Họp báo thường kỳ lần thứ 4 năm 2017
Ngày 20/4/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I. THÔNG BÁO
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Campuchia và Lào (24-27/4/2017)
Nhận lời mời của Thủ tướng Vương quốc Campuchia Hun Xen và Phu nhân và Thủ tướng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thoong-lun Xi-xu-lít và Phu nhân, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ thăm chính thức Vương quốc Campuchia từ ngày 24-25/4/2017 và thăm chính thức nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào từ ngày 26-27/4/2017. Đây là chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ và cũng là hoạt động đối ngoại quan trọng chào mừng Năm hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2017 nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia và Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam – Lào 2017 nhân kỷ niệm 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào.
Các chuyến thăm lần này thể hiện sự coi trọng của Việt Nam với quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào và quan hệ láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện Việt Nam – Campuchia, qua đó tạo động lực góp phần đưa quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Lào, Campuchia lên tầm cao mới.
Tại Campuchia, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có cuộc hội đàm với Thủ tướng Hun Xen nhằm trao đổi các biện pháp lớn tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực hai bên có thế mạnh như giáo dục-đào tạo, du lịch, viễn thông, hàng không, ngân hàng… cũng như sẽ trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ chào Quốc vương Nô-rô-đôm Xi-ha-mô-ni, hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Xay Chum, Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom Rin.
Trong chuyến thăm chính thức Lào, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Lào Thoong-lun Xi-xu-lít sẽ trao đổi các biện pháp đẩy mạnh hơn nữa các lĩnh vực hợp tác quan trọng trong quan hệ giữa hai nước như kinh tế, thương mại – đầu tư, năng lượng, viễn thông, giao thông – vận tải.. cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực hai bên cùng quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng sẽ đến chào Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Bun-nhăng Vo-la-chít, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Pa-ny Da-tô-thu, Thường trực Ban bí thư, Phó Chủ tịch nước Lào Phăm-khăm Vi-pha-văn.
2. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao lần thứ 30 được tổ chức tại Philipines (28-29/4/2017)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 được tổ chức tại Ma-ni-la, Phi-líp-pin từ ngày 28-29/04/2017. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ cùng Lãnh đạo các nước ASEAN rà soát tình hình và phương hướng triển khai xây dựng Cộng đồng ASEAN, bàn các biện pháp tăng cường quan hệ đối ngoại và vai trò trung tâm của ASEAN cũng như trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ có các bài phát biểu tại các phiên họp toàn thể, phiên họp hẹp của Hội nghị và tại các cuộc Đối thoại giữa các nhà Lãnh đạo ASEAN với Liên minh Nghị viện ASEAN và Thanh niên. Dự kiến trong thời gian tham dự Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương với Lãnh đạo một số nước thành viên ASEAN.
3. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm chính thức Hoa Kỳ (20-21/4/2017)
Nhận lời mời của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đang có chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ từ ngày 20-21/4/2017.
Trong chuyến thăm Hoa Kỳ lần này, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ, trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, qua đó góp phần tăng cường hợp tác trên cả ba cấp độ song phương, khu vực và quốc tế theo hướng thực chất, cùng có lợi.
4. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thăm làm việc tại Ai-len và Anh (21-26/4/2017)
Nhận lời mời của Chính phủ Ai-len và Chính phủ Vương quốc Anh, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng sẽ thăm làm việc tại Ai-len từ 21-23/4/2017 và tại Vương quốc Anh từ 24-26/4/2017.
Chuyến thăm làm việc tại Ai-len của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhằm thúc đẩy triển khai kết quả chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Ai-len vào tháng 11/2016 vừa qua đồng thời trao đổi các biện pháp nhằm tăng cường hợp tác với Ai-len trong các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, năng lượng gió, nông nghiệp thực phẩm… Dự kiến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ chào Tổng thống Ai-len, làm việc với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại và Bộ trưởng Nông nghiệp, Thực phẩm và Hải dương Ai-len.
Tại Anh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ trao đổi với phía Anh các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Anh phát triển thực chất, hiệu quả trong thời gian tới, nhất là trong các lĩnh vực thương mại – đầu tư, cơ sở hạ tầng, bất động sản, năng lượng, môi trường… đồng thời trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Dự kiến, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ có các cuộc gặp với Công tước xứ York-Hoàng tử Andrew, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Thương mại quốc tế và Quốc vụ khanh thứ nhất Bộ Tài chính Anh.
5. Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ăng-gô-la Georges Rebelo Chikoti thăm chính thức Việt Nam (23-26/4/2017)
Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ăng-gô-la Georges Rebelo Chikoti sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 23-26/4/2017 theo lời mời của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ăng-gô-la Georges Rebelo Chikoti sẽ có cuộc hội đàm với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhằm trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ Việt Nam – Ăng-gô-la trong một số lĩnh vực quan trọng như chính trị, ngoại giao, kinh tế… cũng như các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Dự kiến, Bộ trưởng Ngoại giao Cộng hòa Ăng-gô-la Georges Rebelo Chikoti sẽ đến chào Chủ tịch nước Trần Đại Quang, gặp Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, gặp gỡ các doanh nghiệp có nhu cầu hợp tác với Ăng-gô-la…
6. Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (30/4 - 24/6/2017)
Tiếp nối thành công của các Lễ hội pháo hoa các năm trước, Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức Lễ hội Pháo hoa quốc tế (DIFF) 2017 từ ngày 30/4 đến ngày 24/6/2017. Đây là lần thứ 8 Lễ hội pháo hoa được tổ chức tại Đà Nẵng, quy tụ các đội pháo hoa hàng đầu trên thế giới. Các đội pháo hoa đến từ các nước Úc, Áo, Trung Quốc, Ý, Nhật Bản, Thuỵ Sĩ. Lễ hội sẽ là dịp để người dân Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng giao lưu, trao đổi các nét đẹp văn hóa với bạn bè quốc tế, đặc biệt là các nước có đội pháo hoa đại diện cho quốc gia mình tham gia thi đấu.
Bên cạnh các màn trình diễn pháo hoa, các đoàn nghệ thuật từ 07 quốc gia có đội thi cũng sẽ đến biểu diễn tại Đà Nẵng tại một số sự kiện phụ trợ như: Lễ hội đường phố, Lễ hội ẩm thực và các chương trình biểu diễn nghệ thuật khác.
II. TRẢ LỜI CÂU HỎI
1. Xin cho biết quá trình điều tra vụ việc sát hại bé Nhật Linh đạt được tiến triển gì? Cảnh sát đã thu thập được bằng chứng để buộc tội nghi phạm Shibuya chưa?
Trả lời
Theo thông tin mới nhất từ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, hiện vụ việc đang được các cơ quan chức năng Nhật Bản điều tra, làm rõ những hành vi liên quan đến nghi phạm sát hại cháu Nhật Linh. Đại sứ quán giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng Nhật Bản theo dõi sát sao quá trình điều tra nhằm sớm đưa kẻ thủ ác ra xét xử. Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật khi có thông tin mới hơn.
2. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc bắn đạn thật với nội dung chính là đổ bộ chiếm đảo trên Biển Đông?
Trả lời
Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó các nước cần hành động trách nhiệm, xây dựng và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 vì hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
3. Trung Quốc sẽ tổ chức Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế “Vành đai và Con đường” vào trung tuần tháng 5, tuyên bố rằng đã mời đại diện lãnh đạo của 28 nước tham dự. Xin Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam đã nhận được lời mời hay chưa và có xác nhận sẽ cử đại diện tham dự hay không?
Trả lời
Tôi ghi nhận câu hỏi của bạn và sẽ trả lời và cung cấp các thông tin cụ thể vào thời gian thích hợp.
4. Vào tháng 5 tới, ASEAN và Trung Quốc sẽ họp bàn về bộ khung cho Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Xin cho biết các nội dung sẽ bàn thảo và Việt Nam đặt mục tiêu gì trong phiên họp này?
Trả lời
Cần khẳng định rằng lợi ích chung của tất cả các nước là duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN luôn nhất trí cần sớm có một Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) có tính tổng thể, ràng buộc, hiệu quả, hỗ trợ cho việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, trên cơ sở phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Trên tinh thần đó, là một thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm của ASEAN và cộng đồng quốc tế, Việt Nam đang nỗ lực cùng ASEAN và Trung Quốc thúc đẩy thảo luận thực chất nhằm sớm đạt được COC.
5. Việt Nam có hợp tác với Nhật Bản về khía cạnh pháp lý trong việc điều tra vụ việc tại cháu Nhật Linh không?
Trả lời
Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản đang giữ liên hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng của Nhật Bản, theo dõi sát sao quá trình điều tra nhằm sớm đưa kẻ thủ ác ra xét xử.
6. Chuyến thăm Mỹ của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh có phải để chuẩn bị cho chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng không?
Trả lời
Như tôi đã nói trong phần thông báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ hội đàm với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson để trao đổi các vấn đề hai bên cùng quan tâm, biện pháp thúc đẩy quan hệ Đối tác toàn diện thời gian tới trên cả ba bình diện song phương, khu vực và quốc tế.
Cũng cần nói thêm, kể từ khi Hoa Kỳ có chính quyền mới, quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ tiếp tục có bước tiến triển. Hai bên đã trao đổi các biện pháp thiết thực để thúc đẩy hơn nữa quan hệ song phương. Việc trao đổi các đoàn giữa hai bên đã được Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí như là một trong các biện pháp quan trọng nhằm thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng thực chất, cùng có lợi, trên cơ sở tôn trọng thể chế chính trị, độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau.
7. Trong vụ sát hại công dân Triều Tiên Kim Chol, Bộ Ngoại giao có bước đi như thế nào để bảo đảm công dân Đoàn Thị Hương được xét xử công bằng?
Trả lời
Các luật sư Malaysia và luật sư Việt Nam đang củng cố các lập luận, chứng cứ để bào chữa cho Đoàn Thị Hương trong phiên tòa sắp tới. Tôi cũng nhắc lại quan điểm của Việt Nam là Đoàn Thị Hương cần được xét xử công bằng, khách quan theo đúng quy định pháp luật của Malaysia và thông lệ quốc tế, đảm bảo các quyền lợi hợp pháp.
8. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về việc Tòa án quốc tế kết tội Tập đoàn hóa chất Monsanto hủy hoại môi trường Việt Nam?
Trả lời
Việt Nam hoan nghênh phán xét của Toà án quốc tế về Monsanto ngày 18/4/2017 kết luận Monsanto đã huỷ hoại môi trường Việt Nam. Đây là một thực tế khách quan về hậu quả chiến tranh nặng nề tại Việt Nam, nhất là do tác động lâu dài và nghiêm trọng của chất độc da cam/dioxin đã được sử dụng. Đề nghị Monsanto tôn trọng kiến nghị tham vấn của Toà án và sớm có những hành động thiết thực góp phần giải quyết hậu quả do chất độc da cam/dioxin để lại.
Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân Mỹ đã có những bước đi tích cực, hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh tại Việt Nam, trong đó có ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Các công ty Mỹ như Monsanto cũng cần có trách nhiệm giúp hỗ trợ khắc phục hậu quả chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
9. Xin cập nhật tình hình vừa qua tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức? Xin cho biết bình luận của Người Phát ngôn về vụ việc này?
Trả lời
Theo tôi được biết, các cơ quan chức của thành phố Hà Nội đang giải quyết theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Tôi cho rằng vụ việc cần được giải quyết theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật
10. Xin cho biết quan điểm về việc báo chí Philippines đưa phát biểu của Tổng thống Philippines Duterte sẽ cho quân đội chiếm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa?
Trả lời
Chúng tôi đang kiểm tra những thông tin này. Lập trường nhất quán của Việt Nam về vấn đề Biển Đông là mọi tranh chấp cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế. Trong khi chờ đợi tìm kiếm một giải pháp cơ bản và lâu dài cho tranh chấp, các bên cần kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình hay mở rộng tranh chấp, phù hợp với tinh thần và lời văn của Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |