Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Sunday, ngày 22 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung Họp báo thường kỳ lần thứ 19 năm 2022


I. THÔNG BÁO

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm chính thức Campuchia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị cấp cao liên quan (8-13/11/2022)

Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022, Samdech Techo Hun Sen (Xăm-đéc Tê-chô Hun Xen), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 08-09/11/2022 và dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị liên quan từ ngày 10-13/11/2022.

Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và là chuyến thăm đầu tiên của Lãnh đạo chủ chốt Việt Nam tới Campuchia trong “Năm Hữu nghị Việt Nam và Campuchia 2022”. Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài giữa Việt Nam – Campuchia tiếp tục phát triển ổn định. Hai bên phối hợp tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1967 – 2022). Kim ngạch thương mại hai chiều trong 09 tháng đầu năm 2022 đạt 8,45 tỷ USD, tăng 16,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong khuôn khổ chuyến thăm Campuchia, dự kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ hội đàm với Thủ tướng Campuchia Hun Sen và cùng Thủ tướng Hun Sen tham dự, phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam – Campuchia; hội kiến Quốc vương Norodom Shihamoni (Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni), Chủ tịch Thượng viện Say Chhum (Xay Chum), Chủ tịch Quốc hội Heng Samrin (Hêng Xom-rin) và gặp một số Lãnh đạo Cấp cao của Campuchia.

Đây cũng là lần đầu tiên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự trực tiếp các Hội nghị Cấp cao ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác. Các Hội nghị Cấp cao lần này đánh dấu sự nối lại các trao đổi, đối thoại trực tiếp giữa các Lãnh đạo sau hơn hai năm bị gián đoạn do dịch bệnh Covid-19. Đây sẽ là dịp để Lãnh đạo các nước trao đổi về các nỗ lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, kiểm điểm và định hướng quan hệ giữa ASEAN với các đối tác và thảo luận về nhiều vấn đề chiến lược ở khu vực và thế giới. Trong khuôn khổ các Hội nghị cấp cao của ASEAN, Thủ tướng Chính phủ dự kiến sẽ tham dự hơn 20 hoạt động và có một số cuộc gặp, tiếp xúc với Lãnh đạo các nước và tổ chức quốc tế để trao đổi về những vấn đề cùng quan tâm.

II. TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Tuổi Trẻ: Đề nghị cho biết Bộ Ngoại giao đã có kế hoạch gì để “hồi hương” chiếc kim ấn của Vua Bảo Đại được đem đấu giá tại Pháp?

Về việc này, báo chí Việt Nam đã đưa tin.

Trong những ngày qua, thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các bộ, ngành liên quan trao đổi với Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa Pháp, Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, Lãnh đạo tổ chức UNESCO và công ty tổ chức đấu giá để xác minh thông tin, tạm dừng cuộc đấu giá. Ngày 31/10 vừa qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp cho biết phiên đấu giá đã được dời lại đến ngày 10/11/2022.

Trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao sẽ chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và Phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO, phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tìm kiếm các khả năng, triển khai các biện pháp cần thiết để có thể đưa cổ vật về nước.

2. Thanh niên: Đề nghị cập nhật thông về công tác bảo hộ công dân đối với vụ tai nạn tại Itaewon, Hàn Quốc?

Như chúng tôi đã thông tin, cho đến nay, đã xác nhận được 01 công dân Việt Nam (sinh năm 2001) thiệt mạng và 01 công dân khác bị thương trong vụ tai nạn xảy ra tại Itaewon, Seoul, Hàn Quốc. Ngay sau khi nhận được thông tin, thực hiện chỉ đạo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chủ động, kịp thời triển khai nhiều biện pháp bảo hộ công dân như thăm hỏi, đến viếng và hỗ trợ xử lý vấn đề hậu sự theo nguyện vọng của gia đình công dân. Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, chiều 02/11/2022, thi hài của nạn nhân thiệt mạng trong vụ việc đã được đưa về Việt Nam.

Hiện nay các đơn vị của Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc vẫn tiếp tục theo dõi sát tình hình, giữ liên lạc thường xuyên với các cơ quan chức năng và cộng đồng người Việt Nam tại Hàn Quốc, sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết trong trường hợp phát hiện thêm nạn nhân là công dân Việt Nam.

3. AFP: Việt Nam mong đợi điều gì từ cuộc họp ASEAN vào tuần tới tại Phnom Penh? Về vấn đề Myanmar, Việt Nam sẽ có những cách thức nào để đảm bảo việc thực hiện đồng thuận 5 điểm?

Như tôi đã thông báo ở trên, nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Sen, Chủ tịch ASEAN 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan tại Phnom Pênh, Campuchia từ ngày 10 – 13/11/2022. Theo chương trình, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ tham dự nhiều Hội nghị quan trọng, như tôi đã nói là khoảng 20 hoạt động, cùng các nhà lãnh đạo thảo luận nhiều vấn đề lớn như tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, quan hệ đối ngoại, vai trò trung tâm của ASEAN, các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Cũng nhân dịp này, Thủ tướng Phạm minh Chính sẽ có nhiều cuộc gặp với Lãnh đạo các đối tác, trao đổi các vấn đề liên quan đến ASEAN cũng như quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của ASEAN, Việt Nam sẽ phối hợp chặt chẽ với nước chủ nhà Campuchia và cũng như các thành viên khác của ASEAN và các nước khác, đảm bảo các Hội nghị diễn ra thành công, đạt kết quả thực chất, góp phần củng cố đoàn kết, thống nhất và vai trò trung tâm của ASEAN, đẩy mạnh quan hệ cùng có lợi giữa ASEAN với các đối tác, xử lý hài hòa, cân bằng các vấn đề của ASEAN phải đối diện, đóng góp vào tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN vì hòa bình và ổn định ở khu vực Đông Nam Á nói riêng, châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

Liên quan đến tình hình Myanmar, là nước láng giềng trong khu vực và cùng là thành viên ASEAN, Việt Nam luôn mong muốn Myanmar sớm ổn định tình hình để xây dựng và phát triển đất nước, vì lợi ích của người dân Myanmar và tiếp tục đóng góp xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, tự cường và vững mạnh.

Với tinh thần đó, Việt Nam ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào các nỗ lực của ASEAN hỗ trợ Myanmar sớm vượt qua cuộc khủng hoảng hiện nay, nhất là thông qua thực hiện hiệu quả Đồng thuận 5 điểm, với ưu tiên chấm dứt bạo lực, thúc đẩy đối thoại và hòa giải giữa các bên liên quan vì lợi ích của người dân Myanmar, vì đoàn kết, toàn vẹn ASEAN, và vì hoà bình, ổn định, hợp tác ở khu vực. Việc hỗ trợ Myanmar cần được ASEAN triển khai từng bước, đồng bộ, cân bằng và minh bạch. Bên cạnh đó, ASEAN cũng cần là lực lượng hạt nhân, tập hợp và điều phối các nỗ lực quốc tế hỗ trợ cho Myanmar.

4. Zing: Có thông tin về việc 1 số nghị sỹ Hoa Kỳ gửi kháng thư đến giới chức Đài Loan trong đó có nội dung cho là cách thức xử lý của Chính phủ Việt Nam trong vụ việc Formosa còn chưa thoả đáng? Xin Người Phát ngôn cho biết bình luận của Việt Nam về vấn đề này?

Quan điểm nhất quán của Việt Nam là luôn coi bảo vệ môi trường sống và sức khỏe của nhân dân là mục tiêu hàng đầu, không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Theo đó, Việt Nam kiên quyết loại bỏ những dự án gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo chất lượng môi trường sống, bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường.

Liên quan đến sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam từ năm 2016, ngay sau khi xảy ra sự cố, Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương vào cuộc xác định nguyên nhân, triển khai đồng bộ các giải pháp khắc phục sự cố, ổn định đời sống người dân vùng bị ảnh hưởng. Trước những chứng cứ khoa học rõ ràng, phía Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh đã nhận trách nhiệm, bồi thường thiệt hại theo quy định, xin lỗi nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Theo phân công của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng giám sát và Tổ giám sát liên ngành đối với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh trong việc khắc phục hậu quả do sự cố môi trường biển tại 04 tỉnh miền Trung của Việt Nam. Theo chúng tôi được biết, từ tháng 7/2016 đến nay, Hội đồng giám sát và Tổ giám sát liên ngành đã thường xuyên giám sát, kiểm tra định kỳ và đột xuất việc thực hiện cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành quyết định phê duyệt đề án xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, qua đó phân công cụ thể trách nhiệm và việc tổ chức thực hiện của các bộ, ngành, địa phương liên quan trong giải quyết vụ việc.

Theo báo cáo mới đây nhất của Bộ Tài nguyên và Môi trường về kết quả 06 năm thực hiện cơ chế giám sát liên ngành quá trình khắc phục hậu quả vi phạm và thực hiện các cam kết về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, việc khắc phục vi phạm đã được hoàn thành và các cam kết về bảo vệ môi trường đã được thực hiện đầy đủ. Hiện nay, các hoạt động sản xuất của Công ty cũng như đời sống của người dân trong khu vực đã được khôi phục, ổn định và diễn ra bình thường.

5. Sputnik: Đề nghị cho biết mục đích của việc các máy bay SU-30 bay lượn trên bầu trời Hà Nội vào ngày 28/10 gây xôn xao mạng xã hội?

Theo như chúng tôi được biết, đây là hoạt động luyện tập của không quân Việt Nam cho lễ khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam sẽ diễn ra vào tháng 12 tới.

6. Sputnik: Đề nghị cho biết bình luận của Người Phát ngôn về phát biểu của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ukraine trên mạng xã hội Twitter về cảnh báo nguy cơ Việt Nam có thể chịu ảnh hưởng những động thái liên quan đến Thỏa thuận ngũ cốc trên Biển Đen?

Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, coi bảo đảm an ninh lương thực quốc gia là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước. Theo thống kê, mỗi năm, Việt Nam sản xuất được từ 41 - 43 triệu tấn lúa gạo và khoảng 6,5 triệu tấn thịt các loại... đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước. Đồng thời, với vai trò là một quốc gia xuất khẩu nông nghiệp, nông sản hàng đầu trên thế giới, Việt Nam cũng đã có những đóng góp quan trọng vào các nỗ lực chung trong giải quyết các thách thực về an ninh lương thực toàn cầu. Theo thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản đạt khoảng 82,1 tỷ USD, tăng 10,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn sẵn sàng phối hợp và chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề bảo đảm an ninh lương thực và mong các quốc gia tăng cường hợp tác quốc tế, tham gia có trách nhiệm vào xử lý vấn đề này./.

 
Back Top page Print Email

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer