Họp báo thường kỳ lần thứ 5 năm 2014
I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á và thăm làm việc Phi-líp-pin (21-22/5/2014)
Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Phi-líp-pin Ben-nin-no A-qui-nô (Benigno Aquino) và Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới Cơ-lau-xơ Xơ-oáp (Klaus Schwab), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 (WEF Đông Á 2014) và thăm làm việc tại Phi-líp-pin từ ngày 21- 22/5/2014.
Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2014 có chủ đề “Thúc đẩy sự tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều”, tập trung thảo luận các nội dung như tăng trưởng vì tiến bộ đồng đều, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng hướng tới phát triển bền vững và nhận diện kết nối khu vực. Dự kiến, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên Khai mạc toàn thể và dự một số phiên thảo luận khác.
Trong khuôn khổ chuyến thăm làm việc Phi-líp-pin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng dự kiến sẽ hội đàm với Tổng thống Phi-líp-pin, chào xã giao lãnh đạo cấp cao Phi-líp-pin và đặt vòng hoa tại Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Công viên ASEAN.
2. Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA) (20-22/5/2014)
Nhận lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ tư về phối hợp hành động và các biện pháp củng cố lòng tin ở Châu Á (CICA) tại Thượng Hải, Trung Quốc từ ngày 20 – 22/5/2014.
CICA là diễn đàn mở được thành lập năm 1992 theo sáng kiến của Tổng thống Ca-dắc-xtan Na-da-bai-ép nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nước thành viên trên các vấn đề quan trọng ở châu Á. Hội nghị Thượng đỉnh CICA được tổ chức 4 năm một lần. Hội nghị lần này có chủ đề “Tăng cường đối thoại, lòng tin và phối hợp vì một châu Á mới hòa bình, ổn định và hợp tác”.
Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị CICA lần thứ tư nhằm thể hiện trách nhiệm và thiện chí của Việt Nam trong các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm; quảng bá hình ảnh Việt Nam phát triển năng động và góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác với các nước thành viên CICA. Dự kiến, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan sẽ có bài phát biểu tại Hội nghị.
3. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị Quốc tế “Tương lai châu Á” (23-24/05/2014)
Nhận lời mời của Chủ tịch, Tổng Giám đốc báo Nikkei, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam sẽ tham dự Hội nghị quốc tế “Tương lai Châu Á” lần thứ 20 do báo Nikkei tổ chức tại Tô-ki-ô, Nhật Bản từ ngày 22-23/5/2014.
Hội nghị là một trong những diễn đàn thường niên có uy tín ở Châu Á với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao và chính khách các nước châu Á cũng như các tập đoàn lớn trên thế giới; thảo luận về những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của các nước châu Á.
Việt Nam tham dự Hội nghị nhằm thảo luận và trao đổi với các nhà lãnh đạo khu vực về các giải pháp ứng phó với các thách thức đặt ra đối với sự phát triển của châu Á, thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản, tham khảo chính sách, kinh nghiệm của các nước trong phát triển đất nước cũng như giải quyết các thách thức đặt ra trong quá trình phát triển.
4. Tổng thống Cộng hòa A-déc-bai-gian In-ham A-li-ép thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam (18-20/5/2014
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, Tổng thống Cộng hòa A-déc-bai-gian In-ham A-li-ép (Ilham Aliyev) sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ 18 - 20/5/2014.
Chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống A-déc-bai-gian là cơ hội để lãnh đạo hai nước trao đổi các biện pháp tăng cường quan hệ, hợp tác song phương nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch và phối hợp hành động tại các diễn đàn quốc tế.
5. Cập nhật thông tin về việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương – 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam
Từ ngày 01/5/2014, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu Hải Dương - 981 cùng hơn 80 tàu vũ trang, tàu và máy bay quân sự hộ tống đi vào vùng biển Việt Nam, hạ đặt trái phép giàn khoan này tại vị trí nằm hoàn toàn bên trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam được xác định theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc. Đáp lại giao thiệp và thiện chí của Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục duy trì và mở rộng hoạt động sai trái, điều thêm nhiều tàu và máy bay đến khu vực nói trên. Theo các cơ quan chức năng của Việt Nam, tính đến ngày hôm nay, Trung Quốc vẫn duy trì sự hiện diện của nhiều tàu quân sự, hải cảnh, hải giám, hải tuần, ngư chính, tàu cá vỏ sắt, các tàu dịch vụ cùng sự hỗ trợ của nhiều máy bay tại khu vực xung quanh giàn khoan Hải Dương - 981. Trong khi các tàu công vụ, tàu dân sự của Việt Nam hết sức kiềm chế thì Trung Quốc tiếp tục có những hành động hung hăng, đưa tàu, máy bay đến uy hiếp, dùng vòi rồng có công suất lớn nhằm vào các tàu công vụ của Việt Nam đang thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, gây hư hại nhiều tàu và làm nhiều người bị thương.
Tiếp tục các biện pháp đấu tranh ngoại giao kiên quyết, ngày 11/5/2014, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 24 tại Mi-an-ma, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng nhấn mạnh vụ việc là mối đe dọa trực tiếp đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Đông. Các văn kiện của Hội nghị Cấp cao ASEAN đã nêu vấn đề Biển Đông. Trước đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN (AMM), lần đầu tiên từ năm 1995, Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN đã ra Tuyên bố riêng về tình hình Biển Đông, qua đó thể hiện rõ sự đoàn kết, vai trò trung tâm, tinh thần chủ động, trách nhiệm cao và quan ngại sâu sắc của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và an ninh ở khu vực.
Việt Nam cực lực phản đối việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương - 981 tại khu vực nằm sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đây là hoạt động vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 cũng như tinh thần và lời văn Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC). Trong bối cảnh các nước trong và ngoài khu vực đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp và nỗ lực trong việc thúc đẩy tham vấn tích cực và thực chất nhằm tiến tới một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC), hành động của Trung Quốc đã làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hợp tác và phát triển ở khu vực. Việt Nam kiên quyết yêu cầu phía Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương - 981 cùng toàn bộ tàu và máy bay ra khỏi vùng biển của Việt Nam và không để tái diễn những hành vi tương tự.
Nhân đây, Việt Nam xin gửi lời cám ơn trân trọng tới các quốc gia, các cá nhân, tổ chức quốc tế đã lên tiếng phản đối hành động xâm phạm nghiêm trọng này của phía Trung Quốc và ủng hộ yêu cầu hợp pháp và chính đáng của Việt Nam. Xin trân trọng cảm ơn các cơ quan báo chí, truyền thông trong và ngoài nước đã đưa tin trung thực, khách quan, làm rõ các hành vi sai trái của phía Trung Quốc.
II. TRẢ LỜI
1. Trả lời các câu hỏi của phóng viên về các biện pháp đấu tranh của Việt Nam với đối với hành vi sai trái của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Việt Nam đã và đang kiên trì đối thoại, tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Trung Quốc ở nhiều cấp độ, dưới nhiều hình thức, phản đối mạnh mẽ hành vi sai trái của phía Trung Quốc và nỗ lực giải quyết bất đồng giữa hai nước.
Việt Nam kiên trì, quyết tâm bảo vệ chủ quyền của đất nước, kiên quyết yêu cầu Trung Quốc phải rút giàn khoan, các tàu và máy bay ra khỏi khu vực. Đồng thời, Việt Nam thể hiện hết sức kiềm chế với phương châm phản đối việc sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.”
2. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết vụ việc giàn khoan Hải Dương – 981 ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động hợp tác giữa Việt Nam và Trung Quốc trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Chúng tôi khẳng định Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị và đối tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc nhưng cũng cho rằng quan hệ hai bên chỉ có thể phát triển tốt đẹp trên cơ sở tôn trọng quyền lợi chính đáng của nhau cũng như thực sự thiện chí trong việc cùng nhau xử lý các bất đồng. Rõ ràng các hành động của phía Trung Quốc đã ảnh hưởng đến sự tin cậy chính trị, các mặt hợp tác giữa hai nước và làm tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn cố gắng duy trì các hoạt động các hợp tác bình thường vì lợi ích của nhân dân hai nước.”
3. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết liệu Việt Nam đã thông báo vụ việc cho Tổng Thư ký Liên hợp quốc và đưa vấn đề ra các thiết chế của Liên hợp quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Việc xử lý và giải quyết tranh chấp ở Biển Đông vì hòa bình, ổn định ở khu vực là lợi ích của mọi quốc gia trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh các nước đang nỗ lực tìm kiếm các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp, trong đó có việc thúc đẩy tham vấn tích cực và thực chất để tiến tới đạt Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), vụ việc đã làm phức tạp tình hình, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực.
Trước tình hình đó, với chủ trương sử dụng mọi biện pháp phù hợp luật pháp quốc tế để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình, ngày 7/5/2014, Việt Nam đã cho lưu hành tại Liên hợp quốc Công hàm phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển của Việt Nam.”
4. Trả lời câu hỏi của phóng viên về các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phản đối hành vi sai trái của Trung Quốc, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định:
“Người Việt Nam, dù ở trong nước hay nước ngoài, đều có lòng nồng nàn yêu nước và sự trăn trở đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước. Trong những ngày qua, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đã thể hiện tinh thần yêu nước và quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước. Đảng, Nhà nước và nhân dân trong nước rất trân trọng và xúc động đối với tinh thần yêu nước và sự đoàn kết của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc.”
5. Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước hành vi phá hoại của một số đối tượng tại Bình Dương và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nước ngoài ở Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình cho biết:
“Xin khẳng định một số đối tượng đã lợi dụng việc tuần hành ôn hòa để kích động, gây mất trật tự an ninh, ổn định. Ngay khi vụ việc xảy ra, các cơ quan chức năng Việt Nam đã nhanh chóng xử lý nghiêm khắc những đối tượng có các hành vi vi phạm pháp luật. Chúng tôi khẳng định sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết, làm hết sức mình để đảm bảo an toàn về người và tài sản, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho các doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương cũng như trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.”
6. Trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến vụ việc ở Hà Tĩnh, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết:
“Theo các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh, đây là vụ ẩu đả do mâu thuẫn giữa hai nhóm công nhân, có một người bị chết và một số người bị thương. Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Hà Tĩnh đang khẩn trương xác minh vụ việc, bắt giữ các đối tượng gây rối và đưa những người bị thương vào bệnh viện.”
7. Tại cuộc họp báo, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cũng đã thông tin về kết quả vòng 18 Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ (11-12/5/2014):
“Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ lần thứ 18 đã diễn ra trong hai ngày 11-12/5/2014 tại thủ đô Washington, Hoa Kỳ. Hai bên đã trao đổi thẳng thắn về những vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, quyền của người lao động, người khuyết tật, nhà nước pháp quyền cũng như tăng cường hợp tác đa phương về nhân quyền. Phía Việt Nam đã thông tin đầy đủ, cởi mở về các nỗ lực, chính sách và thành tựu trong việc bảo đảm các quyền con người ở Việt Nam; trao đổi thẳng thắn, thực chất về một số quan tâm mà phía Hoa Kỳ nêu; đồng thời nêu rõ sẵn sàng trao đổi, hợp tác tại các cơ chế đa phương về nhân quyền, trong đó có Hội đồng Nhân quyền mà Việt Nam và Hoa Kỳ cùng là thành viên.
Đối thoại nhân quyền Việt Nam – Hoa Kỳ là cơ chế có tính chất xây dựng, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau, nhằm giúp hai nước tăng cường hiểu biết, thu hẹp khác biệt về lĩnh vực nhân quyền, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ.”
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |
Các tin liên quan: |
|