Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 10 năm 2022


I. THÔNG BÁO

1. Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2022)

Nhận lời mời của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Phó Trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022 Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam Men Sam An sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23 đến ngày 25/6/2022 và thay mặt Chính phủ Hoàng gia, Lãnh đạo Cấp cao Campuchia tham dự Lễ kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia (24/6/1967 – 24/6/2022) dự kiến sẽ diễn ra tại Nhà hát lớn thành phố Hà Nội vào ngày 24/6/2022.

Tham dự Lễ kỷ niệm, về phía Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Cấp cao, nguyên Lãnh đạo Cấp cao, đại diện các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương và một số tổ chức, đoàn thể có quan hệ hợp tác, gắn bó với Campuchia. Về phía Campuchia, có Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch Hội Hữu nghị Campuchia – Việt Nam bà Men Sam An cùng đoàn đại biểu Campuchia và khoảng 100 đại biểu gồm thành viên cơ quan đại diện Campuchia, công dân và lưu học sinh Campuchia đang công tác, học tập tại Việt Nam.

Lễ kỷ niệm là hoạt động trọng tâm của Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022, kỷ niệm cột mốc trọng đại của tình hữu nghị gắn bó giữa hai nước láng giềng, là dịp để hai bên cùng ôn lại lịch sử và truyền thống đoàn kết, ủng hộ và giúp đỡ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây và trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, đồng thời góp phần tăng cường tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ hai nước, về ý nghĩa và tầm quan trọng của quan hệ Việt Nam – Campuchia.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Thủ tướng Men Sam An sẽ gặp Lãnh đạo Chính phủ và tiếp kiến Lãnh đạo Cấp cao của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

2. Bộ trưởng Ngoại giao Australia thăm Việt Nam (27-28/6/2022)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 26-28/6/2022. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của bà Penny Wong trên cương vị Bộ trưởng Ngoại giao Australia.

Dự kiến trong khuôn khổ chuyến thăm, Bộ trưởng Ngoại giao hai nước sẽ hội đàm, trao đổi về các biện pháp nhằm tăng cường quan hệ Đối tác Chiến lược Việt Nam – Australia, quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện ASEAN – Australia cũng như các vấn đề khu vực, quốc tế hai bên cùng quan tâm. Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Australia Penny Wong sẽ có các cuộc tiếp kiến Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam.

3. Diễn đàn đầu tư Đà Nẵng 2022

Ngày 25/6/2022, Thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2022. Diễn đàn nhằm quảng bá đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài nước và các tổ chức quốc tế về tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, đặc biệt các chính sách thích ứng linh hoạt sau đại dịch Covid-19, công khai thông tin về điều chỉnh quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, các dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn thành phố. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự và có phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng trân trọngchuyển lời mời các phóng viên trong và ngoài nước tham gia đưa tin sự kiện này.

4. Festival Huế 2022

Từ ngày 25/6-30/6/2022 tại tỉnh Thừa Thiên Huế sẽ diễn ra tuần lễ Festival Huế 2022 với chủ đề “Di sản văn hoá với hội nhập và phát triển”.

Năm nay, Festival Huế được tổ chức theo hình thức bốn mùa với chuỗi các hoạt động văn hoá, lễ hội diễn ra quanh năm, các hoạt động văn hoá, nghệ thuật, lễ hội dân gian, lễ hội cung đình, lễ hội mới được phân bố theo chủ đề từng mùa, tạo thêm sản phẩm du lịch phục vụ du khách và công chúng, trong đó điểm nhấn là tuần lễ festival văn hóa - nghệ thuật quốc tế diễn ra hai năm một lần. 

Tuần lễ Festival Huế 2022 được tổ chức lại sau 02 năm gián đoạn do Covid-19, là sự khẳng định cho nỗ lực của tỉnh Thừa Thiên - Huế nói riêng và cả nước nói chung đưa cuộc sống trở lại bình thường sau đại dịch và cũng là sự kiện góp phần kích cầu du lịch để đáp ứng mục tiêu phát triển du lịch “chủ động, bền vững, an toàn.”

Tỉnh Thừa Thiên Huế cũng bày tỏ mong muốn được phóng viên trong và ngoài nước quan tâm, tham dự và đưa tin Tuần lễ Festival Huế 2022.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Thanh Niên: Phản ứng của Việt Nam trước việc Cục Hải sự tỉnh Hải Nam thông báo tập trận quân sự ngày 19/6 tại khu vực nằm trong lãnh hải 12 hải lý của đảo Phú Lâm, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam?

Việc Trung Quốc tiến hành tập trận ở khu vực quần đảo Hoàng Sa xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đi ngược lại tinh thần Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), gây phức tạp tình hình, không có lợi cho quá trình đàm phán hiện nay giữa Trung Quốc và ASEAN về Bộ Quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (COC) và việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, không tái diễn vi phạm tương tự.

2. AFP: Cho biết thông tin chi tiết về việc Ngoại trưởng Hoa Kỳ Anthony Blinken sẽ tới thăm Việt Nam đầu tháng 7 tới?

Các thông tin về chuyến thăm của đối tác nước ngoài đến Việt Nam sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.

3. AFP: Tuần trước nhà hoạt động Ngụy Thị Khanh bị kết án 02 năm tù giam vì tội trốn thuế. Các nhà quan sát nước ngoài cho rằng việc kết án bà Ngụy Thị Khanh là nhằm vào các hoạt động của bà liên quan đến kêu gọi Việt Nam giảm việc sử dụng nhiệt điện than. Xin Bà bình luận về nhận xét này? Và việc bỏ tù Ngụy Thị Khanh liệu có chứng tỏ rằng Việt Nam đang đi ngược lại với các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu hay không?

Ngày 17/06/2022, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt 02 năm tù giam đối với Ngụy Thị Khanh về hành vi “Trốn thuế” theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự. Quá trình điều tra cũng như xét xử thì được tiến hành theo đúng quy định của pháp luật. Phiên tòa được diễn ra công khai, bị cáo được bảo đảm đầy đủ các quyền theo quy định của pháp luật.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh và xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm pháp luật theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm thượng tôn pháp luật, mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Việt Nam triển khai các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm từng bước nâng cao ý thức, tinh thần thượng tôn pháp luật của công dân, xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Cũng cần phải khẳng định lại là Việt Nam luôn cam kết nghiêm túc và mạnh mẽ trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khi hậu, phát triển xanh và bền vững. Điều này cũng đã được nêu rõ trong nhiều văn bản pháp luật, chính sách chủ trương của Việt Nam. Tại Hội nghị lần thứ 26 các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26), Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã có bài phát biểu, khẳng định cam kết của Việt Nam trong việc đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, giảm 30% lượng phát thải khí metan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030; tham gia Tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang điện sạch và Tuyên bố các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất.

Hiện nay, Việt Nam đang triển khai nhiều biện pháp tổng thể, toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng xanh và tuần hoàn. Chính phủ Việt Nam cũng tiến hành thường xuyên và rộng rãi việc tham vấn, lấy ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các tổ chức phi chính phủ và các đối tác quốc tế trong việc xây dựng chính sách pháp luật về vấn đề môi trường và biến đổi khí hậu. Những tổ chức hỗ trợ cho hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển xanh ở Việt Nam cũng tham gia và có những đóng góp đã được ghi nhận.

Như tôi đã đề cập ở trên, Ngụy Thị Khanh bị điều tra, truy tố về tội danh kinh tế, cụ thể là vi phạm quy định của pháp luật về quản lý thuế và đã thừa nhận hành vi này. Một số ý kiến suy diễn cho rằng Ngụy Thị Khanh bị xử lý hình sự vì những hoạt động, ý kiến liên quan đến biến đổi khí hậu là không có cơ sở, không đúng với bản chất của vụ việc.

4.Central News Agency: Xin hỏi Bộ Ngoại giao Việt Nam có quan điểm thế nào về chủ trương biến Biển Đông thành “vùng nội thủy” của chính quyền Trung Quốc? Liệu Việt Nam có sẵn sàng hợp tác với Nhật Bản, châu Âu và Hoa Kỳ trong các vấn đề Biển Đông hay không?

Lập trường của Việt Nam đã được thể hiện rõ ràng và đầy đủ trong Công hàm số 22/HC-2020 ngày 30/3/2020 lưu hành tại Liên hợp quốc. Theo đó, Việt Nam khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam đối với các vùng biển được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

Việt Nam cho rằng các nước đều chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung là duy trì và thúc đẩy hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông; giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982. Việt Nam luôn đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào quá trình này.

5. Zing: Xin Người phát ngôn thông tin thêm về chuyến thăm của Ngoại trưởng Nga sắp tới? Chúng ta đã chuẩn bị đến đâu cho chuyến thăm này?

Như tôi đã đề cập ở trên, hoạt động đối ngoại và những chuyến thăm của đối tác nước ngoài vào Việt Nam sẽ được thông báo vào thời điểm thích hợp.

6. Phoenix TV: Bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở nhiều quốc gia trên thế giới và đã lan tới Châu Á, gần đây Singapore và Hàn Quốc đều ghi nhận ca bệnh do nhập cảnh. Xin hỏi Việt Nam chuẩn bị ứng phó với căn bệnh này như thế nào? Quy định nhập cảnh vào Việt Nam từ các quốc gia xuất hiện đậu mùa khỉ có thay đổi gì không?

Nhận thức được vấn đề này cũng như việc bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân, trong bối cảnh thế giới ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ diễn ra liên tiếp, Bộ Y tế đã có các văn bản gửi các cơ quan chức năng và địa phương trong nước đề nghị tăng cường giám sát, phòng chống và ngăn chặn, phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu và các cơ sở y tế, nhất là các trường hợp đi về từ các quốc gia đang có dịch bệnh đậu mùa khỉ, như các bạn đã biết thì đồng thời tổ chức truyền thông, nâng các nhận thức cho người dân về căn bệnh này cũng như các biện pháp phòng chống. Thời gian vừa qua báo chí Việt Nam cũng đã liên tục cập nhật thông tin cũng như tích cực tham vào công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.

Theo Bộ Y tế, cho đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.

Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để theo dõi sát diễn biến của dịch đậu mùa khỉ trên thế giới để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

7. Thông tin về việc Việt Nam giành lại toàn bộ lô hạt điều bị mất kiểm soát?

Ngày 20/06/2022, Bộ Công Thương đã có thông tin về việc này.  

Về phía Bộ Ngoại giao, trong thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan để kiểm tra, làm rõ nguyên nhân và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước giải quyết vụ việc. Cơ quan đại diện Việt Nam tại Italia đã tích cực làm việc với Bộ Ngoại giao, Bộ Phát triển Kinh tế, Cảnh sát Tài chính và các cơ quan chức năng sở tại để thúc đẩy giải quyết sự việc, hạn chế tối đa tổn thất cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Cho đến nay toàn bộ các container hạt điều của doanh nghiệp Việt Nam nghi bị lừa đảo tại Italia đã được trả lại cho quyền sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer