Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 14/12/06

Ngày 14/12/2006, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Dũng đã thông báo một số hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới và trả lời câu hỏi của nhiều phóng viên.

Đoàn Việt Nam ra nước ngoài :

+Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Căm-pu-chia, Lào, Thái Lan và tham dự lễ khánh thành cầu Hữu nghị Mục-đa-hản (Thái Lan)-Sa-va-na-khét (Lào) từ ngày 18-21/12/2006 :

Nhận lời mời của Thủ tướng Căm-pu-chia Samđéc Hun Sen, Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn, Thủ tướng Thái Lan Su-ra-dút Chu-la-nôn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Căm-pu-chia từ ngày 18-19/12/2006; Lào từ ngày 19-20/12/2006; Thái Lan từ ngày 20-21/12/2006 và nhân dịp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng sẽ tham dự Lễ khánh thành cầu Hữu nghị Mục-đa-hản (Thái Lan)-Sa-va-nâ-khét (Lào) vào ngày 20/12/2006. Đây là chuyến thăm xã giao các nước ASEAN theo thông lệ ASEAN.

Chuyến thăm là nhằm khẳng định chính sách của Việt Nam coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt cùng có lợi với các nước ASEAN láng giềng trên cơ sở song phương cũng như trong hợp tác khu vực.

Đoàn nước ngoài vào Việt Nam 

+Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ, vừa và thủ công nghiệp An-giê-ri Mustafa Benbada thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 19-23/12/2006.

Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam Nguyễn Hồng Quân, Bộ trưởng Doanh nghiệp nhỏ, vừa và thủ công nghiệp An-giê-ri, ông Mustafa Benbada sẽ dần đầu đoàn doanh nghiệp An-giê-ri sang thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 19-23/12/2006. Chuyến thăm nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế, tìm hiểu thị trường và thúc đẩy đầu tư, thương mại giữa hai nước Việt Nam-An-giê-ri.

+ Hội nghị Hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Căm-pu-chia lần thứ ba  tại thành phố Long Xuyên, An Giang từ ngày 24-25/12/2006 :

Hội nghị hợp tác phát triển các tỉnh biên giới Việt Nam-Căm-pu-chia lần thứ ba sẽ được tổ chức tại thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang, Việt Nam, từ ngày 24-25/12/2006. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng và Phó Thủ tướng -Căm-pu-chia Sar Khêng sẽ đồng chủ toạ Hội nghị với sự tham dự của nhiều Bộ, ngành, địa phương của hai nước.

MỘT SỐ NÉT CHÍNH TRONG HOẠT ĐỘNG ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM NĂM 2006 VÀ PHƯƠNG HƯỚNG CÔNG TÁC ĐỐI NGOẠI NĂM 2007

Năm 2006 đã diễn ra nhiều hoạt động ngoại giao quan trọng của Nhà nước Việt Nam. Các hoạt động đối ngoại được triển khai một cách chủ động, tích cực, trên nhiều hướng, đã đạt được những thành tựu rất đáng khích lệ, góp phần quan trọng vào việc củng cố môi trường hoà bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế và vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế.

Một là, Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO. Sự kiện này đánh dấu mốc quan trọng trong tiến trình hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào nền kinh tế quốc tế, là sự ghi nhận ở tầm quốc tế về thành công trong sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Đây cũng là kết quả của những nỗ lực rất to lớn của Việt Nam trong việc tích cực và chủ động tham gia vào tiến trình hợp tác quốc tế và khu vực.

Hai là, Việt Nam đăng cai và tổ chức thành công Năm APEC Việt Nam 2006 mà đỉnh cao là Tuần lễ Hội nghị Cấp cao APEC từ 12-19/11/2006. Thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 14 tạo một dấu ấn Việt Nam cả về nội dung và cách tổ chức, góp phần nâng cao hình ảnh sâu đậm về một Việt Nam năng động, cởi mở, mến khách và an toàn ; chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương và đa dạng hoá, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam.

Nhân dịp này, Việt Nam đã đón lãnh đạo cấp cao 5 nước Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga, Chi-lê thăm chính thức và tổ chức hàng loạt các cuộc gặp cấp cao giữa lãnh đạo Việt Nam với lãnh đạo các nền kinh tế thành viên APEC, tạo điều kiện tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương với các đối tác quan trọng hàng đầu ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Qua tổ chức Năm APEC 2006, Việt Nam tranh thủ được nhiều cơ hội để mở rộng thị trường, thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, khoa học, công nghệ, tranh thủ sự hỗ trợ của các thành viên APEC trong những vấn đề như gia nhập WTO, chống cúm gia cầm ; tăng lòng tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế trong hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với Việt Nam.

Ba là, đã có những chuyến biến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Việt Nam với các nước, nhất là các đối tác quan trọng, đi vào chiều sâu ; tranh thủ được nhiều hơn quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.

1. Quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với các nước láng giềng và khu vực, đặc biệt với Trung Quốc, Lào, Căm-pu-chia, có những bước phát triển mới.

+ Về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc : Quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc thời gian qua tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn các cấp; đặc biệt là chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Hồ Cẩm Đào nhân dịp Hội nghị Cấp cao APEC 14 đã góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy giữa lãnh đạo hai nước và đưa quan hệ Việt-Trung lên bước phát triển mới theo phương châm "16 chữ". Hai bên nhất trí cố gắng sớm hoàn thành mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều 10 tỷ USD và đề ra mục tiêu phấn đấu đạt 15 tỷ USD vào năm 2010. Hai bên cũng đang thực hiện các thoả thuận cấp cao hai nước về biên giới lãnh thổ, thúc đẩy giao lưu văn hoá, trao đổi kinh nghiệm phát triển và tuyên truyền giáo dục truyền thống hữu nghị.

+ Về quan hệ Việt Nam-Lào: Quan hệ hữu nghị truyền thống đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Lào tiếp tục được củng cố và tăng cường. Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã thăm Lào (10/2006), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Chum-ma-ly Xay-nha-xỏn đã thăm Việt Nam (6/2006) và Thủ tướng Lào Bua-xỏn Búp-phả-văn thăm Việt Nam (8/2006). Quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại đầu tư giữa hai nước thời gian qua đã có bước phát triển mới, hiệu quả hơn, nhất là trong các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, giao thông vận tải, phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư giữa hai nước có sự khởi sắc đáng kể, với đầu tư trực tiếp của Việt Nam vào Lào với tổng số đăng ký trên 500 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, điện lực, giao thông vận tải.

+ Quan hệ Việt Nam-Căm-pu-chia : Quan hệ giữa Việt Nam và Căm-pu-chia thời gian qua không ngừng được củng cố và phát triển theo phương châm « láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài ». Những thoả thuận đạt được trong chuyến thăm lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước và tại phiên họp thứ 8 Uỷ ban Hỗn hợp Việt Nam-Căm-pu-chia (10/2006) đã góp phần đưa quan hệ hai nước lên một bước phát triển mới. Hai bên đã thoả thuận nhiều biện pháp tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực mà hai bên có tiềm năng và thế mạnh như giáo dục, đào tạo, nông-lâm-ngư nghiệp, công nghiệp và năng lượng, giao thông vận tải ; quyết tâm nâng kim ngạch thương mại hai nước lên 2 tỷ USD năm 2010. Hợp tác giữa các địa phương hai nước, nhất là các tỉnh giáp biên và thành phố có quan hệ kết nghĩa cũng đang được đẩy mạnh.

+ Quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN tiếp tục được củng cố và tăng cường.

2. Quan hệ của Việt Nam với các nước lớn và các nước công nghiệp phát triển, nhất là quan hệ với Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU có những bước phát triển mới tích cực.

+ Quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ tiếp tục có những phát triển quan trọng trên nhiều lĩnh vực như quan hệ kinh tế-thương mại, hợp tác trong các vấn đề y tế, văn hóa, giáo dục và phát triển.

Trao đổi đoàn ở các cấp, các ngành giữa hai nước được thúc đẩy. Nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ G. Bush vừa qua, hai bên đều mong muốn quan hệ song phương phát triển ổn định, xây dựng, có nền tảng rộng lớn trong thời gian tới trên cơ sở bình đẳng về chủ quyền và cùng có lợi. Hai bên cũng trao đổi thẳng thắn về các vấn đề còn khác biệt.

Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục phát triển mạnh. Kim ngạch buôn bán hai nước dự kiến trong cả năm có thể đạt 9 tỷ USD. Tính đến tháng 11/2006, đầu tư của Hoa Kỳ tại Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD, đứng thứ 9 trong tổng số các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ngày 9/12/2006, Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua dự luật về Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn với Việt Nam, đánh dấu việc bình thường hoá hoàn toàn quan hệ song phương giữa hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế thương mại.

+ Quan hệ giữa Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục được đẩy mạnh, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai bên đã thoả thuận nâng quan hệ hợp tác giữa hai nước lên tầm cao mới hướng tới xây dựng "đối tác chiến lược vì hoà bình và phồn vinh ở Châu Á"; đẩy mạnh việc thực hiện Sáng kiến chung Việt-Nhật giai đoạn hai, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều từ 8,5 tỷ USD năm 2005 lên 15 tỷ USD năm 2010; trao đổi về việc thành lập Uỷ ban Hợp tác Việt-Nhật ở cấp Bộ trưởng; nhất trí bắt đầu thảo luận về Hiệp định Đối tác kinh tế song phương năm 2007. Hai bên cũng nhất trí đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực văn hoá, giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ, du lịch, lao động, môi trường; tăng cường hợp tác trên các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế.

+ Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước Liên minh Châu Âu (EU) tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở thực hiện Kế hoạch tổng thể quan hệ Việt Nam-EU (6/2005). Kế hoạch này đã tạo nên một khuôn khổ mới, toàn diện và dài hạn cho quan hệ Việt Nam-EU trong đó hợp tác kinh tế, thương mại là nền tảng, tạo tiền đề và động lực thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực khác. Liên minh châu Âu nói chung và các nước thành viên EU nói riêng là đối tác quan trọng hàng đầu không những về kinh tế, thương mại, đầu tư, phát triển mà cả về chính trị, văn hoá, của Việt Nam. Trao đổi thương mại Việt Nam-EU đạt 8,1 tỷ USD năm 2005. Dự kiến thương mại Việt Nam-EU năm 2006 sẽ đạt 9,2 tỷ USD. Đầu tư của EU vào Việt Nam đạt khoảng 7 tỉ đô la Mỹ. Cam kết tài trợ của các nước từ khu vực này đối với Việt Nam là 935,2 triệu Euro cho năm 2006, tăng 11% so với mức cam kết năm 2005.

+ Quan hệ giữa Việt Nam và Liên bang Nga được củng cố qua chuyến thăm chính thức Việt Nam vừa qua của Tổng thống Nga V.Putin (11/2006). Hai bên nhất trí đẩy mạnh sự hợp tác toàn diện Việt-Nga trên cơ sở phát huy thế mạnh và khả năng của mỗi nước, chú trọng đặc biệt đến vấn đề phát triển hợp tác trong lĩnh vực kinh tế-thương mại, trên nguyên tắc bình đẳng và cùng có lợi, không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác.

+ Nhìn chung quan hệ giữa Việt Nam với các nước trong khu vực Nam Á tiếp tục phát triển tốt đẹp. Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Xri Lan-ka thăm Việt Nam (11/2006). Quan hệ giữa Việt Nam và Ấn Độ tiếp tục được thúc đẩy trên cơ sở chương trình hành động 2004-2006 nhằm xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, tin cậy và lâu dài. Hợp tác Việt Nam-Ấn Độ trong các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, khoa học - kỹ thuật, văn hóa tiếp tục có những bước phát triển mới.

+ Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Ô-xtrây-li-a, Niu Di-lân tiếp tục được củng cố và phát triển. Hai nước đều khẳng định mong muốn tăng cường quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, hợp tác giáo dục, đào tạo với Việt Nam.

3. Quan hệ của Việt Nam với các nước bạn bè truyền thống, các nước khác ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ la tinh được củng cố và mở rộng :

+ Quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác truyền thống với Cu-ba tiếp tục được củng cố qua các cuộc gặp gỡ với lãnh đạo Cu-ba của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp dự Hội nghị Cấp cao Phong trào Không liên kết 14 tại La Ha-ba-na (9/2006).

+ Việt Nam cũng có nhiều biện pháp thúc đẩy quan hệ với các nước Đông Âu, đón Tổng thống Séc (10/2006) ; Tổng thống Xlô-vác-ki-a (10/2006), Thủ tướng Bun-ga-ri (11/2006) và nhiều đoàn quan trọng khác của khu vực vào thăm và đạt một số thoả thuận hợp tác quan trọng.

+ Quan hệ hữu nghị và hợp tác của Việt Nam với các nước ở Châu Phi và Mỹ La tinh tiếp tục được thúc đẩy. Việt Nam cũng đang triển khai nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại, hợp tác chuyên gia, cung cấp lao động với các nước khác ở Châu Phi và Mỹ La tinh.

4. Trong năm qua, công tác ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế cũng được triển khai mạnh mẽ góp phần mở rộng thị trường, tăng thu hút đầu tư nước ngoài, viện trợ phát triển, tăng thêm nguồn lực từ bên ngoài phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.

5. Công tác bảo hộ công dân, pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng là một quan tâm lớn của Nhà nước Việt Nam trong điều kiện đẩy mạnh hội nhập quốc tế và khu vực. Một ví dụ minh chứng cho hoạt động này là việc Việt Nam đã triển khai các biện pháp hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) tổ chức cho các công dân Việt Nam lao động tại Li-băng có nguyện vọng được sơ tán, hồi hương an toàn.

IV. Phương hướng công tác đối ngoại trong thời gian tới :

Với việc Việt Nam gia nhập WTO và hội nhập ngày càng sâu rộng hơn vào kinh tế khu vực và quốc tế, công tác đối ngoại của Việt Nam trong thời gian tới sẽ tập trung vào một số trọng tâm sau :

1. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện khuôn khổ quan hệ hợp tác nhiều mặt với các nước, nhất là các nước láng giềng khu vực, các nước lớn và các đối tác quan trọng; tạo bước chuyển biến mới trong quan hệ hợp tác theo hướng đưa các mối quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, ổn định, bền vững.

2. Chủ động và tích cực hội nhập sâu hơn và đầy đủ hơn với các thể chế kinh tế toàn cầu, khu vực và song phương ; chuẩn bị tốt các điều kiện để tranh thủ thuận lợi, vượt qua thách thức sau khi gia nhập WTO ; thực hiện các cam kết với các nước về thương mại, đầu tư, mở cửa thị trường.

3.Tăng cường việc xây dựng và tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư, ODA, mở rộng thị trường cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam ; đẩy mạnh công tác ngoại giao phục vụ kinh tế, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác đối ngoại trong thời gian tới.

4. Xây dựng và củng cố đường biên giới hoà bình, hợp tác và phát triển với các nước láng giềng, tạo môi trường thuận lợi cho việc xây dựng và bảo vệ đất nước.

5. Tăng cường hoạt động trên các diễn đàn đa phương ở khu vực và trên thế giới, mở rộng sự hợp tác nhiều mặt với các tổ chức khu vực và quốc tế, chủ động tham gia giải quyết các vấn đề toàn cầu, nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế ; tích cực hướng tới mục tiêu ứng cử làm Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp quốc khoá 2008-2009.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Các tin liên quan:

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer