Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 19 tháng 04 năm 2025 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 15 năm 2021


I. THÔNG BÁO

1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 (trực tuyến, từ ngày 23-25/8/2021)

Nhận lời mời của Ngài Pehin Dato Abdul Rahman Taib, Chủ tịch AIPA, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Vương quốc Brunei Darussalam, đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu tham dự Đại hội đồng AIPA lần thứ 42 (AIPA 42) theo hình thức trực tuyến, được tổ chức từ ngày 23 đến ngày 25/8/2021 với chủ đề “Phát triển quan hệ đối tác nghị viện trong lĩnh vực kỹ thuật số bao trùm hướng tới Cộng đồng ASEAN năm 2025”. Đây là hoạt động đối ngoại đa phương chính thức đầu tiên của Chủ tịch Quốc hội và Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam Khóa XV. Dự kiến, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ có bài phát biểu quan trọng tại phiên họp toàn thể Đại hội đồng AIPA 42, chuyển thông điệp về một nước Việt Nam không ngừng đổi mới, Quốc hội Việt Nam trách nhiệm, tích cực và chủ động trong hợp tác liên nghị viện đa phương khu vực. Các hoạt động tham dự trực tuyến của Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

Nhân dịp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có thông điệp chào mừng Đại hội Đồng AIPA 42.

2. Hội thảo Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam - Trung Đông

Ngày 26/8/2021, Bộ Ngoại giao sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội thảo trực tuyến với chủ đề “Tăng cường hợp tác đầu tư Việt Nam Trung Đông: Tiềm năng, Cơ hội và Cách tiếp cận mới”. Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc sẽ đồng chủ trì Hội thảo.

Dự kiến, Hội thảo có sự tham dự của trên 300 đại biểu là đại diện của một số Bộ, ngành, địa phương, Đại sứ quán, đại diện các Quỹ đầu tư, Tập đoàn/doanh nghiệp Việt Nam và các nước Trung Đông. Đây là dịp để các đại biểu cùng trao đổi và đề xuất các biện pháp, cách thức mới, các công cụ nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác đầu tư giữa Việt Nam và các nước Trung Đông.

3. “Đối thoại Biển” lần thứ 7 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Konras Adenauer Stiftung (KAS) tổ chức

Ngày 19/8/2021, Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao phối hợp với Đại sứ quán Anh và Quỹ Kondras Adenauer Stiftung (KAS), Đức tại Hà Nội tổ chức chuỗi Tọa đàm “Đối thoại Biển” lần thứ 7 với chủ đề “Đánh giá các vấn đề biển đang nổi lên từ góc độ luật pháp quốc tế”.

Với sự tham gia của nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, đại diện các cơ quan và viện nghiên cứu Việt Nam, đại diện các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam, Đối thoại là dịp để các bên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm và hợp tác nhằm (i) Tăng cường nhận thức chung về tự do và an toàn hàng hải; (ii) Xác định các tác động pháp lý của tình trạng nước biển dâng; (iii) Đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác quốc tế về các vấn đề trên.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Zing: Xin Phó phát ngôn bình luận về tình hình Afghanistan hiện nay?

Việt Nam quan tâm theo dõi tình hình Afghanistan và mong muốn Afghanistan sớm ổn định, vì lợi ích của người dân Afghanistan, vì hòa bình và ổn định ở khu vực.

Là Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan không sử dụng vũ lực, bảo đảm an ninh, trật tự, cơ sở hạ tầng thiết yếu, tính mạng và tài sản cho người dân Afghanistan và người nước ngoài, nhất là phụ nữ và trẻ em, cũng như bảo đảm tiếp cận nhân đạo khi cần thiết.

2. Zing: Xin Phó phát ngôn cung cấp thêm thông tin về chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Trong chuyến thăm, có phải bà Harris sẽ gặp gỡ Bộ trưởng Y tế các nước ASEAN và làm lễ thành lập Văn phòng CDC Hoa Kỳ khu vực Đông Nam Á tại Hà Nội hay không?

Như đã thông báo tại cuộc họp báo trước, hiện các cơ quan chức năng hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang tiếp tục trao đổi, phối hợp để thu xếp chương trình chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris.

3. Central News Agency: Tình hình ở Afghanistan hiện nay đang được cộng đồng quốc tế quan tâm. Xin hỏi Việt Nam liệu sẽ công nhận chính quyền Taliban hay không?

Việt Nam mong muốn tình hình tại Afghanistan sớm đi vào ổn định, vì lợi ích của người dân cũng như hoà bình và ổn định ở khu vực.

4. Central News Agency: Gần đây truyền thông quốc tế liên tục so sánh cảnh tượng Mỹ vội vã sơ tán người khỏi thủ đô Kabul với cảnh quân đội Mỹ rút khỏi Sài Gòn năm 1975 và mô tả nó như một sự tái hiện của lịch sử. Xin hỏi phía Việt Nam có bình luận gì về việc so sánh này?

Với Chiến thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975, quân đội và nhân dân Việt Nam đã hoàn thành thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ anh dũng, giải phóng hoàn toàn Miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam, kỷ nguyên độc lập, tự do, hòa bình, toàn dân tộc chung tay xây dựng và phát triển đất nước.

Thắng lợi của cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam đã đem lại lòng tin, sự phấn khởi, khâm phục, mến mộ của lực lượng tiến bộ, yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng đó là không thể lay chuyển.

5. Central News Agency: Liên quan đến chuyến thăm của Phó Tổng thống Kamala Harris, bà Harris sẽ gặp những lãnh đạo nào của Việt Nam và sẽ thảo luận những vấn đề gì? Báo chí có được tham dự đưa tin hay không?

Như tôi đã trả lời phóng viên Zing, chương trình chuyến thăm của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Harris đang được các cơ quan liên quan của Việt Nam và Hoa Kỳ tích cực thu xếp.

Thông tin cụ thể về tác nghiệp của báo chí trong chuyến thăm này sẽ được thông báo sau và triển khai căn cứ theo diễn biến tình hình dịch bệnh Covid-19.

6. Central News Agency: Bộ Y tế Việt Nam đầu tháng 8 cho biết, những người đã tiêm đủ liều vắc xin Covid khi nhập cảnh Việt Nam có thể chỉ phải cách ly 7 ngày. Vậy xin hỏi khi nào chính sách này bắt đầu áp dụng? Người Đài Loan khi nhập cảnh Việt Nam cũng thuộc diện áp dụng quy định này phải không? Việc xác nhận giấy chứng nhận tiêm vắc xin được thực hiện như thế nào? Hiện nay đã có các biện pháp cụ thể về việc này hay chưa?

Như các bạn đã biết, ngày 04/8/2021, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn về cách ly y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam đã tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19, trong đó quy định thực hiện cách ly y tế tập trung 07 ngày và tiếp tục theo dõi y tế trong 07 ngày tiếp theo đối với người nhập cảnh có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2, đã tiêm chủng đủ liều vaccine phòng Covid-19 hoặc đã từng bị nhiễm SARS-CoV-2 và có giấy xác nhận khỏi bệnh.

Hiện nay, Bộ Ngoại giao đang phối hợp với Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng tiêu chí và cơ chế công nhận và cho phép sử dụng trực tiếp ở Việt Nam đối với Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của nước ngoài nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người nhập cảnh, cách ly phù hợp với thực tế trong nước, các quy định của pháp luật Việt Nam và luật pháp quốc tế.

Mới đây, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện Hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời về việc kiểm tra và công nhận Giấy chứng nhận tiêm chủng và Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài trong đó công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 đã được giới thiệu chính thức qua đường ngoại giao của 44 quốc gia và vùng lãnh thổ. Danh sách các quốc gia và vùng lãnh thổ đã giới thiệu chính thức mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 được cập nhật thường xuyên tại Cổng thông tin điện tử về công tác lãnh sự của Bộ Ngoại giao (lanhsuvietnam.gov.vn).

Những người đến từ các nước và vùng lãnh thổ chưa giới thiệu chính thức mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng, Giấy xác nhận khỏi bệnh Covid-19 cho Việt Nam có thể liên hệ với các Cơ quan Đại diện Việt Nam ở sở tại để hợp pháp hóa hoặc xác nhận nội dung các giấy tờ nói trên.

7. Central News Agency: Kể từ ngày 23/7 đến nay đã có 4 thương nhân Đài Loan sống tại Việt Nam tử vong do mắc Covid-19. Theo chúng tôi tìm hiểu, trong số 70.000 người Đài Loan đang sống ở Việt Nam hiện mới có khoảng 10% đã tiêm vắc xin Covid. Xin hỏi về kế hoạch và sự sắp xếp cho người nước ngoài tiêm vắc xin của phía Việt Nam. Người Đài Loan muốn được tiêm vắc xin thì làm thế nào để đăng ký với chính phủ Việt Nam?

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, hỗ trợ để người nước ngoài đang sinh sống, học tập, làm việc tại Việt Nam được đảm bảo sinh hoạt bình thường, an toàn và được chăm sóc y tế, điều trị tích cực trong trường hợp mắc bệnh. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ coi việc tiêm vaccine cho người nước ngoài ở Việt Nam là một phần trong tiến trình đạt được miễn dịch cộng đồng.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế thực hiện nhất quán chủ trương tiêm vaccine không phân biệt quốc tịch, không phân biệt hình thức cư trú. Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện đang sinh sống ở Việt Nam nếu nằm trong nhóm đối tượng ưu tiên hoặc vùng ưu tiên, được quyền tiêm vaccine như công dân Việt Nam. Nếu không nhằm trong nhóm ưu tiên hoặc vùng ưu tiên, được quyền đăng ký và tiêm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương như công dân Việt Nam.

8. Tuổi Trẻ: Tuần qua Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đã gửi thư đề nghị Tổng thống Joe Biden tăng cường phân phối vaccine Covid-19 cho các nước đối tác, trong đó có Việt Nam. AAFA cũng cho biết đã gửi thư tới Thủ tướng Phạm Minh Chính để ủng hộ các nỗ lực chống dịch. Xin Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng về việc này?

Việt Nam hoan nghênh và trân trọng mọi sự giúp đỡ của các quốc gia và đối tác trong công cuộc phòng chống dịch bệnh Covid-19. Chúng tôi mong muốn rằng các nước, các tổ chức quốc tế sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, vaccine để sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh nguy hiểm này. Về phần mình, Việt Nam cũng đã và đang tích cực hợp tác, góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong phòng chống dịch đại dịch Covid-19.

9. Báo TG&VN: Phản ứng của Việt Nam trước báo cáo của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu về tình trạng biến đổi khí hậu năm 2021 công bố ngày 9/8/2021?

Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, gây tác động tiêu cực trên toàn thế giới. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường hợp tác để chung tay ứng phó với thách thức này.

Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chủ động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Báo cáo khoa học về tình trạng khí hậu năm 2021 của Uỷ ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu là cơ sở khoa học quan trọng để các quốc gia xây dựng và cập nhật chính sách, kịch bản liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cung cấp thông tin đầu vào để các nước tham khảo trong quá trình tiến hành các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu các nội dung trong Báo cáo này để xem xét cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và đưa vào Chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn tới.

10. Channel News Asia: Xin Phó phát ngôn chia sẻ quan điểm của mình về tầm quan trọng của chuyến thăm sắp tới của Phó Tổng thống Kamala Harris?

Các chuyến thăm của Lãnh đạo Cấp cao và hoạt động trao đổi đoàn các cấp giữa hai nước đều nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.

11. Phoenix TV: Liên quan đến việc hướng dẫn và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng/giấy khỏi bệnh Covid-19 của nước ngoài, Bộ Ngoại giao cũng đã kèm theo danh sách các quốc gia, chúng tôi xin được hỏi thêm là có phải chỉ cần đáp ứng các tiêu chí này thì bất kỳ người nước ngoài nào đến từ các quốc gia này, bao gồm cả khách du lịch, có thể nhập cảnh vào Việt Nam hay không?

Như tôi đã trình bày ở trên, các hướng dẫn về nhập cảnh và cách ly y tế đã được Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao làm rõ. Đối tượng điều chỉnh của những hướng dẫn này bao gồm công dân Việt Nam và nước ngoài thuộc đối tượng được nhập cảnh hiện nay. Và tôi được biết là khách du lịch hiện chưa thuộc đối tượng được nhập cảnh./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer

EMC Đã kết nối EMC