I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á
Nhận lời mời của Chủ tịch, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn Nikkei Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Hội nghị quốc tế về “Tương lai châu Á” lần thứ 26 do Nikkei tổ chức vào ngày 20-21/5/2021 theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị “Tương lai châu Á” là một trong những diễn đàn đối thoại chính sách uy tín hàng đầu ở châu Á được tổ chức thường niên với sự tham dự của Lãnh đạo cấp cao, chính khách, học giả nhiều nước châu Á cũng như đại diện các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Với chủ đề “Định hình kỷ nguyên hậu Covid: Vai trò của châu Á đối với sự phục hồi toàn cầu”, Hội nghị năm nay sẽ tập trung thảo luận các nội dung như hợp tác ứng phó với đại dịch Covid-19, tái kết nối các nền kinh tế khu vực và vai trò của châu Á trong quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu sau đại dịch.
2. Thông báo về Phiên thảo luận mở tại HĐBA LHQ về thúc đẩy tái thiết hậu Covid-19 ở Châu Phi trong khi giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của xung đột (19/5)
Ngày 19/5/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận mở cấp Bộ trưởng của HĐBA LHQ với chủ đề “Hòa bình và an ninh tại Châu Phi: xử lý nguyên nhân gốc rễ của xung đột cùng với thúc đẩy hồi phục sau đại dịch ở Châu Phi” do Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị chủ trì với tư cách là Chủ tịch HĐBA LHQ tháng 5/2021.
Tại phiên họp này, HĐBA sẽ thảo luận và đánh giá tác động của đại dịch đối với Châu Phi, các vấn đề an ninh của Châu Phi; trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy nỗ lực hợp tác quốc tế giúp châu lục này giải quyết vấn đề và các nguyên nhân gốc rễ của xung đột và phòng chống Covid-19, thúc đẩy phục hồi sau đại dịch.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Zing: Xin Người phát ngôn cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ có thăm Việt Nam bên lề Hội nghị Shangri-la sau cuộc trao đổi hôm trước với Đại sứ Hà Kim Ngọc hay không?
Như các bạn đã biết, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ trong thời gian qua đang duy trì đà tiến triển trên nhiều lĩnh vực, trong đó có hợp tác về an ninh – quốc phòng. Trên cơ sở những thỏa thuận đã đạt được giữa hai bên, trong đó có Bản ghi nhớ về hợp tác quốc phòng 2011, Tuyên bố về tầm nhìn chung về hợp tác quốc phòng năm 2015 và kế hoạch hợp tác quốc phòng 2018 – 2020, hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng song phương qua các kênh trao đổi khác nhau, tăng cường trao đổi đoàn, góp phần duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên trường quốc tế.
2. Zing: Xin Người Phát ngôn thông tin về việc trong chương trình chia sẻ vaccine của chính quyền Tổng thống Joe Biden, Việt Nam đã xúc tiến thêm gì?
Ngay từ khi dịch Covid-19 bùng phát và các nước tiến hành nghiên cứu, sản xuất vaccine phòng bệnh, Việt Nam đã nỗ lực tìm kiếm, tiếp cận và đàm phán với các đối tác cung cấp vaccine phòng Covid-19 trên thế giới để sớm nhập khẩu vaccine về sử dụng trong nước. Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp cận được với một số nguồn cung ứng vaccine và đã có cam kết cung ứng từ chương trình COVAX Facility và từ nhà sản xuất và cung cấp vaccine Astra Zeneca. Như các bạn đã biết, hiện nay Việt Nam cũng đang tiến hành tiêm chủng cho những đối tượng được ưu tiên.
Ngoài nguồn cung cấp vaccine nhập khẩu, Việt Nam đang thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển vaccine trong nước và vaccine do Việt Nam sản xuất dự kiến sẽ được sử dụng trong năm 2022 để chủ động nguồn vaccine, bảo đảm nguồn cung, bảo đảm an ninh y tế, chủ động ứng phó khi có các đại dịch có thể xảy ra trong tương lai.
Đồng thời, để mở ra cơ hội khống chế sự lây lan của dịch bệnh nguy hiểm này, Việt Nam mong muốn các quốc gia chia sẻ thông tin, miễn trừ bản quyền đối với vaccine Covid-19 để các loại vaccine sớm được phổ biến rộng rãi ở tất cả các nước trên thế giới.
3. Zing: Xin Người Phát ngôn bình luận về tình hình xung đột ở Dải Gaza những ngày qua giữa Israel và lực lượng Hamas?
Việt Nam quan tâm theo dõi và quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực leo thang tại Israel và các vùng lãnh thổ của Palestine trong những ngày qua gây nhiều thương vong cho dân thường. Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, chấm dứt leo thang căng thẳng, giải quyết xung đột thông qua các biện pháp hoà bình, đảm bảo an toàn và lợi ích chính đáng của người dân.
Đối với vấn đề Đông Jerusalem, lập trường nhất quán của Việt Nam là mọi giải pháp cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc.
4. Zing: Xin Người Phát ngôn bình luận về việc Trung Quốc đưa thêm tàu đến đá Ba Đầu thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nâng tổng số tàu ở khu vực này lên thành gần 300 chiếc?
Các cơ quan chức năng Việt Nam luôn theo dõi sát các diễn biến trên Biển Đông và bảo vệ, thực thi chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên các vùng biển Việt Nam phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Việt Nam một lần nữa khẳng định có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Là quốc gia ven biển và là thành viên Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, Việt Nam được hưởng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển của mình được xác lập phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.
5. Zing: Vụ kiện đòi công lý cho những nạn nhân chất độc da cam của bà Trần Tố Nga vừa bị tòa án Pháp bác bỏ. Xin Người Phát ngôn bình luận về việc này. Việt Nam có thể làm gì để trợ giúp nguyên đơn?
Chúng tôi lấy làm tiếc về phán quyết của tòa án đối với vụ kiện chất độc da cam của bà Trần Tố Nga. Việt Nam phải chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, trong đó có tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin. Chúng tôi ủng hộ việc các nạn nhân chất độc da cam/dioxin yêu cầu trách nhiệm pháp lý đối với các công ty hóa chất và sản xuất, thương mại chất độc da cam/dioxin của Hoa Kỳ trong cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Chúng tôi cho rằng các công ty này phải có trách nhiệm khắc phục những hậu quả chất độc da cam/dioxin đã gây ra tại Việt Nam.
Thời gian qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã giữ liên lạc, trao đổi, động viên bà Trần Tố Nga và sẵn sàng có các hỗ trợ phù hợp.
6. VnExpress: Tình hình dịch bệnh ở một số nước, trong đó có Ấn Độ, tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Bộ Ngoại giao đã được giao chủ trì rà soát, kiểm điểm việc trình Thủ tướng cho phép chuyên gia nước ngoài nhập cảnh thời gian qua. Xin người phát ngôn cho biết Việt Nam có thay đổi nào về chính sách nhập cảnh hay không?
Trước diễn biến tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp trên thế giới để đảm bảo mục tiêu phòng chống dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp trong đó có việc tạm dừng nhập cảnh đối với người nước ngoài, chỉ giải quyết cho người nước ngoài là nhà đầu tư, chuyên gia kỹ thuật, lao động tay nghề cao, nhà quản lý doanh nghiệp vào Việt Nam làm việc và phải đảm bảo phương án cách ly và các yêu cầu về y tế.
Hiện nay, Việt Nam cũng đã quyết định tạm dừng/hạn chế nhập cảnh đối với người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài để tập trung triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch trong nước.
Song song với đó, Bộ Ngoại giao đang tích cực theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến dịch bệnh tại các nước trên thế giới, phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để áp dụng biện pháp nới lỏng hoặc thắt chặt nhập cảnh phù hợp với từng đối tượng, đảm bảo việc thực hiện tốt “mục tiêu kép” cũng như phòng chống dịch bệnh.
7. Truyền hình Nhân dân: xin Người Phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ năm 2020?
Việt Nam ghi nhận việc Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế năm 2020 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã đề cập đến những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo và thúc đẩy đời sống tôn giáo, tín ngưỡng. Tuy nhiên, Báo cáo vẫn đưa ra một số nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và thực hiện nhất quán chính sách bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo cho người dân được cộng đồng quốc tế thừa nhận rộng rãi.
Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi thẳng thắn, cởi mở và trên tinh thần xây dựng với Hoa Kỳ về những vấn đề còn có sự khác biệt để tăng cường sự hiểu biết và đóng góp vào sự phát triển của quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước.
8. Phoenix: Đề nghị cung cấp thông tin về 02 chuyên gia Trung Quốc nhiễm Covid tại Việt Nam?
Chúng tôi đã trao đổi với Bộ Y tế về 02 ca bệnh như phóng viên vừa đề cập.
Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân nam, 41 tuổi, số 3448. Bệnh nhân đã được cách ly tập trung từ trước, kết quả xét nghiệm ngày 09/05/2021 dương tính với virus SARS-CoV-2. Hiện nay bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh và tình trạng ổn định.
Bệnh nhân thứ 2 là nam, 25 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, số 2773. Hiện bệnh nhân đã được điều trị khỏi bệnh và đang được theo dõi y tế và sức khỏe tại nơi cư trú.
Nhân đây xin được nói thêm, trong thời gian vừa qua, có một số trường hợp người nước ngoài khi nhập cảnh Việt Nam đã dương tính với virus SARS-CoV-2. Trên tinh thần nhân đạo, các cơ quan chức năng Việt Nam rất quan tâm, hỗ trợ người nước ngoài tại Việt Nam được điều trị tích cực, đảm bảo an toàn và được giám sát, chăm sóc y tế.
9. Phoenix: Cục Quản lý Xuất nhập cảnh Bộ Công an đã đồng ý cho 164 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh để thu mua vải thiều. Hiện Việt Nam đang trong đợt dịch mới, quy định phòng chống dịch đối với các thương nhân này thế nào?
Các thương gia, chuyên gia nước ngoài nhập cảnh Việt Nam phải tuân thủ các quy định về xuất nhập cảnh và phòng chống dịch của Việt Nam hiện nay.
Các cơ quan chức năng và địa phương liên quan sẽ thực hiện việc quản lý người nhập cảnh theo đúng thẩm quyền và phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh trong nước cũng như trên thế giới.
10. Dân trí: Xin thông tin cập nhật của kỹ sư Nhân, một người Việt đang bị nhiễm Covid-19 ở Ấn Độ trong câu chuyện của Đại sứ Phạm Sanh Châu, cũng như là tình hình chung của những người mắc Covid-19 ở nước bạn?
Liên quan đến tình hình công dân Việt Nam đang sinh sống và học tập tại Ấn Độ, Bộ Ngoại giao, các cơ quan đại diện Việt Nam tại Ấn Độ đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như là sở tại trợ giúp cho công dân tại Ấn Độ.
Theo như thông tin chúng tôi được biết, bệnh nhân nặng nằm trong số 08 bệnh nhân là các kỹ sư và thân nhân tại Dehli, Ấn Độ đã hồi phục, sức khoẻ đã dần có tiến triển theo hướng tích cực. Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ cũng đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng cũng như các bác sỹ trong nước theo dõi sát tình hình dịch bệnh và duy trì kênh liên lạc với công dân để sẵn sàng hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết.
11. Reuters: Xin Người Phát ngôn cho biết thêm thông tin về các nguồn nhập khẩu vaccine ngoài Astra Zeneca và COVAX? Công ty Việt Nam nào đang trao đổi với phía Tổ chức Y tế Thế giới để có thể sản xuất vaccine mRNA?
Như tôi đã nói, ngoài những cái nguồn vaccine cũng như các nhà sản xuất vaccine đã cam kết cung ứng thì Việt Nam cũng đang tích cực đàm phán với các đối tác khác nhau để có thể đa dạng hoá nguồn vaccine./.