Trang chủ     Đăng ký nhận tin    Ý kiến bạn đọc   Liên kết website English 
Thứ ba, ngày 24 tháng 12 năm 2024 Tìm kiếm
 Tìm kiếm nâng cao

Nội dung thông báo tại cuộc họp báo thường kỳ lần thứ 14 năm 2013 của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao


HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN THỨ 14
(Hà Nội, ngày 7 tháng 11 năm 2013)

THÔNG BÁO

1. Tổng thống Liên bang Nga V. Putin thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (12/11)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sẽ thăm cấp Nhà nước Việt Nam vào ngày 12/11/2013.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Liên bang Nga đang phát triển hết sức tốt đẹp.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Putin sẽ hội đàm, trao đổi các phương hướng lớn nhằm tiếp tục thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước phát triển sâu, rộng và thực chất trên tất cả các lĩnh vực. Hai nhà lãnh đạo cũng sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Dự kiến, một số văn kiện hợp tác sẽ được ký kết nhân dịp này.

Tổng thống Putin cũng sẽ hội kiến với các nhà lãnh đạo cấp cao Việt Nam, và tham dự Lễ khai mạc Những ngày văn hóa Nga tại Việt Nam. 

2. Tổng thống Cộng hòa Namibia thăm chính thức Việt Nam (18-20/11)

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Ngài Hifikepunye Pohamba, Tổng thống nước Cộng hòa Namibia sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến 20/11/2013.

Chuyến thăm nhằm thúc đẩy quan hệ hữu nghị truyền thống Việt Nam – Namibia trên các lĩnh vực kinh tế - đầu tư – thương mại, nông lâm nghiệp, giáo dục, giao thông – vận tải.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Namibia sẽ hội đàm và chứng kiến lễ ký một số văn kiện hợp tác.

Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm, Tổng thống Namibia sẽ chào xã giao Lãnh đạo cấp cao Việt Nam, tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Namibia.

3. Phó Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc thăm chính thức Việt Nam (14-15/11)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bà Noeleen Heyzer, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc kiêm Thư ký điều hành Ủy ban Kinh tế - Xã hội châu Á – Thái Bình Dương (ESCAP) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 14 đến 15/11/2013.

Bà Noeleen Heyzer và Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ hội đàm, đánh giá những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong thời gian qua cũng như những khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải, nhằm nâng cao hiệu quả hợp tác và hỗ trợ của ESCAP đối với Việt Nam.

Nhân dịp này, Bà Noeleen Heyzer sẽ tham dự và phát biểu tại Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21” do Bộ Ngoại giao tổ chức với tư cách là diễn giả chính.

4. Tổng Giám đốc UNDP thăm Việt Nam (6-10/11)

Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Tổng Giám đốc Chương trình phát triển Liên hợp quốc UNDP kiêm Chủ tịch Nhóm các tổ chức phát triển Liên hợp quốc UNDG, bà Helen Clark thăm chính thức Việt Nam từ ngày 6-10/11/2013.

Bà Helen Clark và Bộ trưởng Phạm Bình Minh sẽ hội đàm, đánh giá quá trình thực hiện Sáng kiến Thống nhất hành động, Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ (MDGs) tại Việt Nam, trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa UNDP và Việt Nam trong thời gian tới. 

Bà Helen Clark sẽ cùng Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tham dự Hội nghị các Trưởng đại diện UNDG và Hội nghị Quản lý của UNDP khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

5. Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21” (15/11)

Nhân dịp kỷ niệm 15 năm Việt Nam gia nhập Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC (1998-2013), Bộ Ngoại giao sẽ tổ chức Hội nghị “APEC trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21” tại Hà Nội vào ngày 15/11/2013.

Hội nghị lần này sẽ thảo luận, đánh giá thực chất vai trò, triển vọng của APEC và xu thế liên kết kinh tế khu vực; rà soát tổng thể những đóng góp của Việt Nam đối với APEC trong 15 năm qua; từ đó đưa ra những đề xuất để nâng cao hơn nữa vai trò và đóng góp của Việt Nam trong APEC.

Hội nghị có sự tham dự của Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc Noeleen Heyzer và cựu Ngoại trưởng Úc Alexander Downer với tư cách là diễn giả chính, các khách mời quốc tế, các diễn giả trong nước và hơn 100 đại biểu.

6. Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 (11-12/11)

Từ ngày 11 - 12/11/2013, tại Hà Nội, Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 5 với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”.  Hội thảo lần này thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện chính phủ, học giả, chuyên gia đến từ các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Úc...

Hội thảo là dịp để các đại biểu, học giả trao đổi, tăng cường hiểu biết về lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông; đề xuất các biện pháp tăng cường an ninh và hợp tác ở Biển Đông.

TRẢ LỜI CÂU HỎI

1. Câu hỏi: Xin cho biết quan điểm của Việt Nam khi tham gia ứng cử trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc?   

Trả lời:

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người trong tất cả các lĩnh vực dân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Quyền con người được phát huy và sự tham gia tích cực của người dân vào mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội của đất nước là nhân tố quan trọng của thành công của công cuộc đổi mới ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Việt Nam mong muốn tham gia vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc khóa 2014 - 2016 để đóng góp tích cực hơn vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên thế giới.

Việt Nam tin tưởng vào khả năng của mình đảm đương vai trò thành viên Hội đồng Nhân quyền và cam kết sẽ đóng góp tích cực vào công việc chung của Hội đồng để nâng cao tính hiệu quả, minh bạch, khách quan, cân bằng trên tinh thần đối thoại, hợp tác, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau.

2. Câu hỏi: Xin cho biết khi nào Việt Nam sẽ tham gia Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người?

Trả lời:

Việt Nam luôn tích cực tham gia và có nhiều đóng góp thiết thực vào 3 lĩnh vực thuộc quan tâm chung của Liên Hợp Quốc là hòa bình – an ninh, phát triển và bảo đảm quyền con người.

Ngày 5/11/2013, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết 118/NQ-CP quyết định ủy quyền Trưởng phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc ký Công ước của Liên Hợp Quốc về chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người. Việc tham gia Công ước này thể hiện Việt Nam tôn trọng và nghiêm túc thực hiện các cam kết trong lĩnh vực quyền con người trong khuôn khổ cơ chế kiểm điểm định kỳ (UPR), cũng như những cam kết của Việt Nam khi tự nguyện ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

3. Câu hỏi: Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về thông tin cơ quan tình báo Mỹ và đại sứ quán Úc tại các nước nghe lén điện thoại ở một số nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương?

Trả lời:

Việt Nam rất quan ngại về những thông tin trên và đã đề nghị các bên liên quan xác minh, xử lý vấn đề, bảo đảm quan hệ giữa Việt Nam với các nước tiếp tục phát triển tốt đẹp./.

 
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail

Bản quyền của Vụ Thông Tin Báo Chí - Bộ Ngoại Giao
© Copyright by Press and Information Department - Vietnam Ministry of Foreign Affairs
Email: Banbientap@mofa.gov.vn 
Hiển thị tốt nhất với Internet Explorer. Best viewed with Internet Explorer