Họp báo thường kỳ lần thứ 5 năm 2015
I. THÔNG BÁO
1. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dự HNCC Á-Phi và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung 1955, 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược mới Á-Phi (22-24/4/2015)
Nhận lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa In-đô-nê-xi-a Giô-cô Uy-đô-đô (Joko Widodo), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang sẽ dẫn dầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi tại Thủ đô Gia-các-ta và Lễ kỷ niệm 60 năm Hội nghị Băng-đung 1955, 10 năm Quan hệ Đối tác chiến lược mới Á – Phi tại Thành phố Băng-đung từ ngày 22 - 24/4/2015.
Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần này có chủ đề “Tăng cường hợp tác Nam – Nam nhằm thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng trên thế giới”. Các nước Á – Phi đều ưu tiên giữ gìn hòa bình và phát triển kinh tế, thúc đẩy hợp tác, kết nối Á – Phi nhằm phát huy tiềm năng và đem lại lợi ích thiết thực cho cả hai châu lục.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao Á – Phi lần này nhằm thực hiện chủ trương chủ động hội nhập quốc tế, chủ động đóng góp xây dựng và có trách nhiệm tại Hội nghị. Việt Nam cũng mong muốn cùng các nước Á – Phi bảo vệ các nguyên tắc Băng-đung và các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước Á – Phi.
2. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự WEF Đông Á (20-21/4/2015)
Từ ngày 20 – 21/04/2015, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2015 (WEF Đông Á 2015) tại Jakarta, Indonesia.
Với chủ đề “Tăng cường lòng tin vào chủ nghĩa khu vực mới của Đông Á”, Hội nghị sẽ tập trung vào một số chủ đề chính như (i) Bối cảnh mới của khu vực với sự hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cạnh tranh chiến lược, các thể chế khu vực và quốc gia, các loại hình kinh tế mới; (ii) Bối cảnh mới về kinh tế như kinh tế tuần hoàn, cơ sở hạ tầng chiến lược; (iii) Bối cảnh mới về quan hệ nhà nước – công dân.
Dự kiến, tại Diễn đàn Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ trao đổi với các nhà Lãnh đạo thế giới về các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu như hội nhập và liên kết khu vực, vai trò và tác động của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các xu thế phát triển của kinh tế thế giới và khu vực, qua đó thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các đối tác quốc tế.
3. Thủ tướng Na Uy thăm Việt Nam (16-18/4/2015)
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Na Uy Ê-na Xôn-béc (Erna Solberg) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 -18/4/2015.
Chuyến thăm nhằm trao đổi các phương hướng, biện pháp cụ thể thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và các lĩnh vực như thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý nước, năng lượng tái tạo, nông nghiệp, kinh tế biển, dầu khí, đóng tàu…; thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) trong năm 2015; thúc đẩy hợp tác hiện thực hóa các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) và xây dựng các Mục tiên Phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn sau năm 2015.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Na Uy sẽ hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, chào xã giao Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, tham dự Hội thảo quốc tế về các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và thăm một số cơ sở văn hóa của Việt Nam.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
Reuters: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 9/4/2015, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Óanh phát biểu về việc mở rộng các bãi đá ngầm tại quần đảo Trường Sa.
Trả lời:
"Về vấn đề này, Việt Nam đã nhiều lần giao thiệp với phía Trung Quốc, kể cả ở cấp cao. Một lần nữa chúng tôi tuyên bố Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Mọi hành động xây dựng và cải tạo các đảo, đá thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa mà không được sự cho phép của chính phủ Việt Nam là hoàn toàn phi pháp và vô giá trị. Việt Nam kiên quyết phản đối các hoạt động nêu trên và yêu cầu các bên liên quan nghiêm túc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đóng góp thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định ở Biển Đông."
Back Top page Print Email |