Họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông
Vào lúc 16h00 ngày thứ Sáu, 23/5/2014, tại Nhà khách Chính phủ, 12 Ngô Quyền, Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Họp báo Quốc tế về tình hình Biển Đông. Cuộc họp báo có sự tham dự của nhiều đơn vị như Ủy ban biên giới quốc gia, Cảnh sát biển Việt Nam, Kiểm ngư Việt Nam, đại diện Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam và đại diện Bộ Ngoại giao.
Chủ trì buổi họp báo có: ông Lê Hải Bình - Người phát ngôn Bộ Ngoại giao; ông Trần Duy Hải - Phó Chủ nhiệm Ủy ban biên giới Chính phủ; ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển; bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Vụ trưởng Vụ luật pháp quốc tế; ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia.
Tại buổi họp báo, đại diện các cơ quan hữu quan của Việt Nam đã cung cấp những nội dung chính như sau:
Trong thời gian qua, bất chấp những giao thiệp nghiêm túc của phía Việt Nam ở nhiều cấp và dưới nhiều hình thức, Trung Quốc vẫn không chấm dứt hoạt động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam theo quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên. Việt Nam nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan Haiyang Shiyou-981 cùng các tàu hộ tống ra khỏi vùng biển của Việt Nam, chấm dứt các hoạt động gây ảnh hưởng đến an toàn, an ninh hàng hải cũng như hòa bình và ổn định ở khu vực. Sau khi Trung Quốc rút giàn khoan, hai bên sẽ trao đổi ngay các biện pháp kiểm soát ổn định tình hình và các vấn đề trên biển giữa hai nước. Tuy nhiên, phía Trung Quốc không những không đáp ứng mà gần đây lại còn đưa ra nhiều thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam. Về vấn đề này, Việt Nam nêu rõ quan điểm như sau:
1. Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Từ nhiều thế kỷ nay, ít nhất là từ thế kỷ 17, Việt Nam đã xác lập, thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa khi hai quần đảo này còn là vô chủ. Các nhà nước phong kiến Việt Nam đã thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này một cách hòa bình, liên tục, phù hợp với luật pháp quốc tế mà không gặp phải sự phản đối của bất cứ quốc gia nào.
- Trong thời kỳ Pháp thuộc (từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20), Chính phủ Pháp đã nhân danh Việt Nam tiếp tục quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời phản đối yêu sách của các nước khác đối với hai quần đảo này.
- Chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng đã được thừa nhận tại Hội nghị San Francisco tháng 9 năm 1951 – Hội nghị giải quyết vấn đề quy thuộc các vùng lãnh thổ sau Chiến tranh thế giới thứ 2 với sự tham gia của 51 quốc gia. Tại Hội nghị này, Trưởng Phái đoàn Quốc gia Việt Nam, Thủ tướng chính phủ Bảo Đại Trần Văn Hữu đã khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà không gặp bất cứ sự phản đối nào từ 50 quốc gia tham dự còn lại. Mặt khác, đề xuất của đoàn Liên Xô trao chủ quyền hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung Quốc đã bị đa số đại biểu trong Hội nghị phản đối với tỷ lệ số phiếu là 46 phiếu chống.
- Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 về việc khôi phục hòa bình ở Đông Dương khẳng định các bên tham gia tôn trọng độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Theo Hiệp định, Pháp sẽ rút khỏi lãnh thổ của Việt Nam theo đề nghị của Chính phủ Việt Nam và trong thời hạn thỏa thuận giữa các bên. Phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ, sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam năm 1956, Việt Nam Cộng hòa đã tiếp quản việc quản lý hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam Cộng hòa đã tuyên bố khẳng định chủ quyền và có các hành vi thực thi chủ quyền đối với hai quần đảo này. Trung Quốc là một trong những nước tham gia Hội nghị quốc tế về Đông Dương tại Giơ-ne-vơ 1954 biết rất rõ điều này và Trung Quốc có trách nhiệm tôn trọng các văn kiện quốc tế của Hội nghị đó.
- Năm 1974, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Việt Nam Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam đều đã lên tiếng phản đối hành động đó của Trung Quốc và khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
- Từ góc độ luật pháp quốc tế, việc chiếm đóng bằng vũ lực lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền là hành vi phi pháp và không thể đem lại chủ quyền cho Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa. Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế quy định cấm sử dụng vũ lực xâm phạm lãnh thổ của một quốc gia khác.
- Bị vong lục ngày 12/5/1988 của Trung Quốc - một văn bản chính thức của Bộ Ngoại giao Trung Quốc - cũng khẳng định rõ một nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế là “xâm lược không thể sinh ra chủ quyền” đối với một vùng lãnh thổ. Không có quốc gia nào trên thế giới công nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và việc Trung Quốc nói Trung Quốc có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.
2. Thời gian gần đây, Trung Quốc cho rằng Việt Nam đã thừa nhận một cách chính thức chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa và viện dẫn sai lệch công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1958.
- Cần khẳng định rằng công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng hoàn toàn không đề cập đến vấn đề lãnh thổ và chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà chỉ ghi nhận và tán thành việc Trung Quốc mở rộng lãnh hải ra 12 hải lý, đồng thời chỉ thị cho các cơ quan của Việt Nam tôn trọng giới hạn 12 hải lý mà Trung Quốc tuyên bố.
- Việc công thư của Thủ tướng Phạm Văn Đồng không đề cập đến hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng phù hợp với thực tế lúc đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa nằm dưới vĩ tuyến 17 thuộc quyền quản lý của Việt Nam Cộng hòa và được Pháp chuyển giao trên thực tế vào năm 1956 phù hợp với Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia.
- Việc gần đây Trung Quốc luôn nói Hoàng Sa không có tranh chấp là đi ngược lại chính quan điểm của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc. Ngày 24/9/1975, trong trao đổi với Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình đã thừa nhận giữa hai nước có tranh chấp về hai quần đảo và hai bên “có thể bàn bạc với nhau”. Ý kiến của Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình cũng được ghi lại trong Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 12/05/1988 đăng trên Nhân dân Nhật Báo. Xin lưu ý: năm 1958, Đặng Tiểu Bình là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc nên hiểu rất rõ về vấn đề quần đảo Hoàng Sa và phía Trung Quốc không nên nói và làm ngược với những ý kiến của lãnh đạo Trung Quốc trước đây.
3. Trong bản viết sẵn lưu hành tại buổi họp báo quốc tế ngày 16/5/2014 cũng như trong các bài viết, phát biểu của quan chức Trung Quốc, Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã phân lô 57 lô dầu khí, trong số đó có 7 mỏ đã đi vào sản xuất và 37 giàn khoan, tại các vùng biển có tranh chấp”. Trung Quốc đã không hề đưa ra một cơ sở pháp lý nào để biện hộ cho quan điểm này.
- Việt Nam khẳng định rằng mọi hoạt động dầu khí của Việt Nam đều được thực hiện hoàn toàn trên thềm lục địa của Việt Nam được xác định phù hợp với các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Thực tế này đã được cộng đồng quốc tế công nhận. Nhiều công ty dầu khí nước ngoài đã ký hợp đồng thăm dò, khai thác dầu khí với Việt Nam tại các lô thuộc thềm lục địa Việt Nam.
- Từ lâu nay, Việt Nam luôn thực hiện quản lý và khai thác có hiệu quả đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có các hoạt động dầu khí.
- Quan điểm trên của Trung Quốc thực chất là nhằm biến khu vực không có tranh chấp thành khu vực tranh chấp. Ý đồ của Trung Quốc là nhằm hiện thực hóa yêu sách “đường lưỡi bò” bị cả cộng đồng quốc tế lên án. Việt Nam kiên quyết bác bỏ quan điểm sai trái này và khẳng định quyết tâm bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế.
Về diễn biến tình hình trên khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam từ ngày 07/5 đến 22/5/2014, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển cho biết:
- Từ ngày 07/5 đến nay, TQ thường xuyên duy trì từ 74 ÷ 137 tàu các loại (gồm 02 ÷ 04 tàu chiến; 33 ÷ 42 tàu chấp pháp; 02 ÷ 11 tàu kéo, dịch vụ dầu khí và cứu hộ; 06 ÷ 22 tàu vận tải; 12 ÷ 60 tàu cá vỏ sắt có công suất lớn); trong đó luân phiên đưa ra khu vực 05 loại tàu chiến (gồm VTĐB 998, 999; Hộ vệ tên lửa 534, 571; TL tấn công nhanh 752, 753; Tuần tiễu chống ngầm 786, 789; tàu khu trục tên lửa 169) và các máy bay trong đó có cả máy bay quân sự. Cao điểm nhất ngày 20/5 là 137 tàu ( 04 tàu chiến – HVTL 534, TL tấn công nhanh 755, Tuần tiễu chống ngầm 786, 789; 42 tàu chấp pháp; 32 tàu phục vụ; 59 tàu cá).
- TQ thường xuyên sử dụng các nhóm tàu từ 03 – 05 chiếc bám sát các tàu chấp pháp của Việt Nam, có hành động chặn đầu, khóa đuôi, ép mạn sẵn sàng đâm va khi các tàu của Việt Nam vào gần tuyên truyền, ngăn chặn việc xâm phạm trái phép của giàn khoan HD 981.
- Các tàu của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào tàu Việt Nam, dùng súng bắn nước công suất lớn, hệ thống âm thanh âm tần, đèn pha công suất lớn nhằm làm hư hỏng tàu thuyền, gây thương tích cho 09 thủy thủ trên tàu.
- Trung Quốc còn sử dụng các loại máy bay tuần thám (số hiệu CMS-8321, B7112, CMS-3808) bay trên không phận tàu các tàu Việt Nam độ cao (khoảng 250 – 500m) uy hiếp, răn đe. Ngoài ra TQ còn sử dụng máy bay trinh sát Y-8, Máy bay chiến đấu J-11 bay tại khu vực.
- Sử dụng tàu cá vỏ sắt có công suất lớn (từ 100 – 300 tấn) ngăn cản, thậm chí đâm hỏng tàu cá Việt Nam hoạt động đánh bắt hải sản bình thường tại ngư trường khu vực này.
Cho đến thời điểm hiện nay Việt Nam chỉ sử dụng với số lượng hạn chế các tàu thực thi pháp luật của CSB và Kiểm ngư.
Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng CSB, Kiểm Ngư Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế,chủ động tránh đâm va trước hành động khiêu khích của các tàu Trung Quốc.
Các tàu Việt Nam chỉ dùng biện pháp tuyên truyền để yêu cầu các tàu và giàn khoan của TQ rời khỏi vùng biển Việt Nam, không đâm va và không sử dụng các trang thiết bị trên tàu để đối phó với các tàu Trung Quốc.
Về các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí của Việt Nam trên Biển Đông, ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia cho biết:
Tập đoàn Dầu khí VN đã được Chính phủ VN giao quản lý và triển khai và hợp tác triển khai các hoạt động dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN.
Việt Nam đã triển khai các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí (TDKT DK) trên thềm lục địa và vùng biển Việt Nam từ trước năm 1975. Ngay từ năm 1969-1970, Chính quyền miền Nam Việt Nam đã tiến hành khảo sát khoảng 12.000 km tuyến địa chấn 2D kết hợp khảo sát từ, trọng lực hàng không ở thềm lục địa Miền Nam Việt Nam (khu vực bể Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai – Thổ Chu và Tư Chính – Vũng Mây) (Công ty Ray Geophysical Mandrel thực hiện).
Trong hai năm 1973-1974, Việt Nam đã hợp tác với các công ty Western Geophysical và Geophysical Services Inc. (Hoa Kỳ) tiến hành các khảo sát địa chấn 2D: Dự án WA74-HS (3.373 km) khảo sát khu vực từ ngoài khơi bờ biển miền Trung bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, gồm các lô dầu khí hiện nay là 141, 142, 143 và 144; Dự án WA74-PKB (5.328 km) khảo sát ven biển Phú Khánh. Các dự án khảo sát địa chấn này khẳng định Việt Nam đã tiến hành khảo sát thực địa, thăm dò dầu khí trên vùng biển Việt Nam từ lâu.
Kể từ sau khi thành lập Tổng cục Dầu khí (tiền thân của Tập đoàn DK VN hiện nay) năm 1975, hoạt động dầu khí được tiếp tục triển khai mạnh mẽ, rộng khắp trên toàn bộ thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam bao gồm cả các khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, Tư Chính – Vũng Mây.
Sau khi Quốc hội Việt Nam phê chuẩn tham gia Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) vào năm 1996, theo chỉ đạo của Chính phủ Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã điều chỉnh phạm vi hoạt động dầu khí và chỉ tiến hành các hoạt động dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tập đoàn DK VN đã, đang và sẽ hợp tác với rất nhiều công ty dầu khí nước ngoài để TDKT dầu khí trên toàn bộ vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam. Tập đoàn đã ký 99 hợp đồng TDKT dầu khí, trong đó 60 hợp đồng hiện đang có hiệu lực. Khối lượng công tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí trên vùng biển, thềm lục địa Việt Nam đã đạt trên 500.000 km tuyến khảo sát địa chấn 2D, trên 50.000 km2 địa chấn 3D và khoảng 900 giếng khoan. Tất cả các hoạt động dầu khí đều nằm trong phạm vi thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.
1. Khu vực Hoàng Sa và Phú Khánh
Ở khu vực Hoàng Sa, Phú Khánh hoạt động thăm dò dầu khí (khảo sát địa chấn, từ, trọng lực) đã được tiến hành từ trước năm 1975 do Chính quyền Việt Nam Cộng hòa thực hiện. Mạng lưới khảo sát địa chấn khu vực phủ khu vực quần đảo Hoàng Sa được khảo sát vào năm 1973, khu vực Phú Khánh năm 1974; Năm 1985, Tập đoàn DK VN đã thực hiện đề án khảo sát địa chấn khu vực Miền Trung sử dụng tàu Malugin (Liên Xô cũ).
Năm 1993, Tập đoàn DK VN cùng Công ty NOPEC thu nổ 3.317 km tuyến địa chấn từ vĩ tuyến 100 đến 150, kèm theo một số tài liệu từ và trọng lực thành tàu ở khu vực Nam Hoàng Sa và Phú Khánh. Cũng trong năm 1993, đề án hợp tác giữa trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và Đại học Paris VI tàu Atalante (Pháp) đã thực hiện chương trình khảo sát “Ponaga” đo trọng lực, từ và thu nổ địa chấn nông kết hợp lấy mẫu tầng mặt ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.
Trong các năm 2008-2009, Tập đoàn DK thực hiện khảo sát địa chấn 2D toàn Thềm lục địa Việt Nam, trong đó có một số tuyến ở khu vực Miền Trung (phối hợp cùng Công ty TGS-Nopec) và khảo sát địa chấn 2D Đông Phú Khánh (phối hợp cùng Công ty PGS).
Trong các năm 2007-2013, Tập đoàn DK VN đã thực hiện các dự án thu nổ địa chấn 2D PV-08, PK-10, PVN12 ở khu vực Phú Khánh.
Tại khu vực Hoàng Sa và Phú Khánh, Tập đoàn DK VN đã ký nhiều hợp đồng TDKT dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài và thực hiện công tác khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường ở khu vực này.
2. Khu vực Tư Chính – Vũng Mây
Việt Nam đã tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực Tư Chính – Vũng Mây ngay từ những năm 1970 bằng việc thực hiện khảo sát địa chấn khu vực thềm lục địa Nam Việt Nam (Công ty Mandrel thu nổ). Từ năm 1983 - 1985, Tổng công ty DK VN cùng Liên Đoàn Địa Vật lý Thái Bình Dương Nga (DMNG) thực hiện 02 đợt khảo sát địa chấn khu vực Tây Nam Biển Đông trong đó bao gồm cả khu vực bãi Tư Chính.
Trong các năm 1993-1995, Tập đoàn DK VN đã thực hiện Đề án Khảo sát Địa chấn tại khu vực bãi Tư Chínhvà khảo sát địa chấn đan dày ở khu vực bãi Tư Chính và Vũng Mây.
Năm 1994, Tập đoàn DK VN đã tiến hành khoan giếng khoan thăm dò PV-94-2X ở khu vực Tư Chính. Năm 1995 tàu khảo sát “Zephyr-1” của DMNG (Nga) đã tiến hành thu nổ địa chấn chi tiết khu vực Tư Chính – Vũng Mây.
Kể từ năm 1996 đến nay, Petrovietnam đã ký nhiều hợp đồng TDKT dầu khí với các công ty dầu khí nước ngoài ở khu vực Tư Chính – Vũng Mây. Petrovietnam và các nhà thầu dầu khí đã thực hiện hàng loạt các khảo sát địa chấn 2D, 3D bình thường nhằm đánh giá tiềm năng dầu khí ở khu vực này.
Nhìn chung, hoạt động TDKT dầu khí của Việt Nam diễn ra bình thường mặc dầu hoạt động này đã một số lần bị Trung Quốc cản trở phi pháp.
Tập đoàn DK VN vẫn sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động bình thường ở các khu vực này cũng như ở các khu vực khác trên thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam./.
Back Top page Print Email |