Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Monday, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 02 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban Châu Âu Frans Timmermans thăm Việt Nam

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) Frans Timmermans (Phăng Tim-mơ-men) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 17-19/2/2022.

Chuyến thăm diễn ra vào dịp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện Việt Nam – Liên minh châu Âu (EU) và quan hệ hai bên thời gian qua tiếp tục phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong khuôn khổ chuyến thăm, hai bên sẽ trao đổi về tình hình quan hệ song phương và định hướng hợp tác trong thời gian tới, cũng như thảo luận về các hình thức hợp tác triển khai thực hiện các cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Dự kiến, trong thời gian thăm Việt Nam, Phó Chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu Frans Timmermans sẽ chào xã giao với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; hội đàm với Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và có một số hoạt động quan

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Dân Trí: Liên quan tới việc lãnh đạo Cục Lãnh sự bị khởi tố, quan điểm xử lý cán bộ của Bộ Ngoại giao như thế nào? Nhiều ý kiến cho rằng, việc Cục Lãnh sự và cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài được toàn quyền giải quyết việc "giải cứu" người Việt ở nước ngoài suốt 2 năm qua đã dẫn tới hành vi trục lợi, gây khó khăn cho công dân muốn hồi hương. Xin hỏi trách nhiệm của Bộ Ngoại giao và việc xử lý những bất cập trong thời gian tới?

Trước tiên xin khẳng định lại là việc đưa công dân Việt Nam ở nước ngoài có nhu cầu, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nước trong bối cảnh đại dịch là chủ trương hoàn toàn đúng đắn, nhân đạo của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nhiệm vụ hết sức quan trọng, chưa từng có tiền lệ, được Thủ tướng Chính phủ giao cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, các Bộ, ngành và địa phương liên quan cùng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp triển khai.

Trong bối cảnh trong nước phải tập trung ứng phó với dịch bệnh chưa từng có và năng lực y tế có hạn, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia trên thế giới tổ chức liên tục các chuyến bay đưa công dân về nước, được nhân dân trong nước, người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Chắc các bạn vẫn còn nhớ,chuyến bay đầu tiên đưa công dân Việt Nam từ thành phố Vũ Hán, Trung Quốc về nước vào đầu tháng 02/2020, đến nay các cơ quan liên quan trong nước, các địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài đã rất nỗ lực, khắc phục khó khăn do dịch bệnh gây ra, phối hợp với các hãng hàng không triển khai hơn 1.000 chuyến bay và đưa khoảng 240.000 công dân Việt Nam từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.

Vụ việc phóng viên vừa nêu liên quan đến sai phạm của một số cá nhân, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, và điều đó không thể phủ nhận được các nỗ lực và các kết quả tôi vừa nêu ở trên.

Chủ trương nhất quán của Bộ Ngoại giao đối với vụ việc này là sai phạm đến đâu, xử lý đến đó, theo đúng quy định của pháp luật, không bao che, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Bộ Ngoại giao đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để làm rõ vụ việc và cũng đã quyết định đình chỉ công tác đối với các cán bộ liên quan để phục vụ công tác điều tra. Đồng thời Bộ cũng đã chỉ đạo các đơn vị trong nước cũng như, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài khẩn trương rà soát, cập nhật quy trình xử lý công việc, đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, minh bạch; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ; thực hiện nghiêm túc và thường xuyên công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, nhất là liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính, lãnh sự, bảo hộ công dân…; kịp thời phát hiện, ngăn chặn từ xa, từ sớm và kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, loại bỏ mọi hành vi tiêu cực, lợi dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cá nhân, giữ gìn bản sắc và truyền thống tốt đẹp của ngành Ngoại giao, phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn các nhiệm vụ được giao.

2. Dân Trí: Từ ngày 15/02, Việt Nam đã dỡ bỏ việc hạn chế tần suất các chuyến bay chở khách quốc tế đến, trở lại bình thường như trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, điện nhập cảnh, y tế hiện vẫn chưa được nới lỏng nên những ngày qua lượng khác đến Việt Nam không hề tăng so với trước ngày 15/02, việc mở cửa hàng không không có nhiều ý nghĩa. Xin hỏi, các điều kiện nhập cảnh Việt Nam áp dụng với khách quốc tế sắp tới như thế nào?

Thực ra hôm nay mới là ngày 17/2 tức là mới có 02 ngày kể từ khi gỡ bỏ việc hạn chế các tần suất chuyến bay về nước nên đánh giá về số lượng khách có thể là còn hơi sớm.
Tôi cũng xin cung cấp thêm một số thông tin như sau:

Về quy định thì hiện nay, người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài cùng thân nhân mang giấy tờ nhập cảnh hợp lệ (thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thị thực, giấy miễn thị thực còn giá trị) được nhập cảnh Việt Nam theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Đối với người nước ngoài vào Việt Nam du lịch tiếp tục thực hiện theo Chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.

Đồng thời theo hướng dẫn của Bộ Y tế về phòng chống dịch đối với người nhập cảnh ngày 16/12/2021, người nhập cảnh cần có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi) và thực hiện khai báo y tế trước khi nhập cảnh. Người nhập cảnh đã tiêm đủ liều Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh Covid-19 trong vòng 6 tháng tính tới ngày nhập cảnh phải theo dõi y tế tại nơi cư trú (nhà ở, khách sạn, trụ sở cơ quan đại diện, ký túc xá, nhà khách của cơ sở sản xuất, kinh doanh…) trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Các đối tượng khác thực hiện cách ly y tế trong vòng 07 ngày tại nơi cư trú.

3. Dân Trí: Liên quan tới việc nghi phạm vụ việc doạ bắn máy bay Vietnam Airlines vừa bị cơ quan chức năng Nhật Bản bắt, xin hỏi Người phát ngôn là Việt Nam đã nhận được thông tin gì chưa và sẽ tiếp tục phối hợp như thế nào?

Theo thông tin nhận được vào sáng nay, trong thời gian vừa qua, các cơ quan chức năng Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan của phía Nhật Bản trong quá trình điều tra, làm rõ vụ việc.Chúng tôi sẽ cập nhật thông tin khi nhận được thông báo chính thức từ phía cơ quan điều tra Nhật Bản.

4.Reuters: Xin Người phát ngôn cập nhật về tình hình sức khỏe Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và kết quả cuộc gặp ASEAN?

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Quốc tế Campuchia Prak Sokhonn, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã tham dự Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMMR) tại Phnom Penh, Campuchia trong hai ngày 16-17/02/2022 theo hình thức trực tuyến.

Trong thời gian tham dự Hội nghị, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã thực hiện nghiêm túc các quy định về y tế và phòng chống dịch bệnh của Campuchia. Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đã phát biểu và tham gia thảo luận các nội dung trong chương trình nghị sự, cùng các Bộ trưởng Ngoại giao khác đóng góp tích cực vào thành công chung của Hội nghị. Sức khoẻ Bộ trưởng hiện nay ổn định.Sau khi Hội nghị kết thúc, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn sẽ trở về nước và thực hiện cách li y tế theo quy định.

Hội nghị hẹp các Bộ trưởng Ngoại giao ASEANtập trung và trao đổi về các trọng tâm ưu tiên và định hướng hợp tác của ASEAN trong năm 2022.Tại Hội nghị, các Bộ trưởng đánh giá cao chủ đề năm 2022, ủng hộ các ưu tiên, sáng kiến của nước Chủ tịch và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với nước Chủ tịch nhằm hiện thực hoá các sáng kiến này.Các Bộ trưởng cũng thảo luận về các vấn đề liên quan việc xây dựng cộng đồng và đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình hành động còn lại trong tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2025, tiếp tục ứng phó với dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế cũng như trao đổi một số vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, trong đó có vấn đề Biển Đông và Myanmar.

Thông tin chi tiết về kết quả Hội nghị sẽ được cung cấp bằng văn bản tới các cơ quan báo chí.

5. Vietnamnet: Đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ công bố mức thuế chống bán phá giá sơ bộ dự kiến lên tới 400% đối với sản phẩm mật ong của Việt Nam?

Liên quan đến vấn đề này, đại diện Bộ Công thương đã có ý kiến.

Quan điểm của chúng tôi là Việt Nam mong muốn thúc đẩy quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ phát triển tích cực, trong đó hợp tác kinh tế - thương mại phải theo hướng hài hòa lợi ích, cân bằng và bền vững. Việt Nam sẵn sàng và thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ thông qua các cơ chế hiện có như Hiệp định khung về Thương mại và Đầu tư (TIFA) để tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ vì lợi ích của nhân dân hai nước.

Việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế chống bán phá giá dự kiến như trên đối với mặt hàng mật ong của Việt Nam sẽ tác động hết sức tiêu cực đối với ngành nuôi ong của Việt Nam mà Hoa Kỳ là thị trường nhập khẩu chính. Đồng thời điều này cũng gây tác động bất lợi đến ngành trồng trọt của Việt Nam trong đó ong nuôi giúp thụ phấn hoa. Do đó việc này chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến công ăn việc làm, sinh kế của nhiều gia đình nuôi ong và nông dân, chủ yếu tập trung ở khu vực phía Nam và Tây Nguyên của Việt Nam.

Theo tôi được biết, hiện nay Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn Việt Nam đang tiến hành trao đổi với phía Hoa Kỳ ở các cấp khác nhau để giải quyết vụ việc, đề nghị các biện pháp của Hoa Kỳ trong vấn đề này phải trên cơ sở khách quan, công bằng, theo đúng quy định của WTO, không gây thiệt hại vô lý cho người nuôi ong và doanh nghiệp của Việt Nam.

6. Zing News: Hôm 11/02, Việt Nam đã được nhắc tới như là một trong các đối tác hàng đầu trong khu vực mà Mỹ sẽ tăng cường quan hệ trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mới vừa được công bố gần đây. Xin Người Phát ngôn bình luận về vấn đề này?

Việt Nam mong muốn các sáng kiến hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả các nước, bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình.

Việt Nam quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác với Hoa Kỳ cũng như tất cả các đối tác khác nhằm thúc đẩy nỗ lực ứng phó với đại dịch, phục hồi kinh tế, ứng phó với biến đổi khí hậu cũng như các lĩnh vực khác nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực.

7. Zing News: Bộ trưởng Tư pháp Nhật đề nghị cơ quan di trú điều tra vụ thực tập sinh Việt tố đồng nghiệp hành hạ anh hai năm, đến mức gãy xương. Xin Người Phát ngôn cho biết thêm thông tin về vụ việc này?

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, ngay sau khi nhận được thông tin, Đại sứ quán cũng đã làm việc với các cơ quan chức năng của Nhật Bản để xác minh thông tin, đề nghị nhanh chóng điều tra, làm rõ vụ việc, đồng thời cũng đã thăm hỏi công dân gặp nạn. Hiện tại sức khỏe và tinh thần của công dân này đã ổn định.

Đại sứ quán cho biết đến sáng ngày 25/01, Bộ trưởng Tư pháp Nhật Bản đã chỉ đạo Tổng cục Quản lý xuất nhập cảnh nhanh chóng điều tra và xử lý nghiêm những người có liên quan, đồng thời yêu cầu các công ty tiếp nhận có biện pháp chấn chỉnh, cải thiện công tác hỗ trợ và bảo hộ cho thực tập sinh. Hiện các cơ quan chức năng của Nhật Bản đã dừng việc tổ chức thực tập sinh kỹ thuật nước ngoài tại công ty có vụ việc này xảy ra. Công ty cũng đã thừa nhận những sai phạm và cam kết sẽ bồi thường cho thực tập sinh. Các thực tập sinh Việt Nam còn lại tại công ty cũng đã được chuyển về nơi ở của nghiệp đoàn quản lý để giải quyết và có thể chuyển sang nơi làm việc khác.

Bộ Ngoại giao cũng đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản tiếp tục theo dõi sát vụ việc và sẵn sàng tiến hành các biện pháp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

8. Zing News: Xin thông tin về công tác bảo hộ công dân trong bối cảnh tình hình ở Ukraine có phần căng thẳng?

Chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình tại Ukraine cũng như công tác bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại đây. Với tinh thần đó, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine theo dõi sát tình hình, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan sở tại đồng thời giữ liên hệ với đầu mối cộng đồng, hội đoàn người Việt và thông báo đường dây nóng bảo hộ công dân để kịp thời hỗ trợ bà con trong trường hợp cần thiết.

Tôi được biết Đại sứ Việt Nam tại Ukraine cũng đã trực tiếp đến một số nơi có cộng đồng người Việt sinh sống để thăm hỏi bà con, tìm hiểu tình hình thực tế. Cho đến nay, tình hình người Việt Nam tại Ukraine không có xáo động lớn.

9. CNA: Việt Nam thông báo sẽ mở cửa trở lại hoạt động du lịch quốc tế từ ngày 15/03/2022. Xin hỏi khi nào Việt Nam sẽ cho phép khách nước ngoài xin thị thực du lịch và những điều kiện kèm theo là gì?

Như các bạn đã biết vào ngày 16/02/2022 vừa qua, Lãnh đạo Chính phủ đã giao Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch sớm thống nhất nội dung, quy định đón khách quốc tế, hoàn thiện phương án mở cửa lại hoạt động du lịch và làm việc cụ thể với Bộ y tế, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan để khẩn trương có báo cáo chi tiết với Chính phủ, với Thủ tướng Chính phủ về chính sách thị thực áp dụng đối với khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam. Về cơ bản, các thủ tục và đối tượng cấp thị thực sẽ được tiếp tục thực hiện theo các quy định của luật Việt Nam như Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2019.

Về phần Bộ Ngoại giao, theo chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để hoàn thiện phương án mở cửa trở lại hoạt động du lịch cũng như xây dựng chính sách về thị thực đối với khách du lịch nhập cảnh Việt Nam.

10. VnExpress: Xin Bộ Ngoại giao cho biết hiện nay đã có bao nhiêu nước công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam và Việt Nam đã công nhận hộ chiếu vắc xin của những nước nào?

Tính đến ngày 16/02/2022, có 14 quốc gia/vùng lãnh thổ đã đồng ý công nhận hộ chiếu vaccine với Việt Nam bao gồm Nhật Bản, Hoa Kỳ, Anh, Úc, Ấn Độ, Belarus, Campuchia, Philippines, Palestine, Maldives, New Zealand, Sri Lanka, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ. Một số đối tác khác cũng đang xem xét rất tích cực, trao đổi thêm về các vấn đề kỹ thuật và sẽ sớm có khẳng định với chúng ta.

Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài vẫn đang tích cực vận động, trao đổi với các nước, thúc đẩy việc chính thức công nhận Hộ chiếu Vaccine của Việt Nam trên tinh thần tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của công dân.

Về phía Việt Nam hiện nay vẫn đang công nhận mẫu giấy chứng nhận tiêm chủng/hộ chiếu vaccine của 79 quốc gia và vùng lãnh thổ đã được Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan đại diện nước ngoài tại đây thông báo chính thức với Bộ Ngoại giao.

11. Sputnik: Tờ South China Morning Post ngày 16/2/2022 đưa tin, Ứng cử viên tổng thống Philippines, cựu võ sĩ quyền anh Manny Pacquiao cho biết, nếu thắng cử ông sẽ thành lập “ban hòa bình” đàm phán với Bắc Kinh về tranh chấp Biển Đông nếu được bầu vào vị trí cao nhất, đồng thời thắt chặt quan hệ quốc phòng với Mỹ. Xin Người Phát ngôn bình luận về điều này?

Lập trường của Việt Nam trong vấn đề Biển Đông là nhất quán và đã được nêu rõ nhiều lần.

Việt Nam mong rằng tất cả các nước trong và ngoài khu vực sẽ nỗ lực đóng góp cho hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại cùng các biện pháp hoà bình khác theo luật pháp quốc tế vì lợi ích chung, phù hợp với nguyện vọng của các nước trong khu vực cũng như là cộng đồng quốc tế./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer