Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 19 năm 2021

(Ngày 21/10/2021)

I. THÔNG BÁO
1. Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 (theo hình thức trực tuyến từ ngày 26-28/10/2021)

Nhận lời mời của Quốc vương Bru-nây Đa-rút-xa-lam Hát-xa-na Bôn-ki-a (Hasanal Bolkiah), Chủ tịch ASEAN 2021, từ ngày 26 – 28/10/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39, các Hội nghị Cấp cao liên quan giữa ASEAN với các Đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Australia và Nga), Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 và Hội nghị Cấp cao Đông Á theo hình thức trực tuyến. Cũng trong dịp này sẽ diễn ra một số Hội nghị Cấp cao của các nước tiểu vùng ASEAN. Đây là chuỗi các sự kiện cấp cao và quan trọng nhất của ASEAN trong năm.

Tại các hội nghị cấp cao, Việt Nam sẽtiếp tục chủ trương tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm chung tay cùng các nước thúc đẩy tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN mở rộng và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN, đóng góp vào duy trì hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Việt Nam cũng sẽ phối hợp với Chủ tịch Bru-nây thúc đẩy các ưu tiên của Việt Nam trong năm ASEAN 2020 gắn với các ưu tiên của năm 2021, đặc biệt về ứng phó COVID-19 đánh giá triển khai Hiến chương ASEAN, xây dựng Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2025 và thúc đẩy vai trò của ASEAN trong hợp tác tiểu vùng.

2. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân thăm song phương Bun-ga-ri, Hy Lạp, tham dự Hội nghị thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu tại Bồ Đào Nha và tiến hành một số hoạt động song phương tại Bồ Đào Nha.

Nhận lời mời của Tổng thống Hy Lạp Katerina Sakellaropoulou, Phó Tổng thống Bun-ga-ri Ilina Lotova và Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu Irene Natividad, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ thăm Hy Lạp, Bun-ga-ri tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Toàn cầu tại Lisbon, Bồ Đào Nha và tiến hành một số hoạt động song phương tại Bồ Đào Nha từ ngày 25/10 đến ngày 02/11/2021.

Việc Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu tại Bồ Đào Nha năm 2021 và thăm các nước Bun-ga-ri, Hy Lạp, có một số hoạt song phương tại Bồ Đào Nha nhằm giới thiệu và khẳng định chủ trương, chính sách, luật pháp, nỗ lực và thành tựu nổi bật của Việt Nam trong bảo đảm bình đẳng giới, cũng như góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước.

Dự kiến, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc và đại diện cho Việt Nam nhận giải thưởng Quốc gia lãnh đạo tại lễ trao giải Lãnh đạo nữ trong khuôn khổ Hội nghị, gặp gỡ lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị và gặp Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad. Tại Bun-ga-ri, Hy Lạp và Bồ Đào Nha, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân sẽ có các cuộc hội đàm, hội kiến với Lãnh đạo cấp cao các nước, gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại sở tại và có một số hoạt động song phương quan trọng khác.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. TTXVN:T hông tin về các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài trong bối cảnh chuyển trạng thái hiện nay?

Với các biện pháp phòng chống dịch quyết liệt vừa qua, tình hình dịch bệnh ở Việt Nam đang dần được kiểm soát và từng bước chuyển sang trạng thái mới. Chính phủ đãban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” để đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể, phấn đấu đạt được ngay trong năm 2021; đưa chính sách chống dịch quy về một mối, thống nhất trong toàn quốc, phá vỡ tình trạng “đóng băng” trong hoạt động kinh tế-xã hội.

Chính phủ cũng đang tiến hành nhiều giải pháp quyết liệt để kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh; thành lập Tổ Công tác đặc biệt để xử lý vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp và ban hành nhiều nghị quyết, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Chính phủ Việt Nam cũng luôn lắng nghe, cùng chia sẻ và tạo mọi điều kiện, hỗ trợ tối đa doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, tháo gỡ các khó khăn, tạo lập môi trường bình thường mới nhằm khôi phục sớm nhất các hoạt động sản xuất kinh doanh, theo phương châm không làm gián đoạn chuỗi sản xuất cung ứng, bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt trên toàn quốc, các địa phương bãi bỏ và không ban hành các quy định không phù hợp.

Xin cung cấp thêm một số thông tin cho các bạn: Tính đến ngày 20/9/2021, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có hơn 1200 dự án đầu tư trực tiếp FDI, với tổng vốn đăng ký là 12,5 tỷ USD, tuy là giảm 37,8% về số dự án nhưng tăng 20,6% về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ năm ngoái. Kết quả này đã khẳng định sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư và gia tăng quy mô dự án đầu tư tại Việt Nam.

2. Sputnik: Xin cho biết thêm thông tin về chuyến thăm chính thức Liên bang Nga tới đây của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc theo lời mời của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong chuyến thăm này, những vấn đề nào sẽ được phía Việt Nam ưu tiên thảo luận?

Hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam sẽ được chúng tôi thông báo vào thời điểm thích hợp.

Hiện các cơ quan chức năng Việt Nam và Liên bang Nga đang tiếp tục trao đổi, phối hợp để thu xếp thời gian và chương trình của chuyến thăm.

3. Tuổi Trẻ: Bình luận về việc các Ngoại trưởng ASEAN tuần trước đã thống nhất không mời thống tướng Myanmar đến Hội nghị cấp cao ASEAN và xin Người Phát ngôn cho biết thêm những diễn biến mới sau động thái được xem là chưa có tiền lệ này?

Ngày 15/10/2021 vừa qua, tại Hội nghị Bộ trưởng ASEAN theo hình thức trực tuyến, Chủ tịch Brunei đã kết luận mời đại diện Myanmar tham dự các Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị Cấp cao liên quan ở cấp phù hợp.

Việt Nam mong muốn và ủng hộ các bên tiếp tục trao đổi, hợp tác nhằm tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38 và 39 và các Hội nghị liên quan, cũng như củng cố lòng tin, tiếp tục xây dựng Cộng đồng, vì hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

Hiện nay, các thành viên của ASEAN đang tích cực chuẩn bị cho các hội nghị cấp cao này.

4. TG&VN: Đề nghị cho biết vấn đề ứng phó Covid-19 có được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới?

Ứng phó Covid-19 là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới. Cụ thể, các nước sẽ triển khai sử dụng gói 10.5 triệu USD từ Quỹ ASEAN ứng phó COVID-19 để mua vaccine cho các nước thành viên, phấn đấu có lô vaccine đầu tiên trong Quý 4/2021 hoặc Quý 1/2022; đồng thời sẽ tiếp tục vận động đóng góp cho Quỹ và Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN. Với tinh thần tham gia đóng góp một cách chủ động, có trách nhiệm, dự kiến tại Hội nghị lần này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ công bố Danh mục vật tư y tế trị giá 5 triệu USD mà Việt Nam đóng góp cho Kho dự phòng vật tư y tế ASEAN.

Hướng đến các nỗ lực phục hồi, ASEAN sẽ tiếp tục thảo luận về các biện pháp triển khai hiệu quả Khung phục hồi tổng thể và Kế hoạch thực thi. Ngoài ra, các nhà Lãnh đạo dự kiến sẽ thông qua Khung thỏa thuận hành lang đi lại ASEAN, tiếp trục tao đổi về khả năng hình thành các thỏa thuận tạo thuận lợi cho di chuyển thiết yếu trong khu vực, khả năng công nhận lẫn nhau và áp dụng giấy chứng nhận tiêm vắc-xin điện tử.

5. DPA: Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật S.1657 trừng phạt các cá nhân, tổ chức Trung Quốc liên quan đến những hoạt động tranh chấp lãnh thổ do Trung Quốc gây ra ở Biển Đông và biển Hoa Đông. Xin Người Phát ngôn cho biết liệu Việt Nam có ủng hộ nỗ lực của Quốc Hội và Chính phủ Hoa Kỳ trong việc thông qua Dự luật này. Dự luật này sẽ tác động thế nào đến tình hình Biển Đông?

Lập trường nhất quán của Việt Nam là các quốc gia cần tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của các quốc gia ven biển.

6. Thanh Niên: Nhiều người Việt Nam và người nước ngoài  đã được tiêm đủ 2 mũi ở nước ngoài và có chứng nhận đầy đủ. Tuy nhiên, sau đến Việt Nam thì họ không được cấp thẻ xanh COVID tại Việt Nam vì  họ chưa được xác thực hồ sơ tiêm chủng tại VN. Điều này cản trở lớn đến việc đi lại và hoạt động của những người đến Việt Nam. Sắp tới Việt Nam sẽ có chính sách, biện pháp gì để tạo điều kiện thuận lợi và cấp thẻ xanh cho ng từ nước ngoài đã tiêm đủ 2 mũi đến Việt Nam?

Trên tinh thần triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 về “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, hiện Việt Nam đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 72 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được các quốc gia/vùng lãnh thổ giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao. Nếu bạn quan tâm chúng tôi sẽ gửi cho bạn danh sách 72 quốc gia, vùng lãnh thổ này.

Theo đó,người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 07 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã mắc Covid-19 nhưng đã khỏi bệnh. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao đang cùng lúc trao đổi với gần 80 đối tác về công nhận lẫn nhau giấy chứng nhận hay còn gọi là hộ chiếu vaccine.

Ngoài ra, theochỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho lao động, chuyên gia, nhà đầu tư và một số đối tượng đặc thù khác phục vụ mục tiêu phát triển, Bộ Ngoại giao đã tham khảo ý kiến của các bộ ngành, địa phương về những vướng mắc và kiến nghị cấp có thẩm quyền đẩy mạnh điều chỉnh các quy trình xét duyệt cho người ngoài nhập cảnh theo hướng bổ sung hộ chiếu/giấy chứng nhận vắc-xin vào thành phần hồ sơ vào quy trình cấp thị thực, giảm thời gian xử lý hồ sơ và tăng cường phân cấp hơn nữa cho các bộ ngành.

7. Thanh niên: Hiện tại nhiều nước trong khu vực đã cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 quốc tế cho những người có nhu cầu ? Sắp tới Việt Nam có kế hoạch công nhận và cấp giấy chứng nhận tiêm vaccine Covid-19 quốc tế cho những người đã được tiêm ở Việt Nam hay không ?

Như tôi đã nói ở trên, hiện nay Việt Nam cũng đang trao đổi với gần 80 đối tác về việc công nhận hộ chiếu vaccine của nhau. Trên thực tế giấy chứng nhận tiêm vaccine của Việt Nam đã được một số nước công nhận và cho nhập cảnh.

8. Thanh Niên: Phản ứng của Việt Nam trước việc mạng truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN) ngày 19/10 đưa tin lực lượng không hải quân nước này vừa tổ chức các đội máy bay tiêm kích – ném bom tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông?

Tôi xin khẳng định Việt Nam nhất quán chủ trương mong muốn Biển Đông là khu vực hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên cơ sở luật pháp quốc tế.

9. VnExpress: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc tàu ngầm hạt nhân Hoa Kỳ va chạm ở Biển Đông?

Chúng tôi đã được biết về thông tin này.Việt Nam cho rằng mọi hoạt động trên biển cần tuân thủ các quy định của Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 và các quy định, thông lệ liên quan khác, đóng góp một cách tích cực, thiết thực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn ở Biển Đông.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer