Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao ngày 05.02.2009
(Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2009)
+ Đại Công tước Công quốc Luých-xem-bua thăm chính thức Việt Nam.
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Đại Công tước Đại Công quốc Luých-xem-bua Hen-ri (Henry) sẽ thăm Việt Nam từ ngày 15-18/2/2009. Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam đầu tiên của Đại Công tước Hen-ri trên cương vị người đứng đầu nhà nước Luých-xem-bua. (Tháng 11/1995, Đại Công tước Hen-ri đã từng sang thăm Việt Nam với tư cách là Đại Công tước kế vị).
Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai nước. Hai bên sẽ trao đổi phương hướng và biện pháp cụ thể thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư, tài chính, hợp tác phát triển. Chuyến thăm cũng góp phần tăng cường quan hệ của Việt Nam với Liên minh Châu Âu.
Quan hệ Việt Nam - Luých-xăm-bua thời gian qua phát triển tốt đẹp. Việt Nam hiện là một trong 10 nước trọng điểm trong chương trình hợp tác phát triển của Chính phủ Luých-xăm-bua. Luých-xăm-bua hiện có 15 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn trên 800 triệu đôla.
+ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức Các Tiểu Vương Quốc A-rập Thống nhất.
Nhận lời mời của Phó Tổng thống kiêm Thủ tướng Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) Mô-ha-mét Bin Ra-sít An Mác-tum (Mohammed bin Rashid al Maktoum), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ thăm chính thức Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất từ ngày 15-18/2/2009. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993.
Chuyến thăm nhằm củng cố và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt giữa VN và UAE, đưa quan hệ hai nước đi vào chiều sâu, ổn định; tạo bước đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại; thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có tiềm năng và yêu cầu, như: năng lượng, lao động, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp. Nhân chuyến thăm, hai bên sẽ ký kết các văn kiện tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh giữa VN và UAE. Hai bên cũng bàn các biện pháp tăng cường sự hợp tác và phối hợp lẫn nhau trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.
+ Hoàng Thái tử Nhật Bản Naruhito thăm chính thức Việt Nam.
Nhận lời mời của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Hoàng Thái tử Nhật Bản Na-ru-hi-tô (Naruhito) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 9-15/2/2009.
Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Hoàng Thái tử Nhật Bản Na-ru-hi-tô nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa Hoàng gia Nhật Bản với Lãnh đạo Việt Nam, đồng thời góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lên một tầm cao mới hướng tới quan hệ đối tác chiến lược. Đây cũng là dịp để Hoàng Thái tử Nhật Bản tìm hiểu thêm về đất nước, con người, truyền thống văn hóa, lịch sử của Việt Nam.
Sau 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đang trong thời điểm phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Năm 2008, hai nước đã kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định đối tác kinh tế Việt - Nhật; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động giao lưu chính trị, kinh tế và văn hóa kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Câu hỏi: Ngày 02/02/2009, Hạ viện Phi-líp-pin đã thông qua dự luật HB 3216 về đường cơ sở mới của Phi-líp-pin trong đó đưa một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa và bãi cạn Scarborough vào hệ thống đường cơ sở của Phi-líp-pin. Trước đó, ngày 27/01/2009, Thượng viện Phi-líp-pin đã thông qua dự luật SB 2699 không bao gồm các đảo này trong đường cơ sở và các đảo này được quản lý theo "quy chế các đảo" của điều 121, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc này?
Trả lời:
Quan điểm của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là rõ ràng.
Chúng tôi cho rằng trong khi tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho các tranh chấp đối với hai quần đảo này, các bên liên quan cần tuân thủ Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 và "Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông" (DOC), không có hành động làm phức tạp thêm tình hình, góp phần duy trì hòa bình, ổn định ở khu vực.
2. Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Việt Nam trước tin nói Nhật Bản sẽ sớm nối lại các khoản ODA mới cho Việt Nam?
Trả lời:
Cho đến thời điểm này, chúng tôi chưa nhận được thông tin chính thức nào từ phía Nhật Bản liên quan đến thông tin nói rằng Nhật Bản sẽ sớm nối lại ODA cho Việt Nam.
Nếu đúng như vậy, đây là một tín hiệu đáng khích lệ, cho thấy kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản trong việc tăng cường các biện pháp phòng chống tham nhũng trong các dự án ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng Nhật Bản sẽ sớm công bố quyết định nối lại ODA cho Việt Nam.
Về sự hợp tác của hai bên, tháng 12/2008, tại cuộc họp lần thứ 2 UB hỗn hợp VN - Nhật Bản về phòng chống tham nhũng liên quan đến ODA Nhật Bản, hai bên đã dự thảo báo cáo về các biện pháp cụ thể phòng chống tham nhũng, tăng cường hiệu quả sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Hiện Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đang xem xét báo cáo này.
Trong thời gian tới, sau khi các biện pháp được thông qua, chúng tôi sẽ triển khai thực hiện nhằm tăng cường phòng chống tham nhũng liên quan đến các dự án ODA tại VN và tăng cường sử dụng hiệu quả hơn nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
3. Câu hỏi: Xin cho biết thời gian tổ chức Lễ mừng công phân giới cắm mốc biên giới đất liền VN-TQ?
Trả lời:
Lễ mừng công hoàn thành công tác phân giới cắm mốc biên giới trên đất liền giữa VN- TQ dự kiến sẽ được tổ chức tại khu vực cửa khẩu Hữu Nghị - Hữu Nghị Quan vào cuối tháng 2/2009
Hiện chúng tôi đang phối hợp với phía Trung Quốc chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |