Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình trả lời câu hỏi của các phóng viên tại Họp báo thường kỳ lần thứ 9 Ngày 04/8/2016
1. Câu hỏi: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn kêu gọi quân đội, cảnh sát và nhân dân Trung Quốc chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh trên biển?
Trả lời:
Hòa bình, ổn định ở Biển Đông là lợi ích và nguyện vọng của các nước trong và ngoài khu vực. Các tranh chấp ở Biển Đông cần phải được giải quyết hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
Các quan chức các nước cần phát biểu, hành động phù hợp với các tuyên bố chính thức và nghĩa vụ của quốc gia mình là tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định ở khu vực cũng như trên thế giới.
2. Câu hỏi: Vừa qua báo chí Đài Loan đưa tin về việc Nghị sỹ Đài Loan Su Chih Fen ngày 1/8 bị nhân viên sân bay tại Hà Nội giữ hộ chiếu và trong thời gian bà Su Chih Fen ở Hà Tĩnh luôn bị cảnh sát mặc thường phục giám sát. Đề nghị Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin này và xin cho biết nguyên nhân?
Trả lời:
Chúng tôi sẽ chuyển câu hỏi của quý vị tới cơ quan chức năng. Theo thông tin ban đầu chúng tôi có được, bà Fen đã nhập cảnh sai mục đích mà bà khai khi xin visa du lịch vào Việt Nam.
3. Câu hỏi: Bao giờ Việt Nam sẽ có tuyên bố chính thức về nội dung phán quyết của Tòa Trọng tài?
Trả lời:
Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang nghiên cứu nghiêm túc và kỹ lưỡng các nội dung trong Phán quyết của Tòa Trọng tài.
4. Câu hỏi: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Tòa án Nhân dân tối cao Trung Quốc ngày 2/8 đã ban hành quy định xử lý hình sự đối với các đối tượng, cả người nước ngoài, đánh cá trái phép trong lãnh hải và các vùng biển thuộc chủ quyền của Trung Quốc?
Trả lời:
Chúng tôi đang tìm hiểu thông tin chính thức và cụ thể về việc này. Chúng tôi cho rằng việc đối xử với ngư dân hoạt động ở Biển Đông trước hết phải phù hợp với luật pháp quốc tế cũng như các thỏa thuận đã đạt được trong khu vực và trên tinh thần nhân đạo. Chúng tôi cũng bảo lưu các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền lợi hợp pháp và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam, phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế.
5. Câu hỏi: Vừa qua, Trung Quốc đã ra mắt website về Biển Đông trong đó gọi Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam là Tây Sa, Nam Sa của Trung Quốc. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc trên.
Trả lời:
Việc làm này của phía Trung Quốc không thay đổi được thực tế là Việt Nam có chủ quyền không tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
6. Câu hỏi: Trong thông tin của Bộ Ngoại giao về AMM-49, liên quan tới phán quyết của Tòa Trọng tài có đoạn viết Việt Nam “coi trọng thương lượng và đàm phán” và “bước sang giai đoạn mới để ổn định tình hình, giải quyết hòa bình tranh chấp trên cơ sở tuân thủ luật pháp quốc tế”. Đề nghị làm rõ vấn đề “coi trọng thương lượng và đàm phán” và “bước sang giai đoạn mới” là như thế nào?
Trả lời:
Xin khẳng định lại chủ trương nhất quán của Việt Nam là giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS), bao gồm cả các tiến trình ngoại giao và pháp lý.
Một trong các biện pháp giải quyết hòa bình là đàm phán, thương lượng. Đối với các vấn đề liên quan đến hai nước thì tiến hành song phương. Đối với những vấn đề liên quan đến các nước và các bên khác thì có sự tham gia của các bên liên quan.
7. Câu hỏi: Báo chí gần đây có lo ngại về vấn đề an ninh khi Trung Quốc mở Tổng Lãnh sự quán (TLSQ) tại Đà Nẵng. Đề nghị Bộ Ngoại giao làm rõ lý do việc mở TLSQ Trung Quốc tại Đà Nẵng và tiến trình mở TLSQ đến đâu?
Trả lời:
Việc Trung Quốc mở TLSQ tại Đà Nẵng là nhằm tăng cường hợp tác về kinh tế - thương mại và giao lưu hữu nghị giữa các địa phương Trung Quốc với thành phố Đà Nẵng nói riêng và các địa phương ở miền Trung nói chung, đồng thời để kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lý các vấn đề liên quan đến công tác lãnh sự. Hiện nay, một số nước cũng đã có TLSQ tại thành phố Đà Nẵng.
8. Câu hỏi: Theo số liệu từ Cục Nội vụ Campuchia từ 2015 đến nay có hơn 5000 người bị trục xuất khỏi Campuchia, trong đó phần lớn là người Việt. Xin cho biết phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam về số liệu này và số liệu cụ thể của phía Việt Nam là bao nhiêu và lý do là gì?
Trả lời:
Chúng tôi sẽ kiểm tra lại thông tin và sẽ sớm có câu trả lời cho phóng viên. Chúng tôi xin thông báo thêm trong thời gian qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Campuchia để giải quyết các vấn đề của người Việt Nam tại Campuchia. Chúng tôi cũng mong rằng các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương của Campuchia quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi đồng thời đảm bảo các quyền lợi và lợi ích chính đáng của cộng đồng người Việt Nam tại Campuchia đảm bảo cho họ sinh sống và làm ăn ổn định.
9. Câu hỏi: Indonesia vừa qua thông báo sẽ đánh đắm một số tàu cá nước ngoài đánh cá trái phép. Tuy các hãng thông tấn đưa tin khác nhau nhưng có hãng cho biết trong đó có tàu cá của Việt Nam. Xin cho biết hiện nay Việt Nam đã trao đổi với phía Indonesia như thế nào để kiểm tra có tàu Việt Nam hay không?
Trả lời:
Chúng tôi hết sức quan tâm về thông tin phóng viên vừa nêu. Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia đang làm việc với các cơ quan chức năng của Indonesia để xác minh thông tin và có các biện pháp can thiệp phù hợp.
Liên quan đến vấn đề ngư dân tàu cá bị Indonesia bắt giữ, từ trước tới nay và qua nhiều kênh khác nhau, chúng tôi cũng đã yêu cầu Indonesia khi xử lý ngư dân Việt Nam vi phạm cần dựa trên tinh thần đối xử nhân đạo với các ngư dân.
10. Câu hỏi: Xin cho biết phản ứng về việc Trung Quốc xây dựng nghĩa trang tại Hoàng Sa?
Trả lời:
Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và chứng cứ lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa. Mọi hoạt động của các bên tại các khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa cho dù dưới bất kỳ mục đích gì đều là phi pháp và không làm thay đổi chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
11. Câu hỏi: Liên quan tới vụ việc tin tặc được cho là của Trung Quốc đã tấn công hệ thống thông tin và mạng website của một số hãng hàng không Việt Nam cũng như tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất; và để lại các thông điệp liên quan đến tranh chấp chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa. Đề nghị cho biết nhận định của Bộ Ngoại giao và Bộ Ngoại giao đã tham gia khắc phục giải quyết vụ việc trên như thế nào?
Trả lời:
Trước hết, cần khẳng định rằng mọi hành động tấn công mạng, tin tặc cần phải bị lên án và nghiêm trị.
Như các bạn đã biết, các cơ quan chức năng Việt Nam đã kịp thời triển khai các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh, an toàn và hoạt động bình thường tại các sân bay. Đồng thời, các cơ quan an ninh mạng của Việt Nam đã vào cuộc để điều tra vụ việc. Chủ trương của Việt Nam, cụ thể là của các cơ quan chức năng của Việt Nam, bao gồm Bộ Ngoại giao, là mong muốn và sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với cộng đồng quốc tế trong đấu tranh phòng và chống các hành vi tin tặc dưới mọi hình thức, trong đó có vụ việc vừa qua./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |