Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Họp báo thường kỳ lần thứ 10 năm 2020


TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. TTXVN: Phản ứng của Việt Nam về Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ?

Như đã nhiều lần khẳng định, chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Điều này được thể hiện rõ trong Hiến pháp, hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như được đảm bảo thực hiện trên thực tế.

Thời gian qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có việc thông qua Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo. Hiện nay, Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 ngàn chức sắc, 145 ngàn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng nhân dân; đặc biệt là nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Chúng tôi ghi nhận Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những thành tựu và tiến triển của Việt Nam trong việc bảo đảm và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn có những thông tin thiếu khách quan, không chính xác và chưa được kiểm chứng về tình hình Việt Nam. Việt Nam tiếp tục duy trì và sẵn sàng tăng cường hợp tác, trao đổi với phía Hoa Kỳ về các vấn đề cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau thông qua các khuôn khổ đối thoại song phương, trong đó có đối thoại nhân quyền thường niên, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

2. Vietnamnet: Hiện nay ở Hoa Kỳ, làn sóng biểu tình bạo động đang lan rộng và chưa có dấu hiệu dừng lại, xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam về vấn đề này?

Việt Nam quan tâm và chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ về tình trạng một số vụ biểu tình đang có xu hướng bạo lực diễn ra ở một số địa phương Hoa Kỳ và có ảnh hưởng đến kinh tế và an sinh xã hội của người dân. Chúng tôi mong rằng tình hình sẽ sớm được ổn định để người dân được sớm trở lại cuộc sống bình thường.

3. Vietnamnet: Giữa làn sóng biểu tình như vậy thì tình hình cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ như thế nào? Các cơ quan chức năng của Việt Nam có biện pháp hỗ trợ gì với cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ hay không?

Trong bối cảnh những diễn biến phức tạp do các cuộc biểu tình tại một số địa phương của Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới công dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ thường xuyên theo dõi sát tình hình; trao đổi và giữ liên hệ với các cơ quan chức năng của sở tại, các đầu mối cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ để chủ động nắm thông tin, có các khuyến cáo đến công dân Việt Nam và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.

Ngày 01/06 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ đã ra khuyến cáo tới công dân Việt Nam tại Hoa kỳ, đề nghị công dân (i) không đến những khu vực có biểu tình, tuân thủ nghiêm túc các quy định của cơ quan chức năng sở tại, hạn chế đi lại (ii) liên hệ với cảnh sát địa phương và cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ trong trường hợp bị ảnh hưởng hoặc cần trợ giúp. Khuyến cáo này và đường dây nóng bảo hộ công dân đã được đăng tải công khai.

Theo thông tin chúng tôi nhận được từ các cơ quan đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho đến nay chưa có công dân Việt Nam nào bị ảnh hưởng trong các cuộc biểu tình.

4. Zing News: Đề nghị Người Phát ngôn bình luận thêm về thông tin cho biết Trung Quốc đang xây các đường cáp ngầm nối các thực thể nhân tạo ở quần đảo Hoàng Sa?

Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Mọi hoạt động liên quan đến hai quần đảo này mà không được sự cho phép của Việt Nam là vi phạm chủ quyền của Việt Nam và vô giá trị.

Các nước cần hành động có trách nhiệm, tránh làm phức tạp tình hình, đóng góp vào việc giữ gìn hòa bình, an ninh ở Biển Đông.

5. Zing News: Bộ Thương mại Hoa Kỳ cho biết đang bắt đầu điều tra xem liệu gỗ dán nhập khẩu từ Việt Nam dùng nguyên liệu Trung Quốc có đang lách các quy định đánh thuế của Hoa Kỳ với hàng Trung Quốc hay không? Đề nghị Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam?

Trước tiên cần khẳng định quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư Việt Nam – Hoa Kỳ thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp với kim ngạch thương mại hai chiều đạt khoảng 76 tỷ USD năm 2019. Chủ trương nhất quán của Việt Nam là thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư song phương theo hướng hài hòa, bền vững, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Việt Nam cũng luôn thực thi một cách nghiêm túc và đầy đủ các cam kết của Tổ chức Thương mại Thế giới. Bên cạnh đó, các bộ ngành của Việt Nam cũng đang tích cực và chủ động triển khai các nhiệm vụ đã nêu tại Đề án Tăng cường quản lý Nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 04/07/2019.

Liên quan đến thông tin bạn vừa nêu, chúng tôi cho rằng vấn đề này cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế cũng như quan hệ kinh tế - thương mại đang phát triển tốt đẹp như tôi đã nêu ở trên giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, qua đó đảm bảo lợi ích chính đáng của doanh nghiệp của hai nước cũng như người tiêu dùng hai nước.

6. Đại sứ quán Thụy Sỹ: Xin Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết kế hoạch tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN như thế nào?

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp ở các nước và trên toàn thế giới. Một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam đã được điều chỉnh để phù hợp với tình hình. Cùng với đó, Việt Nam với tư cách là chủ tịch ASEAN 2020, đã hết sức nỗ lực và tích cực cùng với các quốc gia thành viên trong ASEAN tổ chức các hội nghị trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 thành công.

Thời gian và địa điểm của các hội nghị trong khuôn khổ năm Chủ tịch ASEAN 2020 nếu có thay đổi, chúng tôi sẽ thông báo vào thời điểm thích hợp.

7. Reuters: Việt Nam đang chuẩn bị nối lại các đường bay quốc tế, như vậy khách nhập cảnh sau thời gian này có phải chịu cách ly hay không và những biện pháp phòng chống dịch sau đó như thế nào?

Như các bạn đã biết, chủ trương cũng như các biện pháp kiên quyết của Chính Phủ Việt Nam đưa ra thời gian vừa qua nhằm đảm bảo cao nhất an toàn, sức khỏe, và tính mạng của người dân Việt Nam cũng như những người nước ngoài sinh sống, làm việc tại Việt Nam.

Hiện nay các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xem xét, nghiên cứu để có thể sớm mở lại một số đường bay quốc tế đến những quốc gia đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tất cả các hành khách khi nhập cảnh Việt Nam đều sẽ được kiểm tra và giám sát y tế theo đúng quy định, nhằm mục tiêu cao nhất là kiểm soát tốt dịch bệnh, không để dịch bệnh lây lan trong cộng đồng.

Chúng tôi chưa có thông tin nào về thay đổi chính sách kiểm tra và giám sát y tế.

8. Tri thức Trẻ: Ngày 3/6, Hoa Kỳ đã có công hàm gửi lên Liên hợp quốc để phản đối yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông nêu tại công hàm CML/14/2019 (nhưng không bình luận về yêu cầu của Malaysia về thềm lục địa). Xin cho biết bình luận của Bộ Ngoại giao?

Việt Nam quan tâm đến việc thời gian vừa qua, có nhiều quốc gia thành viên Liên hợp quốc đã lưu hành văn bản bày tỏ quan điểm về tình hình Biển Đông. Việc lưu hành tài liệu bày tỏ quan điểm là một phương thức hoạt động thường làm của các quốc gia thành viên Liên hợp quốc.

Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông, bao gồm cả về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền hợp pháp trên biển là rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần. Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Cộng đồng quốc tế cũng như Liên hợp quốc coi trọng việc các quốc gia thành viên Liên hợp quốc có quan điểm đề cao, thúc đẩy và tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982.

9. VnExpress: Có một nhóm người Việt ở Nepal có liên lạc với VnExpress để cho biết họ bị mắc kẹt ở Nepal. Xin Người Phát ngôn cho biết kế hoạch thực hiện chuyến bay kết hợp với người ở Ấn Độ, Nepal, Bangladesh, Sri Lanka về nước như thế nào?

Tôi cũng đã đọc bài báo của VnExpress và đã cập nhật thông tin với Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal. Theo đó, hiện nay có 22 công dân Việt Nam bị mắc kẹt tại Nepal do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Thời gian vừa qua, do quy định hạn chế xuất nhập cảnh, quá cảnh của nước sở tại cũng như các quốc gia trong khu vực nên những công dân này chưa thể trở về nước.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, kiêm nhiệm Nepal đã chủ động liên hệ, phối hợp với Lãnh sự danh dự của Việt Nam tại Kathmandu (Nepal) và Hội người Việt Nam tại Nepal thường xuyên giữ liên hệ với các công dân để hỏi thăm, nắm tình hình; liên hệ hỗ trợ công dân tìm nơi cư trú và lưu ý công dân thực hiện nghiêm túc các quy định của sở tại.

Hiện nay, Đại sứ quán cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, cũng như tích cực làm việc với các cơ quan chức năng Nepal, Ấn Độ, và Bangladesh để thu xếp, sớm đưa các công dân về nước, đáp ứng nguyện vọng của các công dân và cũng như thực tế ở sở tại và năng lực cách ly ở trong nước.

10. Phoenix TV: Xin Bộ Ngoại giao bình luận về việc mới đây Quốc hội đã thông qua Hiệp định Tự do thương mại Việt Nam – EU, hiệp định dự kiến 1/8 sẽ chính thức có hiệu lực, Việt Nam có kế hoạch mở cửa thị trường với phía EU như thế nào để tận dụng tối đa hiệp định này?

Ngày 8/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA) giữa Việt Nam – Liên minh châu u. Dự kiến Hiệp định EVFTA sẽ sớm có hiệu lực, có thể là từ 01/8/2020, trong khi Hiệp định EVIPA sẽ có hiệu lực sau khi được các quốc gia thành viên trong EU phê chuẩn.

Việc Việt Nam và EU hoàn tất phê chuẩn và sớm triển khai các Hiệp định này thì theo chúng tôi sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể và thiết thực cho các nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân của cả hai bên, tạo động lực mới cho mối quan hệ Đối tác và Hợp tác Toàn diện giữa Việt Nam và Liên minh Châu u. Khi đi vào triển khai, cả hai hiệp định này sẽ góp phần đẩy mạnh hợp tác, liên kết kinh tế khu vực Á – Âu; góp phần thúc đẩy liên kết kinh tế quốc tế, tự do hóa thương mại và đầu tư bình đẳng, minh bạch và dựa trên luật lệ; đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển của hai bên cũng như của hai khu vực Á – Âu và trên toàn thế giới.

Chúng tôi khẳng định Việt Nam đã sẵn sàng cho việc triển khai các hiệp định này trên thực tế./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer