Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 14 năm 2021


I. THÔNG BÁO

1. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân thăm chính thức Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào từ 9 – 10/8/2021

Nhận lời mời của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoong-lun Xỉ-xu-lít, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 09 đến 10 tháng 8 năm 2021.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thoong-lun Xỉ-xu-lít, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Lào Phăn-khăm Vị-phả-văn và Chủ tịch Quốc hội Lào Xay-xổm-phon Phôm-vi-hản; tiếp một số Lãnh đạo cấp cao khác của Lào; thăm một số nguyên Lãnh đạo cấp cao của Lào; phát biểu tại phiên họp bất thường lần thứ nhất Quốc hội khóa IX của Lào; dự và phát biểu tại Lễ khánh thành và trao tặng công trình Nhà Quốc hội Lào và tham dự một số hoạt động quan trọng khác.

Trong hội đàm, hội kiến và các tiếp xúc lần này, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp đưa quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam và Lào ngày càng đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất và mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân hai nước.

2. Phó Tổng thống, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thuỵ Sỹ thăm chính thức Việt Nam

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Sỹ Ignazio Cassis đang ở thăm chính thức Việt Nam từ ngày 04-06/8/2021 nhân dịp hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Chuyến thăm của Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thuỵ Sỹ Ignazio Cassis diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam – Thụy Sỹ đang phát triển tốt đẹp. Đây là dịp để hai bên rà soát hợp tác song phương trong thời gian vừa qua, trao đổi mở rộng hợp tác ra các hướng tiềm năng mới, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học và công nghệ. Hai bên cũng sẽ trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Trong buổi sáng ngày hôm nay, Phó Tổng thống, Bộ trưởng Ngoại giao Thụy Sĩ đã hội đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, chào xã giao Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, và dự kiến sẽ chào xã giao Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, gặp gỡ một số Lãnh đạo Bộ, ngành Việt Nam và tham gia một số hoạt động quan trọng khác.

3. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN 54 và các Hội nghị liên quan

Như các bạn đã biết và cũng đã theo dõi trong những ngày vừa qua, từ ngày 02-06/8, đã và đang diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 54 và hơn 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng theo hình thức trực tuyến. Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị cùng Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN và đối tác. Có thể nói, đây là đợt hội nghị cấp Bộ trưởng quan trọng nhất trong năm để trao đổi về hợp tác ASEAN trong xây dựng Cộng đồng, quan hệ đối ngoại giữa ASEAN với các đối tác cũng như để các bên trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế đang nổi lên.

Trong hơn bốn ngày làm việc vừa qua, đã diễn ra 18 Hội nghị giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN, và giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN với các đối tác như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, Úc, Nga, Ấn Độ, Canada và Niu Di-lân, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 và Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 11.

Tại các hội nghị này, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN khẳng định quyết tâm giữ vững đà xây dựng Cộng đồng thông qua triển khai đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang tác động không nhỏ đến khu vực. Các nước cũng cam kết nâng cao năng lực tự cường và chủ động của ASEAN với việc thực hiện các ưu tiên của ASEAN trong năm 2021 gồm Sáng kiến Lá chắn ASEAN (ASEAN SHIELD), Chiến lược hợp nhất Cách mạng công nghiệp 4.0, đề cao chủ nghĩa đa phương cũng như nỗ lực nâng cao ý thức và bản sắc Cộng đồng ASEAN. Các Bộ trưởng cũng trao đổi về các biện pháp ứng phó COVID-19 và thúc đẩy phục hồi toàn diện. Các Bộ trưởng cũng trao đổi về các vấn đề khu vực trong đó có vấn đề Myanmar, vấn đề Biển Đông và quan hệ giữa ASEAN với các Đối tác.

Các hội nghị sẽ tiếp tục diễn ra vào chiều nay và ngày mai, bao gồm Hội nghị Những người bạn của Mê Công lần thứ nhất, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Liên minh châu Âu, Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 28 và Hội nghị Hợp tác mê Công – Nhật Bản lần thứ 14.

Cũng liên quan đến ASEAN, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Lễ thượng cờ ASEAN năm 2021 sẽ được tổ chức trực tuyến vào sáng ngày Chủ Nhật, 8/8/2021. Ngay tiếp sau đó sẽ diễn ra Ngày Gia đình ASEAN 2021 với chủ đề “ASEAN đoàn kết, chung tay đẩy lùi COVID-19” do phu nhân Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, bà Vũ Thị Bích Ngọc, Chủ tịch danh dự Nhóm Phụ nữ Cộng đồng ASEAN chủ trì.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Soha: Đề nghị cập nhật tình hình vụ việc nam thanh niên Việt Nam bị sát hại tại Nhật Bản, việc hậu sự của nạn nhân được thực hiện thế nào?

Như Bộ Ngoại giao đã thông tin, ngay sau khi có thông tin trên mạng xã hội về việc một thanh niên được cho là người Việt Nam bị sát hại ở khu vực trung tâm thương mại Namba của Osaka, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka (Nhật Bản) đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nhật Bản, cảnh sát Osaka và cộng đồng người Việt Nam tại khu vực để tìm hiểu thông tin vụ việc. Ngày 03/8/2021, Cảnh sát tỉnh Osaka đã thông báo chính thức cho Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, xác nhận nạn nhân là công dân Việt Nam, sinh năm 1999, quê quán Hải Phòng. Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka cũng đã liên hệ được với gia đình, sơ bộ thông tin, gửi lời chia buồn đến nạn nhân và khẳng định sẽ tiếp tục theo sát vụ việc, hỗ trợ gia đình trong vấn đề hậu sự.

Theo thông tin mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được từ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Osaka, vào 16 giờ 10 phút giờ địa phương ngày hôm nay, cảnh sát Osaka đã thông báo là đã bắt được hung thủ, là một người nước ngoài.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục theo dõi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản, đề nghị khẩn trương điều tra và đưa hung thủ ra xét xử trước pháp luật, đồng thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Ở trong nước, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao sẵn sàng hỗ trợ gia đình nạn nhân để xử lý các vấn đề hậu sự.

Đây là sự việc hết sức đau lòng. Chúng tôi xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình nạn nhân và đề nghị phía Nhật Bản sớm đưa hung thủ ra xét xử.

2. Soha: Nhà Trắng đã thông báo Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris sẽ thăm Việt Nam vào cuối tháng này. Xin cho biết nội dung, chương trình và thời điểm cụ thể diễn ra chuyến thăm?

Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ triển khai nhiều hoạt động đối ngoại, trao đổi đoàn. Việt Nam hoan nghênh Lãnh đạo các nước, trong đó có Hoa Kỳ, tới thăm Việt Nam.

Hiện các cơ quan chức năng hai nước đang phối hợp để chuẩn bị, thu xếp cho chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris, trên tinh thần quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ tiếp tục phát triển tốt đẹp, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực cũng như trên toàn thế giới.

Chúng tôi sẽ thông báo về chương trình cụ thể vào thời điểm thích hợp.

3. Central News Agency: Liên quan đến chuyến thăm trên, xin hỏi phóng viên có được phép tham dự tác nghiệp đưa tin hay không?

Việc bố trí cho báo chí tác nghiệp sẽ được triển khai căn cứ theo diễn biến tình hình dịch bệnh.

4. Central News Agency: Giới quan sát cho rằng việc các quan chức cấp cao của Mỹ liên tục đến thăm Việt Nam nhằm mục đích đằng sau là muốn liên kết với Việt Nam để cùng bao vây và chống lại Trung Quốc. Xin hỏi Người phát ngôn có quan điểm như thế nào về điều này?

Việt Nam nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, đẩy mạnh việc đưa quan hệ với các đối tác, đặc biệt là các đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, không đi với nước này để chống nước khác.

Việt Nam luôn coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, vì lợi ích của người dân, vì hòa bình và phát triển của khu vực cũng như trên toàn thế giới.

5. Central News Agency: Mỹ đến nay đã tặng cho Việt Nam 5 triệu liều Vắc xin Covid-19, Trung Quốc vốn là nước láng giềng hữu nghị của Việt Nam cũng đã tặng lượng lớn vắc xin cho các nước Đông Nam Á. So sánh lượng vắc xin hai nước này đã tặng, lượng vắc xin Việt Nam nhận được từ Trung Quốc ít hơn rất nhiều. Xin Người phát ngôn cho biết, ngoài 500.000 liều vắc xin mà Trung Quốc đã tặng cho Việt Nam trước đây, hai nước Việt Nam – Trung Quốc có còn đang tiếp tục thảo luận về việc Trung Quốc sẽ tặng vắc xin cho Việt Nam để đối phó tình hình dịch Covid-19 hiện nay hay không?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra hết sức phức tạp với nhiều biến chủng nguy hiểm trên thế giới và ngay tại trong khu vực của chúng ta, việc chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, nguồn lực, vaccine và quy trình sản xuất vaccine, thuốc điều trị cho các quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển là hết sức cần thiết và góp phần quan trọng vào việc phòng, chống đại dịch trên phạm vi toàn cầu. Mọi sự giúp đỡ của các nước, đối tác và cộng đồng quốc tế trong công cuộc phòng chống đại dịch này đều đáng quý và đáng trân trọng. Việt Nam cảm ơn và mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và các tổ chức quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng chống lại đại dịch Covid-19.

Để đa dạng hóa nguồn vaccine, hướng tới mục tiêu đủ số lượng vaccine cần thiết cho tiêm chủng, sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Việt Nam đang tiếp tục đàm phán với các nước, các đối tác, các nhà sản xuất và cung ứng vaccine trên thế giới trong đó có Trung Quốc.

6. Central News Agency: Bộ Y tế Việt Nam ngày 4/8 đã ban hành quy định về việc thực hiện cách ly y tế tập trung 7 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 7 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19. Xin hỏi khi nào Việt Nam sẽ bắt đầu thực hiện quy định này? Liệu Việt Nam có ban hành quy định liên quan đến chủng loại vắc xin Covid-19 mà người nhập cảnh cần tiêm hay không? Các loại giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ được xác nhận như thế nào? Bộ Ngoại giao đã đàm phán với các nước về việc này hay chưa?

Ngày 04/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn một số nội dung về cách ly y tế đối với người được phép nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó quy định thực hiện cách ly y tế tập trung 07 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 07 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng chống Covid-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh. Giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine hoặc giấy chứng nhận khỏi bệnh phải được công nhận và cho phép sử dụng tại Việt Nam.

Các quy định về việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 và các giấy tờ cần thiết khác đang được Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao tích cực phối hợp xây dựng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Xin lưu ý, hướng dẫn này không áp dụng đối với trường hợp nhập cảnh vào làm việc dưới 14 ngày và các trường hợp nhập cảnh, cách ly khác theo quy định của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 và của Bộ Y tế.

7. Tuổi trẻ: Ngày 4/8, Trung Quốc thông báo cấm tàu bè tại một khu vực rộng hơn 100.000 km2 ở Bắc Biển Đông để phục vụ tập trận quân sự. Khu vực này bao gồm một nửa quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam?

Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đổi với quần đảo Hoàng Sa, chấm dứt và không tái diễn hoạt động vi phạm tương tự làm phức tạp thêm tình hình biển Đông.

8. Tuổi trẻ: Xin thông tin thêm về các ý tưởng, đóng góp của Việt Nam trong các hội nghị trực tuyến đang diễn ra giữa các nước ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối tác? Đã có đối tác nào cam kết hỗ trợ mới cho ASEAN và Việt Nam trong vấn đề vắcxin COVID-19 chưa?

Việt Nam tham dự Hội nghị sau khi hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 và đang là Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Các ý kiến và đề xuất của Việt Nam tại Hội nghị nhận được sự ủng hộ của các nước bởi sự phù hợp, chủ động và thiết thực.

Thứ nhất, về xây dựng Cộng đồng, Việt Nam nhấn mạnh đoàn kết và thống nhất là nền tảng cho sức mạnh của ASEAN, đề nghị ASEAN phát huy nội lực, có trách nhiệm với phát triển chung của khu vực. Trong triển khai các kết quả của năm ASEAN 2020, các nước nhất trí với ý kiến của Việt Nam về việc đẩy nhanh tiến độ đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 cũng như gắn hợp tác phát triển tiểu vùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Thứ hai, về ứng phó dịch bệnh COVID-19, Việt Nam đề nghị ASEAN tận dụng hiệu quả các cơ hội hợp tác với các đối tác, nhất là trong mua sắm và chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin; sớm hoàn tất Khung thỏa thuận Hành lang đi lại ASEAN trong năm để đảm bảo kết nối, thúc đẩy phục hồi của khu vực.

Thứ ba, về quan hệ đối ngoại, các nước chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc ASEAN cần tiếp tục phát huy vai trò của các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, đồng thời đề cao đoàn kết, phát huy nội lực và bảo đảm tiếng nói chung và cách tiếp cận cân bằng trong quan hệ với các đối tác, duy trì vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực. Các nước đánh giá Việt Nam đã hoàn thành tốt vai trò nước điều phối quan hệ ASEAN-Nhật Bản, góp phần khai thác tốt tiềm năng hợp tác, tận dụng cơ hội và vượt qua nhiều thách thức, nhất là phối hợp ứng phó với COVID-19, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác.

Các nước đã cam kết đóng góp cho Quỹ ASEAN về ứng phó COVID-19 với tổng số tiền khoảng 20.8 triệu đô-la, trong đó ASEAN đã thống nhất sẽ sử dụng hơn 10 triệu đô-la cho việc mua vaccine thông qua UNICEF. Ngoài ra, các nước đối tác cũng khẳng định sẽ tiếp tục tích cực ủng hộ các sáng kiến của ASEAN về phòng chống COVID-19, đồng thời đưa ra các cam kết, sáng kiến cụ thể để hỗ trợ ASEAN nâng cao năng lực y tế dự phòng, nghiên cứu, phát triển và tiếp cận vaccine COVID-19 an toàn, hiệu quả và đồng đều.

9. Sputnik: Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Hội thao Quân sự Quốc tế (ArmyGames 2021) do Bộ Quốc phòng Nga tổ chức đã mở rộng đáng kể quy mô về phạm vi tổ chức. ArmyGames năm nay sẽ được tổ chức tại 11 quốc gia, trong đó lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam. Xin Người phát ngôn cho biết những nội dung thi đấu nào sẽ được tổ chức trên lãnh thổ Việt Nam? Và Việt Nam đã chuẩn bị như thế nào cho sự kiện này?

Như các bạn đã biết, trong năm 2020, trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã cử 12 đội tuyển tham gia Hội thao tại 03 nước (Nga, Bê-la-rút, U-dơ-bê-ki-xtan), đảm bảo an toàn và đạt được thành tích khả quan, xếp thứ 4/32 nước tham gia Hội thao; trong đó, xuất sắc nhất là đội tuyển Xe tăng giành Huy chương Vàng tại Bảng 2.

Năm 2021, cùng với việc tiếp tục cử các đoàn tham gia Hội thao tại nước ngoài, lần đầu tiên Bộ Quốc phòng Việt Nam đăng cai tổ chức 02 môn thi đấu tại Việt Nam là “Xạ thủ bắn tỉa” dành cho các tuyển thủ cấp phân đội và “Vùng tai nạn” dành cho các lực lượng cứu hộ cứu nạn quân đội các nước. Dự kiến thời gian khai mạc ngày 23/8 và bế mạc vào ngày 02/9/2021.

Trong thời gian qua, Bộ Quốc phòng Việt Nam đã tích cực chuẩn bị về thao trường, bãi tập, trang thiết bị, vũ khí và các công tác bảo đảm khác, nhất là về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để bảo đảm cho Cuộc thi diễn ra an toàn và thành công tốt đẹp. Đến nay, đã có 16 đoàn vận động viên quân sự quốc tế đăng ký tham gia Cuộc thi tại Việt Nam.

Chúng tôi cho rằng đây là một hoạt động có ý nghĩa chính trị đối ngoại đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và Nga tăng cường, củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời, Đối tác Chiến lược toàn diện; đồng thời, là cơ hội để quảng bá hình ảnh về đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam tới các bạn bè quốc tế.

10. Reuters: Tại sao số liệu tử vong do COVID-19 ở Việt Nam đã ngừng được cập nhật hằng ngày?

Theo tôi được biết, các số liệu liên quan đến các ca bệnh, các trường hợp tử vong và các số liệu liên quan đến việc điều trị COVID-19 tại Việt Nam được Bộ Y tế tổng hợp dựa trên số liệu của các sở y tế địa phương cung cấp trên hệ thống.

11. Zing: Nhà Trắng công bố số liệu cho thấy Việt Nam cho thấy Việt Nam đứng trong top 7 nước nhận hỗ trợ vaccine nhiều nhất từ Mỹ. Quan điểm của Việt Nam về vấn đề này như thế nào?

Cho đến nay, Việt Nam đã nhận khoảng 18 triệu liều vaccine chống COVID-19 từ nhiều nước, đối tác và các tổ chức quốc tế.

Trong bối cảnh khan hiếm vaccine như hiện nay, cũng như nhu cầu về vaccine rất cao ở nhiều nước trong đó có Việt Nam, chúng tôi trân trọng mọi sự hỗ trợ, đóng góp dù là nhỏ nhất. Chúng tôi rất mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các nước, các đối tác và tổ chức quốc tế để tăng cường tiêm chủng trong nước, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

12. Zing: Thông tin về chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản?

Hiện chúng tôi chưa có thông tin như phóng viên hỏi.

13. Tiền Phong: Xin cho biết thêm thông tin về việc Ấn Độ thông báo sẽ đưa 4 tàu chiến đến Biển Đông tập trận đa phương và song phương, trong đó có với Việt Nam?

Chủ trương nhất quán của Việt Nam là hoạt động trên biển của các quốc gia trong và ngoài khu vực cần tuân thủ đúng các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đóng góp có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, trật tự, thượng tôn pháp luật, hợp tác trên biển vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer