Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 8)
Câu hỏi: Quốc kỳ nước ta lần đầu tiên xuất hiện ở đâu? Trong hoàn cảnh nào?
Trả lời:
Quốc kỳ của nước ta nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng 5 cánh.
Nhiều tài liệu khẳng đỉnh cờ đỏ sao vàng (quốc kỳ hiện nay) xuất hiện lần đầu tiên trong Khởi nghĩa Nam Kỳ cuối năm 1940. Từ ngày 21 đến 27 tháng Bảy năm 1940, Xứ uỷ Nam Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương (Đảng Cộng sản Việt Nam ngày nay) họp tại ấp Tân Thiện, xã Tân Hương, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho nhận định tình hình đã chín muồi cho việc đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền của quần chúng cách mạng và ra thông báo “ Phải tập trung ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang để giành chính quyền” . Hội nghị cũng cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra Bắc báo cáo Trung ương và đề nghị phối hợp hành động.
Để tiến tới khởi nghĩa, một vấn đề được đặt ra là cần có một lá cờ để khẳng định tổ chức, thống nhất hiệu lệnh chỉ huy và động viên quần chúng. Theo tác phẩm “Nguyễn Hữu Tiến truyện” của nhà văn Sơn Tùng thì Ban lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giao việc này cho đồng chí Nguyễn Hữu Tiến (tức Trương Xuân Chỉnh, Giáo Hoài), sinh ngày 5-3-1901, một chiến sĩ cách mạng kiên trung, quê tại tỉnh Hà Nam thực hiện. Sau nhiều lần phác thảo, đồng chí Nguyễn Hữu Tiến đã sáng tác mẫu cờ nền đỏ, ở giữa có ngôi sao vàng năm cánh. Tuy nhiên, theo công văn số 1393/VHTT - BTCM ngày 18/4/2001 gửi UBND tỉnh Hà Nam và nhiều tài liệu khác thì chưa đủ cơ sở để khẳng định điều này.
Ngày 23 tháng Mười một năm 1940, Khởi nghĩa Nam Kỳ bùng nổ. Tập hợp dưới lá cờ đỏ sao vàng, nhân dân các tỉnh Nam Bộ đã vùng dậy đập tan chính quyền của Pháp-Nhật và bọn tay sai ở nhiều nơi. Tuy khí thế cách mạng của đảng viên và quần chúng rất cao nhưng do điều kiện chưa chín muồi, địch nắm được chủ trương của ta nên cuộc khởi nghĩa thất bại và bị dìm trong bể máu. Nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng và hàng nghìn quần chúng cách mạng bị bắt, bị giết dã man. Đồng chí Nguyễn Hữu Tiến bị địch bắt và đã anh dũng hi sinh trước họng súng quân thù ngày 28 tháng Tám năm 1941.
Lá cờ đỏ sao vàng từ đấy đã xuất hiện nhiều lần trong các cuộc khởi nghĩa, biểu tình của quần chúng. Lá cờ đã tung bay trên cả nước trong những ngày Tháng Tám năm 1945 lịch sử; trên quảng trường Ba Đình, Hà Nội ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh một kỷ nguyên mới cho đất nước ta.
Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng, Quốc kỳ của nước ta cũng đã xuất hiện nhiều lần trong thơ của Hồ Chí Minh. Trong tập thơ “Nhật ký trong tù” viết vào năm 1941, hình ảnh Quốc kỳ đã xuất hiện trong thơ ca của Người:
Không ngủ được
Một canh…hai canh…lại ba canh
Trằn trọc, băn khoăn giấc chẳng thành
Canh bốn, canh năm vừa chợp mắt
Sao vàng năm cánh mộng hồn quanh
(Nam Trân dịch)
MỪNG XUÂN 1942
Chúc đồng bào ta đoàn kết mau
Chúc Việt Minh ta càng tiến tới
Chúc toàn quốc ta trong năm nay
Cờ đỏ sao vàng bay phấp phới.
Câu hỏi: Lá cờ đỏ sao vàng được Quốc hội chọn là quốc kỳ Việt Nam trong kỳ họp nào, Quốc hội khóa nào?
Trả lời:
Ngày 5 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh ấn định Quốc kỳ Việt Nam là cờ đỏ sao vàng.
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá I nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 2 tháng Ba năm 1946 đã biểu quyết nhất trí cờ đỏ sao vàng là Quốc kỳ của nước ta.
Quốc kỳ của nước ta đã ra đời trong phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và hơn nửa thế kỷ qua, lá cờ đỏ sang vàng là hình ảnh thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam trong lòng mỗi người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Câu hỏi: Quốc ca nước ta ra đời trong hoàn cảnh nào? Do ai sáng tác? Vài nét về tác giả?
Trả lời:
Quốc ca của Việt Nam là bài hành khúc “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác.
Nhạc sĩ Văn Cao sinh ngày 15-11-1923 tại Hải Phòng, quê gốc An Lễ, Liên Minh, Vụ Bản, Nam Định, nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực nhạc, thơ, họa, nhất là trong giới âm nhạc từ những ca khúc được sáng tác trước năm 1945 như Suối mơ, Thiên Thai, Trương Chi và nhiều bài hát nổi tiếng sau này. Ông tham gia Hội Văn hoá Cứu quốc, Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. Kháng chiến chống thực dân Pháp, ông lên chiến khu Việt Bắc làm báo, sáng tác và tiếp tục công việc này đến cuối đời ở Hà Nội . Ông mất ngày 10-7-1995 . Được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quí nhất về văn học-nghệ thuật.
Tháng Mười năm 1944, không khí cách mạng sôi sục trong cả nước. Không khí ấy đã tác động sâu sắc đến nhạc sĩ trẻ Văn Cao. Ông sáng tác bài Tiến quân ca ở số nhà 45 phố Nguyễn Thượng Hiền, nơi ở của ông hồi đó và cũng là nơi ông sống đến cuối đời. Viết xong Tiến quân ca, Văn Cao tự tay viết bản nhạc lên đá (in li tô) trên trang văn nghệ của báo Độc Lập, phát hành bí mật, vào tháng Mười Một năm đó.
Ngay sau khi ra đời, Tiến quân ca được đón nhận nồng nhiệt ở vùng đô thị cũng như trên các vùng chiến khu, trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh trong cao trào cách mạng năm 1945. Ngày 2-9-1945, Tiến quân ca được cử hành trang trọng trên quảng trường Ba Đình (Hà Nội) trong lễ độc lập.
Câu hỏi: Ý nghĩa của bản Quốc ca và Quốc kỳ trong sự nghiệp cách mạng của Việt Nam?
Trả lời:
Quốc kỳ và Quốc ca ra đời khẳng định sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thể hiện ý chí của một dân tộc độc lập, đoàn kết dưới ngọn cờ đỏ sao vàng, khẳng định ý chí và cổ vũ toàn dân tộc đoàn kết một lòng trong sự nghiệp cứu nước cứu dân, cổ vũ toàndân vượt qua mọi hy sinh gian khổ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam vững bền.
Related news:
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 10) (10-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 9) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 7) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 6) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 5) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 4) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 3) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 2) (08-06-2005)
- Tài liệu hỏi đáp về cuộc thi (phần 1) (08-06-2005)
- Cuộc xâm lược của nhà Triệu (26-05-2005)
Last modified 08-06-2005