HỌP BÁO THƯỜNG KỲ LẦN 5
Ngày 4/5/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I/ Thông báo
1. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2017 (Campuchia, 11-12/5/2017)
Nhận lời mời của Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Cờ-lau-xơ Sờ-oáp (Klaus Schwab), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN năm 2017 (Hội nghị WEF ASEAN 2017) được tổ chức tại Phnôm Pênh, Cam-pu-chia từ ngày 11-12/5/2017.
Với chủ đề “Thanh niên, Công nghệ và Tăng trưởng: Phát huy các lợi thế của ASEAN về nhân khẩu học và công nghệ số”, chương trình nghị sự của Hội nghị sẽ tập trung vào đánh giá tiến trình phát triển và hội nhập của ASEAN, những vấn đề đặt ra cho giai đoạn phát triển sắp tới của ASEAN. Hội nghị cũng sẽ thảo luận nhiều vấn đề phản ánh sự quan tâm của giới doanh nghiệp đối với ASEAN như định vị ASEAN trong bối cảnh mới về địa-chính trị và kinh tế toàn cầu, triển vọng Cộng đồng Kinh tế ASEAN, các tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các nước ASEAN trong lĩnh vực giáo dục, lao động, năng lực cạnh tranh, kinh tế số…
Việt Nam tham gia Hội nghị WEF ASEAN 2017 nhằm quảng bá hình ảnh một nền kinh tế năng động, quyết tâm cải cách và hội nhập quốc tế, chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển; góp phần khẳng định vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN và khu vực; thúc đẩy quan hệ hợp tác đang phát triển tích cực giữa Việt Nam và WEF. Trong khuôn khổ Diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ sẽ tham dự và phát biểu tại Phiên khai mạc toàn thể và Phiên bế mạc Hội nghị, Phiên đối thoại giữa các nhà lãnh đạo; tham dự các phiên làm việc với Nhóm Chiến lược khu vực ASEAN, Tọa đàm với lãnh đạo các doanh nghiệp WEF về kinh tế Việt Nam, Phiên thảo luận đặc biệt về Việt Nam…
2. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thăm Nhật Bản và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản (8-10/5/2017)
Nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Phư-mi-ô Ki-si-đa (Fumio Kishida), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ thăm Nhật Bản và đồng chủ trì Phiên họp lần thứ 9 Ủy ban Hợp tác Việt Nam – Nhật Bản (UBHT) từ ngày 08-10/5/2017.
Hai bên tổ chức Phiên họp lần thứ 9 UBHT Việt Nam – Nhật Bản nhằm trao đổi các biện pháp cụ thể để triển khai các thỏa thuận của Lãnh đạo cấp cao hai nước, tiếp tục thúc đẩy “Quan hệ Đối tác Chiến lược sâu rộng Việt– Nhật” phát triển toàn diện, thực chất trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, an ninh-quốc phòng, kinh tế, thương mại, nông nghiệp, văn hóa giáo dục... Đồng thời, đây cũng là dịp hai bên trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ đến chào xã giao Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, gặp Chủ tịch Liên minh nghị sĩ hữu nghị Nhật – Việt, Chủ tịch Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)…
3. Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh thăm chính thức Mông Cổ, thăm làm việc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Nhật Bản (08-15/5/2017)
Từ ngày 08-15/5/2017, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ thăm chính thức Mông Cổ, thăm làm việc Nhật Bản và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu tại Tô-ki-ô, Nhật Bản.
Chuyến thăm chính thức Mông Cổ trong 02 ngày 08 và 09/5/2017 của Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác hữu nghị truyền thống cùng có lợi với Mông Cổ, thúc đẩy hợp tác kinh tế, mở rộng quy mô thương mại, tăng cường hợp tác lao động, giáo dục, văn hóa, du lịch… Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ Hội đàm với Thủ tướng Mông Cổ, chào xã giao Tổng thống Mông Cổ, gặp Lãnh đạo Quốc hội Mông Cổ, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Mông Cổ - Việt Nam, tham dự và phát biểu tại Găp gỡ doanh nghiệp Việt Nam – Mông Cổ…
Tại Nhật Bản, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu được tổ chức tại Tô-ki-ô, Nhật Bản và thăm làm việc tại Nhật Bản từ 11 – 15/5/2017.
Với chủ đề “Thúc đẩy hơn nữa học thuyết Kinh tế phụ nữ: Tăng cường cơ hội cho phụ nữ”, Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu sẽ tập trung thảo luận về đẩy mạnh cơ hội lãnh đạo doanh nghiệp cho phụ nữ, thúc đẩy tăng trưởng của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, mở rộng thị trường toàn cầu cho phụ nữ làm kinh doanh, khuyến khích phụ nữ tham gia các ngành công nghệ, tăng cường các chính sách hỗ trợ phụ nữ.
Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng sẽ thăm làm việc Nhật Bản nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng với Nhật Bản, đặc biệt trong các lĩnh vực kinh tế, lao động, nông nghiệp, qua đó thúc đẩy hợp tác địa phương, hợp tác giữa doanh nghiệp hai nước, thu hút đầu tư du khách của Nhật Bản vào Việt Nam. Trong khuôn khổ chuyến thăm, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh sẽ gặp Vua và Hoàng hậu, Hoàng Thái Tử, Lãnh đạo Quốc hội Nhật Bản, thăm làm việc tại tỉnh Phư-cư-ô-ka, tham dự và phát biểu tại chương trình Gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam - Phư-cư-ô-ka, gặp gỡ Tổ chức thúc đẩy quốc tế hóa kinh tế và Hội hữu nghị Kiu-Siu – Việt Nam…
4. Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan (Hà Nội, 09 - 18/5/2017)
Hội nghị lần thứ hai các quan chức cao cấp APEC (SOM 2) và các cuộc họp liên quan sẽ được tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 09 - 18/5/2017, nhằm tiếp tục thúc đẩy triển khai các nội dung hợp tác then chốt của APEC và các ưu tiên được thông qua tại Hội nghị SOM 1; đồng thời, thống nhất hướng xây dựng các văn kiện trình Lãnh đạo Cấp cao (tháng 11/2017) và các Hội nghị Bộ trưởng năm 2017 thông qua. Hội nghị SOM 2 gồm năm nhóm sự kiện chính, cụ thể:
(i) 49 cuộc họp, hội thảo của các ủy ban và nhóm công tác (ngày 09 – 16/5) nhằm chuẩn bị nội dung cho Hội nghị SOM 2.
(ii) Đối thoại nhiều bên về hợp tác APEC hướng tới 2020 và tương lai (ngày 16/5) lần đầu tiên được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam nhằm tập trung xác định các biện pháp đẩy mạnh hoàn tất Mục tiêu Bogor đúng thời hạn 2020 và các bước tiếp theo để xây dựng tầm nhìn APEC sau 2020.
(iii) Cuộc họp Mạng lưới các Trung tâm nghiên cứu APEC (12-13/5).
(iv) Cuộc họp Ủy ban điều hành và Hội nghị toàn thể của Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC) (ngày 14 – 15/5) thảo luận về triển vọng tăng trưởng và liên kết kinh tế châu Á – Thái Bình Dương, động lực mới cho tăng trưởng và liên kết kinh tế, Chương trình nghị sự châu Á – Thái Bình Dương về kinh tế số/kinh tế mạng, thách thức và cơ hội trong quản trị toàn cầu.
(v) Hội nghị SOM 2 (ngày 17 – 18/5) sẽ thảo luận nội dung các văn kiện quan trọng của APEC trong năm 2017; triển khai các ưu tiên từ kết quả Hội nghị SOM 1 và đề xuất định hướng tiếp theo tới Hội nghị SOM 3; kết quả Đối thoại Cấp cao về Phát triển nguồn nhân lực và các vấn đề khác của APEC.
Trong dịp này cũng sẽ diễn ra Đối thoại chính sách cao cấp về phát triển nguồn nhân lực trong kỷ nguyên số (ngày 14-15/5) và Hội nghị các Bộ trưởng phụ trách Thương mại (MRT) (ngày 19-21/5).
5. Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ, Đối thoại ASEAN –Mỹ lần thứ 30 và Đối thoại ASEAN –Canada lần thứ 14
¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬¬ Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN – Mỹ được tổ chức từ ngày 03-04/5/2017 tại Washington DC. Hội nghị lần này là dịp quan trọng để các nước ASEAN và Mỹ thảo luận nhằm tăng cường quan hệ ASEAN – Mỹ; chuẩn bị cho các hoạt động cấp cao giữa ASEAN – Mỹ từ này đến cuối năm 2017, nhất là Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN – Mỹ. Trước Hội nghị này sẽ diễn ra cuộc họp Đối thoại các Quan chức cấp cao ASEAN – Mỹ lần thứ 30.
Đối thoại ASEAN – Canada lần thứ 14 sẽ diễn ra tại Ottawa, Canada từ ngày 7-8/5/2017. Nội dung chính của cuộc họp này tập trung vào việc rà soát và thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ASEAN – Canada; trao đổi về các hoạt động kỷ niệm 40 năm quan hệ ASEAN – Canada, trong đó khả năng tổ chức Hội nghị Cấp cao kỷ niệm vào tháng 11/2017 tại Philippines; trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cần quan tâm.
Đoàn Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng làm trưởng đoàn sẽ tham dự các Hội nghị, Đối thoại lần này, qua đó thể hiện vai trò chủ động, tích cực và có trách nhiệm của Việt Nam trong ASEAN, góp phần thúc đẩy quan hệ ASEAN – Mỹ, ASEAN – Canada.
II/ Trả lời phóng viên
1. Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 30 vừa kết thúc tại Philippines, trong Tuyên bố không đề cập đến 3 cụm từ “quân sự hóa”, “xây đảo” và “tôn trọng đầy đủ tiến trình ngoại giao và pháp lý”. Xin cho biết phản ứng của Việt Nam về Tuyên bố không có các cụm từ trên?
Trả lời
Trước hết, tôi xin giải thích rõ, đây là Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị, không phải là Tuyên bố chung của Hội nghị.
Về vấn đề Biển Đông, Tuyên bố Chủ tịch đã nêu được lập trường chung, nhất quán của ASEAN, cụ thể là các nước có trách nhiệm hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Như tôi đã đề cập ở trên, đây là Tuyên bố của Chủ tịch. Do đó, nội dung được Chủ tịch tham vấn và đưa vào mức độ như thế nào là do Chủ tịch quyết định.
2. Ngày 2/5, theo thông tin của báo chí nước ngoài, đã diễn ra họp kín về 11 nước thành viên TPP không có Mỹ. Xin cho biết quan điểm Việt Nam về cuộc họp TPP không có Mỹ?
Trả lời
Việt Nam coi việc tham gia TPP và các FTA khác là một trong các bước triển khai chủ trương chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng và toàn diện, hoàn thiện hệ thống pháp luật và thể chế kinh tế thị trường, tạo động lực mới để phát triển, đồng thời đóng góp vào xu thế hội nhập và liên kết kinh tế khu vực.
Theo đó, Việt Nam sẽ tiếp tục quá trình đổi mới, đẩy mạnh chuẩn bị trong nước, để bảo đảm thực thi hiệu quả các cam kết của các FTA mà Việt Nam đã và sẽ tham gia. Việt Nam cũng sẽ cùng các nước thành viên TPP trao đổi thống nhất các định hướng trong tương lai.
3. Trung Quốc tự ban hành quy chế cấm đánh bắt cá tại Biển Đông từ 1/5 – 16/8/2017. Theo đó, ngư dân không được đánh bắt trên Biển Đông. Xin cho biết quan điểm của Việt Nam về vấn đề này?
Trả lời
Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.
Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quyết định đơn phương này của Trung Quốc vì đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại tinh thần và lời văn của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký giữa ASEAN và Trung Quốc năm 2002, không phù hợp với xu thế phát triển của quan hệ hai nước trong bối cảnh hiện nay, không có lợi cho duy trì hòa bình và ổn định ở khu vực.
4. Xin cho biết trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ sắp tới của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc? Liệu hai nước có kế hoạch nào để thúc đẩy các hoạt động hợp tác quân sự giữa hai nước, đặc biệt là trong linh vực trao đổi và mua bán vũ khí?
Trả lời
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã có thư mời Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Hoa Kỳ. Nội dung cụ thể của chuyến thăm đang được hai bên thu xếp.
5. Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đang trở nên thân thiết hơn sẽ ảnh hưởng như thế nào đến lập trường Việt Nam? Liên quan đến vấn đề Biển Đông, Việt Nam có lo ngại chính quyền Trump sẽ không phản ứng cản trở đối với hành động của Trung Quốc ở Biển Đông? Việt Nam có thấy bị cô lập khi nhiều nước khu vực đang ngày càng thân thiện hơn với Trung Quốc?
Trả lời
Việt Nam chủ trương đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, tích cực chủ động hội nhập quốc tế, là bạn và đối tác tin cậy của các nước trên thế giới. Việt Nam ủng hộ các nước hợp tác vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và thịnh vượng ở khu vực cũng như trên thế giới.
Chúng tôi cũng cho rằng duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở khu vực Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước trong và ngoài khu vực. Theo đó, các nước cần cùng nhau bảo vệ và thực hiện mục tiêu chung này, kiên trì giải quyết vấn đề Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, tuân thủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý, Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).
6. Tuyên bố Chủ tịch ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN 30 vừa qua chưa có Tuyên bố rõ ràng về Biển Đông. Và nhiều năm nay chưa có Tuyên bố chung đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Sự thiếu đồng thuận này có thể hiểu là có một số nước không muốn đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự. Các nước chưa đưa ra một mặt trận thống nhất phản đối Trung Quốc về việc quân sự hóa tại Biển Đông. Xin đưa ra bình luận về vấn đề này?
Trả lời
Như tôi đã đề cập ở câu trả lời trước, trong Hội nghị Cấp cao ASEAN 30, vấn đề Biển Đông đã được đề cập.
Các nước ASEAN đã thống nhất lập trường chung, nhất quán là có trách nhiệm hợp tác duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, kiềm chế, không đe dọa và sử dụng vũ lực, tôn trọng đầy đủ các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982, thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và hướng tới Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
____________
Back Top page Print Email |