Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 3 năm 2021
I. THÔNG BÁO
Phiên Tham khảo Chính trị Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Cuba
Phiên Tham khảo chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam - Cuba sẽ được tiến hành vào ngày 02/3/2021 (theo giờ Hà Nội) bằng hình thức trực tuyến. Phía Việt Nam sẽ do Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn làm trưởng đoàn, phía Cuba sẽ do Thứ trưởng Thứ nhất Bộ Ngoại giao Cuba Marcelino Medina làm trưởng đoàn.
Đây là phiên tham khảo chính trị lần thứ 6 giữa Bộ Ngoại giao hai nước nhằm rà soát, đánh giá các lĩnh vực hợp tác song phương và giữa hai Bộ Ngoại giao, đồng thời thảo luận các biện pháp cụ thể nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và hợp tác trong thời gian tới.
Bên cạnh các vấn đề hợp về tác song phương, hai bên cũng sẽ trao đổi sâu rộng về tình hình hai nước, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm cũng như việc tiếp tục phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế và diễn đàn đa phương mà Việt Nam và Cuba cùng là thành viên.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Sputnik: Sau khi vaccine phòng Covid-19 sẽ được nhập khẩu về Việt Nam. Chính quyền Việt Nam có kế hoạch cho phép tiêm người nước ngoài không?
Như báo chí Việt Nam đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ đã giao Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế sớm trình nghị quyết về tiêm vaccine và những đối tượng được ưu tiên.
Tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ và của Thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 của Việt Nam sáng ngày 24/02 vừa qua, Bộ Y tế đã có đề xuất đầu tiên về các nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm. Trước tiên là các lực lượng trên tuyến đầu phòng chống dịch bao gồm: nhân viên y tế; nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, kể cả báo chí...); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu trong các lĩnh vực hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước...; những người mắc các bệnh mãn tính; những người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ và các đối tượng khác theo quy định của Chính phủ.
Đây là những đề xuất ban đầu của Bộ Y tế do đó chúng ta sẽ phải chờ quyết đinh cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết của Chính phủ.
2. Sputnik: Hãng tin AFP ngày 09/2 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết nước này đã điều tàu ngầm tấn công hạt nhân Emeraude đến tuần tra ở Biển Đông, đi cùng tàu hỗ trợ Seine. Đề nghị Người Phát ngôn cho biết bình luận về việc này?
Duy trì hoà bình, ổn định, trật tự, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven Biển Đông phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 là mục tiêu, lợi ích và trách nhiệm, nguyện vọng chung của tất cả các quốc gia và cộng đồng quốc tế.
Chúng tôi cho rằng hoạt động trên Biển Đông của tất cả các quốc gia cần đóng góp vào mục tiêu chung này.
3. Spunik: Hiện nay, Việt Nam có đang xem xét khả năng mua vaccine của Nga không? Nếu có thì là vaccine nào?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thời gian vừa qua, Bộ Y tế cũng như các doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực y tế đã và đang tích cực đàm phán với nhiều nhà sản xuất và các nguồn cung cấp vaccine trên thế giới, trong đó có COVAX Facility, nguồn vaccine của Astra Zeneca, nguồn vaccine của Pfizer và nguồn vaccine Sputnik V của Nga, để có thể triển khai tiêm vaccine Covid-19 cho người dân Việt Nam trong thời gian sớm nhất.
Như các bạn đã biết, ngày 24/02 vừa qua, lô 117.600 liều vaccine Covid-19 đầu tiên do Tập đoàn Astra Zeneca sản xuất đã về tới Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tập trung nguồn lực cao để triển khai nghiên cứu và sản xuất vaccine trong nước. Hiện nay, việc nghiên cứu và thử nghiệm vaccine trong nước vẫn đang theo đúng tiến độ. Bộ Y tế cũng cho biết Việt Nam mong muốn được tiếp cận với nguồn vaccine đảm bảo chất lượng, giá thành hợp lý, phù hợp và đảm bảo quá trình bảo quản theo điều kiện của Việt Nam.
4. Zing: Cung cấp thêm thông tin về tình hình thiệt hại (nếu có) của người Việt ở Texas? Sứ quán có ghi nhận con số cụ thể và đã hỗ trợ gì?
Theo thông tin từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston, Hoa Kỳ, đợt bão tuyết và lạnh kỷ lục đã ảnh hưởng đến hơn 29 triệu người dân bang Texas. Phần lớn các gia đình của hơn 300.000 người gốc Việt sinh sống và làm việc tại bang Texas đều bị ảnh hưởng như bị cắt điện luân phiên, mất nước sinh hoạt, gặp khó khăn trong việc tiếp cận các mặt hàng nhu yếu phẩm. Theo thông tin chính thức từ chính quyền sở tại đến nay có 04 người trong một gia đình người Mỹ gốc Việt thiệt mạng do sử dụng lửa sưởi ấm gây hoả hoạn.
Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston đã chủ động liên hệ các đầu mối Việt Kiều, sinh viên để nắm tình hình, thăm hỏi, động viên bà con và cũng đã có một số hình thức quyên góp, hỗ trợ tài chính giúp đảm bảo sinh hoạt cuộc sống của cộng đồng. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston cũng như các cơ quan Đại diện Việt Nam tại Hoa Kỳ tiếp tục theo dõi sát tình hình, cử cán bộ trực 24/7 và phối hợp với chính quyền sở tại tiến hành những biện pháp bảo hộ công dân trong trường hợp cần thiết.
Trong trường hợp cần trợ giúp hoặc có thông tin về người Việt Nam gặp nạn, đề nghị liên hệ với đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Hoa Kỳ, đường dây nóng Bảo hộ công dân của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Houston hoặc là Tổng đài Bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao theo số +84-981-848-484.
5. Zing: Đề nghị thông tin thêm về tình hình người Việt mắc COVID-19 ở Campuchia trong đợt bùng phát dịch Covid mới nhất? Có bao nhiêu người bị lây nhiễm?
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh, Campuchia, tính đến sáng ngày 25/2, Bộ Y tế Campuchia đã công bố có tổng số 195 ca nhiễm. Thông tin ban đầu cho biết trong số đó có 13 người Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia đã liên hệ với chính quyền sở tại, các cơ quan chức năng địa phương để xác minh thông tin, đề nghị quan tâm, tích cực cứu chữa, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của công dân Việt Nam. Theo thông tin được biết, ngay sau khi được xác định là dương tính với COVID-19, những bệnh nhân này đã được cách ly, nhập viện và điều trị kịp thời tại các bệnh viện và cơ sở y tế tại Thủ đô Phnom Penh và tỉnh Kandal theo chỉ định của Bộ Y tế Campuchia. Tình trạng sức khỏe đến nay đều ổn định.
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh gần đây tại Campuchia, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia cũng chủ động liên hệ với các đầu mối cộng đồng người Việt tại Campuchia, Hội Khmer - Việt Nam tại Campuchia để kịp thời cập nhật các diễn biến và thông tin mới liên quan đến dịch bênh; đồng thời đẩy mạnh vận động, tuyên truyền và yêu cầu các cá nhân, doanh nghiệp Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại Campuchia cần thực hiện nghiêm các quy đinh phòng chống dịch bệnh của sở tại.
Đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia (+85-597-702-0561)cũng như đường dây nóng của Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao (84-981-848-484) luôn sẵn sàng tiếp nhận các thông tin về các trường hợp cần trợ giúp hay các thông tin về người Việt Nam mắc bệnh hoặc gặp nạn.
6. Zing: Trang NIKKEI Asia đưa tin chính quyền Biden đang cố sắp xếp cuộc họp Bộ trưởng ngoại giao với các nước ASEAN để bàn về vấn đề Myanmar. Xin hỏi cuộc họp giữa Ngoại trưởng Mỹ - ASEAN về tình hình bao giờ sẽ diễn ra và bằng hình thức nào?
ASEAN luôn coi trọng quan hệ Đối tác Chiến lược với Hoa Kỳ. Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tháng 01/2021 vừa qua đã nhấn mạnh mong muốn hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới của Hoa Kỳ, đóng góp vào hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng trong khu vực. Trên tinh thần đó các nước ASEAN và Hoa Kỳ sẽ tiếp tục duy trì trao đổi, tiếp xúc ở các cấp và dưới nhiều hình thức khác nhau để thúc đẩy mục tiêu trên.
7. Zing: Người Phát ngôn bình luận gì về việc Đại sứ quán Anh ở Việt Nam mới đây đăng thông cáo trên Facebook chính thức về việc số vụ tấn công người nước ngoài gia tăng đáng kể ở thủ đô Hà Nội? Bộ Ngoại giao có nhận được công văn chính thức nào từ cơ quan đại diện nước ngoài về vụ này?
Về việc này, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã trao đổi với Đại sứ quán Anh tại Hà Nội để làm rõ nội dung thông báo của Đại sứ quán. Bộ Ngoại giao cũng đã trao đổi với các cơ quan chức năng của Việt Nam để xác minh thông tin và cùng phối hợp xử lý vụ việc như Đại sứ quán Anh nêu.
Cần khẳng định rằng, Việt Nam luôn coi trọng công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội cho người dân trong nước cũng như cộng đồng người nước ngoài đang sinh sống, học tập làm việc tại Việt Nam, phát hiện và xử ý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
8. CNA: Qua theo dõi tin tức, chúng tôi được biết lô vaccine đầu tiên mà Việt Nam đặt mua đã được vận chuyển về sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất ngày 23/2 vừa qua và đơn vị phụ trách vận chuyển lô hàng này là Hãng hàng không Korean Air của Hàn Quốc. Xin được hỏi Chính phủ Việt Nam, tại sao việc vận chuyển vaccine lại do Hãng hàng không của Hàn Quốc thực hiện, trong thời gian tới việc vận chuyển cũng sẽ tiếp tục do Hàng không của Hàn Quốc thực hiện hay không? Hay là vì phía Hàn Quốc được công ty Astra Zeneca ủy quyền sản xuất lô hàng này để bán cho Việt Nam?
Theo tôi được biết từ Bộ Y tế, đây là thỏa thuận giữa nhà cung cấp và nhà sản xuất vaccine. Còn phía Việt Nam thì tiếp nhận vaccine tại Việt Nam.
9. Phoenix: Hiện nay, một số nước trên thế giới trong đó có ASEAN như Singapore, Philippines, Indonesia đã đặt mua vaccine Covid 19 của Trung Quốc. Việt Nam có kế hoạch mua vaccine của Trung Quốc không? Nếu có, hiện tiến độ đàm phán đến đâu?
Ngoài những nguồn vaccine như tôi đã nêu ở trên, hiện nay Việt Nam cũng đang thúc đẩy đàm phán với các đối tác khác trên thế giới để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nước.
10. Phoenix: Từ khi đợt dịch Covid mới bùng phát ở Việt Nam tới nay, biên giới Việt Nam Trung Quốc thường xuyên phát hiện các đối tượng xuất nhập cảnh trái phép. Cơ quan chức năng hai nước có biện pháp gì để phòng tránh và ngăn chặn hành vi này?
Trước tình hình nhiều người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam trong thời gian vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và Uỷ ban nhân dân các tỉnh biên giới tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động nhập cảnh, ngăn chặn các trường hợp xuất nhập cảnh trái phép; rà soát việc kiểm soát xuất nhập cảnh trên các tuyến biên giới, kể cả các đường mòn, lối mở và ở các thành phố lớn và một số tỉnh miền Trung và cũng sẽ xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân có sai phạm, có hành vi tiếp tay cho người nước ngoài nhập cảnh trái phép.
Tuy nhiên trên tinh thần nhân đạo, Chính phủ cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với ngành y tế tổ chức xét nghiệm và có những biện pháp phòng chống dịch phù hợp đối với người nước ngoài nhập cảnh đã trái phép như cách ly hay điều trị (nếu mắc bệnh) đảm bảo tuân thủ nghiêm các nguyên tắc về phòng, chống dịch bệnh của Việt Nam.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài đặc biệt là các nước có chung đường biên giới trong đó có Trung Quốc để có các biện pháp quản lý tốt hơn và ngăn chặn việc xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Tại Hội nghị hợp tác phòng, chống tội phạm lần thứ 7 giữa Bộ Công an Việt Nam và Bộ Công an Trung Quốc ngày 19/02 vừa qua, hai bên cũng đã đạt được nhất trí trong xử lý vấn đề này.
11. Báo TGVN: xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) có Tổng Giám đốc mới?
Việt Nam chúc mừng Tiến sỹ Ngozi Okonjo – Iweala trở thành Tổng Giám đốc mới của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Với kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực tài chính và thương mại, bà Tân Tổng Giám đốc sẽ thành công trong việc lãnh đạo WTO, đóng góp tích cực vào hệ thống thương mại toàn cầu.
Là thành viên có trách nhiệm trong WTO, Việt Nam ủng hộ hệ thống đa phương mở, minh bạch và dựa trên luật lệ, trong đó đề cao vai trò trung tâm của WTO. Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với Tân Tổng Giám đốc và các thành viên khác đóng góp hiệu quả vào các hoạt động của WTO và thúc đẩy hiệu quả tiến trình cải cách của tổ chức này.
12. Tiền Phong: Có thông tin nói rằng Trung Quốc đang chuẩn bị xây dựng căn cứ tên lửa đất đối không thứ hai ở địa bàn tỉnh Vân Nam, Xin Người Phát ngôn cho biết Việt Nam đã xác minh được thông tin này chưa và quan điểm của Việt Nam như thế nào?
Quan điểm của Việt Nam là chính sách quốc phòng của tất cả các quốc gia cần phải đóng góp tích cực, thiết thực vào việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.
13. Tri thức trẻ: Hiện có thông tin sáng 24/2, tàu Hải cảnh 5304 của Trung Quốc đã áp sát giàn xử lý Hải Thạch thuộc lô 5-02 của Việt Nam, theo tín hiệu AIS. Xin Người Phát ngôn có thể xác minh thông tin này và có bình luận gì?
Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
Hoạt động của các nước ở Biển Đông cần tuân thủ quy định liên quan của luật pháp quốc tế, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia của các quốc gia ven biển đã được quy định tại UNCLOS, đóng góp vào hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.
14. VnExpress: Tàu chiến Hoa Kỳ trong tháng 2 đã di chuyển qua vùng biển gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, đánh dấu lần đầu tiên tàu chiến Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam với thông tin này?
Là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS), Việt Nam tuân thủ các quy định của Công ước, kể cả các quy định liên quan đến hoạt động hàng hải, hàng không trên vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước. Việt Nam mong muốn các nước tiếp tục đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định trên cơ sở luật pháp quốc tế tại khu vực Biển Đông.
15. AFP: Khi nào Việt Nam sẽ thực hiện việc tiêm vắc xin Covid-19 cho những công dân đầu tiên của Việt Nam? Báo chí nước ngoài có được phép tiếp cận, đưa tin chụp ảnh về sự kiện này không?
Như tôi đã thông báo lúc đầu, những liều vắc xin đầu tiên đã về đến Việt Nam vào ngày 24/2 vừa qua. Song song với việc chuẩn bị các đề xuất, kiến nghị về các đối tượng được tiêm vắc xin, Bộ Y tế cũng đang khẩn trương chuẩn bị các kế hoạch, các kịch bản và huy động tối đa các lực lượng, tập trung tối đa các nguồn lực để có thể triển khai tiêm vắc xin nhanh và đảm bảo độ bao phủ.
Chúng tôi cũng đang trao đổi với Bộ Y tế về việc có thể tạo điều kiện cho báo chí nước ngoài đến đưa tin việc tiêm vắc xin cho người dân Việt Nam. Tất nhiên phải đảm bảo, thoả mãn các yêu cầu về vệ sinh dịch tễ cũng như là phòng, chống dịch bệnh.
16. AFP: Chính phủ Việt Nam đã có kế hoạch mở lại các đường bay hồi hương công dân và các đường bay thương mại chưa? Nếu có thì đề nghị cho biết chi tiết?
Vừa qua trong bối cảnh do những biến thể, những chủng mới của Covid-19, làn sóng phức tạp của Covid-19 ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, cũng như diễn biến phức tạp vào cuối tháng 1 vừa qua tại Việt Nam, Việt Nam đã tạm dừng các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước. Đồng thời, Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch đưa công dân về nước một cách an toàn, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trên thế giới, cũng như ở Việt Nam và đặc biệt là năng lực cách ly trong nước.
Về việc mở lại các chuyến bay thương mại, cũng nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan của Việt Nam trao đổi với các đối tác ở các nước có hệ số an toàn cao về việc có thể nối lại các đường bay thương mại, thường lệ giữa Việt Nam và các đối tác này. Đối với một số đối tác cũng có mong muốn mở lại đường bay thương mại tới Việt Nam, các cơ quan chức năng hàng không của Việt Nam cũng nghiên cứu và trao đổi về các quy trình và thời điểm cụ thể khi nào có thể tiến hành nối lại các chuyến bay.
17. Reuters: Phản ứng của Việt Nam đối với tình hình của Myanmar hiện tại là như thế nào?
Chúng tôi cũng đã có phát biểu về lập trường của Việt Nam đối với diễn biến phức tạp tại Myanmar thời gian qua.
Là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên của ASEAN, Việt Nam hết sức quan tâm theo dõi những diễn biến, tình hình đang diễn ra tại Myanmar.
Việt Nam cũng chia sẻ lập trường chung của ASEAN đã được nêu tại Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN về diễn biến ở Myanmar ngày 01/02/2021 vừa qua, trong đó nhấn mạnh đến việc tuân thủ Hiến chương ASEAN; ủng hộ đối thoại, hòa giải và mong muốn tình hình tại Myanmar sớm trở lại bình thường phù hợp với ý chí và lợi ích của nhân dân Myanmar để xây dựng và phát triển đất nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như tiếp tục đóng góp cho tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.
18. TTXVN: Xin cho biết về tình hình của doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar?
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar, hiện các doanh nghiệp Việt Nam vẫn duy trì hoạt động tại Myanmar.
Việt Nam đề nghị các cơ quan chức năng Myanmar quan tâm, đảm bảo an toàn cho công dân Việt Nam đang sinh sống, lao động, học tập, làm việc tại Myanmar, cũng như bảo vệ những lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với các thỏa thuận hai bên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.
Trong những năm qua, các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào tiến trình phát triển kinh tế - xã hội tại Myanmar cũng như thúc đẩy quan hệ Đối tác Hợp tác Toàn diện Việt Nam – Myanmar./.
Back Top page Print Email |