Họp báo thường kỳ lần thứ 16 năm 2015

I. THÔNG BÁO
+ Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật
 Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam – Cam-pu-chia về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học và kỹ thuật sẽ được tổ chức trong 02 ngày 18 và 19/10/2015 tại Hà Nội. Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao, Chủ tịch Phân ban hợp tác Việt Nam – Cam-pu-chia Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác quốc tế, Chủ tịch Phân ban hợp tác Cam-pu-chia – Việt Nam Hô Nam Hông đồng chủ trì Kỳ họp.
 Kỳ họp lần này nhằm tiếp tục tăng cường cơ chế hợp tác giữa Chính phủ hai nước; kiểm điểm và trao đổi biện pháp thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa hai nước cũng như khắc phục những điểm còn tồn tại trong quan hệ song phương. Hai bên cũng sẽ trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
+ Uỷ ban hợp tác song phương lần thứ 8 Việt Nam – Phi-líp-pin
 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ cùng Bộ trưởng Ngoại giao Phi-líp-pin Albert Del Rosario chủ trì Kỳ họp Ủy ban Hợp tác song phương Việt Nam – Phi-líp-pin lần thứ 8 cấp bộ trưởng ngoại giao vào ngày 21/10 tại Hà Nội.
 Kỳ họp lần này nhằm kiểm điểm, rà soát việc triển khai thỏa thuận đã đạt được trong Kỳ họp Ủy ban Hợp tác song phương lần thứ 7 được tổ chức tại Manila vào tháng 7/2013, trao đổi về các biện pháp thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực cụ thể như kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo… cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế, khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
+ Bộ trưởng Ngoại giao Đức thăm chính thức Việt Nam
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Binh Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank – Walter Steinmeier sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 22-24/10/2015.
Đây là dịp để hai bên củng cố và tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Đức, nhất là trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Nhân dịp này, hai bên sẽ trao đổi về các biện pháp tăng cường hợp tác, nhất là trong việc đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút vốn đầu tư, khoa học – công nghệ, công nghiệp điện và điện tử, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng… Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao Đức Frank – Walter Steinmeier sẽ chào xã giao Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam, tham dự Khai mạc Hội chợ việc làm và Lễ động thổ khởi công xây dựng Ngôi nhà Đức tại Thành phố Hồ Chí Minh…
+ Bộ trưởng Ngoại giao Séc thăm chính thức Việt Nam
 Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Binh Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21 – 24/10/2015.
 Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống, nhất là trong các ĩnh vực chính trị, ngoại giao, thương mại – đầu tư, hợp tác phát triển, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ… Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
 Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Séc Lubomir Zaoralek sẽ đến chào xã giao Lãnh đạo Cấp cao của Việt Nam, tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Séc – Việt được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh…
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
Ngày 15/10/2015, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố Báo cáo tự do tôn giáo quốc tế 2014 trong đó có đề cập đến tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
 “Chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được ghi rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
 Pháp luật Việt Nam nghiêm cấm sự phân biệt đối xử với công dân vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo. Nhà nước Việt Nam đã và đang thực thi nhiều chính sách và biện pháp cụ thể để đảm bảo người dân được thụ hưởng đầy đủ các quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng. Chính điều này đã tạo nên một đời sống tôn giáo, tín ngưỡng hết sức phong phú, sinh động ở Việt Nam.
 Đáng tiếc Báo cáo tự do Tôn giáo quốc tế 2014 của Hoa Kỳ, mặc dù đã ghi nhận những thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này, vẫn tiếp tục đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch về Việt Nam”./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn