Châu, phải thường xuyên đi thăm các đại lý của công ty tại nhiều nước Âu Châu, nên trong ví tôi có rất nhiều loại tiền như Franc Bỉ, Franc Pháp, Franc Thuỵ Sĩ, Mác Đức, Pound Anh v.v. Dù phần lớn là tiền nhỏ để boa, nhưng tôi đã phải khai hết, cột khai không đủ viết, phải viết sang một tờ khác! Khi về tới khách sạn Caravelle, tôi đã không nhận ra được vì khách sạn bị xuống cấp tồi tệ so với thời tôi rời Việt Nam (VN) du học Nhật Bản năm 1961. Những ấn tượng không mấy đẹp ban đầu cộng với một số khó khăn khác khiến tôi không biết là có thể về được không, vả lại nhà mẹ và các em tôi lúc đó chưa có điện thoại, nên không liên lạc được. Sáng hôm sau, thời đó chưa có taxi, tôi thuê hai chiếc xích lô, một chiếc chở một vali khá nặng về thăm mẹ tôi ở Tân Bình. Tội nghiệp bà cụ cứ như nằm mơ khi gặp con sau 27 năm xa cách. Còn tôi cũng quá cảm động không cầm được nước mắt.
Vì nghĩ rằng sẽ khó trở về quê hương sinh sống, chúng tôi đã đầu tư mua một số bất động sản ở Paris (Pháp) và Bruxelles (Bỉ) với mục đích sẽ hưu trí tại đó.
Sau lần về thăm nhà đó, mỗi năm tôi đều xin nghỉ phép về Sài Gòn thăm mẹ tôi. Và mỗi lần về, tôi được nhìn tận mắt những thành quả của công cuộc Đổi Mới của VN. Tỉ dụ như thủ tục nhập cảnh ngày một cải tiến, chỉ cần 10 – 30 phút, và ngoại tệ dưới 3000 USD thì không phải khai báo nữa. Đường phố nhộn nhịp kẻ mua người bán, khuôn mặt dân chúng tươi hẳn lên. Tôi cảm thấy sự nghiệp Đổi Mới là hiện thực và mình có thể trở về đóng góp một phần nhỏ trong sự nghiệp đầy triển vọng này. Vì thế, năm 1992, sau khi hoàn tất hai nhiệm kỳ tại Âu Châu, tôi đã bàn với bản hãng Isuzu tại Tokyo xin sang làm việc ở VN. Công ty đã chấp thuận tạm thời chuyển tôi sang Hà Nội làm Phó Tổng đại diện cho tập đoàn Itochu (tập đoàn lớn nhất Nhật Bản thời đó) để chuẩn bị đầu tư vào VN. Từ cuối năm 1992 tới cuối năm 1995, tôi phụ trách thành lập nhiều công ty liên doanh và công ty 100% vốn nước ngoài như Isuzu VN, INAX, VINA-KYOEI, KAO, v.v. Công ty Isuzu VN là liên doanh giữa VN (hai công ty thuộc TP Hồ Chí Minh), Itochu và Isuzu. Sau nhiệm kỳ 3 năm với Itochu, tôi được điều phái sang làm Phó Tổng giám đốc Công ty Liên doanh Ô tô Isuzu VN tại TP Hồ Chí Minh. Năm 1999 khi Isuzu VN bắt đầu lên quỹ đạo, tôi về hưu sinh sống tại VN. Sau khi quyết định về VN sinh sống, chúng tôi đã bán tất cả các bất động sản ở Âu Châu để đầu tư vào VN.
Đó là quá trình khiến tôi trở thành nhân chứng cho công cuộc Đổi Mới ở VN.
Kinh tế Việt Nam trong thời kỳ Đổi Mới - thập kỷ 1990 tới nay
Một điều rất thú vị là năm 1992 khi tôi trở về Hà Nội làm việc, kinh tế VN giống hệt như kinh tế Nhật Bản trong thập niên 60.
Năm 1961, khi tôi sang Nhật du học, một bát mì Ramen ở Tokyo giá 20 Yen, lương tháng sinh viên mới tốt nghiệp đại học bắt đầu đi làm là 15.000 Yen, tính theo tỉ giá hối đoái thời đó 1 USD = 360 Yen thành hơn 40 USD / tháng. Năm 1992, một bát phở ở Hà Nội giá 2000 đồng, theo tỉ giá 1Yen = 100 đồng thì y như bát mì ở Tokyo năm 1961, và lương tháng của sinh viên tốt nghiệp đại học năm 1992 cũng vào khoảng trên 40 USD (theo tỉ giá 1 USD = 10.000 đ, thành 400.000 đồng). Tôi có cảm giác mình đi ngược dòng thời gian về thời thanh niên của mình. Tóm lại, kinh tế VN từ thập kỷ 1990 tới nay có nhiều điểm tương đồng với kinh tế Nhật Bản trong thời kỳ phát triển cao độ và ổn định 1960 – 1980. Hơn nữa, nước ta có lợi thế đang phát triển trong thời đại internet và điện thoại di động.
Chính sách đổi mới
Năm 1986, học tập kinh nghiệm cải cách kinh tế của Trung Quốc, cốt lõi của chính sách đổi mới ở VN là chấp nhận một cách cụ thể quyền sử dụng đất của nhân dân, nhất là nông dân, nhà nước thu một phần thu hoạch của họ như là phí sử dụng đất, phần thu hoạch còn lại thuộc về họ, đồng thời cho giá cả được xác định bởi cơ cấu cung cầu (kinh tế thị trường). Thêm vào đó, việc quản lý ngoại tệ cũng rất uyển chuyển, cho dân chúng đồng thời sử dụng tiền đồng và USD. Luật đầu tư nước ngoài ra đời và được cải thiện nhiều lần nhằm mục đích thu hút đầu tư nước ngoài. Kết quả là nhiều công ty hàng đầu của thế giới đã đem vốn và công nghệ vào đầu tư tại VN. Điều này kết hợp tuyệt diệu với lực lượng lao động rẻ mà lại cần mẫn và sáng tạo, đã là nguồn động lực cho phát triển kinh tế của VN. Thực thế, lạm phát phi mã 3 con số của thời bao cấp đã hội tụ lại thành một con số, và đặc biệt là trong thập kỷ 1990, mức lạm phát đã xuống dưới 5%, trong khi đó tỷ lệ tăng trưởng GDP ròng đã đạt trung bình 7% / năm trong thập kỷ 1990 vừa qua.
Tuy nhiên phát triển kinh tế luôn đi đôi với những phản tác dụng. Công cuộc Đổi Mới của VN cũng làm phát sinh vấn đề môi trường, làm tăng mức cách biệt giầu nghèo và mức cách biệt khu vực. Theo tư liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2004, GDP trên đầu người của VN là 588 USD, nhưng ở TPHCM là 1.731 USD, tức là gấp khoảng 3 lần bình quân cả nước, trên mức ly lục (take-off) kinh tế; tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu là 6.438 USD, trong đó ngành dầu khí đóng góp 4.772 USD, nếu lược bỏ dầu khí, GDP trên đầu người của Bà Rịa Vũng Tàu là 1.666 USD. Tỉnh có GDP trên đầu người thấp nhất là Lai Châu: 169 USD! Như vậy, có nhiều tỉnh và khu vực chỉ có GDP khoảng 200 – 400 USD! Không chỉ trong các thời kỳ nông nhàn, mà suốt cả năm, dân quê ào ào ra các đô thị lớn để kiếm việc làm, tạo nên các vấn đề do mật độ dân số đô thị quá cao. Trong dân số hiện tại của TPHCM vào khoảng 6 triệu dân, thì 20% tức 1.2 triệu người là dân nhập cư mà hầu hết là nông dân và gia đình họ.
Về mặt văn hoá, tương tự như ở Nhật Bản trong thời kỳ phát triển kinh tế cao độ từ thập kỷ 1960, trẻ em Nhật miệt mài học thêm tại các lò luyện thi ngõ hầu thi đậu vào các trường tốt. Từ thập kỷ 90, trẻ em VN tại các đô thị lớn cũng học thêm không kém miệt mài, rồi các bậc phụ huynh còn khuyến khích (đôi khi ép buộc) các em tập ba lê, piano, violon, Nhu đạo v.v., đến nỗi các em không còn thì giờ nào để vui chơi. Do đó đã xuất hiện căn bệnh thời thượng của một số trẻ em mập phì vì ăn nhiều mà thiếu vận động.
Kinh tế Việt Nam năm 2006 và triển vọng trung kỳ
Năm 2006, Hoa Kỳ đầu tư trực tiếp (FDI) vào VN khoảng 4 tỷ USD trong đó nổi bật nhất là đầu tư của INTEL khoảng 1 tỷ USD. Theo đại sứ Hoa Kỳ tại VN Marine, đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ vào VN sẽ tăng gấp đôi lên khoảng 8 tỷ USD trong năm 2007. Theo cuộc điều tra 484 doanh nghiệp Nhật Bản của JBIC (Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản), hiện VN đã vượt qua Thái Lan lên đứng thứ ba trên thế giới về triển vọng trung hạn của giới đầu tư. Nếu đặt trọng tâm vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thì VN xếp thứ hai chỉ sau Trung Quốc. Làn song đầu tư thứ nhất của NB vào VN trong thập kỷ 1990 bao gồm hầu hết các tập đoàn lớn như Itochu, Mitsubishi, Mitsui, Sumitomo, v.v. và các công ty sản xuất như Toyota (ôtô), Honda (xe máy), Isuzu (xe tải), Vinakyoei (Thép xây dựng), Inax (Xứ vệ sinh),…. Hiện đang có làn sóng đầu tư thứ hai từ NB gồm các công ty vừa và nhỏ. Các công ty này sử dụng rất nhiều nhân công, sẽ tạo công ăn việc làm cho một số không nhỏ lao động VN. Thêm vào đó, hội nghị các nhà tài trợ cho VN đã cam kết sẽ tăng vốn viện trợ ODA (Official Development Assistance) cho VN lên mức 4,45 tỷ USD trong năm 2007. Nhật Bản đứng đầu danh sách các nhà tài trợ với 890 triệu USD, nếu tính cả viện trợ qua các cơ quan tài chính thứ ba như ADB (Ngân hàng Phát triển Á châu) và WB (Ngân hàng Thế giới) thì viện trợ của Nhật Bản sẽ vượt qua ngưỡng 1 tỉ USD trong năm 2007. Trong 5 năm sau khi gia nhập WTO, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng trung bình 9 – 10%/ năm, đưa kinh tế nước này vượt lên trên Anh và Pháp, trị giá GDP (Gross Domestic Products) đứng thứ tư trên thế giới. Với sự gia tăng của cả hai nguồn vốn là đầu tư trực tiếp và ODA. Thiển nghĩ VN có thể duy trì tăng trưởng GDP ở mức 8 – 9% / năm trong 5 – 10 năm tới.
Thị trường chứng khoán Việt Nam
Trong thời kỳ phát triển kinh tế cao độ (1960 – 1980) tại NB, thị trường bất động sản (BĐS) và chứng khoán (CK) tăng rất mạnh. Hiện tượng này cũng đã và đang xảy ra tại VN.
Thị trường CK của VN đã được hình thành từ tháng 7 năm 2000, khởi đầu bằng việc thiết lập trung tâm giao dịch chứng khoán tại TPHCM. Năm 2002, chỉ có 17 công ty được niêm yết cổ phiếu, mà hiện nay đã có 67 công ty được niêm yết! Trung tâm giao dịch CK Hà Nội cũng đã được thành lập và hoạt động rất năng động.
VNindex trong 6 năm qua
Tháng 7/2000 100
12/12/2001 267.83
12/12/2002 183.69
12/12/2003 162.14
12/12/2004 230.10
12/12/2005 316.88
11/12/2006 724.29
Biểu đồ chứng khoán từ năm 2002 tới nay
Gần đây, VNindex tăng đột biến sau chuyến viếng thăm Trung tâm Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh của Tổng thống Mỹ G. Bush ngày 20/11/2006, và nhất là sau khi lưỡng viện Hoa Kỳ thông qua PNTR đối với VN ngày 09/12/2006.
17/11/2006 573.79
24/11/2006 665.53
15/12/2006 775.56
Như đã nêu trên, kinh tế VN sẽ tăng trưởng cao độ và bền vững trong khoảng 10 năm tới đây. Trong khoảng thời gian này, việc đầu tư vào thị trường CK sẽ mang lại lợi ích rất lớn. Xin nêu một ví dụ: Chỉ số VNindex ngày 12/12/2005 là 316.88. Nếu tính cả các vụ chuyển giao cổ phiếu (stock) ưu đãi cho cổ đông (stockholder) khi tăng vốn, thì giá trị cổ phiếu đã tăng khoảng 3 lần trong một năm. Nghĩa là nếu sở hữu 100.000 USD cổ phiếu VN ngày 12/12/2005, thì giá trị tại thời điểm hiện tại (15/12/2006) sẽ là khoảng 300.000 USD.
Thị trường bất động sản (BĐS)
Sau Đổi Mới, nhất là từ năm 1992, giá BĐS tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP.HCM tăng mạnh. Trong 10 năm kể từ năm 1992 đến năm 2002, giá bất động sản ở Hà Nội và TPHCM đã tăng 10 – 20 lần. Một cách đầu tư thuận lợi cho Việt kiều muốn hồi hương là mua nhà, đất tại một địa điểm tốt rồi xây một toà nhà vừa để ở vừa cho thuê. Vừa có nơi ở tốt mà lại có thu nhập.
Hiện tại giá BĐS trong các đô thị lớn tương đối ổn định, các vùng ngoại ô còn tương đối rẻ. Kiều bào ở nước ngoài quen sống ở ngoại ô sẽ dễ tìm được nhà đất hợp ý. Tỉ dụ vùng ven sông Sài Gòn thuộc Huyện Củ Chi chỉ cách trung tâm Sài Gòn khoảng 15 – 20 Km, có nhiều trang trại nhỏ hợp với việc an cư của kiều bào cao tuổi muốn hồi hương.
Cơ hội đầu tư tại Việt Nam

lớn nhất thế giới tại Việt Nam
Tóm lại, cổ phiếu của các công ty trung kiên có triển vọng trung kỳ và trường kỳ tốt. Có thể nói rằng việc mua cổ phiếu của các công ty trung kiên VN sẽ có tác dụng cải thiện danh mục đầu tư (Investment portfolio). Tuy nhiên các nhà đầu tư tuyệt đối không nên vay tiền ngân hàng để đầu tư CK. Chỉ nên coi CK như một bộ phận của danh mục đầu tư gồm BĐS, vàng bạc đá quý, tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng, trái phiếu của chính phủ và trái phiếu của các công ty… Một danh mục đầu tư cân bằng phải bao gồm nhiều hình thái đầu tư và cân bằng được rủi ro. Đầu tư CK có cơ hội kiếm lợi đắc đầu tư cao nhưng nguy cơ cũng cao (High risk – high return) phải được cân bằng bởi tiết kiệm ngân hàng và trái phiếu (Low risk: chắc ăn). Tuy nhiên nên vay vốn ngân hàng khi đầu tư BĐS và nên nhằm vào các đối tượng có thể sử dụng hay sinh lợi ngay (để ở hay cho thuê).
Về cơ hội đầu tư cho các xí nghiệp Việt kiều, trước hết nên đầu tư vào các sản nghiệp sử dụng linh hoạt nguồn lao động tương đối rẻ (may mặc, giầy da, bít tất, đồ dùng bằng da, công nghệ phần mềm v.v. ). Sau đó nên chú trọng vào ngành chế biến nông thủy sản sử dụng nguyên liệu bản xứ. VN hiện không chỉ hấp dẫn đối với người Việt kể cả Việt kiều mà còn hấp dẫn đối với các thanh niên nước ngoài. Tôi xin nêu một ví dụ: Thấy con cái chúng tôi tương đối thành công tại TPHCM, anh Okuma, bạn của con rể chúng tôi, đã sang VN lập một văn phòng gia công phần mềm tại TP HCM, sử dụng khoảng 20 lập trình viên (LTV) VN. Lương bổng của Nhật quá cao, một LTV Nhật Bản lương tháng khoảng 4 – 5 ngàn USD, nghĩa là anh Okuma có thể thuê 10 LTV VN chỉ bằng lương của một LTV tại Tokyo. Sản phẩm gia công được gửi về Tokyo qua mạng internet. Okuma hiện đang sống một mình tại Sài Gòn, nhưng sau Tết Dương lịch, anh sẽ đưa vợ và con trai (2 tuổi) sang VN sinh sống lâu dài. Chi phí giáo dục tại các trường quốc tế trong đó có cả trường Nhật, cũng rẻ chỉ bằng khoảng 1/3 chi phí giáo dục tương đương tại Nhật Bản. Việc các thanh niên nước ngoài lập nghiệp ở VN vừa chứng tỏ VN là điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn, vừa tạo công ăn việc làm cho lao động bản xứ. Thêm vào đó, đây là một cơ hội chuyển giao công nghệ rất tốt. Hiện đã có rất nhiều công ty phần mềm phát đạt, trong đó có một số không nhỏ công ty của Việt kiều đang gia công phần mềm cho Nhật Bản và các nước Âu Mỹ.
Vũ Tất Thắng
Related news:
- Ngoại giao Việt Nam 2006: Cùng đất nước đi lên (14-02-2007)
- Những sự kiện chính trị, ngoại giao lớn nổi bật trong năm 2006 (14-02-2007)
- Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với sự nghiệp phát triển đất nước (14-02-2007)
- Ông Trần Quang Hoan - Phó Chủ nhiệm UBNVNONN: Công tác cộng đồng phải chủ động và vươn mạnh ra ngoài (14-02-2007)
- Quỹ hỗ trợ, vận động cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài - một năm khởi sắc (14-02-2007)
- Phần thưởng xứng đáng dành cho cộng đồng người Việt Nam ở Thái Lan (14-02-2007)
- Tâm thế doanh nhân trong Tuyên ngôn độc lập và Tư tưởng Hồ Chí Minh (14-02-2007)
- Thư Hồ Chí Minh gửi các giới công thương Việt Nam (14-02-2007)
- Doanh nghiệp Mỹ quyết định chọn Việt Nam (14-02-2007)
- Thu hút nguồn lực Việt kiều để phát triển công nghệ thông tin (14-02-2007)
Last modified 14-02-2007