Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 01 năm 2022
I. THÔNG BÁO
1. Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Hungary thăm làm việc tại Việt Nam
Ngày 18 đến 22/01/2022, Đoàn đại biểu Quốc hội Hungary do Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Marta Matrai (Ma-ta Ma-tơ-rai) dẫn đầu đã đến thăm làm việc tại Việt Nam. Chuyến thăm nhằm cụ thể hóa những kết quả cuộc hội đàm trực tuyến giữa Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ và Chủ tịch Quốc hội Hungary Kover Laszlo (Cô-ve Lát-xơ-lô), hướng tới kỷ niệm 72 năm quan hệ ngoại giao (3/2/1950 – 3/2/2022), đồng thời góp phần làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước, cũng như củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai Quốc hội.
Với tinh thần đó, đoàn Phó Chủ tịch thứ nhất Quốc hội Hungary Marta Matrai đã tới chào xã giao Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; hội đàm với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và có một số hoạt động quan trọng khác.
2. Bộ Trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Campuchia (từ 19-20/1/2022)
Nhận lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 19-20/01/2022. Đây là chuyến thăm nằm trong khuôn khổ “Năm Hữu nghị” kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia (24/6/1967 - 2022).
Trong khuôn khổ chuyến thăm, sáng nay (20/01), Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã chào xã giao Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen (Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen) và hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn (Pờ-rạ Xộ-khon). Tại các cuộc trao đổi, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã tập trung trao đổi về quan hệ song phương và các biện pháp thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, giữa hai Bộ Ngoại giao, nhất là việc phối hợp triển khai hiệu quả các thoả thuận cấp cao, kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Campuchia tháng 12/2021 vừa qua, cũng như thảo luận về một số vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm và hợp tác giữa hai nước tại các diễn đàn đa phương.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn một lần nữa khẳng định Việt Nam ủng hộ và tin tưởng Campuchia sẽ đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2022, ủng hộ nỗ lực của Campuchia trong việc thúc đẩy thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN về Myanmar.
Trong chiều nay, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ có các cuộc chào xã giao Chủ tịch Thượng viện Campuchia Samdech Say Chhum và Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrim.
3. Tham vấn chính trị Ngoại giao Việt Nam – Uzbekistan (21/1/2022)
Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam – Uzbekistan lần thứ 5 sẽ được tổ chức theo hình thức trực tuyến vào ngày 21/01/2022 dưới sự đồng chủ trì của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Tô Anh Dũng và Thứ trưởng Ngoại giao Uzbekistan Furcat Sidikov.
Trong khuôn khổ cuộc họp, hai bên dự kiến sẽ cùng nhau rà soát tình hình hợp tác giữa hai nước trong thời gian qua trên các lĩnh vực, cũng như trao đổi về một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm; định hướng hợp tác trong thời gian tới.
4. Chương trình Xuân Quê hương 2022
Nhân dịp Tết cổ truyền của dân tộc, Uỷ ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức chương trình “Xuân Quê hương 2022” dành cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chương trình “Xuân Quê hương” năm 2022 bao gồm nhiều hoạt động truyền thống cũng như hoạt động tri ân: viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam. Đặc biệt, chương trình giao lưu nghệ thuật “Xuân Quê hương” sẽ được tổ chức vào tối ngày 22/1/2022 tại Nhà hát Lớn Hà Nội và được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1, VTV4 Đài Truyền hình Việt Nam. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có chúc Tết cộng đồng và đồng bào Việt Nam ở nước ngoài trong chương trình.
Các bạn phóng viên đưa tin về sự kiện này có thể đăng ký với Uỷ ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Tân Hoa Xã: Cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp khóa 7 của Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) vừa được tổ chức thành công. Đây là một thực tiễn thành công trong việc thực hiện chế độ bầu cử mới, đánh dấu bước quan trọng trong việc phát triển chế độ dân chủ phù hợp với thực tế Hồng Kông và mang đặc sắc Hồng Kông. Xin hỏi, Việt Nam có bình luận gì về việc này?
Lập trường của Việt Nam về Hồng Công đã được nêu rõ nhiều lần. Theo đó, Việt Nam tôn trọng và ủng hộ chính sách “một quốc gia, hai chế độ” của Trung Quốc, luật cơ bản của Hồng Công và các quy chế liên quan của Hồng Công. Việt Nam luôn mong muốn Hồng Công ổn định và phát triển thịnh vượng.
Với tinh thần đó, chúng tôi hy vọng kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp khoá 7 của Đặc khu hành chính Hồng Công sẽ góp phần duy trì ổn định về trật tự xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Đặc khu.
2. Central News Agency: Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh sắp diễn ra, hiện nay nhiều nước bày tỏ thái độ tẩy chay ngoại giao hoặc không cử quan chức cấp cao tham dự. Xin hỏi Việt Nam có lập trường như thế nào? Liệu Việt Nam có cử quan chức sang Bắc Kinh tham dự sự kiện này hay không?
Về Thế vận hội mùa đông Bắc Kinh tôi đã có lần phát biểu, một lần nữa xin nhắc lại Việt Nam mong muốn các nước cùng nhau đóng góp vào thành công của Thế vận hội Olympic cũng như các sự kiện thể thao quốc tế khác với mục đích giao lưu và tăng cường tinh thần đoàn kết, tình hữu nghị và sự hiểu biết giữa các dân tộc trên thế giới.
3. Central News Agency: Đài Loan đã dừng tiếp nhận lao động nước ngoài từ tháng 05/2021, đến nay chỉ cho phép tiếp nhận lao động Indonesia và Thái Lan. Xin hỏi Việt Nam có đàm phán với Đài Loan về việc sớm mở cửa trở lại cho lao động Việt Nam hay không?
Thị trường lao động Đài Loan có thể nói là thị thường quan trọng hàng đầu của lao động Việt Nam. Hai bên đang duy trì trao đổi để sớm đưa lao động Việt Nam trở lại thị trường này. Chúng tôi cũng mong muốn phía Đài Loan (Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để sớm tiếp nhận lao động Việt Nam.
4. Central News Agency: sau khi Việt Nam nối lại các chuyến bay quốc tế thường lệ với Đài Loan từ ngày 01/01 năm nay, cho đến nay đã có bao nhiêu lao động và công dân Việt Nam mắc kẹt tại Đài Loan được đưa về Việt Nam, còn lại bao nhiêu người vẫn đang có nhu cầu trở về nước?
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 01/01 – 19/1/2022, đã tổ chức tổng cộng 17 chuyến bay, đưa 1700 công dân Việt Nam tại Đài Loan về nước.
Hiện nay Cục Hàng không Việt Nam đang trao đổi với các đối tác để mở các đường bay tiếp theo đến Úc, châu Âu để công dân Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở nước ngoài có thể chủ động và thuận lợi hơn trong việc lên kế hoạch về nước.
5. Dân trí: Ngày 5/11, chuyến bay VN5311 của Vietnam Airlines bị đe doạ an ninh khi chuẩn bị bay qua Vịnh Tokyo – Nhật Bản. Đây có phải một vụ khủng bố hay không? Đến nay đã xác định được nghi phạm đe doạ an ninh hay chưa? Bộ ngoại giao đã làm việc với phía Nhật Bản về việc điều tra làm rõ như thế nào? Đề nghị cung cấp thông tin thêm về sự việc.
Thông tin về vụ việc bạn hỏi đã được Cục hàng không đăng công khai trên trang web của Cục Hàng không và được báo chí đưa lại. Tôi chỉ xin cung cấp thêm một số thông tin như sau.
Về phía Bộ Ngoại giao, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ việc, Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản dã phối hợp và hỗ trợ Văn phòng đại diện Vietnam Airlines tại Nhật Bản, liên hệ với các cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin, nắm bắt tình hình, đã gửi công hàm tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản đề nghị khẩn trương kiểm tra an ninh khi máy bay hạ cánh tại Fukuoka nhằm đảm bảo an toàn cho các hành khách, khẩn trương điều tra sự việc, xác minh danh tính đối tượng đã đe doạ an toàn chuyến bay. Với sự hỗ trợ hợp tác của các cơ quan chức năng sở tại, sau khi kiểm tra, chuyến bay đã tiếp tục được tiến hành và hạ cánh an toàn tại Việt Nam.
Hiện nay vụ việc vẫn đang trong quá trình điều tra. Các cơ quan chức năng liên quan của Việt Nam cũng đang phối hợp với Nhật Bản trong quá trình điều tra để có thể làm rõ nguyên nhân và nhanh chóng xác định danh tính của đối tượng.
6. Dân trí: Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài phản ánh tới Dân trí về nguyện vọng hồi hương sau 2 năm dịch bệnh, nhất là trong thời điểm Tết Nguyên đán đang tới gần, nhưng việc nhập cảnh rất khó khăn. Thân nhân là vợ, chồng được miễn thị thực nhưng bị từ chối nhập cảnh. Xin người phát ngôn cho biết điều kiện chính thức để nhập cảnh trong bối cảnh hiện nay và đối tượng hành khách nào được đi các chuyến bay thường lệ về nước?
Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, với phương châm “lấy người dân làm trung tâm”, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các hãng hàng không của Việt Nam và nước ngoài, trong gần 2 năm qua đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và có nhu cầu về nước từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Nhằm góp phần khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hội nhập quốc tế trong trạng thái bình thường mới, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương giữa Việt Nam với các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng như đáp ứng nhu cầu về quê đón tết của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài, căn cứ vào tình hình diễn biến dịch bệnh và năng lực cách ly trong nước, Bộ Ngoại giao sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, các hãng hàng không tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài về nước, phù hợp với nguyện vọng của công dân. Như các bạn đã biết từ ngày 01/01/2022, Việt Nam cũng đã nối lại các chuyến bay thương mại quốc tế thường lệ tới 08 quốc gia và vùng lãnh thổ. Như tôi nói ở trên, hiện Cục Hàng không Việt Nam đang trao đổi với các đối tác để mở các đường bay tiếp theo đến Úc, châu Âu để hỗ trợ người Việt Nam định cư ở nước ngoài có thể chủ động lên kế hoạch về nước.
Mới đây nhất, ngày 18/01, trên cơ sở ý kiến của Bộ Ngoại giao và Bộ Công an, Chính phủ đã đồng ý với việc người Việt Nam định cư ở nước ngoài và thân nhân chỉ cần có giấy miễn thị thực còn giá trị (kể cả được cấp từ trước khi xảy ra đại dịch) là được giải quyết nhập cảnh, không phải làm lại thủ tục kiểm tra nhân sự, cấp thị thực/giấy miễn thị thực, không cần xin phê duyệt chủ trương nhập cảnh của bộ ngành địa phương. Tôi cho rằng đây là một chủ trương rất là đúng đắn để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho kiều bào về nước.
Trước và sau khi nhập cảnh, người nhập cảnh phải tuân thủ các hướng dẫn của Bộ Y tế đối với người nhập cảnh, trong đó có các yêu cầu về tiêm chủng, xét nghiệm, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe.
7. Zing News: Đề nghị cho biết Bộ Ngoại giao sẽ làm việc với phía Trung Quốc như thế nào để giải quyết vấn đề ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc?
Vừa qua, các cơ quan và địa phương liên quan của hai nước Việt Nam - Trung Quốc đã duy trì trao đổi chặt chẽ để giải quyết tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến rất phức tạp. Trên cơ sở tích cực triển khai các nội dung tại cuộc điện đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường ngày 13/01/2022, tình hình thông quan tại các cửa khẩu đã được cải thiện, tình trạng ùn ứ đã giảm; hai bên đã thành lập Nhóm công tác để tiếp tục trao đổi, áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu suất thông quan, lưu thông hàng hóa ở cửa khẩu biên giới, duy trì thương mại thông suốt giữa hai nước, đảm bảo kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, khoa học, an toàn.
8. Zing News: Vừa qua có thông tin cho rằng Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN dự kiến tổ chức ngày 19/1 bị hoãn vì những bất đồng về vấn dề Myanamar. Xin Người phát ngôn chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc này?
Liên quan tới Hội nghị hẹp Bộ trưởng ngoại giao ASEAN, Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN 2022, đã thông báo tạm hoãn tổ chức sự kiện này trước đó dự kiến diễn ra từ ngày 18-19/1/2022 tại Xiêm Riệp do biến chủng của Covid-19 là Omicron diễn biến rất phức tạp và một số Bộ trưởng Ngoại giao không thể tham dự được. Hiện nay Campuchia đang tích cực phối hợp với các nước thành viên về thời điểm và cách thức tổ chức hoạt động này trong thời gian tới.
Về phần mình, Việt Nam sẽ hợp tác chặt chẽ với nước Chủ tịch và các nước khác thúc đẩy sớm tổ chức Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, đây là hội nghị như thường lệ đề ra các trọng tâm, ưu tiên cho hợp tác ASEAN 2022, cũng như triển khai các công việc khác của ASEAN.
Cũng cần phải khẳng định lại rằng, là thành viên có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết, hợp tác ASEAN; sẽ phối hợp chặt chẽ với Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN 2022 và các nước ASEAN khác đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN, vì lợi ích của người dân và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
9. Zing News: Hội nghị Bộ trưởng Du lịch ASEAN đã nhất trí mở cửa du lịch và áp dụng hệ thống công nhận vaccine ngừa Covid-19 được phê chuẩn hoá giữa các nước ASEAN. Xin Người phát ngôn thông tin thêm về việc này?
Về vấn đề mở cửa lại du lịch cũng như sử dụng hộ chiếu vaccine, đây cũng là một trong những ưu tiên trong hợp tác của ASEAN trong thời gian tới. Trong khi Việt Nam tạm thời chấp nhận hộ chiếu hay là giấy chứng nhận vaccine của một số nước, Việt Nam cũng đang đàm phán với các đối tác để công nhận hộ chiếu vaccine của nhau, nhất là theo hình thức điện tử. Và những vị khách quốc tế đầu tiên đã đến Việt Nam theo hình thức này.
10. VnExpress: Xin Người phát ngôn cập nhật danh sách công nhận lẫn nhau về hộ chiếu vaccine giữa Việt Nam và các nước.
Ngày 23/12/2021, sau khi Bộ Y tế ban hành mẫu hộ chiếu vaccine của Việt Nam, Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) đã giới thiệu mẫu giấy tờ này tới các cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam để xem xét công nhận; cùng với đó, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cũng đang tích cực vận động các nước sở tại sở tại, thúc đẩy việc chính thức công nhận Hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Đến nay, hộ chiếu vaccine của Việt Nam đã được 10 đối tác công nhận (bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine và Maldives).
Về phía Việt Nam, đến nay, đang tạm thời công nhận mẫu Giấy chứng nhận tiêm vắc-xin của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ đã được giới thiệu chính thức đến Bộ Ngoại giao. Việc công nhận này là cơ sở để những người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam từ 79 nơi nói trên có thể giảm bớt thời gian cách ly tập trung xuống còn 03 ngày và rút ngắn thời gian cách ly cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19.
11. VnExpress: Vừa qua, Chính phủ đã có văn bản yêu cầu tạo thuận lợi cho người nhập cảnh. Xin Người phát ngôn cho biết chỉ đạo này đã có hiệu lực chưa? Người nước ngoài kết hôn với người Việt và người nước ngoài có hợp đồng lao động tại VN cần những điều kiện gì?
Ngày 18/01/2022, Chính phủ đã chấp thuận kiến nghị của Bộ Ngoại giao, Bộ Công an về việc tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài và thân nhân nhập cảnh.
Theo đó, (i) đối với người đã có giấy tờ còn giá trị nhập cảnh Việt Nam (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực) thì được nhập cảnh theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. (ii) đối với người có nhu cầu nhập cảnh Việt Nam để tìm hiểu thị trường, làm việc, đầu tư, lao động, dự hội nghị, hội thảo, học tập, thăm thân nhưng chưa có một trong các giấy tờ nêu trên thì cần xin phê duyệt chủ trương của UBND cấp tỉnh hoặc của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương trước khi làm thủ tục bảo lãnh cấp thị thực nhập cảnh theo quy định tại Điều 16 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
12. Dân Việt: Gần đây người Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên phản ánh rằng các chuyến bay về nước có chi phí rất cao và thủ tục giấy tờ lằng nhằng. Trên báo chí cũng có thông tin Chính phủ đang tiến hành điều tra, thanh tra có sự trục lợi hay không trên các chuyến bay giải cứu. Xin Người Phát ngôn thông tin về vấn đề này.
Có thể khẳng định là chủ trương đưa công dân VN ở NN có nhu cầu, có hoàn cẩnh khó khăn về nước là một chủ trương đúng đắn, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam.
Trong suốt 2 năm qua, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và Bộ Ngoại giao đã chủ động phối hợp và hỗ trợ cho các hãng hàng không trong nước và nước ngoài, thực hiện 800 chuyến bay đưa gần 200.000 công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn. Điều này cũng cần đặt trong bối cảnh trong nước, giữa thời điểm hết sức khó khăn do diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Trong suốt quá trình triển khai, Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong nước nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho công dân có nguyện vọng về nước, đăng tải công khai, minh bạch về điều kiện, hồ sơ cũng như thủ tục đăng ký trên các website chính thức, thậm chí là trên các trang mạng xã hội.
Để tránh tình trạng công dân bị lừa đảo, lợi dụng, chiếm đoạt tài sản… Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khuyến cáo công dân không liên hệ với các cá nhân, tổ chức, các trang thông tin không rõ danh tính, không chính thống; không làm việc qua bất cứ hình thức môi giới, trung gian nào. Quan điểm của chúng tôi rất rõ ràng, tất cả các hành vi trục lợi, tiêu cực, làm thay đổi tính chất nhân đạo của các chuyến bay phải bị lên án và trừng trị nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật.
13. Bloomberg: Xin Người phát ngôn cho biết Quan điểm của Việt Nam về vấn đề Myanmar hiện nay? Việt Nam có bình luận gì về cách tiếp cận của ASEAN noói chung cũng như là cách tiếp cận của các nước thành viên như là Campuchia, Indonesia, Malaysia trong vấn đề Myanmar?
Tôi xin khẳng định lại, là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar, tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, vững mạnh.
ASEAN hoạt động trên cơ sở tham vấn, đối thoại, hợp tác và phù hợp với Hiến chương ASEAN. Trước những khó khăn đặt ra cho Myanmar, ASEAN đã và đang nỗ lực hỗ trợ Myanmar, nhất là tích cực hỗ trợ nhân đạo. Trên tinh thần đoàn kết và đóng góp có trách nhiệm, Việt Nam sẽ tiếp tục cùng các nước thúc đẩy thực hiện Đồng thuận 5 điểm và mong rằng Myanmar sẽ tiếp tục tham gia và đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực.
14. Bloomberg: Trang tin China Daily mới đây có bài viết cho rằng Việt Nam đang đẩy mạnh lực lượng “dân binh trên biển” và bày tỏ “lo ngại” việc này sẽ làm “gia tăng căng thẳng” tại khu vực Biển Đông. Đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam về việc này?
Đây là thông tin không đúng sự thật. Việt Nam hoàn toàn bác bỏ.
Việt Nam kiên trì chính sách quốc phòng hòa bình, tự vệ. Hoạt động của các lực lượng chức năng Việt Nam tuyệt đối tuân theo pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Cùng với đó, Việt Nam luôn nỗ lực đóng góp vào việc duy trì khu vực Biển Đông hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, hợp tác và phát triển, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc và UNCLOS 1982. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia trong và ngoài khu vực cùng đóng góp thiết thực, có trách nhiệm vào mục tiêu này.
15. Phoenix TV: Việt Nam có ủng hộ chuyến thăm Myanmar vào tuần trước của Thủ tướng Campuchia ông Hunsen không? Xin cho biết thêm về kết quả của chuyến thăm? Việc các nước ASEAN có quan điểm không đồng thuận về chuyến thăm này, có phải là lý do khiến Campuchia thông báo hoãn Hội nghị hẹp Ngoại trưởng ASEAN dự kiễn diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 18-19 không?
Về chuyến thăm Myanmar của Thủ tướng Campuchia Hunsen, theo thông cáo chung đã được hai nước công bố, đây là hoạt động song phương giữa Campuchia và Myanmar nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước và thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Thông cáo chung cũng đã đề cập đến kết quả của chuyến thăm này.
Có lẽ tôi xin nhắc lại lần nữa là, về phần mình, là thành viên của ASEAN, Việt Nam ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy đoàn kết, hợp tác ASEAN; sẽ phối hợp chặt chẽ với Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN 2022 và các nước ASEAN khác đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, trong đó có việc thực hiện đồng thuận 5 điểm của ASEAN, vì lợi ích của người dân và vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
16. Phoenix TV: Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Diễn đàn kinh tế thế giới 2022 rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục viện trợ cho các nước ASEAN 150 triệu liều vaccine. Xin hỏi về bình luận của Việt Nam?
Việt Nam hoan nghênh việc Trung Quốc tuyên bố tiếp tục viện trợ vaccine cho các nước ASEAN và sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc để sớm triển khai tuyên bố này, đóng góp tích cực vào các nỗ lực phòng chống dịch bệnh hiện nay tại khu vực.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp như hiện nay, Việt Nam mong muốn các quốc gia và các tổ chức quốc tế nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường chia sẻ thông tin, công nghệ, tài chính, y tế, đặc biệt là vaccine để cùng nhau đẩy lùi đại dịch nguy hiểm này.
Cũng nhân dịp này, một lần nữa, chúng tôi cảm ơn các nước, các đối tác và các tổ chức quốc tế đã hỗ trợ trong việc đấu tranh phòng chống và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 tại Việt Nam. Ngày hôm nay chúng ta có thể ngồi đây họp báo trực tiếp với nhau cũng là minh chứng cho các hoạt động hỗ trợ và hợp tác của các đối tác và các tổ chức quốc tế.
17. AFP: Đề nghị Người phát ngôn cho biết phản ứng của Việt Nam sau khi Toà án Bỉ kết án một người Việt Nam 15 năm tù do cầm đầu đường dây mua bán người liên quan tới vụ 39 người Việt Nam thiệt mạng?
Chúng tôi đã biết thông tin về việc này. Quan điểm của chúng tôi là các hành vi vi phạm pháp luật cần bị trừng trị thích đáng.
Về phần Việt Nam, Chính phủ Việt Nam chủ trương thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn và trật tự, đồng thời kiên quyết đấu tranh phòng chống di cư trái phép, đưa người di cư trái phép và mua bán người. Việt Nam đã và đang đẩy mạnh hợp tác với các nước, các tổ chức trong đó có Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (INTERPOL) nhằm ngăn chặn, phát hiện, điều tra, xử lý các đường dây đưa người di cư trái phép theo quy định của pháp luật. Việt Nam sẵn sàng trao đổi, phối hợp với các quốc gia nhằm xử lý kịp thời các vụ việc có liên quan nhằm bảo đảm di cư hợp pháp, an toàn, vì quyền và lợi ích chính đáng của người di cư./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|