I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 7 (Tokyo, 02 – 04/7/2015)
Nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 7 được tổ chức tại Tokyo từ ngày 02 – 04/7/2015.
Đây là Hội nghị quan trọng nhằm thống nhất định hướng cho hợp tác Mê Công – Nhật Bản giai đoạn 2016-2018. Hội nghị sẽ rà soát tình hình hợp tác Mê Công – Nhật Bản, đặc biệt là kết quả triển khai Kế hoạch hành động Mê Công – Nhật Bản giai đoạn 2013-2015 và đề ra các ưu tiên trong thời gian tới. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tham dự Hội nghị Cấp cao Mê Công – Nhật Bản lần thứ 7 tại Nhật Bản nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tiểu vùng Mê Công nói chung và của Việt Nam nói riêng; củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước tiểu vùng Mê Công cũng như tăng cường quan hệ “Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản”.
Trong khuôn khổ Hội nghị, dự kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản, cùng các Nhà Lãnh đạo các nước Mê Công tiếp kiến Nhà vua Nhật Bản, gặp Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Thượng Viện Nhật Bản; tiếp Lãnh đạo một số tổ chức như Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật – Việt, Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản JICA, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản...
2. Tham khảo chính trị Việt Nam – Thái Lan (27 – 30/6/2015)
Tham khảo chính trị Việt Nam – Thái Lan lần thứ 5 sẽ diễn ra từ ngày 27 – 30/6/2015 tại Hà Nội. Phía Việt Nam do Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung làm Trưởng đoàn; phía Thái Lan là Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Nô-ra-chít Xin-ha-xê-ni (Norachit Sinhaseni).
Tại Kỳ họp lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thiết thực nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Thái Lan, nhất là trong các lĩnh vực hợp tác giữa hai nước như kinh tế, thương mại đầu tư, lao động, giao thông vận tải…Trong khuôn khổ Kỳ họp, hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước phát biểu của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng, trong đó cho rằng việc xây dựng các đảo, đá tại Biển Đông là “trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc”, “hợp pháp, hợp lý, hợp tình”, Trung Quốc sẽ hoàn thành công việc bồi lấp đất trong thời gian tới đây và sau đó sẽ triển khai xây dựng công trình đáp ứng công năng liên quan, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình nêu rõ:
“Lập trường của Việt Nam về vấn đề này đã được chúng tôi nhiều lần nêu rõ.
Những hoạt động xây dựng, mở rộng đảo, đá quy mô lớn của Trung Quốc tại quần đảo Trường Sa là bất hợp pháp; không thay đổi được thực tế là Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Trường Sa. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay các hoạt động này, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa; nghiêm túc tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 cũng như Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), không có những hành động làm phức tạp tình hình, thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông.”
2. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết thông tin về việc 02 tàu cá Quảng Bình QB 93694 TS và QB 93480 TS bị phía Trung Quốc bắt giữ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc cho biết ngày 19/6/2015, Cục Hải cảnh Trung Quốc thông báo bắt giữ 02 tàu cá của Quảng Bình mang các số hiệu QB 93694 TS và QB 93480 TS cùng 17 ngư dân trên tàu. Ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc tiến hành thăm lãnh sự các ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, đồng thời làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại và yêu cầu phía Trung Quốc thả các ngư dân và tàu cá của Việt Nam.
Theo thông tin mới nhất từ các cơ quan chức năng, 17 ngư dân cùng tàu cá QB 93480 TS đã về đến Việt Nam an toàn. Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc đang tiếp tục yêu cầu phía Trung Quốc thả vô điều kiện tàu cá QB 93694 TS”./.