Họp báo thường kỳ lần thứ 13
Ngày 21/9/2017, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã chủ trì buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Việt Nam, nội dung cụ thể như sau:
I/ Thông Báo
1. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dự Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 72
Phiên thảo luận cấp cao khóa 72 Đại hội đồng Liên hợp quốc diễn ra từ ngày 19-25/9/2017, tập trung vào mục tiêu thúc đẩy thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững và các thỏa thuận toàn cầu. Các nước thành viên tiếp tục coi trọng, đề cao vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong điều phối ứng phó với các thách thức toàn cầu.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh tham dự và phát biểu tại Phiên thảo luận cấp cao của Liên hợp quốc, tham dự các cuộc họp của Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN tại Liên hợp quốc, dự kiến sẽ có các cuộc tiếp xúc song phương bên lề như gặp Tổng Thư ký Liên hợp quốc và trưởng đoàn một số nước khác.
Trong thời gian qua, hợp tác Việt Nam – Liên hợp quốc có bước phát triển mới. Lãnh đạo Liên hợp quốc coi trọng và đánh giá cao quan hệ với Việt Nam (Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã gặp Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại New York tháng 5/2017). Việt Nam được đánh giá là một điển hình thành công trong hợp tác phát triển giữa Liên hợp quốc và các nước, hiện đang đảm nhiệm vai trò thành viên Hội đồng Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016 – 2018, Hội đồng chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2016 – 2019; tích cực tham gia các tiến trình quan trọng của Liên hợp quốc (cải tổ Liên hợp quốc, giải trừ quân bị). Đặc biệt hơn nữa, năm nay cũng đánh dấu 40 năm Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc.
2. Thủ tướng Hungary thăm chính thức
Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Hung-ga-ri Ô-rơ-ban Vích-tô (Orbán Viktor) sẽ thăm chính thức Việt Nam từ ngày 24-26/9/2017.
Dự kiến, Thủ tướng Hung-ga-ri Ô-rơ-ban Vích-tô sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Trần Đại Quang, hội đàm với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, và tham dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam – Hung-ga-ri. Tại các cuộc gặp, hai bên sẽ trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là các lĩnh vực kinh tế - thương mại, đầu tư, giáo dục – đào tạo, y tế, môi trường, giáo dục – đào tạo, an ninh – quốc phòng, văn hóa du lịch; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm.
3. Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11
Trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, từ ngày 21-22/9/2017 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An diễn ra Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An tổ chức.
Việc tổ chức Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11 nhằm xây dựng kế hoạch, định hướng phát triển khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai tại các nền kinh tế APEC; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát, tăng cường sự chủ động ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.
Dự kiến, Hội nghị có khoảng 200 đại biểu đến từ các nền kinh tế APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp và các quan chức cao cấp của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam.
4. Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp phụ nữ và kinh tế trong APEC
Nằm trong khuôn khổ hoạt động của năm APEC 2017, từ ngày 26/9 – 29/9/2017 tại thành phố Huế. Với chủ đề “Tăng cường sự hội nhập và nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong một thế giới thay đổi”, Hội nghị nhằm đóng góp vào nỗ lực chung của APEC, đồng thời, cũng tiếp tục triển khai các khuyến nghị của các Nhà Lãnh đạo Kinh tế APEC năm 2016 về hội nhập hiệu quả kinh tế, tài chính và xã hội, nâng cao quyền năng của phụ nữ cũng như tiếp cận bình đẳng của phụ nữ với nền giáo dục có chất lượng và các nguồn lực kinh tế.
Trong khuôn khổ Hội nghị sẽ diễn ra 3 sự kiện chính thức gồm:Hội nghị đối tác chính sách về phụ nữ và kinh tế APEC lần thứ hai (PPWE) ngày 26-27/9, Đối thoại công tư về Phụ nữ và Kinh tế ngày 28/9, Đối thoại chính sách cao cấp APEC về Phụ nữ và Kinh tế ngày 29/9, ngoài ra còn có nhiều sự kiện bên lề khác bao gồm hội nghị, hội thảo chuyên đề, diễn đàn và sự kiện văn hóa.
Dự kiến, sẽ có khoảng hơn 700 đại biểu tham dự Diễn đàn đến từ các nền kinh tế thành viên APEC, các tổ chức quốc tế, khối doanh nghiệp, Lãnh đạo cấp cao và quan chức của các bộ, ngành, địa phương Việt Nam. Hội nghị do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Ủy ban Thư Ký Quốc gia APEC 2017 tổ chức.
5. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính (FMM) và các cuộc họp liên quan
Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC và các Hội nghị liên quan sẽ diễn ra từ ngày 19-21/10 tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Dự kiến tham dự Hội nghị sẽ có khoảng 300 đại biểu quốc tế và trong nước, trong đó có các Bộ trưởng Tài chính, lãnh đạo cơ quan tài chính và lãnh đạo Ngân hàng Trung ương của 21 nền kinh tế thành viên, lãnh đạo cấp cao của các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) và Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD).
Tại Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ thảo luận tình hình kinh tế vĩ mô và tài chính toàn cầu và khu vực; xem xét kết quả tiến trình hợp tác tài chính về bốn chủ đề ưu tiên hợp tác trong năm 2017, bao gồm: (i) Đầu tư dài hạn cho cơ sở hạ tầng; (ii) Xói mòn cơ sở thuế và dịch chuyển lợi nhuận; (iii) Tài chính và Bảo hiểm rủi ro thiên tai; và (iv) Tài chính bao trùm; phiên đối thoại với Hội đồng Tư vấn Doanh nghiệp APEC (ABAC) và một số nội dung khác.
Vào chiều ngày 21/10, sau khi bế mạc Hội nghị, các Bộ trưởng sẽ có cuộc họp báo quốc tế công bố Tuyên bố chung của các Bộ trưởng Tài chính APEC thể hiện quan điểm về các vấn đề liên quan đến hợp tác tài chính khu vực, các chủ đề hợp tác ưu tiên trong năm, và định hướng của Tiến trình Bộ trưởng Tài chính APEC trong thời gian tới.
Phóng viên Việt Nam và nước ngoài tham dự đưa tin Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11, Hội nghị Đối thoại chính sách cao cấp phụ nữ và kinh tế trong APEC, Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và các cuộc họp liên quan cần đăng ký trực tuyến tại trang www.apec2017.vn.
II/ Trả lời câu hỏi
1. Đề nghị cập nhật thông tin liên quan đến vụ việc công dân Việt Nam Nguyễn Quốc Phi ở Đài Loan.
Ngày 8/9/2017, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao đã có cuộc gặp với đại diện Văn phòng Kinh tế và Văn hóa Đài Bắc tại Hà Nội, đã trao đổi về vụ việc và đề nghị phía Đài Loan sớm điều tra làm sáng tỏ vụ việc và tạo điều kiện cho gia đình người bị nạn giải quyết hậu sự. Văn phòng cũng đã cấp thị thực khẩn cho người nhà nạn nhân sang lo hậu sự.
Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đã làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng Đài Loan và đề nghị phía Đài Loan khẩn trương điều tra, xử lý nghiêm vụ việc và thông báo cho Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc. Văn phòng Kinh tế - Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc đang tiếp tục theo dõi sát sao vụ việc và sẵn sàng các biện pháp bảo hộ công dân cần thiết, trong đó có quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
2. Đối với việc Liên hợp quốc ra lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên gần đây, Việt Nam đã cụ thể hóa lệnh trừng phạt này như thế nào?
Là thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế, Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, trong đó có các nghị quyết liên quan đến Triều Tiên.
3. Đề nghị Bộ Ngoại giao cập nhật tình hình người Việt Nam tại Mê-hi-cô sau cơn động đất vừa qua.
Trước tiên, tôi xin gửi lời chia buồn và cảm thông sâu sắc đến Chính phủ và nhân dân Mê-hi-cô và những gia đình những nạn nhân của trận động đất vừa qua. Ngày 20/09/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có điện chia buồn gửi đến Ngài Tổng thống Liên bang Mê-hi-cô Ên-ri-kê Pê-nha Ni-ê-tô. Cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gửi điện chia buồn đến Bộ trưởng Ngoại giao Mê-hi-cô Lu-ít Vi-đê-ga-ray Ca-xô.
Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô, hiện chưa có công dân bị thương trong trận động đất. Tuy nhiên, một số căn hộ của công dân Việt Nam bị hỏng hóc. Những công dân này đã được Đại sứ quán hỗ trợ thu xếp chỗ ăn, ở.
Đại sứ quán Việt Nam tại Mê-hi-cô đang nỗ lực giữ liên lạc và tiến hành các biện pháp bảo hộ công dân cao nhất để đảm bảo an toàn cũng như sinh hoạt cho cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc tại Mê-hi-cô. Đại sứ quán cũng đã ngay lập tức mở các đường dây nóng trực 24/24h để sẵn sàng hỗ trợ kịp thời các công dân cần giúp đỡ./.
Quay lại Đầu trang In trang Gửi mail |