HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 14
(Hà Nội, ngày 08 tháng 9 năm 2011)
PHẦN THÔNG BÁO
I. Các đoàn Việt Nam ra nước ngoài
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm hữu nghị chính thức Lào và đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào (09-10/09/2011)
Nhận lời mời của Thủ tướng nước CHDCND Lào Thong – xỉnh Thăm-ma-vông, Thủ tướng Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng và phu nhân sẽ thăm hữu nghị chính thức CHDCND Lào và đồng chủ trì Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam – Lào từ ngày 09-10/09/2011.
Chuyến thăm CHDCND Lào của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam-Lào.
Trong chuyến thăm, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trao đổi với Lãnh đạo Lào về các biện pháp tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực và đề ra các phương hướng lớn về hợp tác kinh tế, đầu tư, thương mại giữa hai nước trong thời gian tới. Hai bên cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm.
2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức In-đô-nê-xi-a (13-14/09/2011)
Nhận lời mời của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Xu-xi-lô Bam-bang Giu-đô-giô-nô, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ dẫn đầu đoàn Việt Nam thăm chính thức In-đô-nê-xi-a từ ngày 14-15/09/2011.
Chuyến thăm chính thức In-đô-nê-xi-a của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhằm tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và In-đô-nê-xi-a.
Nhân dịp này, Lãnh đạo Cấp cao hai bên sẽ thảo luận phương hướng tăng cường hợp tác trên tất cả các lĩnh vực và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cũng quan tâm.
3. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải thăm Ai-xơ-len, Thụy Sỹ và Đức (05-16/09/2011)
Nhận lời mời của Chính phủ Cộng hòa Ai-xơ-len và Liên bang Thụy Sĩ, Phó Thủ tướng nước CHXHCN Việt Nam Hoàng Trung Hải sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam thăm chính thức Cộng hòa Ai-xơ-len từ ngày 8-10/9/2011 và Liên bang Thụy Sĩ từ ngày 11-15/9/2011.
Các chuyến thăm này nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam với các nước này.
4. Việt Nam tham dự các hoạt động lớn trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) 2011
4.1 Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng và Thứ trưởng thường trực Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức sẽ tham dự Hội nghị liên Bộ trưởng Giao thông – Năng lượng lần thứ nhất sẽ diễn ra ngày 13/09/2011 tại San Francisco (Hoa Kỳ).
4.2 Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Ngô Thịnh Đức dẫn đầu sẽ tham dự Hội nghị Bộ trưởng Giao thông vận tải sẽ được tổ chức ngày 14/09/2011 tại San Francisco (Hoa Kỳ).
4.3 Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội kiêm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam Phạm Thị Hải Chuyền sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Đối thoại chính sách cao cấp lần thứ nhất về Phụ nữ và Phát triển Kinh tế sẽ được tổ chức từ 15-16/09/2011 tại San Francisco (Hoa Kỳ).
II. Các đoàn khách nước ngoài vào Việt Nam
1. Bộ trưởng Ngoại giao Xinh-ga-po thăm Việt Nam (08-10/09/2011)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Xinh-ga-po K.Shanmugam sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 08-10/09/2011.
Trong chuyến thăm, hai bên sẽ thông báo cho nhau về tình hình phát triển kinh tế-xã hội mỗi nước trong thời gian qua, trao đổi và bàn về các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác giữa hai nước nói chung và hai Bộ Ngoại giao nói riêng trong thời gian tới.
2. Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ thăm Việt Nam
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ S.M.Krishna sẽ thăm chính thức Việt Nam và cùng Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 14 Ủy ban Hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ Việt Nam - Ấn Độ từ ngày 15-17/09/2011.
Nhân dịp này, hai bên sẽ kiểm điểm lại tình hình hợp tác giữa hai nước trong thời gian vừa qua và đề ra các phương hướng hợp tác trong thời gian tới cũng như trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Câu hỏi:
Đề nghị cho biết về tình hình cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi hiện nay?
Trả lời:
Nhờ sự giúp đỡ của các nước, các Tổ chức quốc tế, đặc biệt là bạn bè Li-bi, Đại sứ và toàn bộ cán bộ, nhân viên của Đại sứ quán Việt Nam tại Tri-pô-li đã tạm thời rời khỏi Li-bi. Hoạt động của Đại sứ quán Việt Nam tại Li-bi sẽ được khôi phục khi tình hình ổn định trở lại.
2. Câu hỏi:
Đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước một số ý kiến cho rằng “Chính phủ Việt Nam chưa có bước đi thỏa đáng trong việc hòa hợp với những người Việt Nam từng ủng hộ chế độ cũ tại Miền Nam Việt Nam trước đây và hiện đang định cư tại nước ngoài”?
Trả lời:
Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu chung “độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, một nước Việt Nam giàu mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gắn bó và đóng góp cho quê hương, đất nước như ban hành quy chế miễn thị thực cho kiều bào, quy định thông thoáng về đầu tư, về quốc tịch, xuất nhập cảnh, cư trú, mua nhà ở, đất ở tại Việt Nam với nhiều ưu đãi…Những chính sách, biện pháp này được áp dụng cho tất cả những người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, không phân biệt những người đã từng cộng tác với chính quyền Miền Nam Việt Nam trước đây.
Nhiều người Việt Nam ở nước ngoài đã về nước thăm quê hương, giao lưu, hợp tác, đầu tư kinh doanh và hoạt động trong nhiều lĩnh vực, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.