Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 18 năm 2022


I. THÔNG BÁO

Tổng Thư ký Liên hợp quốc thăm Việt Nam (21-22/10/2022)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres (An-tô-ni-ô Gu-tê-rết) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 21-22/10/2022. Cũng trong dịp này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc sẽ cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đồng chủ trì Lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc (1977-2022) và Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Uỷ viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020 – 2021, được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên hợp quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm, đóng góp thực chất, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động trụ cột của Liên hợp quốc, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Dự kiến trong chuyến thăm, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng một số hoạt động khác.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Báo Thanh Niên: Hiện tại, có cả trăm lao động Việt Nam bị lừa sang lao động bất hợp pháp tại Campuchia đang bị giam tại Osamch Resort giáp biên giới Thái Lan, bị ép lao động và buôn bán người. Xin Người phát ngôn và Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia thông tin thêm về vụ việc và các biện pháp bảo hộ công dân sẽ đang được triển khai như thế nào?

Đây là khu vực lãnh sự thuộc Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang (Campuchia). Ngay khi có thông tin về việc này, chúng tôi đã liên hệ với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang (Campuchia) và Tổng Lãnh sự quán bước đầu đã cho chúng tôi một số thông tin:

Trong thời gian qua, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam đã phối hợp với chính quyền địa phương các tỉnh Oddar Meanchay (Ốt-đo Miên-chây), Banteay Meanchey (Bòn-tia Miên-chây)… triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ, giải cứu các công dân Việt Nam bị lừa đảo, môi giới lao động trái phép tại khu vực biên giới Campuchia – Thái Lan. Trong khoảng từ tháng 07 đến tháng 09/2022, Tổng Lãnh sự quán đã phối hợp giải cứu, đưa về nước khoảng 100 công dân Việt Nam.

Từ khoảng cuối tháng 09/2022, qua công tác nắm tình hình, Tổng Lãnh sự quán đã chủ động làm việc với chính quyền địa phương, phối hợp giải cứu thêm được 171 công dân Việt Nam. Sau khi đưa được các lao động ra khỏi các cơ sở lao động trái phép, Tổng Lãnh sự quán đã cử cán bộ trực tiếp đến gặp, triển khai các biện pháp bảo hộ công dân như hỗ trợ nhu yếu phẩm và hoàn tất các thủ tục để đưa công dân về nước trong thời gian sớm nhất. Ở trong nước, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đang làm việc với các cơ quan chức năng và địa phương trong nước để sớm xác minh nhân thân và phối hợp tiếp nhận công dân từ Campuchia.

Trong thời gian tới, Việt Nam bao gồm Bộ Ngoại giao và các cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia trong đó có Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Battambang sẽ tiếp tục phối hợp và làm việc với các cơ quan chức năng của Campuchia đề nghị tăng cường rà soát, truy quét các khu vực trên để tìm kiếm, giải cứu thêm công dân Việt Nam nếu có; đồng thời sẽ triển khai các biện pháp bảo hộ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công dân Việt Nam.

2. TTXVN: Mới đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã cảnh báo công dân Việt Nam tránh bị lôi kéo đưa đi lao động tại một số nước châu Phi. Đề nghị Người Phát ngôn thông tin về việc này, đồng thời cho biết thêm về tình hình lao động Việt Nam tại châu Phi và công tác bảo hộ công dân đối với người Việt Nam tại châu Phi thời gian qua? 

Chúng tôi đã trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola kiêm nhiệm Cộng hòa Dân chủ Congo và được biết trong thời gian gần đây, Đại sứ quán tiếp nhận được nhiều đề nghị giúp đỡ, đưa về nước từ công dân Việt Nam tại Cộng hòa Dân chủ Congo do có những vướng mắc với chủ sử dụng lao động trong vấn đề bố trí việc làm, sinh hoạt, nợ lương, giảm lương.

Trước tình hình đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Angola đã chủ động làm việc với các cơ quan chức năng của Cộng hòa Dân chủ Congo để cung cấp thông tin, đề nghị các cơ quan chức năng của Congo có các biện pháp bảo đảm đời sống cho người lao động Việt Nam; Đại sứ quán cũng đã kết nối với cộng đồng người Việt tại Congo để tạo điều kiện về lưu trú tạm thời cho công dân trong thời gian chờ giải quyết vướng mắc; đồng thời, phát thông báo khuyến cáo đến người lao động tìm hiểu kỹ thông tin trước khi quyết định nhận hợp đồng lao động tại Cộng hòa Dân chủ Congo. Đến thời điểm này, tình hình đã ổn định và được cải thiện hơn.

Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Angola tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại, làm việc với các chủ sở hữu lao động để xử lý các vấn đề phát sinh. Bộ Ngoại giao chỉ đạo Cục Lãnh sự phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Angola cũng như các cơ quan chức năng của Việt Nam để kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết.

Một lần nữa chúng tôi khuyến cáo công dân Việt Nam, người lao động phải tìm hiểu kỹ các thông tin trước khi nhận các hợp đồng lao động ở nước ngoài, tránh để bị lừa đảo hay là môi giới lao động bất hợp pháp. Khi có vấn đề phát sinh, liên hệ ngay với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài một cách trực tiếp hoặc qua đường dây nóng bảo hộ công dân.

3. Soha: Ngày 18/10, Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) Dato Lim Jock Ho cho biết ASEAN và Trung Quốc đã hoàn thành bản dự thảo đầu tiên và đang tiến tới bản dự thảo thứ hai của Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC). Xin NPN cho biết cụ thể về một số nội dung quan trọng trong cuộc thảo luận này và việc quy trình tiếp theo sẽ diễn ra thế nào?

Từ ngày 01 – 03/10 vừa qua tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN – Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông; nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.

ASEAN và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai Văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sớm thông qua một Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông thực chất, hiệu lực và phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông.

4.VnExpress: Nhiều quốc gia, trong đó có Mỹ và Trung Quốc đã khuyến cáo công dân rời khỏi Ukraine càng sớm càng tốt. Bộ Ngoại giao cho biết có khuyến cáo nào dành cho công dân Việt Nam đang sinh sống tại Ukraine hay không, cũng như các biện pháp hỗ trợ công dân?

Chúng tôi luôn quan tâm, theo dõi sát tình hình tại Ukraine và rất chú trọng đến công tác bảo hộ công dân, bảo hộ người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại khu vực này.

Trước tình hình xung đột tại Ukraine có những diễn biến phức tạp hơn và khó lường hơn trước, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine thường xuyên liên hệ, chủ động trao đổi với cộng đồng người Việt Nam tại Ukraine để nắm tình hình, cử cán bộ trực đường dây nóng bảo hộ công dân 24/24, tiếp nhận thông tin và kịp thời hỗ trợ bà con; trao đổi, đề nghị với các cơ quan chức năng sở tại có biện pháp hỗ trợ, bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho công dân và doanh nghiệp Việt Nam tại Ukraine. Theo Đại sứ quán cho biết, hiện còn khoảng 500 người Việt Nam tại Ukraine và chưa ghi nhận có thương vong nào kể từ các diễn biến phức tạp gần đây.

Ngày 18/10/2022 vừa qua, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cũng đã ra khuyến cáo, đề nghị công dân giữ liên lạc thường xuyên với Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine, sẵn sàng các phương án giữ an toàn cho bản thân và gia đình, trong đó có việc sơ tán khỏi các thành phố lớn, tránh xa các khu vực nguy hiểm; liên lạc ngay với các cơ quan chức năng qua đường dây nóng bảo hộ công dân của Cục Lãnh sự cũng như của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại Ukraine và tại các nước lân cận.

5. Phoenix: Về việc tàu chở thuyền viên Trung Quốc khi đến địa phận Côn Đảo phát hiện 12 người tử vong, nghi do ngộ độc, 9 người còn lại được đưa vào bệnh viện địa phương điều trị. Xin hỏi tình hình của những thuyền viên này ra sao? Cơ quan công an đã điều tra được nguyên nhân gây tử vong chưa?

Trước tiên, tôi rất lấy làm tiếc và xin chia buồn với thân nhân, gia đình của những người gặp nạn. Khi giải cứu đúng là có 21 thuyền viên, trong đó có 12 người tử vong. Nhưng rất tiếc khi đưa vào bờ thì có thêm một người khác đã tử vong. Chúng tôi được biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ngay sau khi nhận được thông tin đã chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương khẩn trương có các biện pháp hỗ trợ, kịp thời đưa các thuyền viên trong tình trạng nguy kịch đến Trung tâm Y tế Quân Y huyện Côn Đảo, đồng thời kết nối với cơ quan y tế tỉnh Hải Nam, Trung Quốc tiến hành hội chẩn từ xa. Hiện sức khỏe 8 thuyền viên đã ổn định và đã được xuất viện.

Bộ Ngoại giao cũng đang tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng và địa phương trong nước, các cơ quan đại diện của Trung Quốc tại Việt Nam và các cơ quan chức năng liên quan của Trung Quốc để hỗ trợ điều tra nguyên nhân vụ việc, xử lý các vấn đề liên quan tới 08 thuyền viên và cũng như giải quyết vấn đề hậu sự cho các thuyền viên đã tử vong theo đúng quy định của pháp luật.

6. Đại sứ quán Ukraine: Đề nghị bình luận về những diễn biến gần đây tại Ukraine?

Việt Nam quan tâm, theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình gần đây xung quanh xung đột Nga - Ukraine.

Một lần nữa, Việt Nam kêu gọi các bên liên quan nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Chúng tôi cũng mong rằng tính mạng, tài sản của người dân ở đây, trong đó có công dân Việt Nam phải được đảm bảo.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp để sớm ổn định tình hình, vì hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer