Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (APEC)

NGƯỜI PHÁT NGÔN BỘ NGOẠI GIAO VIỆT NAM LÊ DŨNG

TRẢ LỜI PHÓNG VIÊN NGÀY 4 THÁNG 11 NĂM 2004

  

Phóng viên ITAR-TASS hỏi: Xin cho biết đánh giá của Việt Nam về Diễn đàn Kinh tế khu vực Châu Á-Thái Bình Dương APEC, cụ thể như sau:
 
1.       Lãnh đạo Việt Nam đánh giá như thế nào về vai trò của Diễn đàn APEC?
2.       Trong Hội nghị thượng đỉnh APEC sắp tới tại Chi-lê, Việt Nam sẽ đưa ra những đề nghị và sáng kiến gì? Việt Nam chú trọng đến những chủ đề và nội dung nào của  Hội nghị APEC sắp tới?
3.       Việt Nam  đánh giá như thế nào về vai trò và hoạt động của Nga trong Diễn đàn APEC nói chung?
 

Trả lời:

 
APEC là một diễn đàn hợp tác kinh tế khu vực quan trọng,  một thị trường rộng lớn và đầy tiềm năng với sự tham gia của các nền kinh tế lớn và năng động hàng đầu của thế giới và khu vực (chiếm 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên trên thế giới, đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu và 46% thương mại thế giới). Nội dung hợp tác trong APEC đang ngày càng đi vào thực chất, thiết thực và hiệu quả hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng một khu vực phát triển thịnh vượng, bền vững, trong đó mỗi nền kinh tế thành viên đều có những cơ hội  để cùng tăng trưởng.

           

Gia nhập APEC từ tháng 11/1998, Việt Nam đã tích cực tham gia các chương trình hợp tác về tự do hoá và tạo thuận lợi cho thương mại-đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật của APEC. Việt Nam có nhiều đối tác lớn như các nước ASEAN, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Niu Di-lân, Liên bang Nga... Thị trường APEC là tiềm năng rất lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, chiếm tới 80% thương mại, 75% vốn đầu tư nước ngoài và trên 50% nguồn cung cấp ODA cho Việt Nam. Sau 6 năm gia nhập APEC, Việt Nam đã thu được những kết quả quan trọng, đẩy mạnh tiến trình hội nhập quốc tế, tăng cường quan hệ nhiều mặt với khu vực phát triển  năng động nhất này.

 

Chủ đề của APEC năm nay là “Một cộng đồng tương lai của chúng ta” với 7 nội dung cụ thể:

 

(i)                   Cam kết phát triển thông qua thương mại;

(ii)                 Chia sẻ lợi ích thông qua những thực tiễn tốt nhất;

(iii)                Kỹ năng đương đầu với thách thức;

(iv)                Cơ hội cho phát triển doanh nghiệp (vừa, nhỏ và siêu nhỏ);

(v)                  Tăng trưởng và ổn định: Những nhân tố cho sự hội nhập của APEC;

(vi)                Cam kết đối với tăng trưởng bền vững;

(vii)               Vượt qua sự khác biệt.

 
Tại Hội nghị này, Việt Nam muốn ưu tiên tập trung vào những nội dung sau:

 

+ Thúc đẩy thực hiện các biện pháp thuận lợi hoá thương mại và đầu tư trong APEC, đặc biệt là chương trình hành động thuận lợi hoá thương mại (TFAP); đề nghị APEC đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực đối với các thành viên.

 

+ Tăng cường hợp tác kinh tế-kỹ thuật trong APEC.

 

+Đề nghị các thành viên APEC ủng hộ Việt Nam và Nga sớm gia nhập WTO thông qua những biện pháp cụ thể, những yêu cầu đàm phán thích hợp.

 

+ Thúc đẩy hợp tác y tế trong APEC, nhất là hợp tác phòng chống và kiểm soát các dịch bệnh lây lan. Điều này có ý nghĩa thiết thực đối với mục tiêu bảo đảm an ninh con người của khu vực.

 
Về vai trò và hoạt động của Nga trong APEC:

 

Là thành viên mới, Liên bang Nga đã tích cực tham gia vào các chương trình  hợp tác, các nhóm công tác, các diễn đàn của APEC.

 

Việt Nam đánh giá cao sự chủ động của Liên bang Nga trong việc thúc đẩy đối thoại về kim loại màu trong khuôn khổ APEC.

 

Là một nền kinh tế lớn theo hướng thị trường và có mức tăng trưởng khá trong những năm gần đây, Liên bang Nga có vị trí và vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế-kỹ thuật, các chương trình tự do hoá, thuận lợi hoá thương mại và đầu tư cũng như các chương trình hợp tác chống khủng bố, phòng chống và kiểm soát dịch bệnh lây lan qua biên biới, bảo đảm an ninh con người.

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn