Họp báo thường kỳ lần thứ 12 năm 2020
I. THÔNG BÁO
Hội đàm Cấp cao trực tuyến Việt Nam – New Zealand
Ngày 22 tháng 07 sắp tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc Hội đàm cấp cao trực tuyến với Thủ tướng Niu Di-lân (New Zealand) Gia-xin-đa A-đơn (Jacinda Ardern).
Tại cuộc Hội đàm, hai bên dự kiến sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương toàn diện, thực chất trên nhiều lĩnh vực: chính trị, thương mại – đầu tư, an ninh – quốc phòng, giáo dục, nông nghiệp, giao lưu nhân dân và ứng phó dịch COVID-19… nhằm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tới Niu Di-lân năm 2018. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
II. Trả lời câu hỏi
1. Zing: Gần đây có những thông tin trên báo chí về rủi ro lừa đảo với việc mua vé máy bay giải cứu về nước, Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện đã làm gì để đối phó với việc này và có lời khuyên nào không?
Chúng tôi đã trao đổi với hãng Hàng Không Quốc gia Vietnam Airlines và được biết hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã có thông tin và khuyến cáo người dân, đặc biệt là công dân Việt Nam ở nước ngoài về hiện tượng lừa đảo mua vé máy bay xuất hiện trên mạng.
Ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu xảy ra, nhất là từ khi Chính phủ triển khai các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước theo nguyện vọng, các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài và Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có thông báo đầy đủ, kịp thời, đăng công khai trên các trang mạng của cơ quan đại diện cũng như của Bộ Ngoại giao, thông báo qua các cơ quan truyền thông Việt Nam và sở tại về thủ tục đăng ký để được xem xét đưa trở về nước cũng như các thủ tục, quy trình mua vé máy bay. Sau khi phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam tại sở tại sẽ có danh sách và gửi email trực tiếp tới từng người thông báo thủ tục mua vé về nước.
Chúng tôi khuyến cáo các công dân Việt Nam ở nước ngoài, để bảo vệ quyền và lợi ích của chính mình, các công dân Việt Nam ở nước ngoài cần tuân thủ những hướng dẫn của cơ quan đại diện Việt Nam và chỉ mua vé máy bay khi nhận được thông báo chính thức từ cơ quan đại diện Việt Nam. Chúng tôi cũng rất mong khi nhận được những thông tin về các hiện tượng lừa đảo, các bạn phóng viên có thể phản ánh trực tiếp với chúng tôi để phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước cũng như cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài xử lý kịp thời.
2. Zing: Phản ứng của Việt Nam về các phát ngôn trên Twitter của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh, trong đó khẳng định các quyền và lợi ích liên quan của Trung Quốc trên biển do lịch sử và nói rằng các hoạt động của TQ có từ cách đây 2000 năm?
Tôi xin nhắc lại, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Chúng tôi cũng cho rằng các quốc gia có nghĩa vụ và lợi ích chung trong việc tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.
3. Thông tấn xã Việt Nam: Như Người Phát ngôn đã chia sẻ, ngày 22/7 tới đây sẽ có cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng New Zealand. Vậy liệu có khả năng quan hệ giữa Việt Nam và New Zealand sẽ được nâng cấp thành đối tác chiến lược?
Như các bạn đã biết, năm nay, năm 2020 hai nước sẽ kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa. Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, trong suốt 45 năm qua thì quan hệ Việt Nam và Niu Di-lân phát triển tích cực và bền vững. Năm 2009, hai nước đã nâng cấp lên quan hệ Đối tác Toàn diện. Đây là một cột mốc thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực.
Với những kết quả tích cực trong 45 năm qua, Việt Nam rất mong muốn và cam kết cùng Niu Di-lân nỗ lực sớm đưa quan hệ hai nước lên một tầm cao mới phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung giữa hai nước nhân chuyến thăm của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đến Niu Di-lân năm 2018, về việc “Tăng cường quan hệ Đối tác Toàn diện, hướng tới Đối tác Chiến lược”.
4. CCTV: Xin Người Phát ngôn cho biết thông tin từ website của Vietnam Airlines là Việt Nam và Trung Quốc sẽ khôi phục đường bay quốc tế giữa Nam Kinh và Hà Nội vào ngày 18/07, thông tin nay có chính xác hay không và CCTV xin được đăng ký quay và đưa tin?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của nước ngoài về khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Theo đó, Bộ Ngoại giao đã thông báo tới một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) từ giữa tháng 07/2020 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Giao thông Vận tải đang trao đổi với cơ quan chức năng của các quốc gia và vùng lãnh thổ nói trên để thống nhất các vấn đề kỹ thuật bay, tần suất và lộ trình cụ thể. Chúng tôi hy vọng kế hoạch, chương trình này sẽ được hiện thực hóa trong thời gian sớm nhất có thể. Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin chính thức với các bạn và sẽ trao đổi với các cơ quan chức năng để tạo điều kiện cho hoạt động đưa tin của CCTV.
Cũng cần phải nói thêm, trước mắt, Việt Nam sẽ ưu tiên các đối tượng đang được phép nhập cảnh hiện nay bao gồm công dân Việt Nam, người nước ngoài là các chuyên gia, nhà đầu tư, nhà quản lý doanh nghiệp, lao động tay nghề cao, người vào với mục đích ngoại giao và công vụ, cùng một số trường hợp đặc biệt khác. Người nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các điều kiện kiểm dịch y tế và thực hiện cách ly phù hợp theo quy định về phòng chống dịch.
5. CNA: xin cho biết phản ứng của Việt Nam về tuyên bố của Hoa Kỳ gần đây về các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông?
Về tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo nêu lập trường của Hoa Kỳ đối với các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, tôi cũng đã có trả lời cho báo chí, xin nhắc lại:
Hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông là nguyện vọng và mục tiêu chung của các nước ở Biển Đông, khu vực và cộng đồng quốc tế. Việc thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng trật tự pháp lý trên biển và thực thi đầy đủ, có trách nhiệm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 có ý nghĩa quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu đó.
Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.
Chúng tôi cũng mong rằng các nước sẽ cùng chúng có những nỗ lực cao nhất để đóng góp vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác tại Biển Đông và giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung vào quá trình này.
6. CNA: Phát biểu của Hoa Kỳ đã gây ra sự giận dữ với Bắc Kinh, xin Người Phát ngôn cho phản ứng này của Trung Quốc ảnh hưởng thế nào tới hòa bình, ổn định khu vực và có thể gây ra leo thang căng thẳng khu vực không?
Như tôi đã nói, việc duy trì khu vực Biển Đông ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển, không những là nguyện vọng mà còn là trách nhiệm của các nước ở Biển Đông, các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này cần có sự nỗ lực chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, thực thi đầy đủ và có trách nhiệm các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong có công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Việt Nam đã, đang và sẽ đóng góp một cách tích cực và có trách nhiệm trong nỗ lực chung, hướng tới mục tiêu này.
7. VnExpress: Truyền thông Malaysia có đưa tin một nhóm thủy thủ Việt Nam 12 người bị mắc kẹt trên biển từ tháng 3, xin Người Phát ngôn xác minh thông tin này và cho biết biện pháp hỗ trợ với các thủy thủ vì con tàu này bị chủ bỏ lại?
Theo thông tin từ cục Hàng hải Việt Nam, các thuyền viên trên tàu Việt Tín 01 cho biết: các thuyền viên nhập tàu từ ngày 10/03/2020 đến 24/03/2020, với mục đích đưa tàu neo đậu tại khu vực neo Johor, Malaysia về Việt Nam. Do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh Covid-19, các thuyền viên chưa được trả lương đúng hạn cũng như tiền ăn, tiền chi phí phục vụ sinh hoạt từ ngày 26/5/2020 tới nay. Các thuyền viên cũng đề nghị công ty chủ tàu (Công ty TNHH Thuận Thiên) sớm trả lương, cung cấp tiền sinh hoạt và có kế hoạch đưa tàu về Việt Nam, tuy nhiên chưa được giải quyết.
Sau khi nhận được thông tin từ Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên tìm hiểu thông tin về vụ việc và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân nếu cần thiết.
Sau khi Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các thuyền viên và có thông tin, Bộ Ngoại giao đề nghị Cục Hàng hải Việt Nam chỉ đạo công ty chủ tàu Việt Tín 01 (Công ty TNHH Thuận Thiên) khẩn trương thực hiện các trách nhiệm theo đúng hợp đồng đã ký với các thuyền viên như trả lương, các chi phí phát sinh do ở lại quá hạn trên tàu… và hoàn thành các điều kiện của phía Malaysia để sớm đưa tàu về Việt Nam. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Malaysia cũng sẽ trao đổi với phía Malaysia về thủ tục theo yêu cầu.
8. VnExpress: Đến nay có bao nhiêu người Việt được đưa về từ các nước trên thế giới để tránh Covid và kế hoạch sắp tới dự kiến là bao nhiêu người sẽ về?
Như các bạn đã biết, theo chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao, đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng các nước để đưa công dân Việt Nam về theo nguyện vọng và đảm bảo cân đối chung, phù hợp với năng lực cách ly ở trong nước.
Tính từ ngày 10/04/2020 cho đến ngày hôm nay, ngày 16/07 đã tổ chức 55 chuyến bay và đưa 13.323 công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Các cơ quan chức năng, Bộ ngành của Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Quốc phòng, Bộ Y Tế và Bộ Công An sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đưa công dân về nước theo nguyện vọng, theo đúng đối tượng và phù hợp với năng lực cách ly tập trung trong nước./.
Back Top page Print Email |