Thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 1 năm 2012 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao
Bộ Ngoại giao
Vụ Thông tin Báo chí
HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 1
(Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2012)
I. PHẦN THÔNG BÁO
Quốc vương Ca-ta Ha-mát Bin Kha-li-pha An Tha-ni thăm chính thức Việt Nam (Từ ngày 16-17/01/2012)
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Quốc vương Ca-ta Ha-mát Bin Kha-li-pha An Tha-ni (Hamad Bin Khalifa Al Thani) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 – 17/01/2012. Đây là chuyến thăm cấp cao nhất của Lãnh đạo Ca-ta tới Việt Nam kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1993.
Chuyến thăm nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Ca-ta nói riêng và các nước thuộc Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) nói chung. Hai bên sẽ trao đổi các biện pháp nhằm thúc đẩy hợp tác song phương trên tất cả các lĩnh vực: chính trị - ngoại giao, kinh tế, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục – đào tạo; trao đổi các vấn đề khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Dự kiến, Quốc vương Ca-ta Ha-mát Bin Kha-li-pha An Tha-ni sẽ hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, hội kiến với Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam, tham dự “Diễn đàn Doanh nghiệp” và thăm một số cơ sở kinh tế, văn hóa tại Hà Nội.
PHẦN TRẢ LỜI CÂU HỎI CỦA PHÓNG VIÊN
1. Câu hỏi:
Đề nghị cho biết đánh giá hoạt động đối ngoại năm 2011 và phương hướng hoạt động năm 2012?
Trả lời:
Trong bối cảnh tình hình thế giới có những diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, kinh tế thế giới phục hồi chậm, tác động không thuận đến kinh tế Việt Nam, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đối ngoại nổi bật. Đại Hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra chủ trương “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” và “Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”. Với chủ trương này, hoạt động đối ngoại được triển khai một cách toàn diện, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa – xã hội v.v… và ở mọi cấp độ song phương, khu vực, đa phương và toàn cầu.
Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh quan hệ, hợp tác nhiều mặt với các nước láng giềng như Lào, Campuchia, Trung quốc, các nước ASEAN, và các đối tác quan trọng; tiếp tục tham gia chủ động, tích cực các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, đóng góp vào các nỗ lực chung toàn cầu vì hòa bình và an ninh quốc tế, an ninh lương thực, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng và an ninh hạt nhân và giải quyết những thách thức toàn cầu.
Việc lãnh đạo cấp cao Việt Nam có một loạt các chuyến thăm chính thức tới các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và bạn bè truyền thống đã góp phần đưa quan hệ của Việt Nam với các nước đi vào chiều sâu, ổn định, thực chất, hiệu quả, nâng tầm quan hệ của Việt Nam với một số đối tác quan trọng.
Ngành ngoại giao đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành xử lý hài hòa các vấn đề liên quan đến biên giới, lãnh thổ, góp phần giữ vững chủ quyền và lợi ích của đất nước, giữ vững quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, duy trì hòa bình, ổn định và hợp tác trong khu vực.
Ngành ngoại giao cũng đặc biệt chú trọng tới công tác bảo hộ công dân, nhanh chóng, kịp thời xử lý tốt nhiều trường hợp liên quan đến tính mạng và tài sản của công dân ta ở nước ngoài; tiếp tục tham mưu về tình hình kinh tế thế giới phục vụ lãnh đạo cấp cao trong công tác chỉ đạo, điều hành kinh tế trong nước, tranh thủ tối đa nguồn lực từ bên ngoài để phục vụ ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế đất nước; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế; triển khai nhiều biện pháp thiết thực hỗ trợ người Việt Nam sinh sống tại nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con có điều kiện phát triển tại nước sở tại cũng như về thăm, làm ăn, sinh sống ở quê hương.
Trong năm 2012, ngành ngoại giao sẽ tập trung vào một số trọng tâm sau: triển khai mạnh mẽ nền ngoại giao toàn diện và chủ trương chủ động tích cực hội nhập quốc tế của Đại hội XI; tiếp tục đưa quan hệ giữa Việt Nam với các nước láng giềng, khu vực, các nước lớn và các nước bạn bè truyền thống đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững; tăng cường hơn nữa sự tin cậy, hợp tác nhiều mặt vì lợi ích chung với các nước; phát huy vị thế, vai trò tại các diễn đàn đa phương; tham gia chủ động, tích cực và có trách nhiệm tại ASEAN, APEC, ASEM, Liên hợp quốc và các cơ chế liên quan; giữ vững hòa bình, ổn định, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và lợi ích của đất nước tại Biển Đông.
2. Câu hỏi:
Ông vừa nói ngành ngoại giao hết sức chú trọng tới công tác bảo hộ công dân, nhanh chóng, kịp thời xử lý tốt nhiều trường hợp liên quan đến tính mạng và tài sản của công dân ta ở nước ngoài. Xin ông cho biết thêm thông tin và phương hướng của công tác bảo hộ công dân trong năm 2012?
Trả lời:
Trong năm qua và đầu năm nay có rất nhiều vụ việc liên quan đến công tác bảo hộ công dân như: tình hình ở Li-bi, động đất sóng thần ở Nhật Bản và gần đây nhất là vụ tàu Vinalines Queen, việc ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ. Trong tất cả các vụ việc liên quan đến công dân Việt Nam, Bộ Ngoại giao đã luôn hết sức chủ động, phối hợp với các bộ, ngành trong nước, đồng thời nhanh chóng chỉ đạo các CQĐD của ta ở các nước phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại xử lý thỏa đáng các vụ việc liên quan, góp phần đảm bảo an toàn, tính mạng, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam. Đáng kể nhất là việc Bộ Ngoại giao phối hợp với các bộ ngành và các Đại sứ quán Việt Nam ở các nước sơ tán an toàn hơn 10.000 công dân Việt Nam ra khỏi Li-bi, sơ tán công dân Việt Nam ra khỏi vùng thảm họa động đất, sóng thần ở Nhật Bản, đã can thiệp, hỗ trợ đưa về nước 1094 ngư dân cùng 113 tàu cá bị các nước trong khu vực Đông Nam Á bắt giữ. Gần đây nhất, Bộ Ngoại giao đã khẩn trương phối hợp, vận động nỗ lực quốc tế trong việc tìm kiếm cứu nạn các thủy thủ tàu Vinalines Queen. Trong năm 2012 và trong thời gian tới, bảo hộ công dân tiếp tục là một trong những trọng tâm ưu tiên trong công tác của Bộ Ngoại giao.
3. Câu hỏi:
Xin cho biết thêm thông tin thêm về 23 thuyền viên Việt Nam gặp nạn trên tàu Jung Woo 2 của Hàn Quốc?
Trả lời:
Tiếp theo thông tin liên quan đến 23 thuyền viên Việt Nam gặp nạn trên tàu Jung Woo 2 của Hàn Quốc mà chúng tôi đã cung cấp cho báo chí ngày 11/01/2012, Bộ Ngoại giao và thương mại New Zealand và Trung tâm phối hợp Cứu hộ New Zealand (RCCNZ) cho biết thêm : 03 thuyền viên bị mất tích được cho là đã chết trong khoang tàu; 04 thuyền viên khác bị bỏng và đã được chuyển lên tàu nghiên cứu Nathaniel B.Palmer của Mỹ để đưa về Trung tâm nghiên cứu Mc Murdo của Mỹ ở Nam Cực. Tối nay, máy bay cứu hộ chở theo các bác sỹ và phiên dịch sẽ cất cánh lúc 21h30 (giờ địa phương) đi đón các thủy thủ bị thương về bệnh viện Christchurch để chăm sóc y tế. Toàn bộ số thủy thủ Việt Nam còn lại hiện đang phục hồi sức khỏe và sẽ được đưa về sau cùng cũng các thủy thủ khác. Dự kiến nếu thời tiết thuận lợi, tàu chở các thủy thủ được cứu sẽ cập cảng Lyttelton, Christchurch ngày 19/01/2012.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu Đại sứ quán Việt Nam tại New Zealand khẩn trương tiếp tục làm việc cụ thể với các cơ quan chức năng sở tại thực hiện các biện pháp giúp đỡ, bảo hộ công dân cần thiết đối với các thuyền viên Việt Nam, đồng thời chỉ đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc tích cực làm việc với đơn vị chủ tàu nhằm giải quyết thỏa đáng quyền lợi của các thuyền viên Việt Nam.
4. Câu hỏi:
Đề nghị cho biết thông tin về việc tàu CM 99219 TS bị phía Thái Lan bắt giữ?
Trả lời:
Theo thông tin từ Hải quân Hoàng gia Thái Lan, ngày 02/01/2012, tàu cá của Cà Mau mang số hiệu CM 99219 TS có 11 ngư dân trên tàu đã bị tàu Hải quân Hoàng gia Thái Lan mang số hiệu 542 bắt giữ do vi phạm vùng biển Thái Lan.
Trong quá trình bắt giữ, tàu cá Việt Nam và tàu Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã có va chạm khiến tàu cá Việt Nam bị chìm. Tàu Hải quân Hoàng gia Thái Lan đã tiến hành cứu vớt 10 ngư dân; thuyền trưởng Nguyễn Văn Hiếu được tàu cá khác cứu vớt, đưa vào bờ. Hiện nay, tàu cá và các ngư dân đã an toàn, đang bị giữ tại tỉnh Trat và sẽ bị xét xử theo đúng các quy định của pháp luật Thái Lan.
Hiện nay, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan đang khẩn trương làm việc với các cơ quan chức năng sở tại xác minh rõ vụ việc và sẽ tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân.
5. Câu hỏi:
Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Hoa Kỳ công bố chiến lược quốc phòng mới, trong đó đề cập đến việc Hoa Kỳ sẽ mở rộng sự hiện diện quân sự tại Châu Á?
Trả lời:
Hòa bình, ổn định và phát triển là nguyện vọng chung của các nước trong khu vực. Việt Nam hoan nghênh các nỗ lực đóng góp vào việc tăng cường hòa bình, ổn định và phát triển tại Châu Á – Thái Bình Dương và sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước để phấn đấu vì những mục tiêu này.
6. Câu hỏi:
Đề nghị cho biết thông tin về đối thoại nhân quyền Việt Nam – EU ngày 12/01/2012?
Trả lời:
Với chủ trương Việt Nam sẵn sàng đối thoại với các nước và các tổ chức quốc tế về lĩnh vực nhân quyền, thực hiện thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao Việt Nam và Cơ quan đối ngoại của Liên minh châu Âu, Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức Đối thoại nhân quyền Việt Nam – EU vào ngày 12/1/2012, tại Hà Nội. Tại phiên đối thoại này, hai bên trao đổi những vấn đề cùng quan tâm về các quyền con người, như quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền của các dân tộc thiểu số và vấn đề người nhập cư… Từ năm 2002 đến nay, Đối thoại nhân quyền Việt Nam - EU đã đóng vai trò là diễn đàn quan trọng, thúc đẩy trao đổi thông tin và tăng cường hiểu biết lẫn nhau trong lĩnh vực chính sách và thành tựu nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |