Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 7 năm 2021
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tân Hoa xã: Gần đây Chính phủ Nhật Bản quyết định xả hàng triệu tấn nước thải nhiễm xạ từ nhà máy điện hạt nhân số 1 Fukusima ra biển. Quyết định này bị dân chúng Nhật Bản và cộng đồng quốc tế đặt câu hỏi và chỉ trích rộng rãi. Là một quốc gia ven biển xin hỏi Việt Nam bình luận thế nào về vấn đề này?
Việt Nam ủng hộ quyền phát triển, sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, trách nhiệm bảo đảm an toàn, an ninh hạt nhân thuộc về quốc gia, song đòi hỏi có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ, minh bạch trong chia sẻ thông tin, ứng xử có trách nhiệm trong trường hợp xảy ra sự cố, tai nạn.
Việt Nam đề cao việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, bảo vệ môi trường biển và các tài nguyên biển, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982) và các quy định của IAEA.
Gần đây nhất, trong ngày 28/4 vừa qua, trong cuộc điện đàm giữa Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Chung Eui Yong (Châng Ưi I-ong), hai bên đã trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.Trong cuộc điện đàm, hai bên nhất trí tăng cường giao lưu các cấp, đặc biệt là cấp cao hai nước bằng các hình thức linh hoạt như điện đàm, trực tuyến; tăng cường hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Ngoại giao hai nước; đồng thời ủng hộ và phối hợp chặt chẽ trong khuôn khổ hợp tác khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc, ASEAN.
Cũng liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã khẳng định lập trường nguyên tắc của Việt Nam như trên.
2. TTXVN: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin Hải cảnh Trung Quốc tuyên bố đảm bảo thực thi lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ 01/05/2021 trên vùng biển có phạm vi bao gồm một phần Vịnh Bắc Bộ và quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Việt Nam cho rằng việc tiến hành các biện pháp bảo tồn nguồn tài nguyên sinh vật cần được tiến hành phù hợp với các quy định có liên quan của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và không được làm phương hại đến quyền chủ quyền cũng như quyền tài phán trên biển của các quốc gia liên quan khác.
Việt Nam phản đối và kiên quyết bác bỏ quyết định đơn phương này của phía Trung Quốc. Quy chế này xâm phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), trái với Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển giữa Việt Nam và Trung Quốc.
3. CNA (Đài Loan): Quan chức Đài Loan cho biết đại diện ngành du lịch của một số nước châu Á-Thái Bình Dương ở Đài Bắc gần đây đã tích cực làm việc với cơ quan chức năng Đài Loan để đàm phán việc thiết lập bong bóng du lịch, trong đó bao gồm Việt Nam. Xin hỏi phía Việt Nam có thể xác nhận việc này không, có phải đại diện Việt Nam và Đài Loan đã gặp gỡ tiếp xúc để trao đổi về việc mở bong bóng du lịch và chứng nhận hộ chiếu vaccine không, nếu có thì tiến độ như thế nào, liệu đến tháng 7 năm nay có thể triển khai thí điểm được không?
Du lịch là một trong những lĩnh vực hợp tác rất quan trọng giữa Việt Nam với các đối tác trong đó có Đài Loan. Tuy nhiên trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp hiện nay, mọi sáng kiến thúc đẩy hợp tác cần ưu tiên đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu.
4. Sputnik: Theo tờ The Guardian đưa tin ngày 20/4 cho biết, Vương quốc Anh lần đầu tiên thuê máy bay trục xuất người Việt Nam về nước vào ngày 21/04/2021. Xin Người phát ngôn bình luận về vấn đề này?
Việc tiếp nhận trở lại công dân Việt Nam được thực hiện trên cơ sở các thỏa thuận giữa hai bên, Việt Nam và Anh, căn cứ trên luật pháp và thông lệ quốc tế, trong đó có Bản ghi nhớ giữa Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam và Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len ngày 28/10/2004 về các vấn đề di cư, đảm bảo các quyền và lợi ích chính đáng của công dân, phù hợp với quy định của pháp luật hai nước.
Việt Nam mong muốn phía Anh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt Nam tại Anh hội nhập và đóng góp vào sự phát triển, thịnh vượng của Anh, đồng thời góp phần tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước.
5. Sputnik: Việt Nam có biện pháp gì nhằm tăng cường công tác phòng chống nạn buôn bán người/di cư trái phép trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp?
Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người. Mới đây nhất, ngày 09/02/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phòng, chống mua bán người giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có nhiệm vụ tăng cường đấu tranh, ngăn chặn mua bán người trong các hoạt động di cư quốc tế. Việt Nam cũng đang tiếp tục nỗ lực thực hiện các mục tiêu của Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự (GCM) theo Kế hoạch do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 20/03/2020, nhằm tạo môi trường di cư minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người di cư.
Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan, bảo đảm việc di cư hợp pháp, an toàn, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư.
6. VTC1: Tờ South China Morning Post mới đây đã trích dẫn bài viết đăng tải trên tạp chí được phát hành bởi tập đoàn đóng tàu quốc gia Trung Quốc, trong đó có nêu lực lượng dân quân biển của Việt Nam hoạt động ở vùng biển gần quần đảo Hải Nam, quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa đã đe doạ lực lượng thực thi pháp luật hàng hải và an ninh quốc phòng của Trung Quốc. Tờ báo này cũng đề xuất chính quyền Trung Quốc nên tăng cường thực thi pháp luật đối với tàu cá Việt Nam và tăng cường lực lượng hải cảnh để thực hiện điều này. Đề nghị Bộ Ngoại giao bình luận về những thông tin này?
Chúng tôi bác bỏ những thông tin không đúng về lực lượng dân quân tự vệ biển của Việt Nam.
Việt Nam thực hiện chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ và toàn dân. Theo Luật Dân quân tự vệ năm 2019, dân quân tự vệ biển là một thành phần của lực lượng dân quân tự vệ Việt Nam, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển, đảo…
Dân quân tự vệ biển và các lực lượng chức năng khác hoạt động trên biển tuyệt đối tuân thủ luật pháp Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
7. Phoenix TV: Truyền thông Việt Nam đưa tin có kế hoạch đưa tàu Cát Linh – Hà Đông chính thức vận hành vào 11/5 và sau đó sẽ có 15 ngày cho người dân đi thử. Xin Bộ Ngoại giao xác nhận thông tin này?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng Việt Nam đang tích cực hoàn tất các quy trình nghiệm thu các hạng mục công trình, vận hành thử toàn hệ thống, thực hiện đánh giá an toàn hệ thống và tư vấn trong quá trình vận hành thử toàn hệ thống theo đúng các quy định của luật pháp Việt Nam. Công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông chỉ được nghiệm thu đưa vào sử dụng sau khi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước có ý kiến chính thức.
Theo tôi được biết, các cơ quan chức năng hai bên cũng đang tích cực trao đổi, làm việc để sớm đưa đường sắt Cát Linh – Hà Đông vào vận hành.
8. Phoenix: Đội tàu sân bay Queen Elizabeth của Anh sẽ có chuyến hải trình châu Á từ đầu tháng 5, và sẽ tới thăm hơn 40 nước. Xin được hỏi họ có kế hoạch tới thăm Việt Nam không?
Tôi chưa có thông tin như bạn nêu. Bạn có thể theo dõi báo chí Việt Nam, thông tin sẽ được đăng tải, nếu có.
9. Thanh Niên: Trước thông tin tàu sân bay Sơn Đông và tàu đổ bộ tấn công Hải Nam của Trung Quốc, hôm qua ngày 28/4 đã rời cảng ở căn cứ Tam Sa trên đảo Hải Nam để tiến vào Biển Đông. Xin Phó phát ngôn bình luận về vấn đề này?
Lập trường của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là rõ ràng và nhất quán. Mọi hoạt động trên biển cần được tiến hành trên cơ sở Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982); tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia ven biển tại các vùng biển được xác lập phù hợp với Công ước.
Việt Nam mong rằng các nước sẽ nỗ lực đóng góp để thực hiện mục tiêu và nguyện vọng chung của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế về việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, thượng tôn pháp luật tại Biển Đông.
10. Báo TG&VN: Đề nghị Phó Phát ngôn cho biết phản ứng trước báo cáo 2021 của USCIRF cho rằng Việt Nam tiếp tục vi phạm tự do tôn giáo, tín ngưỡng?
Chính sách nhất quán của Việt Nam là bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân. Những điều này đều được quy định rõ ràng trong Hiến pháp, pháp luật Việt Nam và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế. Hiện nay, ước tính 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có trên 25 triệu tín đồ thuộc các tôn giáo khác nhau chiếm khoảng 27% dân số (riêng Công giáo có trên 7 triệu tín đồ, Tin Lành có trên 1 triệu tín đồ). Nhà nước Việt Nam cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức tôn giáo tiến hành giao lưu, hợp tác quốc tế. Thực tiễn đời sống tôn giáo, tín ngưỡng ở Việt Nam hết sức phong phú và sinh động. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo tình hình tự do tôn giáo thế giới 2021 của Ủy ban Tự do Tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực và tiến triển tích cực trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của Việt Nam. Tuy nhiên, báo cáo vẫn còn một số nội dung, đánh giá thiếu khách quan, không công bằng dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình tôn giáo tại Việt Nam. Tại Việt Nam, các hành vi lợi dụng quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng để vi phạm pháp luật đều bị xử lý theo pháp luật.
Việt Nam sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.
11. Zing News: Trang tin RFA đã công bố kết quả điều tra cho thấy từ năm 2014 chính quyền thành phố mà Trung Quốc gọi là Tam Sa đã gửi hồ sơ cho chính phủ phê duyệt đăng ký nhãn hiệu của 218 thực thể trên toàn bộ biển Đông, xin ông bình luận về vấn đề này?
Về vấn đề Biển Đông, lập trường của Việt Nam về chủ quyền, quyền chủ quyền và các quyền lợi hợp pháp khác trên biển là rất rõ ràng, nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần.
Một lần nữa xin khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cũng như các quyền lợi hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Mọi hành vi phương hại đến chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với vùng biển của mình đều vô giá trị, không được công nhận và Việt Nam kiên quyết phản đối.
12. Zing News: Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á như Lào, Campuchia ngày càng căng thẳng. Đại sứ quán Việt Nam tại những nước này đã có công tác bảo hộ công dân như thế nào?
Ngay sau khi xuất hiện những diễn biến mới liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước này chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân cụ thể cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại cập nhật sát tình hình dịch bệnh, đề nghị quan tâm, tích cực cứu chữa những công dân Việt Nam gặp khó khăn.
Các cơ quan Đại diện Việt Nam tại các quốc gia này cũng liên tục cập nhật thông tin lên website chính thức của cơ quan Đại diện, khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại các nước này nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc chính sách và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của sở tại.
Cán bộ, nhân viên của các cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước, với tinh thần bám trụ địa bàn cũng đang nỗ lực thiết lập thêm và duy trì các kênh liên lạc trong cộng đồng người Việt, sẵn sàng các nhu yếu phẩm cần thiết để hỗ trợ công dân Việt Nam trong trường hợp cần thiết.
13. Dân Việt: Có thông tin về việc đưa người Việt Nam từ Ấn Độ về nước trên website của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ. Xin Người Phát ngôn xác minh thông tin này? Đây có phải thông tin giả mạo hay không?
Bộ Ngoại giao, các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước, các hãng hàng không lên các phương án hỗ trợ thu xếp chuyến bay đưa công dân về nước trong trường hợp cần thiết, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh.
Công dân Việt Nam có thể truy cập website chính thức của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ theo địa chỉ http://vietnamembassydelhi.in hoặc đường dây nóng của Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ theo số +91 7303 625 588 để cập nhật thông tin chính xác.
14. Dân việt: Tình hình dịch bệnh hiện nay tại Campuchia đang hết sức phức tạp, có rất nhiều người Việt tại Campuchia mong muốn về nước và hết sức lo ngại về việc không đủ giấy tờ để có thể về nước. Xin Phó Phát ngôn cho biết các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Campuchia đã hỗ có những hình thức nào để hỗ trợ những người này.
Bảo hộ công dân là một trong những ưu tiên trong các chính sách của Việt Nam. Như tôi đã nêu, ngay sau khi xuất hiện những diễn biến mới liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19 tại Ấn Độ cũng như một số nước trong khu vực Đông Nam Á trong đó có Lào, Campuchia, Bộ Ngoại giao đã yêu cầu các Cơ quan đại diện Việt Nam tại các nước này chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo hộ công dân cụ thể cũng như tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại sở tại cập nhật sát tình hình dịch bệnh, đề nghị quan tâm, tích cực cứu chữa những công dân Việt Nam gặp khó khăn.
Các cơ quan đại diện Việt Nam tại các quốc gia này cũng liên tục cập nhật thông tin lên website chính thức, khuyến cáo công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại các nước này nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh, tuân thủ nghiêm túc chính sách và các biện pháp phòng chống dịch bệnh của sở tại.
Nếu có công dân gặp nạn hoặc khó khăn tại Campuchia đề nghị liên hệ theo số điện thoại đường dây nóng Bảo hộ công dân của Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia là: +85-597-702-0561 hoặc Tổng đài Bảo hộ công dân theo số +84-981-848-484.
15. VnExpress: Cơ quan chắc năng Malaysia thông báo đã bắt 3 tàu cá Việt Nam với cáo buộc đánh bắt trái phép. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam và tình hình các thuyền viên, cũng như các biện pháp bảo hộ công dân đã được tiến hành.
Ngay sau khi nhận được thông tin như bạn vừa nêu, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại đề nghị đối xử nhân đạo với các ngư dân đồng thời xác minh các thông tin liên quan và chủ động thực hiện các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.
Đại sứ quán cũng đề nghị phía Malaysia cung cấp đầy đủ các tài liệu, bằng chứng liên quan đến tàu cá nói trên để có cơ sở chuyển cho cơ quan chức năng trong nước điều tra, xử lý nếu có vi phạm.
Việt Nam nhất quán chủ trương phát triển, đánh bắt cá theo hướng bền vững, chú trọng bảo tồn, phát huy các nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế. Ngư dân Việt Nam luôn được tuyên truyền, giáo dục về việc phải tôn trọng pháp luật của Việt Nam và các quốc gia, cũng như các cam kết quốc tế liên quan của Việt Nam, không xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của quốc gia ven biển khác được xác lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
16. VnExpress: Nhiều quốc gia hiện nay đã cấm người nhập cảnh từ Ấn Độ do tình hình dịch bệnh bùng phát mạnh ở nước này. Đề nghị Bộ Ngoại giao cho biết liệu Việt Nam có thay đổi chính sách nhập cảnh với các trường hợp từ Ấn Độ hay không?
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công điện số 540/CĐ-TTg và 541/CĐ-TTg ngày 23/4/2021, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế, các Bộ, ngành liên quan ban hành nhiều văn bản hướng dẫn nhằm tạo điều kiện cho các trường hợp nhập cảnh Việt Nam bảo đảm công tác phòng chống dịch.
Căn cứ tình hình dịch bệnh đang diễn ra phức tạp ở một số quốc gia và trên thế giới, để tăng cường công tác phòng chống dịch Covid-19 và giải quyết đúng các đối tượng được xem xét nhập cảnh Việt Nam theo quy định, Bộ Y tế đã ban hành “hướng dẫn công tác quản lý đối với các trường hợp đề nghị nhập cảnh Việt Nam để phòng chống dịch”, trong đó nêu rõ “cần thực hiện nghiêm việc xem xét, phê duyệt các đối tượng xin nhập cảnh, đảm bảo đúng các đối tượng ưu tiên đồng thời thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên và các trường hợp nhập cảnh trái phép”.
Các quy định hiện nay về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh Việt Nam là chuyên gia, nhà đầu tư, doanh nghiệp, quản lý nước ngoài và công dân Việt Nam về từ các nước, áp dụng việc cách ly tập trung 14 ngày.
17. Soha/Trí thức trẻ: Hiện nay tình hình dịch Covid-19 tại các quốc gia đang lan rộng. Việt Nam có cân nhắc việc áp dụng hộ chiếu vaccine nữa hay không?
Hiện nay, Việt Nam chưa có quy định riêng về thủ tục nhập cảnh đối với người đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.
Trong bối cảnh “hộ chiếu vaccine” đã bắt đầu được một số nước trên thế giới áp dụng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang phối hợp, nghiên cứu, đánh giá và đề xuất biện pháp xử lý phù hợp đối với vấn đề này.
Bộ Ngoại giao cũng đang tìm hiểu, tổng hợp kinh nghiệm thực tiễn của các nước nhằm nghiên cứu, đề xuất chính sách xuất nhập cảnh phù hợp, hướng tới mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội./.
Back Top page Print Email |