Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 21 năm 2021
I. THÔNG BÁO
1. Hội nghị Cấp cao đặc biệt ASEAN – Trung Quốc
Nhận lời mời của chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình,Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ cùng các nhà Lãnh đạo ASEAN và Trung Quốc tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 30 năm quan hệ ASEAN – Trung Quốc vào ngày 22/11/2021 theo hình thức trực tuyến.
Đây là dịp để các nhà lãnh đạo hai bên đánh giá hợp tác ASEAN – Trung Quốc trong30 năm qua và đề ra các định hướng quan trọng trong giai đoạn mới, nhất là trong bối cảnh ASEAN – Trung Quốc đã thống nhất thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện tại Hội nghị Cấp cao ASEAN – Trung Quốc lần thứ 24 vào tháng 10/2021.
2. Họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan lần thứ tư (ngày 19/11/2021, theo hình thức trực tuyến)
Thực hiện thoả thuận hợp tác giữa hai nước Việt Nam – Thái Lan, ngày 19/11/2021, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn sẽ cùng Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Thái Lan Don Pramudwinai (Đon Pa-ra-mắt-vi-nai) đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ tư Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương Việt Nam – Thái Lan theo hình thức trực tuyến.
Với thông điệp “Đối tác Chiến lược Tăng cường vì phục hồi và tăng trưởng tự cường và bền vững”, hai bên sẽ cùng rà soát, đánh giá kết quả hợp tác giữa hai nước thời gian qua cũng như đề ra những biện pháp cụ thể nhằm làm sâu sắc hơn nữa hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực, góp phần đưa quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa hai nước đi vào chiều sâu, hiệu quả.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Zing News: Theo cơ quan phòng vệ đảo Đài Loan, vừa qua một tàu ngầm của hòn đảo đã tham gia tập trận hải quân ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Xin Người phát ngôn bình luận về việc này?
Như đã nhiều lần khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.
Mọi hoạt động tuần tra và diễn tập quân sự của Đài Loan tại vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa là xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông.
Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan chấm dứt các hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn trong tương lai.
2. Zing News: Đầu tháng 11/2021, báo cáo của một nhóm chuyên gia Liên Hợp Quốc nêu hiện tượng một số phụ nữ và trẻ em gái Việt Nam bị chủ lao động đánh đập và lạm dụng sau khi được tuyển dụng sang Ả-rập Xê-út làm người giúp việc. Xin Người phát ngôn bình luận về việc này?
Trước tiên tôi xin khẳng định Việt Nam luôn ưu tiên thúc đẩy bình đẳng giới, thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước. Đồng thời, Việt Nam cũng thực hiện nhiều biện pháp nhằm bảo vệ lao động nữ, chống bạo hành và quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phòng ngừa lao động trẻ em thông qua việc ban hành hệ thống luật pháp và chính sách liên quan như Bộ Luật lao động năm 2012, Luật trẻ em năm 2016. Việt Nam cũng đã gia nhập 25 công ước của Tổ chức Lao động quốc tế, bao gồm 7/8 công ước cơ bản, trong đó có phòng chống phân biệt đối xử, lao động trẻ em và lao động cưỡng bức. Việt Nam cũng là nước đầu tiên ở châu Á và nước thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em.
Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao luôn quan tâm, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên trao đổi với các cơ quan chức năng sở tại, các công ty quản lý và sử dụng lao động, giữ liên lạc với cộng đồng người Việt Nam ở sở tại nhằm tạo thuận lợi cho công dân Việt Nam sinh sống, làm việc, lao động ở nước ngoài, đồng thời sẵn sàng thực hiện các biện pháp bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam trong đó đặc biệt là lao động nữ và trẻ em trong trường hợp cần thiết.
Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út nhận được một số phản ánh về tình hình người lao động Việt Nam tại đây. Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các vụ việc theo đúng quy định của pháp luật. Đại sứ quán và Ban quản lý lao động Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng phối hợp với công ty phái cử của các lao động tìm biện pháp giải quyết dứt điểm các tranh chấp với chủ sử dụng, bảo vệ an toàn và quyền lợi của công dân Việt Nam.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến rất phức tạp như vừa qua, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út cũng nỗ lựckhắc phục mọi khó khăn, phối hợp với các cơ quan chức năng, các hãng hàng không tổ chức nhiều chuyến bay, cho đến nay đưa khoảnggần 800 công dân về nước. Các cơ quan chức năng Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại tổ chức thêm các chuyến bay đưa công dân Việt Nam có nhu cầu, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân, cũng như phù hợp với tình hình dịch bệnh trên thế giới cũng như năng lực cách ly của Việt Nam.
3. Zing News: Xin cho biết thêm thông tin về kế hoạch nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ? Dự kiến khi nào kiều bào và người Việt đã tiêm đủ hai mũi vaccine có thể về nước với thời gian cách ly ngắn hơn 7 ngày?
Triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ ngày 11/10/2021 về việc “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”, các cơ quan chức năng đã tích cực triển khai nhiều biện pháp để tạo điều kiện khôi phục sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đời sống, sinh hoạt của nhân dân trở lại trạng thái bình thường mới.
Trên tinh thần đó, ngày 08/11 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo và trình Thủ tướng Chính phủ Kế hoạch nối lại các chuyến bay thường lệ quốc tế với các nước theo lộ trình từ nay đến Quý III/2022 nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hàng không, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, du lịch cho các địa phương và toàn quốc nói chung, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới.
Vừa qua, Chính phủ cũng đã đồng ý các kiến nghị của Bộ Ngoại giao về việc áp dụng “Hộ chiếu vaccine”, đồng ý về nguyên tắc mở rộng đối tượng được nhập cảnh Việt Nam có mang hộ chiếu vaccine, trong đó có người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân về nước để thăm thân, tham quan, du lịch như được quy định tại Nghị định 82 năm 2015 của Chính phủ về việc miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài và người nước ngoài là vợ, chồng, con của người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc của công dân Việt Nam. Hiện nay Bộ Ngoại giao cũng đang phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất Hướng dẫn cụ thể để áp dụng vào thời điểm phù hợp.
4.Central News Agency: Đảng Cộng sản Trung Quốc gần đây đã công bố nghị quyết lịch sử thứ ba, đưa vị thế của nhà lãnh đạo Tập Cận Bình lên một mức cao mới. Ông Tập Cận Bình cũng được cho là sẽ phá vỡ thông lệ trước đây của Đảng Cộng sản Trung Quốc để tiếp tục làm Tổng Bí thư lần thứ ba vào năm 2022. Xin hỏi quan điểm của phía Việt Nam về vấn đề này như thế nào, việc ông Tập tiếp tục tái cử có lợi cho ổn định khu vực không?
Những thành tựu mà Đảng Cộng sản Trung Quốc và nhân dân Trung Quốc giành được trong 100 năm qua là rất to lớn và ấn tượng. Hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhân dân Trung Quốc sẽ tiếp tục giành được những thắng lợi lớn hơn trên chặng đường phát triển, Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và trên thế giới.
5. AFP: Gần đây báo chí có đưa tin về việc một nhóm lao động của Việt Nam đang bị giam cầm tại một nhà máy thuộc sở hữu của Trung Quốc tại Serbia. Xin hỏi Người phát ngôn có thêm thông tin hay bình luận gì về việc này?
Chúng tôi cũng vừa liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani kiêm nhiệm Serbia. Đại sứ quán cho biết đã có thông tin từ một số báo chí của Serbia và hiện đang nỗ lực xác minh thông tin, trước hết là liên hệ với các công nhân tại Serbia, các công ty phái cử và các cơ quan liên quan tại sở tại.
Thông tin ban đầu của Đại sứ quán cho biết không có chuyện bị hành hung và đánh đập. Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán tiếp tục liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại tìm hiểu thông tin và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Serbia.
6. Phoenix TV: Có đánh giá cho rằng Hội nghịThượng đỉnh Trung - Mỹ trực tuyến ngày 16 có lợi cho việc giảm căng thẳng thương mại Trung - Mỹ. là đối tác của cả hai nước này, xin cho biết quan điểm của Việt Nam?
Việt Nam quan tâm theo dõi các diễn biến tình hình trongquan hệ quốc tế tại khu vực và trên thế giới. Việt Nam mong rằng Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ duy trì hợp tác và đối thoại, phát huy vai trò quan trọng, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và thịnh vượng của khu vực cũng như trên thế giới, duy trì hợp tác và tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.
7. VOV: Xin Bộ Ngoại giao cho biết phản ứng của Việt Nam về việc ngày 8/11, Bộ Ngoại giao Philippines lên tiếng chỉ trích tàu hải cảnh của Trung Quốc dùng vòi rồng ngăn chặn tàu của Philippines tiếp tế cho lực lượng đồn trú trái phép trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam?
Lập trường của Việt Nam về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, quần đảo Trường Sa và vấn đề Biển Đông nói chung là rõ ràng và nhất quán. Việt Nam đề nghị các bên tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS) trong mọi hoạt động ở trên Biển Đông, không có hành động làm phức tạp tình hình, góp phần duy trì hoà bình, an ninh, ổn định và trật tự pháp lý trên biển tại khu vực.
Back Top page Print Email |