Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 22 năm 2021

HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 22
(ngày 09/12/2021)

I. THÔNG BÁO

1. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Park Byeong Seug (Pắc Biêng Sấc), Chủ tịch Hạ viện Ấn Độ Om Birla (Ôm Biếc-La) và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ Venkaiah Naidu (Ven-Kai-a Nai-du), Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ sẽ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam thăm chính thức Hàn Quốc và Ấn Độ từ ngày 12 – 19/12/2021.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ Việt Nam - Ấn Độ cũng như quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, đặc biệt quan hệ giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Hàn Quốc và Nghị viện Ấn Độ tiếp tục được củng cố và có những bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc và kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ vào năm 2022.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ sẽ hội đàm với Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc, Chủ tịch Hạ viện và Chủ tịch Thượng viện Ấn Độ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao Hàn Quốc và Ấn Độ, trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội Hàn Quốc và Nghị viện Ấn Độ, thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc và quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Ấn Độ trên các lĩnh vực, nhất là hợp tác phục hồi kinh tế hậu Covid-19, tăng cường giao lưu địa phương, giao lưu nhân dân….

Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng sẽ các cuộc gặp đại diện lãnh đạo một số chính Đảng, cộng đồng người Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp ở sở tại và có một số hoạt động song phương quan trọng khác.

2. Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - G7 theo hình thức trực tuyến

Ngày 12/12/2021, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) dự kiến sẽ diễn ra tại thành phố Li-vơ-pun, Anh. Đây là hội nghị được tổ chức theo đề xuất của Vương Quốc Anh, Chủ tịch G7, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và G7. Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn sẽ tham dự Hội nghị và có phát biểu trực tuyến.

Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đối với những người đồng cấp G7, là sự kiện có nhiều ý nghĩa đối với cả hai bên. Dự kiến, hai bên sẽ trao đổi về các lĩnh vực hợp tác trong đó có kiểm soát ứng phó đại dịch Covid-19, phối hợp thúc đẩy phục hồi bền vững cũng như trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Zing News: Bộ Ngoại giao có ý kiến thế nào về đề xuất nới lỏng quy định cách ly, công nhận ‘hộ chiếu vắc xin’ để bay quốc tế của Bộ Giao thông Vận tải? Xin Người phát ngôn cập nhật thông tin về việc công nhận hộ chiếu vaccine với các nước?

Như các bạn đã biết và báo chí đã đưa tin, ngày 07/12/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam theo hai giai đoạn, dự kiến bắt đầu từ ngày 15/12 tới. Trước đó, ngày 30/11/2021, Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông Vận tải cùng với một số các cơ quan liên quan họp liên ngành cùng với các hãng hàng không để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc khi nối lại các chuyến bay quốc tế. Về cơ bản, Bộ Ngoại giao chia sẻ với Bộ Giao thông Vận tải tầm quan trọng của hoạt động bay thương mại thường lệ đối với kế hoạch phục hồi, phát triển kinh tế. Việc triển khai các chuyến bay phải được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo đúng đối tượng và đáp ứng các yêu cầu về y tế đối với người nhập cảnh Việt Nam.

Về tiến độ triển khai việc công nhận hộ chiếu vaccine, thời gian qua Bộ Ngoại giao đã rất tích cực trao đổi với khoảng 80 đối tác về việc công nhận lẫn nhau hộ chiếu vaccine. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng khẩn trương hoàn tất các giải pháp phần mềm để sớm ban hành mẫu hộ chiếu vaccine theo tiêu chuẩn quốc tế. Tính đến đầu tháng 12/2021 có một số các đối tác, trong đó có Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Australia, Belarus đã công nhận chứng nhận tiêm chủng của Việt Nam với một số tiêu chuẩn cụ thể về chủng loại vaccine. Ấn Độ, Canada cũng đã nhất trí về mặt nguyên tắc. Cùng với đó, một số đối tác khác trong đó có các nước ASEAN, Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Hàn Quốc… đều xem xét tích cực và chờ phía Việt Nam ban hành, giới thiệu mẫu hộ chiếu vaccine thống nhất cùng cơ chế xác thực điện tử.

Về phía Việt Nam, tính đến ngày 08/12/2021, chúng ta cũng đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vắc-xin của 78 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao. Việc công nhận này là cơ sở để người mang các giấy tờ này được sử dụng trực tiếp ở Việt Nam và được giảm thời gian cách ly tập trung xuống còn 07 ngày theo Hướng dẫn của Bộ Y tế về rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.

2. Zing News: Bộ Ngoại giao có tổng hợp số lượng nhu cầu người Việt muốn về nước trong giai đoạn Tết Nguyên Đán sắp tới hay không? Việc này sẽ được tiến hành khi nào?

Trong bối cảnh đại dịch diễn biến rất phức tạp, các cơ quan chức năng trong nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không trong và ngoài nước tổ chức hơn 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Theo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cho biết hiện nay nhu cầu của người Việt Nam về nước vẫn ở mức cao do Tết Nguyên đán tới gần cũng như nhiều trường hợp người lao động, người đi công tác, du học sinh Việt Nam đã hết hạn thị thực, mong muốn được về nước.

Như tôi vừa thông tin ở trên, trên cơ sở chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ về việc sớm nối lại hoạt động di chuyển của người dân qua biên giới, ngày 07/12 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam chia làm hai giai đoạn, dự kiến bắt đầu từ ngày 15/12. Việc này nếu được triển khai sẽ góp phần vào khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi và từng bước đáp ứng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không cho người dân, nhất là trong bối cảnh dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao vẫn tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan để tổ chức các chuyến bay đưa công dân về nước phù hợp với nguyện vọng của công dân, phù hợp với tình hình diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước.

3. Zing News: Với việc tỷ lệ tiêm vaccine ở Việt Nam đã ở mức tương đối cao so với thế giới, các nỗ lực ngoại giao vaccine sắp tới sẽ được tiếp tục thế nào?

Với nỗ lực vận động quyết liệt ngoại giao vaccine với sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, trong đó có cả Lãnh đạo Cấp cao, đến nay Việt Nam đã tiếp nhận khoảng 150 triệu liều đảm bảo nhu cầu tiêm chủng trong nước. Hiện nay, Việt Nam đang ở trong số các nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, giảm đáng kể tác động tiêu cực của dịch bệnh, qua đó tạo cơ sở vững chắc để Việt Nam chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới với nhiều biến chủng mới, công tác ngoại giao vaccine sẽ vẫn tiếp tục được triển khai trong thời gian tới nhằm đảm bảo nguồn cung cho phục vụ tiêm chủng trong năm 2022; cũng như để phục vụ tiếp cận các nguồn vaccine tiềm năng dành cho trẻ em, hỗ trợ sản xuất vaccine trong nước, bảo đảm nguồn mua và hỗ trợ sản xuất, điều chế thuốc điều trị phòng Covid-19 trong nước và tiếp tục huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ các trang thiết bị y tế, thu hút đầu tư vào lĩnh vực y tế công cộng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng y tế của Việt Nam.

4. Tân Hoa Xã: Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang cân nhắc vấn đề nhân quyền và có thể tiến hành tẩy chay ngoại giao đối với Thế vận hội Olympic mùa đông Bắc Kinh. Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc các nước liên quan chính trị hóa thể thao?

Thế vận hội Olympic là sự kiện thể thao quốc tế với mục đích giao lưu và tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị và sự hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới. Với tinh thần đó, Việt Nam mong muốn tất cả các nước cùng nhau đóng góp vào thành công của sự kiện này.

5. Soha: Vừa qua có thông tin Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden muốn có cuộc họp thượng đỉnh với các lãnh đạo ASEAN. Xin hỏi Việt Nam đã nhận được lời mời chưa và quan điểm của Việt Nam thế nào?

Chúng tôi đã nhận được thông tin về mong muốn của Hoa Kỳ tổ chức gặp gỡ cấp cao với lãnh đạo ASEAN và đang tích cực trao đổi trong ASEAN về đề xuất này.

Cần phải khẳng định, quan hệ đối ngoại có ý nghĩa rất quan trọng với ASEAN và tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN. ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng luôn sẵn sàng tăng cường đối thoại, hợp tác với các đối tác, trong đó có Hoa Kỳ trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau và cùng phấn đấu vì hoà bình, ổn định và phồn vinh chung trong khu vực cũng như trên toàn thế giới.

6. Soha: Thủ tướng Hun Sen cho biết muốn Thống tướng Myanmar tham dự các cuộc họp của ASEAN trong bối cảnh nước này làm chủ nhà luân phiên ASEAN vào năm tới. Xin hỏi hiện ASEAN đã thống nhất về việc này chưa?

Việt Nam ủng hộ Campuchia đảm nhiệm tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2022. Các công việc của ASEAN vẫn luôn được các nước thành viên trao đổi, thống nhất theo quy trình, thủ tục và quy định của Hiến chương ASEAN. Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi Myanmar là một thành viên quan trọng của gia đình ASEAN, mong muốn Myanmar tiếp tục đóng góp tích cực vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, cũng như hoà bình, an ninh và ổn định ở khu vực.

7. Báo Giao thông: Xin Bộ Ngoại giao cho biết tình hình các thuyền viên trong vụ 18 thuyền viên Việt Nam gặp nạn ở vùng biển ráp gianh Nhật Bản, Hàn Quốc  và Triều Tiên, công tác hồi hương cho 17 người được cứu nạn và tình hình của thuyền viên mất tích ra sao?

Như chúng tôi đã thông tin, theo các cơ quan chức năng, vào chiều ngày 01/12/2021 (giờ địa phương), khi đang di chuyển trên vùng biển giáp ranh Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên, tàu Houei Crystal (quốc tịch Nhật Bản, treo cờ Panama) trên đó có 18 thuyền viên là người Việt Nam đã gặp sự cố và do sóng lớn khiến nước tràn vào tàu, tàu đã bị mất liên lạc ngay sau đó.

Ngay khi nhận được thông tin, các Cơ quan Đại diện Việt Nam tại Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đã chủ động, khẩn trương liên hệ với các cơ quan chức năng ở sở tại xác minh thông tin và đề nghị triển khai khẩn cấp các công tác tìm kiếm cứu nạn cần thiết, đảm bảo tối đa an toàn tính mạng cho các thuyền viên Việt Nam. Các cơ quan chức năng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Triều Tiên đều cho biết đã triển khai ngay tàu cứu hộ tới hiện trường và đến rạng sáng ngày 02/12/2021, tàu cứu hộ của Hàn Quốc đã cứu được 17 thuyền viên, đưa về nhập cảnh an toàn tại cảng Muk-ho, thành phố Donghae, tỉnh Kangwon, Hàn Quốc. Việc tìm kiếm 01 thuyền viên còn lại đã được lực lượng bảo vệ bờ biển triển khai tích cực đến chiều tối ngày 04/12/2021 nhưng không có kết quả.

Bộ Ngoại giao cũng đã liên hệ với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Giao thông Vận tải, đề nghị chỉ đạo công ty phái cử liên hệ với thân nhân các thuyền viên thông báo tình hình, động viên, thăm hỏi các gia đình thuyền viên và hướng dẫn các thủ tục cần thiết; đồng thời các công ty phái cử cũng phải thực hiện theo đúng chức năng nhiệm vụ, đảm bảo công tác hỗ trợ cho các thuyền viên, các quyền và nghĩa vụ hợp pháp của công dân Việt Nam. Hiện chúng tôi được biết là công ty chủ tàu và bảo hiểm đã liên lạc với các thuyền viên để xác nhận tình trạng và tiến hành công tác bảo hiểm, bồi thường theo quy định. Việc hồi hương sẽ được triển khai theo nguyện vọng của các thuyền viên.

8. AP: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam với thông tin từ Insikt Group, một đơn vị nghiên cứu của Recorded Future, Mỹ có thông tin cho rằng: Trong thời gian qua, một số hackers được cho là có sự hậu thuẫn của Chính phủ Trung Quốc, đã tấn công nhằm chiếm đoạt dữ liệu của nhiều đơn vị cấp cao trong quân đội và chính phủ của một số nước Đông Nam Á, trong đó có Văn phòng trung ương Đảng Cộng sản và Quốc hội Việt Nam?

Trong tình hình hiện nay, việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin rất quan trọng và cần thiết đối với tất cả các quốc gia. Nhận thức rõ được vấn đề này, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm và đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, có các biện pháp cụ thể nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần bảo vệ chủ quyền Quốc gia trên không gian mạng, đồng thời thành lập và phát triển các cơ quan chuyên trách đủ năng lực, sẵn sàng, chủ động ứng phó cao nhất với mọi nguy cơ xảy ra trên không gian mạng, ngăn chặn và xử lý đối với các hành vi tấn công, đe dọa an ninh mạng.

Việt Nam phản đối các hành vi tấn công mạng dưới mọi hình thức và sẵn sàng hợp tác với cộng đồng quốc tế trong vấn đề này.

9. Báo Thanh Niên: Gần đây phe đối lập tại Myanmar có các hành động phá hoại các cột sóng viễn thông trong đó có cột sóng của một doanh nghiệp viễn thông Việt Nam. Xin NPN cho biết Việt Nam có các biện pháp nào để bảo vệ doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Myanmar cũng như người lao động Việt Nam đang làm việc tại các doanh nghiệp này?

Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao cũng như Đại sứ quán Việt Nam tại Myanmar luôn theo dõi sát diễn biến tình hình sở tại cũng như tình hình công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại đây; đồng thời cũng đã triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân và lãnh sự cần thiết để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar.

Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán tại Myanmar cũng đã nhiều lần đề nghị các cơ quan chức năng của Myanmar quan tâm, tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của công dân Việt Nam, doanh nghiệp và những người lao động thuộc các doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar, đặc biệt là bảo vệ các quyền lợi chính đáng và hợp pháp của doanh nghiệp Việt Nam phù hợp với thoả thuận của hai bên cũng như luật pháp và thông lệ quốc tế.

10. Phoenix TV: Việt Nam không có trong danh sách khách mời dự Thượng đỉnh về Dân chủ của Chính quyền Tổng thống Biden. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam? Điều này có ảnh hưởng tới quan hệ song phương Việt Mỹ không?

Việt Nam chủ trương xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, gắn với quyền dân chủ của nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, được Hiến pháp và pháp luật bảo đảm dưới sự lãnh đạo của Đảng; là hình thức thể hiện quyền tự do, bình đẳng của công dân, xác định nhân dân là chủ thể của quyền lực. Trong những năm qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền con người, tham gia các điều ước quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm công bằng xã hội, không ngừng nâng cao đời sống của người dân. Nỗ lực của Việt Nam đã mang lại những thành tựu quan trọng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Gần đây nhất, trong khuôn khổ Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ III, các nước đã quan tâm tham gia đông đảo tại các Phiên họp liên quan đến Việt Nam. Đại đa số ý kiến của các nước đã đánh giá cao nỗ lực và thành tựu, ủng hộ cách tiếp cận của Việt Nam và đưa ra nhiều khuyến nghị rất xây dựng.

Quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ đã có những bước phát triển tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực trong thời gian vừa qua. Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi với Hoa Kỳ về các vấn đề hai bên cùng quan tâm, nhằm tăng cường hiểu biết, củng cố hợp tác trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện giữa hai nước.

11. CNA: Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam mới đây đã đề xuất Chính phủ khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ từ ngày 15/12/2021, trong đó bao gồm đường bay Việt Nam – Đài Loan. Xin Người Phát ngôn cho biết đối tượng hành khách của các chuyến bay trong đề xuất này có bao gồm khách du lịch hay không, hay vẫn chỉ giới hạn cho nhà đầu tư và chuyên gia và đề xuất này có đồng nghĩa với việc hành khách sẽ có thể nhập cảnh Việt Nam mà không cần trải qua thủ tục phê chuẩn xét duyệt hay không?

Như các bạn đã biết và như tôi đã thông tin ở phần trên, Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ chở khách quốc tế vào Việt Nam theo hai giai đoạn. Theo kế hoạch này sẽ chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn 1 dự kiến bắt đầu thực hiện từ 15/12, tổ chức chuyến bay thường lệ giữa Việt Nam và các thị trường có hệ số an toàn cao, gồm: Bắc Kinh (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Viêng Chăn (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco hoặc Los Angeles (Mỹ); giai đoạn 2 dự kiến bắt đầu thực hiện từ tháng 1/2022, ngoài các thị trường đã thực hiện ở giai đoạn 1 Bộ Giao thông Vận tải đề xuất mở thêm các đường bay đi, đến Kuala Lumpur (Malaysia), Hong Kong (Trung Quốc), Paris (Pháp), Frankfurt (Đức), Sydney (Australia), Moscow (Nga).

Các đối tượng hiện nay được nhập cảnh Việt Nam phải là công dân Việt Nam; người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, công vụ, chuyên gia, nhà đầu tư, lao động tay nghề cao và thân nhân, học sinh và sinh viên nước ngoài học tập tại Việt Nam; các trường hợp tới Việt Nam để tìm hiểu thị trường, tham dự hội nghị, hội thảo, thăm thân và người Việt Nam ở nước ngoài cùng thân nhân, khách du lịch quốc tế tham gia các chương trình thí điểm du lịch tại Việt Nam phải có giấy chứng nhận tiêm chủng Covid-19 hoặc giấy chứng nhận đã khỏi bệnh Covid-19. Những người nhập cảnh sẽ phải tuân thủ các điều kiện về y tế, cách ly trong thời gian lưu trú tại Việt Nam./.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn