Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ bẩy, ngày 28 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 9/3/2006 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao


1. Đoàn Quốc vương Căm-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/3/2006:

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Quốc vương Căm-pu-chia Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni (Norodom Sihamoni) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16-18/3/2006.

Chuyến thăm chính thức Việt Nam lần đầu tiên của Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni trên ngôi vị là Quốc vương mới của Căm-pu-chia có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu một mốc mới trong quan hệ hai nước. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của hai nước trong việc củng cố mối quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện; quan hệ gắn bó và tin cậy giữa Lãnh đạo hai nước; trao đổi những vấn đề trong quan hệ song phương và những vấn đề quốc tế hai bên cùng quan tâm.

2. Thái tử Bru-nây Ha-gi An Mu-ta-đi Bi-la thăm Việt Nam từ 20-22/3/2006 :

Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, Thái tử Bru-nây Ha-gi An-mu-ta-đi Bi-la sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 20-22/3/2006. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Thái tử.

Chuyến thăm nhằm góp phần tăng cường quan hệ giữa Lãnh đạo Việt Nam và Hoàng gia Bru-nây, thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước, trao đổi các biện pháp hợp tác trong các lĩnh vực trong đó có thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, an ninh quốc phòng và thể thao.

3. Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao thăm Nam Phi từ 10-16/3/2006

Nhận lời mời của Bộ trưởng Phủ Tổng thống Nam Phi Essop Tahad, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Đoàn Mạnh Giao sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam thăm Nam Phi từ ngày 10-16/3/2006. Tham gia đoàn sang Nam Phi lần này còn có nhiều doanh nghiệp Việt Nam.

Chuyến thăm nhằm trao đổi và tăng cường quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nam Phi, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa Văn phòng Chính phủ Việt Nam và Phủ Tổng thống Nam Phi, thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại.

PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI:

1. Phóng viên Blooberg hỏi: Xin khẳng định thông tin cuộc gặp đa phương tiếp theo của Ban Công tác về việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ được diễn ra trong tháng 3 tại Geneva? Xin cho biết các lĩnh vực chính cần phải giải quyết hiện nay?

Trả lời :

Dự kiến phiên đàm phán đa phương về việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ diễn ra vào cuối tháng 3/2006 tại Geneva. Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho phiên đàm phán này. Tại phiên đàm phán này, Việt Nam sẽ cùng Ban Công tác rà soát và hoàn chỉnh dự thảo Báo cáo gia nhập WTO của Việt Nam.

Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới, với những nỗ lực vượt bậc của Việt Nam và sự linh hoạt, thiện chí và hợp tác của các đối tác, Việt Nam có thể đạt được thỏa thuận kết thúc để Việt Nam gia nhập WTO trong thời gian sớm nhất.

2. Câu hỏi của một số phóng viên : Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về báo cáo nhân quyền năm 2005 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, trong đó cho rằng « Tình hình nhân quyền ở Việt Nam tiếp tục chưa tạo thoả mãn » ?

Trả lời :

Báo cáo nhân quyền năm 2005 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa ra nhiều nhận xét sai trái, không khách quan về tình hình nhân quyền Việt Nam, viện dẫn những thông tin phiến diện, sai lệch, không phản ánh đúng thực tế ở Việt Nam. Chúng tôi hoàn toàn bác bỏ những nhận xét sai trái đó.

Trong nhiều năm qua, Nhà nước Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn để người dân được hưởng ngày một tốt hơn và đầy đủ hơn các quyền con người, được dư luận trong và ngoài nước đánh giá cao. Người dân ngày càng tham gia tích cực vào quá trình quản lý xã hội, bày tỏ ý chí và nguyện vọng đối với những sự kiện trọng đại của đất nước. Một minh chứng cụ thể là hiện nay, người dân Việt Nam khắp mọi thành phần, khắp nơi trong nước cũng như ở nước ngoài, đang tham gia đóng góp ý kiến cho các dự thảo văn kiện của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ X, một hoạt động chính trị-xã hội quan trọng của đất nước.

Nhà nước Việt Nam tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của các công dân. Nhiều văn bản pháp quy đã được ban hành và trên thực tế đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo. Tại Việt Nam không có vấn đề đàn áp tôn giáo, phân biệt đối xử về sắc tộc, không có ai bị giam giữ vì bất đồng chính kiến, vì lý do tôn giáo, chỉ có những người vi phạm pháp luật và bị xử lý theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam.

Do sự khác biệt về chế độ chính trị, trình độ phát triển, lịch sử và văn hoá, một điều tất yếu là các nước, trong đó có Việt Nam và Hoa Kỳ, có sự khác biệt về quan điểm và cách đề cập đối với nhân quyền. Việc dùng quan điểm và cách đề cập của mình áp đặt lên các quốc gia khác là điều không thể chấp nhận.

Thực hiện thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước về việc “phát triển mối quan hệ đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trên cơ sở bình đẳng, cùng tôn trọng lẫn nhau và hai bên cùng có lợi", và "tiếp tục đối thoại thẳng thắn và cởi mở về những vấn đề cùng quan tâm", vừa qua, hai nước đã nối lại cuộc đối thoại nhân quyền giữa hai Bộ Ngoại giao.

Chúng tôi mong rằng qua các cuộc đối thoại, tiếp xúc, hai bên sẽ tăng cường hiểu biết, thu hẹp các khác biệt, trong đó có vấn đề tôn giáo, nhân quyền, góp phần phát triển quan hệ phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước.

3. Phóng viên TTXVN: Xin khẳng định tin của một số hãng tin nước ngoài trích lời quan chức Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản, nói rằng " Ngày 1/3/2006, Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đức Lương trong cuộc gặp với Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản Hiroshi Okuda đã có lời xin lỗi về một loạt vụ tranh chấp gần đây giữa công nhân và giới chủ tại các công ty Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam” ?

Trả lời:

Tin của một số hãng thông tấn nước ngoài trích dẫn phát biểu của Chủ tịch nước Trần Đức Lương trong buổi tiếp đoàn đại biểu Liên đoàn các tổ chức kinh tế Nhật Bản ngày 1/3/2006 dựa trên thông tin của một quan chức Liên đoàn này là hoàn toàn sai sự thật.

Tại buổi tiếp này, Chủ tịch nước Trần Đức Lương nói : Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm, lắng nghe các ý kiến của người dân, các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nước ngoài nhằm hoàn thiện các chính sách liên quan phát triển kinh tế và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân. Liên quan đến các vấn đề phát sinh vừa qua tại một số doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trần Đức Lương khẳng định « sự kiện bãi công vừa qua chủ yếu là việc chưa giải quyết thoả đáng quyền lợi cho người lao động », « vấn đề sẽ được giải quyết tốt trong sự hợp tác từ cả ba phía : Chính phủ, doanh nghiệp và người lao động ».

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer